NASA cho 6 người sống cách ly suốt 1 năm để tập thám hiểm sao Hỏa

    PnM,  

    Trong suốt thời gian đó những người sống ở sao Hoả sẽ không được tiếp xúc với không khí trong lành, thực phẩm tươi, không gặp bất kỳ ai khác ngoài phi hành đoàn, không có không gian riêng tư,… chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.

     

    Sáu người bắt đầu bước vào sống trong một nhà mái vòm nhỏ kéo dài một năm để giúp NASA chuẩn bị cho sứ mệnh khám phá sao Hoả. Đây được xem là cuộc thử nghiệm sống cách ly dài nhất trong lịch sử của Mỹ khi mà cả 6 người sẽ không tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong suốt một năm.

    Các thành viên trong nhóm tham gia thử nghiệm lần này bao gồm một nhà sinh vật học vũ trụ người Pháp, một nhà vật lý học người Đức và 4 người Mỹ - gồm 1 phi công, 1 kiến trúc sư, 1 bác sĩ kiêm phóng viên và một nhà khoa học nghiên cứu về đất.

    “Căn cứ” của họ được đặt ở sườn phía Bắc ngọn núi Mauna Loa, một vùng đất cằn cỗi, không có động vật và những loại cây nhỏ. Ngôi nhà mái vòm nơi 6 người sống có đường kính 11m, cao 6m. Họ đã chính thức bắt đầu cuộc sống cách ly kéo dài 1 năm, vào lúc 01h sáng ngày 29/8/2015 theo giờ GMT, tức 8h sáng giờ Việt Nam.

    Bên trong ngôi nhà mái vòm dành cho 6 thành viên chương trình HI-SEAS

    Trong ngôi nhà mái vòm có phòng riêng cho đàn ông và phụ nữ, với diện tích rất khiêm tốn, chỉ đủ chỗ cho giường ngủ và bàn làm việc. Thức ăn của họ chủ yếu là phó-mát làm từ bột và cá ngừ đóng hộp. Họ chỉ được ra khỏi nhà một khi đã mặc bộ quần áo vũ trụ. Họ cũng bị hạn chế trong việc kết nối Internet. Thành viên Sheyna Gifford đã nói về đội của mình như sau: "Sáu con người muốn thay đổi thế giới, giúp loài người sẵn sàng nếu một mai phải rời bỏ trái đất" - cô viết trên blog cá nhân của mình tại trang LivefromMars.life.

    Các "phi hành gia" chỉ được ra ngoài với bộ quần áo du hành vũ trụ trên người

    Với các công nghệ hiện có, NASA có thể gửi một robot lên Hành tinh đỏ để làm việc và nghiên cứu trong vòng 8 tháng, còn với các sứ mệnh có con người thì NASA ước tính phải mất từ 1 - 3 năm. Trong suốt thời gian đó những người sống ở sao Hoả sẽ không được tiếp xúc với không khí trong lành, thực phẩm tươi, không gặp bất kỳ ai khác ngoài phi hành đoàn, không có không gian riêng tư… chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.

    Chính vì thế Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ muốn mô phỏng một sứ mệnh khám phá sao Hoả ngay trên Trái đất để xem mọi thứ sẽ tiến triển theo hướng nào. Chương trình này được gọi là Hawaii Space Exploration Analog and Simulation (HI-SEAS) và nó là bước chuẩn bị trước khi chính thức đưa con người lên sao Hoả, mà NASA hy vọng sẽ đạt được vào những năm 2030.

    Các thử nghiệm trong giai đoạn đầu của chương trình HI-SEAS liên quan đến việc nghiên cứu nấu ăn trên sao Hoả, và sau đó là sứ mệnh sống trong 4 tháng và 8 tháng.

    Những người tham gia chương trình thử nghiệm khám phá sao Hoả của NASA

    NASA chi trả khoảng 1,2 triệu USD cho các thử nghiệm mô phỏng này và mới đây nhận được thêm 1 triệu USD tài trợ cho các nghiên cứu trong vòng 3 năm tới. Các kết quả của chương trình thử nghiệm này sẽ được công bố trong vòng 1 năm nữa khi thời hạn thử nghiệm sống cách ly chấm dứt.

    Kim Binsted, nhà điều tra nghiên cứu chính của dự án cho hay: "Số tiền này là quá rẻ để làm nghiên cứu vũ trụ" - Kim nói với tờ AFP từ Hawaii qua điện thoại. "Nếu so sánh với những tổn thất mà một sứ mệnh không gian đi chệch hướng gây ra thì thế này không đắt đâu."

    Mời các bạn xem video để có cái nhìn chi tiết hơn về dự án:

     

     

    Theo Telegraph

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ