Hiện tượng thôi miên có còn là bí ẩn?

    Trần Nam Sơn,  

    Một khi đã bị thôi miên, bạn sẽ phải làm theo mọi thứ mà “chủ nhân” của mình yêu cầu, bất chấp điều đó có ngu xuẩn hay ác độc đến thế nào đi nữa. “Yes, master” – đó là điều đầu tiên mà mọi tay thôi miên muốn nghe thấy.

    Khi nhắc đến 2 tiếng “thôi miên”, hẳn điều đầu tiên bạn nghĩ đến là những con người bí ẩn trong bộ áo khoác màu đen, đang sử dụng con lắc để biến một ai đó trở thành một con rối, buộc họ phải tuân theo mệnh lệnh của mình, một cách vô điều kiện. Một khi đã bị thôi miên, bạn sẽ phải làm theo mọi thứ mà “chủ nhân” của mình yêu cầu, bất chấp điều đó có ngu xuẩn hay ác độc đến thế nào đi nữa. “Yes, master” – đó là điều đầu tiên mà mọi tay thôi miên muốn nghe thấy.
     

     
    Thôi miên, trên thực tế, hoàn toàn khác xa so với những gì bạn tưởng tượng. Đối tượng được thôi miên – họ không phải là nô lệ của kẻ thôi miên, trái lại, ý chí của họ hoàn toàn độc lập. Và họ thực sự không chìm vào trạng thái mơ màng – thôi miên chính là lúc sự tập trung của họ được đẩy lên cao nhất.
     
    Trải qua nhiều thế kỷ, hiểu biết của con người về thôi miên đã đạt được rất nhiều tiến bộ, nhưng đây thực sự vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại. Vậy, bản chất của thôi miên là gì? Chúng hoạt động trong thực tế như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
     
    Thôi miên là gì?
     
    Đây là chủ đề đã được đem ra tranh cãi và mổ xẻ trong suốt hơn 200 năm qua, và cho đến tận bây giờ, khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải thích thỏa đáng. Thôi miên, đó chỉ là một mảnh ghép trong một câu hỏi rộng lớn hơn rất nhiều: trí óc của con người hoạt động như thế nào? Chưa có gì đảm bảo rằng những nhà khoa học sẽ tìm ra lời giải đáp trong tương lai gần, bởi thế, đây vẫn là một bí ẩn chung.
     

     
    Các nhà tâm thần học lại có cái nhìn khá thống nhất về thôi miên, và họ đã đề xuất ra vài mô hình hoạt động của nó. Thôi miên, theo tâm thần học, được định nghĩa như một trạng thái tinh thần được đặc trưng bởi trí tưởng tượng, sự tập trung và sự thư giãn được đẩy lên cao độ. Khái niệm này thường xuyên được đánh đồng với một giấc mơ giữa ban ngày ban mặt, hay trạng thái mất kiểm soát khi đang đọc sách hay xem phim. Bạn đẩy sự tập trung của mình lên đến mức cao nhất, và bạn hoàn toàn mất sạch ý niệm về những gì đang xảy ra xung quanh.
     
    Hãy thử hình dung lại về một lần bạn thả trí tưởng tượng của mình bay xa, giữa lúc đang ngồi trên giảng đường. Có thể là bất cứ thứ gì, buổi hẹn hò với cô nàng đang ngồi cách bạn 2 dãy bàn, quay cuồng trên sân khấu cùng chiếc guitar điện trong khi đám đông phía dưới đang gào thét tên bạn…. Nó mang lại cho bạn cảm xúc rất thật, từ buồn bã, lo lắng cho đến kinh ngạc, vui sướng – và thậm chí, bạn có thể phải bật dậy vì ngạc nhiên hay sợ hãi. Đó chính là một hình thức tự thôi miên.
     

    Khi đứng đối diện với những nhà thôi miên, bạn tiếp cận những lời nói, những hình ảnh của họ như là những thứ đang thực sự diễn ra. Nếu họ nói với bạn rằng, lưỡi của bạn đang sưng to gấp đôi bình thường – điều bạn cảm thấy lúc này là cảm giác vương vướng trong miệng, đồng thời, nói và nuốt trở nên cực kỳ khó khăn. Nếu họ bảo bạn rằng, bạn đang tu ừng ực một chai Sting, bạn sẽ chợt nhận ra một dòng nước ngòn ngọt mát lạnh đang trôi tuột xuống cổ họng mình.
     

    Trong trạng thái tinh thần đặc biệt này, bạn cảm thấy hoàn toàn thư giãn và không có giới hạn. Cũng giống như khi bạn chìm đắm trong một bộ phim, một cuốn sách, hay trong chính suy tưởng của mình, đó chính là lúc mọi lo lắng về công việc, về gia đình đang mờ dần đi. Sự xấu hổ, cảm giác e ngại, sợ hãi dường như không còn tồn tại. Bạn trở thành một người hoàn toàn tự do, bạn có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn.
     
    Họ đã làm điều đó như thế nào?
     
    Rất nhiều hình thức thôi miên đã ra đời, tuy nhiên, chúng đều phải phụ thuộc vào những điều kiện sau:
     
    Đối tượng phải MUỐN được thôi miên
    Đối tượng phải tin rằng mình CÓ THỂ bị thôi miên
    Đối tượng phải cảm thấy thoải mái và thư giãn.
     
    Một khi những điều này được đáp ứng, những nhà thôi miên đã có thể bắt tay vào công việc của mình. Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số phương pháp thôi miên phổ biến dưới đây.
     
    Cái nhìn cố định
     
    Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là buộc đối tượng phải tập trung vào một điều gì đó, và do vậy, họ trở nên “miễn nhiễm” với những tác động gây nhiễu từ môi trường bên ngoài. Trong trạng thái tập trung này, nhà thôi miên sẽ sử dụng một giọng nói êm dịu, trầm lắng, nhằm mục đích giúp đối tượng đạt trạng thái thư giãn tối đa.
     

     
    Phương pháp này đã từng trở nên rất phổ biến khi thuật thôi miên mới ra đời, nhưng hiện nay nó rất ít khi được sử dụng vì tính hiệu quả không thực sự cao.
     
    Dồn dập
     
    Ý tưởng của phương pháp này là việc đột ngột phát ra hàng loạt những mệnh lệnh đanh thép. Nếu như các mệnh lệnh này đủ mạnh và đủ thuyết phục, đối tượng sẽ buộc phải từ bỏ việc kiểm soát ý thức của mình.
     

     
    Đây cũng là phương pháp mà bạn thường xuyên nhìn thấy trên màn ảnh tivi. Nó rất phù hợp với bối cảnh sân khấu, khi bạn là một khán giả ngồi phía dưới, và đột nhiên, tay thôi miên yêu cầu bạn “lên sàn” để mua vui cho công chúng. Lo sợ, e ngại, và quan trọng nhất – bạn hoàn toàn chưa có chuẩn bị gì cho tình huống này, đó chính là lý do bạn rất dễ bị thao túng bởi những mệnh lệnh của tay thôi miên.
     
    Thư giãn
     
    Đây là phương pháp thôi miên phổ biến nhất, tiến bộ nhất, và cũng hay được sử dụng nhất bởi những nhà tâm thần học.
     

     
    Bằng cách nói chuyện với đối tượng trong một giọng nói nhẹ nhàng, êm dịu, với một nhịp điệu chậm rãi, họ dần dần mang đến cho bạn sự thư giãn và thoải mái, cùng với đó là sự tập trung dần được đẩy lên cao độ. Dựa trên nguyên lý này, bạn hoàn toàn có thể tự thôi miên mình, thông qua những bản nhạc, hay những audio truyện nhẹ nhàng và chậm rãi. Thiền – xét trên một khía cạnh nào đó, cũng có thể coi như một hình thức tự thôi miên.
     
    Mất thăng bằng
     
    Nhà thôi miên sẽ sử dụng một cách xen kẽ những nhịp điệu mang tính chất nhẹ nhàng và bùng nổ, từ đó gây ra sự mất cân bằng trong tâm trí bạn. Hãy tưởng tượng việc pha trộn giữa một bản nhạc dịu dàng sâu lắng của Mozart với những giai điệu dồn dập của Rhapsody, chắc hẳn bạn sẽ khó có thể tự kiểm soát được mình.
     

     
    Và đừng quá ngạc nhiên, khi các bậc phụ huynh đung đưa em bé của mình nhằm đưa chúng vào giấc ngủ - đó cũng chính là một hình thức thôi miên sử dụng phương pháp mất thăng bằng.
     
    Trước khi thôi miên một ai đó, những nhà thôi miên cần kiểm tra sự tin tưởng, cũng như khả năng bị thôi miên của họ. Một cách điển hình, họ sẽ đưa cho bạn một vài gợi ý đơn giản, ví dụ như “Hãy thả lỏng cánh tay của mình”, “Hãy tưởng tượng rằng bạn hoàn toàn vô trọng lượng”. Họ sẽ đưa ra những đề xuất để buộc bạn phải chấm dứt sự hoài nghi của mình, cũng như bóp méo hoàn toàn những suy nghĩ logic của bạn.
     
    Và những ứng dụng của thôi miên.
     
    Mua vui cho công chúng
     

     
    Có vẻ như đây cũng là thứ làm thôi miên trở nên phổ biến. Phần lớn bạn đọc hẳn đều làm quen với khái niệm thôi miên thông qua những show diễn trên truyền hình, nơi tay thôi miên sử dụng những quả lắc, hay những mệnh lệnh để buộc một vị khán giả nào đó phải làm theo ý mình. Sức mạnh của thôi miên có thể làm nên một màn trình diễn tuyệt vời – nhưng thực sự - chúng đã bóp méo ý nghĩa chân chính của thôi miên.
     
    Thôi miên và y học
     
    Từ rất lâu, thôi miên đã được sử dụng như một cách thức giúp con người kiểm soát những thói quen xấu. Nhà thôi miên sẽ hướng sự tập trung của bạn đến những thói quen này, và thông qua đó, “lập trình lại” tiềm thức của bạn nhằm đảo ngược chúng. Thông thường, họ sẽ kết nối những thói quen này với một hình ảnh tởm lợm nào đó – ví dụ như mỗi khi đưa điếu thuốc lên mồm, bạn sẽ thấy một bãi phân bốc mùi đang lù lù trước mắt. Nếu như hình ảnh này hằn sâu vào tiềm thức của bạn, chắc hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ muốn cầm vào điếu thuốc thêm một lần nữa.
     

    Một ứng dụng khác của thôi miên trong y học, đó là việc sử dụng thôi miên nhằm mục đích giảm đau. Nguyên lý của phương pháp này dựa trên ý tưởng cơ thể và tâm trí gắn bó chặt chẽ với nhau như một thể thống nhất. Khi tiềm thức của bạn cho rằng bạn hoàn toàn không đau đớn, hoặc hơn thế nữa, khi nó được giải thoát khỏi bệnh tật đang dày vò cơ thể bạn – bạn sẽ thực sự cảm nhận thấy sự thay đổi.
     

    Có rất nhiều bằng chứng thực tế ủng hộ ý tưởng này. Sử dụng thôi miên, thay vì bất cứ loại thuốc giảm đau nào khác, hàng nghìn phụ nữ đã vượt cạn thành công với sự đau đớn được hạ xuống tối thiểu. Vô số những bệnh nhân ung thư đã tham gia vào các chương trình thôi miên, và họ đều thấy rằng nó mang lại hiệu quả đáng kể giúp họ chống lại những đau đớn đến từ bệnh tật hay thuốc men. Chính nhờ vào những ứng dụng này, niềm tin vào thôi miên đã thực sự được phục hồi.
     
    Thôi miên và công cuộc phòng chống tội phạm
     
    Lại là những hình ảnh quen thuộc – một chuyên gia thôi miên sử dụng những kỹ năng của mình, giúp một nhân chứng nào đó cố gắng nhớ lại những hình ảnh trong quá khứ. Những mớ thông tin hỗn độn, những ký ức bị dồn nén – và trong số đó, thứ duy nhất bạn cần đến là một gương mặt, một cái tên hay một chi tiết nào đó, thứ sẽ giúp bạn phá được vụ án đang đi vào bế tắc.
     

     
    Tuy nhiên, những thông tin này chỉ được phép sử dụng như những thứ mang tính chất tham khảo. Độ nhiễu, hay sự sai lệch của thông tin làm cho nó hoàn toàn chẳng có bất giá trị pháp lý nào. Bạn không thể sử dụng một cái tên bất chợt nảy ra trong quá trình thôi miên để tống một ai đó vào tù.
     
    Kết
     
    Khái niệm thôi miên, mặc dù đã ra đời được hơn 200 năm, nhưng đến nay vẫn để lại sau lưng nhiều hoài nghi và tranh cãi. Những nhà thôi miên, họ thường được đánh đồng với những kẻ chuyên điều khiển tâm trí người khác, nhưng thực sự, họ là những người có đủ năng lực để khuyến khích bạn dám thực hiện những điều bạn tưởng rằng mình không thể làm được. Bằng cách phá bỏ những giới hạn trong tiềm thức của bạn, họ đã phần nào đó thay đổi bạn theo một hướng tích cực hơn.
     
    Tham khảo: Howstuffworks

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ