Khai thác kim loại từ... cây xanh

    Kuroe,  

    Thay vì phải đi xuống những hầm mỏ tối tăm, những gì chúng ta cần làm để khai thác kim loại chỉ đơn giản là... trồng cây

    Từ xưa đến nay, khi nhắc tới việc khai thác khoáng sản, chúng ta thường nghĩ ngay tới những hầm mỏ tối tăm hay những hang đá chật chội. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây đã tìm ra phương pháp khai thác á kim Gecmani (vốn được dùng nhiều trong linh kiện máy tính) vô cùng khác thường. Thay vì phải chui xuống hầm mỏ tối tăm, những gì các nhà khoa học cần làm bây giờ chỉ là… trồng cây.

    Theo trang tin Reuters, các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Mỏ Freiburg có thể tách được á kim Gecmani từ một số loài cây trồng nhất định. Các loài thực vật có thể thực hiện khai thác bao gồm hoa hướng dương, ngô và cỏ lau hoàng yến. Trên thực tế, kỹ thuật này đã từng được dùng để khai thác vàng và đồng, tuy nhiên việc ứng dụng nó nhằm mục đích tách Gecmani có vẻ vẫn khá dị thường.

    “Người Đức chúng tôi gọi nó là đào mỏ bằng cây”, giáo sư Hermann Heilmeier chia sẻ. Các nhà khoa học sẽ tiến hành thu hoạch các cây được trồng trong đất giàu Gecmani, sau đó chuyển chúng đi để ủ khí biogas (qua đó tiết kiệm được chi phí khai thác), trước khi tiến hành tách lấy á kim.

    Cây ngô cũng có khả năng hấp thụ các kim loại xuất hiện trong lòng đất

    Nhu cầu khai thác Gecmani ngày càng trở nên thiết yếu khi á kim này đang đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các thiết bị điện tử. Hợp kim silicon-gecmani được sử dụng rộng rãi để sản xuất linh kiện điện thoại và máy tính nhờ đặc trưng dẫn điện tốt của mình.

    Hiện tại, nguồn cung cấp chính Gecmani cho công nghiệp thông qua việc khai thác quặng và than. Trên thực tế, á kim này cũng xuất hiện nhiều ở đất trồng, nhưng tách chúng ra khá khó khăn. Tuy nhiên, các loại cây trồng hoàn toàn có khả năng hấp thụ tự nhiên Gecmani, đồng thời phương pháp khai thác này cũng thân thiện với môi trường hơn rất nhiều. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này là lượng Gecmani tách ra được tương đối ít – điều mà các nhà khoa học đang tìm cách khắc phục.

    Và, biết đâu đấy, trong tương lai những chiếc điện thoại đi động chúng ta cầm trên tay sẽ được cấu thành từ những bộ phận có nguồn gốc từ “thiên nhiên”.

    Tham khảo iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày