Thực trạng những người trẻ tự tử tại Thung lũng Silicon

    TVD,  

    Có những áp lực thành công rất lớn tại thung lũng Silicon, khiến cho những người trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi và tìm tới cái chết.

    Jeremy Lin là một vận động viên bóng rổ Nhà nghề Mỹ, nổi tiếng với vị trí hậu vệ dẫn bóng tại đội tuyển Hornets Charlotte. Tuy nhiên trong quá khứ, ít người biết rằng Jeremy đã phải đối mặt với những áp lực thành công vô cùng lớn khi theo học tại một trường trung học tại thành phố Palo Alto, thuộc Thung lũng Silicon.

    Sau khi một bài báo được đăng trên tạp chí The Atlantic, nói về xu hướng tự sát tại Thung lũng Silicon, Jeremy đã thú nhận sự thật này. Anh kể lại rằng đã từng thấy những người bạn của mình phải chịu áp lực rất lớn mà dẫn tới hành vi cực đoan, đó là tự sát.

     Jeremy Lin là một vận động viên bóng rổ, nhưng ít ai biết rằng anh đã từng học tại Harvard và sống tại Thung lũng Silicon.

    Jeremy Lin là một vận động viên bóng rổ, nhưng ít ai biết rằng anh đã từng học tại Harvard và sống tại Thung lũng Silicon.

    Jeremy đã viết trên trang Facebook của mình: “Là một người lớn lên ở Vùng Vịnh, tôi vẫn luôn tự hào được sinh ra và lớn lên tại Palo Alto. Như nhiều người khác, tôi cũng đã đọc bài viết The Silicon Valley Suicides trên tạp chí The Atlantic và nó khiến tôi nhớ lại những gì mà mình cũng đã từng phải trải qua tại trường Trung học Palo Alto”.

    Anh tiếp tục chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn mà phải rất cố gắng để có thể đạt được thành tích tốt trong việc học tập của mình: “Tôi nhớ rõ khi mới bắt đầu bước vào trường trung học, với một niềm tin to lớn rằng điểm trung bình của tôi trong 4 năm tiếp theo sẽ quyết định cuộc sống trong tương lai của tôi.

    Suy nghĩ trong đầu tôi mỗi ngày chỉ là các bài tập, bài kiểm tra, bài luận và chúng có thể dẫn đến sự khác biệt rất lớn. Sự khác biệt giữa một trường đại học có tiếng hay chỉ là một trường đại học tầm thường. Sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau”.

    Jeremy đã viết về việc anh không thể ngủ vào ban đêm, bị ám ảnh bởi lớp học, các bài tập và kỳ thi. Nhiều lần anh đã thức dậy khi còn ướt đẫm mồ hôi vì gặp phải ác mộng.

     Bài báo The Silicon Valley Suicides trên tạp chí The Atlantic nói về thực trạng giới trẻ tự sát tại Thung lũng Silicon.

    Bài báo The Silicon Valley Suicides trên tạp chí The Atlantic nói về thực trạng giới trẻ tự sát tại Thung lũng Silicon.

    Trong những gì đã viết ra, Jeremy cũng nhắc đến việc tự sát. Đó là những sự việc anh đã thấy. khi một người bạn cùng lớp của anh đã tự sát sau khi hoàn thành năm học đầu tiên và một người bạn khác cũng đã tự sát trong năm tiếp theo.

    Câu chuyện của Jeremy Lin cho chúng ta thấy một sự thật tại Thung lũng Silicon, đó là áp lực từ sự thành công của những tỷ phú công nghệ khiến cho những người trẻ tuổi bị áp đặt phải làm được những điều tương tự. Chính vì thế mà họ phải rất nỗ lực để có thể trở nên xuất sắc nhất và được tuyển vào một trường đại học danh giá, từ đó mới có hy vọng để làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Chính điều đó đã vô tình khiến những người trẻ tuổi như Jeremy Lin phải sống trong sự căng thẳng và lo sợ, lo sợ rằng mình sẽ thất bại. Và nỗi sợ đó khiến họ chạy đua không ngừng nghỉ cho đến khi kiệt sức. Những người không chịu nổi áp lực đó đã tìm đến một sự giải thoát, đó chính là tự sát.

    Đó là thực trạng đang xảy ra tại Thung lũng Silicon, theo những gì bài báo The Silicon Valley Suicides trên tạp chí The Atlantic đã viết. Mặc dù đó cũng chỉ là một số ít những người có suy nghĩ quá tiêu cực, tuy nhiên chính quyền các thành phố và nhà trường cũng không thể làm ngơ trước thực trạng này.

     Jeremy Lin chia sẻ về những gì mình đã phải trải qua khi phải chịu những áp lực thành công tại Thung lũng Silicon.

    Jeremy Lin chia sẻ về những gì mình đã phải trải qua khi phải chịu những áp lực thành công tại Thung lũng Silicon.

     

    Dưới đây là toàn bộ bài viết của Jeremy Lin về những gì mà anh đã phải trải qua khi còn học tại trường Trung học Palo Alto:

    “Là một người lớn lên ở Vùng Vịnh, tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào khi được sống tại Palo Alto - thành phố tuyệt vời nhất trên thế giới. Giống như nhiều người khác, tôi cũng đã đọc bài báo The Silicon Valley Suicides của tạp chí The Atlantic và nó khiến tôi nhớ lại những gì mình đã từng trải qua tại trường Trung học Palo Alto.

    Áp lực phải thành công tại trường học là cái gì đó đã rất quen thuộc đối với tôi. Tôi nhớ rõ khi mới bước vào trường, tất cả niềm tin của tôi đó là điểm trung bình trong 4 năm tới sẽ quyết định cuộc sống trong tương lai của tôi. Những gì tôi nghĩ đến hàng ngày là các bài tập, các bài kiểm tra có thể dẫn đến sự khác biệt rất lớn. Sự khác biệt giữa một trường đại học có tiếng hay một trường đại học tầm thường. Sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau.

    Tôi nhớ không thể ngủ ngon vào tối chủ nhật, và khi thức dậy thì người thấm đẫm mồ hôi do cơn ác mộng đêm hôm trước, khi tôi mơ thấy mình bị trượt một kỳ thi. Tôi sợ ngày chủ nhật vì nó cũng đồng nghĩa với việc tôi sắp phải đối mặt trước một tuần học mới đầy áp lực tại trường. Tôi cảm thấy áp lực đến từ tất cả mọi người xung quanh, từ bố mẹ đến bạn học và tồi tệ nhất chính là áp lực từ bản thân mình.

    Một ngày nọ, tôi được tham gia một buổi hội thảo với cựu học sinh của trường, những người đã là sinh viên của trường đại học danh tiếng. Khi một sinh viên được hỏi: “hối tiếc lớn nhất của bạn tại trường trung học là gì?”, tôi đã rất ngạc nhiên khi người đó trả lời rằng “hối tiếc lớn nhất của tôi là đã không tham gia nhiều lớp học nâng cao và nâng cao điểm số của mình”. Trong khi đó, tôi còn không nhớ nổi đã viết những gì trong bài thi gần đây nhất.

    Mỗi năm trôi qua, tôi nhận ra rằng mặc dù áp lực là tốt để bạn hoàn thành mọi việc, nhưng quan trọng hơn là bạn cần xác định được mục tiêu của mình và hoàn thành nó. Và mẹ tôi đã nói với tôi rằng: “Hãy làm hết sức của mình và để Chúa định đoạt kết quả”. Khi hiểu được ý nghĩa của câu nói đó, nó giống như bỏ được tảng đá lớn đè nặng tâm trí tôi.

    Tôi đã học cách để không còn phải quá tập trung vào các kết quả và điều đó không hề dễ dàng gì. Thế giới sẽ luôn đòi hỏi bạn phải làm được nhiều việc hơn, phải thành công hơn nhưng bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn được tất cả những điều đó. Sau khi tôi vào được Harvard, được thi đấu tại giải Nhà nghề Mỹ, tôi nhận ra rằng thất bại hay thành công cũng chỉ là phù du.

    Khi tôi đang học năm nhất tại trường Trung học Palo Alto, một người bạn cùng lớp, người vẫn ngồi cạnh tôi đã phải tự tử. Tôi nhớ rằng mình đã rất khó khăn để chấp nhận được điều đó. Một năm sau đó, một người bạn khác của tôi cũng đã tự tử.Tôi nhận ra rằng có rất nhiều gánh nặng mà chúng ta không thấy được những người xung quanh mình đang phải chịu đựng.

    Chúng ta có thể sẽ không có câu trả lời nào để giải quyết hoàn toàn cho những vấn đề này, nhưng chúng ta hãy nên bỏ ra nhiều thời gian hơn để lắng nghe nhau, thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Tôi không biết mọi chuyện đã thay đổi như thế nào từ khi tôi không còn học tập và sinh sống tại Thung lũng Silicon. Tôi chỉ hy vọng những kinh nghiệm của mình có thể giúp mọi người tìm cách để vượt qua khó khăn, hãy nhắc đến những giá trị khác của người đối diện thay vì bảng thành tích học tập của họ”.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ