NASA phát hiện những ngọn đồi trên sao Diêm Vương đang di chuyển

    zknight,  

    Địa chất và khí quyển sao Diêm Vương còn chứa đựng rất nhiều điều mà chúng ta chưa khám phá hết.

    NASA mới đây công bố một hình ảnh cho thấy một số vật thể lớn di chuyển trên sao Diêm Vương. Chúng nhiều khả năng là những ngọn đồi được hình thành từ nước đóng băng. Bên dưới đó, rất có thể là một biển Nitơ.

    Theo các nhà thiên văn học đang làm việc trong sứ mệnh New Horizon, những ngọn đồi này có thể đã vỡ ra từ khu địa hình băng giá rộng lớn mang tên Sputnik Planum. Chúng có kích thước khoảng vài km theo chiều rộng.

     Khu vực phát hiện những ngọn đồi di chuyển

    Khu vực phát hiện những ngọn đồi di chuyển

    Tháng 7 năm ngoái, NASA cùng với sứ mệnh lịch sử của mình đã mang tàu vũ trụ New Horizons của họ vượt qua sao Diêm Vương. Các bức ảnh từ nhiệm vụ cho thấy biên giới phía tây khu vực Sputnik Planum chứa đầy những ngọn núi băng khổng lồ.

    Liên kết với hình ảnh mới nhất, ghi nhận một số vật thể lớn đang di chuyển, NASA nghĩ rằng đó là những ngọn đồi băng, có xuất xứ từ Sputnik Planum. Phát hiện này khẳng định địa chất và khí quyển sao Diêm Vương còn chứa đựng rất nhiều điều mà chúng ta chưa khám phá hết.

    Điển hình cho điều này là câu hỏi: Phía dưới những ngọn đồi di chuyển là gì? Mặc dù không chắc chắn, NASA tin rằng đó là một đại dương Nitơ cực lạnh. Nước đá đóng băng ở nhiệt độ cao hơn nhưng lại có khối lượng riêng nhỏ hơn Nitơ. Điều này hoàn toàn có thể khiến những ngọn đồi băng trôi nổi chậm nhưng hiệu quả trên biển Nitơ theo thời gian. Nó tương tự cách băng lở và trôi trên biển vùng cực Trái Đất.

     Ảnh chụp từ tàu New Horizons vào tháng 7 năm 2015

    Ảnh chụp từ tàu New Horizons vào tháng 7 năm 2015

    Trong hình ảnh được công bố bên trên, bạn có thể thấy một chuỗi những ngọn đồi trôi dọc theo một số dòng chảy. Chúng có thể là những nhánh sông Nitơ. Nếu các nhà thiên văn học giả định chính xác, Nitơ đối lưu đang gom dần những ngọn đồi này để hình thành một cụm địa hình lớn, rộng đến 20 km.

    Khu vực được hình thành có tên gọi Challenger Colles. Nó được đặt theo tên của phi hành đoàn tàu Challenger đã thiệt mạng trong thảm họa năm 1986. Ở đây chứa đựng nhiều cấu trúc đồi liên tiếp: 60 ngọn trên 35 km. NASA cho biết những ngọn đồi tập trung ở đây bởi Nitơ bên dưới khu vực này cạn dần.

    Các phát hiện mới được đánh giá dựa trên những hình ảnh xác thực nhất NASA có được. Chúng đến từ máy ảnh đa phổ MVIC trên tàu New Horizons. 12 phút trước khi tiếp cận sao Diêm Vương lần gần nhất, ngày 14 tháng 7 năm 2015, MVCI đã chụp những tấm ảnh này ở kích thước 500x340 km. Độ phân giải của ảnh là khoảng 320 m tương ứng với 1 pixel.

    Vậy là phải mất tới hơn 6 tháng các nhà khoa học mới có thể khai thác được những dự liệu quý giá này từ tàu New Horizons. NASA hiện cũng đang thử nghiệm một công nghệ truyền tin mới có thể rút ngắn thời gian chờ đợi cho những khám phá tiếp theo. Đáng tiếc, những nâng cấp không thể thực hiện trên tàu New Horizons, nó đang trên đường ra ngoài Hệ Mặt Trời với những công nghệ của thập kỷ trước.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ