Điều gì sẽ xảy ra nếu một tiểu hành tinh va vào Trái đất?

    Trung Kiên, HowStuffWorks 

    (GenK.vn) - Không như các thiên thạch nhỏ sẽ bốc cháy khi rơi vào bầu khí quyển, bất kì một tiểu hành tinh nào, va vào Trái đất, cũng sẽ mang một năng lượng kinh khủng...

    Một thiên thể cỡ tiểu hành tinh va vào Trái đất – đây là một trong những kịch bản thường thấy ở những bộ phim khoa học viễn tưởng. Rất nhiều bộ phim cũng như sách báo đã dựa trên mô-típ như vậy, ví dụ như “Deep Impact”, “Armageddon”, “Lucifer’s Hammer”,...

    Nhưng không chỉ có trong khoa học viễn tưởng, nó cũng là một trong các mục tiêu nghiên cứu của khoa học hiện nay. Hiện có rất nhiều hố, nhiều miệng núi lửa trên Trái đất (và cả Mặt trăng nữa) chứng tỏ rằng trước đây đã từng có những vật thể lớn va chạm với chúng. Một trong những thiên thể được biết đến nhiều nhất, đó là thiên thạch đã đâm vào Trái đất 65 triệu năm trước. Lượng bụi khí và hơi nước sinh ra do vụ va chạm đó đã ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất, làm nhiệt độ trung bình của Trái đất giảm xuống, và gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long.

    Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra, khi có một tiểu hành tinh va vào Trái đất ngày hôm nay?

     

    Không như các thiên thạch nhỏ sẽ bốc cháy khi rơi vào bầu khí quyển, bất kì một tiểu hành tinh nào, va vào Trái đất, cũng sẽ mang một năng lượng kinh khủng. Lấy ví dụ với tiểu hành tinh 1997XF11, được dự báo sẽ tiến sát Trái đất vào năm 2028, nhưng nó sẽ chỉ sượt qua khí quyển Trái đất mà thôi. Nhưng, nếu dự báo đó sai, nó đổi hướng, vậy điều gì sẽ xảy ra khi một tiểu hành tinh với đường kính hơn một dặm sẽ va vào Trái đất với vận tốc 30.000 dặm/giờ? Một tiểu hành tinh như vậy sẽ mang năng lượng tương đương với một quả bom có sức công phá một triệu megatons: nó sẽ quét sạch gần như toàn bộ sự sống trên Trái đất.

     

    Có vẻ to quá nhỉ? Vậy thử với vật thể cỡ nhỏ hơn nhé. Uhm, vậy một tiểu-tiểu hành tinh với kích cỡ bằng một ngôi nhà, đâm vào Trái đất với vận tốc 30.000 dặm/giờ thì sao? Năng lượng của tiểu hành tinh này tương đương với quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima – vào khoảng 20 kilotons. Nó sẽ san bằng toàn bộ các công trình bê tông cốt thép trong phạm vi lên đến nửa dặm, và mọi công trình bằng gỗ trong phạm vi một dặm. Đây là một tổn hại không hề nhỏ với bất cứ thành phố nào.

    Vậy, với một tiểu hành tinh to hơn một chút – cỡ một toà nhà với mỗi chiều 200 feet, năng lượng của nó tầm cỡ quả bom nguyên tử lớn nhất hiện nay – khoảng 25 đến 50 megatons. Nó sẽ quét sạch mọi toà nhà bê tông cốt thép trong phạm vi 5 dặm, nói cách khác, nó đủ sức phá huỷ bất kì thành phố nào ở Mỹ.

     

    Quay trở lại ví dụ đầu tiên, với một tiểu hành tinh đường kính cỡ một dặm, mức năng lượng là một triệu megatons. Nó mạnh gấp 10 triệu lần quả bom ném xuống Hiroshima. Nó sẽ san bằng mọi thứ cách đó 100 đến 200 dặm về con số 0. Nếu tiểu hành tinh này đáp trực tiếp xuống New York, nó sẽ quét sạch mọi thứ từ Washington D.C. đến Boston, tầm ảnh hưởng của nó lên tới 1000 dặm – đến tận Chicago. Lượng bụi và các mảnh vụn bay trong không khí sẽ cản trở ánh sáng mặt trời chiếu xuống, và kịch bản lại lặp lại: hầu hết các sinh vật sống trên Trái đất sẽ bị diệt vong. Nếu tiểu hành tinh này không rơi vào đất liền, mà nó lại rơi xuống một đại dương nào đó, nó sẽ tạo ra những trận sóng thần cao hàng trăm feet có thể cuốn trôi mọi thứ ở bờ biển và các vùng lân cận.

     

    Nói tóm lại, một tiểu hành tinh rơi xuống Trái đất, bất kể với kích cỡ nào, cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Một tiểu hành tinh với đường kính chỉ một dặm đã có khả năng quét sạch sự sống trên Trái đất. Hãy cùng nhau hy vọng rằng ngày ấy sẽ không bao giờ xảy ra.

    Nguồn: HowStuffWorks.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ