Ai cũng đang mừng 8/3, nhưng theo 2 nhà khoa học này thì hôm nay mới mùng 6 thôi

    zknight,  

    Đừng vội, bây giờ vẫn chưa đến ngày 8 tháng 3, theo cách tính của 2 ông ấy.

    Dù ở múi giờ nào đi chăng nữa, đây cũng là thời điểm mà cả thế giới đang kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ. Tuy nhiên, bạn có biết một hệ thống lịch “cải cách”, phát triển bởi hai nhà khoa học người Mỹ mới chỉ lật đến ngày 6 tháng 3?

     Đừng vội, bây giờ vẫn chưa đến ngày 8 tháng 3

    Đừng vội, bây giờ vẫn chưa đến ngày 8 tháng 3

    Đó là “Lịch và giờ Hanke-Henry” mà bạn có thế xem ở đây. Hệ thống được phát triển từ năm 2004, bởi hai nhà khoa học Hoa Kỳ: Steve Hanke đến từ Viện nghiên cứu chiến lược CATO và Richard Conn Henry tại Đại học Johns Hopkins. Mục đích của bộ lịch là xóa bỏ toàn bộ rắc rối gây ra bởi sự phân chia múi giờ và sự chênh lệch thứ ngày tháng trên toàn thế giới.

    Theo đó, toàn bộ đồng hồ trên hành tinh chúng ta sẽ cùng chỉ một giờ giống nhau. Bạn sẽ luôn có một năm mới bắt đầu vào thứ 2, sinh nhật luôn rơi vào một ngày trong tuần và đặc biệt hôm nay chưa phải là ngày Quốc tế phụ nữ.

    Giải quyết vấn đề múi giờ

    Múi giờ là một khái niệm của xã hội hiện đại. Trước khi chúng ta có thể di chuyển đi khắp thế giới, sử sụng điện thoại và kết nối internet, sẽ không cần thiết để quan tâm xem thời gian trong ngày là khác nhau như thế nào ở mỗi khu vực trên thế giới.

    Điều này chỉ thực sự được quan tâm từ khi ngành công nghiệp đường sắt của Anh phát triển. Các công ty nhận ra rằng thời điểm trong ngày có sự thay đổi theo kinh độ. Vì vậy, sẽ rất cần thiết để hiệu chỉnh giờ ở các ga, giúp hành khách tham khảo một cách chính xác lộ trình của tàu.

    Năm 1847, các nhà khai thác đường sắt ở Anh thông qua một múi giờ tiêu chuẩn đầu tiên. Họ lấy giờ từ Đài quan sát hoàng gia tại Greenwich mà sau này được gọi tắt là giờ GMT. New Zealand, thời kỳ còn là thuộc địa của Anh cũng chuẩn giờ theo GMT.

    Đến năm 1883, Mỹ cũng áp dụng 5 múi giờ trên lãnh thổ của họ. Đất nước cuối cùng tách mình khỏi hệ thống múi giờ là Nepal. Họ chỉ chịu đồng bộ giờ của mình vào năm 1986.

     Hệ thống múi giờ đang gây ra nhiều rắc rối

    Hệ thống múi giờ đang gây ra nhiều rắc rối

    Tuy nhiên, Hanke và Henry nhận ra rằng việc chia múi giờ trên toàn thế giới gây ra khá nhiều rắc rối. Ví dụ như ở Liên Bang Nga, họ có tới 11 múi giờ. Một số quốc gia tự điều chỉnh múi giờ của mình khiến mọi chuyện phức tạp.

    Điển hình là Triều Tiên, năm ngoái họ đã vặn ngược lại đồng hồ nửa giờ để tạo ra múi giờ riêng của mình có tên Giờ Bình Nhưỡng. Khách du lịch, thị trường tài chính, chính phủ và đặc biệt là những hãng hàng không là những đối tượng dễ nhầm lẫn và gặp phiền phức với điều này nhất.

    Trong hệ thống “Lịch và giờ Hanke-Henry”, hai nhà khoa học đề xuất cả thế giới sẽ chuẩn theo một giờ duy nhất. Họ chọn đó là giờ trung bình (GMT) được lấy tại Đài thiên văn Hoàng gia Anh, Greenwich. Điều đó có nghĩa là 9 giờ sẽ là 9 giờ trên toàn thế giới. Một số người sẽ bắt đầu ngày làm việc lúc 9 giờ. Một số khác coi đó là giờ để đi ngủ.

     Xóa bỏ múi giờ không có nghĩa là thời gian sinh hoạt của người dân phải thay đổi.

    Xóa bỏ múi giờ không có nghĩa là thời gian sinh hoạt của người dân phải thay đổi.

    Nghe có vẻ khá lạ lẫm nhưng 2 nhà khoa học đều cho rằng mọi người đều có khả năng quen với điều đó. Múi giờ hoàn toàn là do con người xây dựng nên. Nó chỉ nhằm mục đích trùng khớp thời gian chiếu sáng ban ngày.

    Xóa bỏ múi giờ không có nghĩa là thời gian làm việc của người dân phải thay đổi. Mỗi khu vực sẽ vẫn làm việc sau khi mặt trời mọc và về nhà vào buổi tối. Chỉ có điều, đồng hồ của họ sẽ chỉ các thời gian khác nhau. Bạn sẽ rời công sở vào 5 giờ tại Anh hoặc là 12 giờ tại Việt Nam.

    Để giúp mọi người làm quen với điều này, hai nhà khoa học đang phát động một chiến dịch kêu gọi thế giới chuyển sang sử dụng Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC). Nếu bước tiến hành này thành công, “Lịch và giờ Hanke-Henry” có vẻ như đã thành công đến một nửa.

    San bằng các chênh lệch thứ ngày tháng

    Một vấn đề nữa của hệ thống lịch thông thường, các thứ trong tuần luôn nhảy loạn lên, mỗi năm một khác. Ví dụ có những năm Tết rơi vào chủ nhật, có năm thì không. Nó khiến việc lập kế hoạch cho các kì nghỉ lễ, sự kiện thể thao hay lịch học trong các cơ sở giáo dục phải được thực hiện theo từng năm.

    Hanke và Henry cho biết nếu sử dụng hệ thống lịch của họ, việc lập kế hoạch kiểu này chỉ cần một lần duy nhất. Lí do bởi hệ thống lịch được thiết kế để thứ ngày tháng trong năm giống hệt nhau. Điều đó có nghĩa là bạn luôn có năm mới bắt đầu bằng thứ 2, một Giáng sinh vào thứ 2, không bao giờ có thứ 6 ngày 13 và cả Halloween.

     Hệ thống lịch của Hanke và Henry và điều đặc biệt của nó

    Hệ thống lịch của Hanke và Henry và điều đặc biệt của nó

    Để làm được điều này, Hanke và Henry đã rút ngắn số ngày trong năm xuống 364. Thay vào đó, họ sẽ tạo ra hẳn một tuần nhuận cho mỗi 5 đến 6 năm. Điều này sẽ giúp đồng bộ thời gian của mùa trong từng năm.

    Thêm vào đó, các tháng cũng sẽ được phân bổ đồng đều hơn. Nó khiến việc thế chấp và tính toán lãi suất không bị lệch bởi một tháng 28 ngày như hiện tại. Mỗi quý sẽ có đúng 91 ngày, các doanh nghiệp có thể hạch toán và xử lý vấn đề tài chính dễ dàng hơn.

    Rào cản để được chấp nhận

    Henry nói rằng rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng hệ thống lịch của họ là vấn đề tâm lý. Bởi sự cố định của thứ theo từng ngày trong năm, sẽ có người nói rằng “Tại sao ông muốn sinh nhật của tôi luôn vào thứ tư vậy?”. Và bởi vì chỉ có hai ngày cuối tuần, chắc chắn sự phản đối sẽ là nhiều hơn ủng hộ.

     Hai nhà khoa học Steve Hanke (trái), và Richard Conn Henry (phải).

    Hai nhà khoa học Steve Hanke (trái), và Richard Conn Henry (phải).

    Tiếp theo đó, việc phối hợp chuyển đổi lịch trên toàn cầu là không hề dễ dàng. Với một nền kinh tế kết nối như hiện nay, “Lịch và giờ Hanke-Henry” chỉ hoạt động hiệu quả khi mọi quốc gia đồng ý sử dụng nó. Điều này sẽ tạo nên một sự thay đổi đột ngột trong lịch trình các chuyến bay, kết nối trực tuyến cũng như nhiều sự kiện khác.

    Sẽ là rất nhiều công việc phải làm”, Henry nói. Thế giới sẽ phải in lại lịch, các nhà sản xuất phần mềm sẽ phải điều chỉnh lại nhiều dòng lệnh của họ. “Cái giá phải trả cho một lần như vậy là rất lớn, nhưng đổi lại hàng triệu năm sau đó sẽ không cần thêm một thay đổi nào hết”, ông cho biết.

    Chính vì vậy, sự lạc quan của Hanke và Henry là rất lớn. Họ có tham vọng thuyết phục thế giới sử dụng lịch của mình bắt đầu từ năm 2018. Dự án cũng đã nhận được rất nhiều email ủng hộ. Hanke và Henry xây dựng một trang web trực tuyến cho phép bạn tính lịch theo hệ thống “cải cách”. Họ sẽ tiếp tục vận động thế giới thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. “Chúng tôi rất lạc quan”, Hanke nói.

    Tham khảo BBC, ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ