Ngày 5/1: Cầu Cổng Vàng được xây dựng qua vịnh San Francisco

    TVD,  

    Khi được hoàn thành vào năm 1937, The Golden Gate Bridge là cây cầu treo dài nhất trên thế giới và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của San Francisco, California.

    Cầu Cổng Vàng (Golden Gate) là một cây cầu treo nối liền Cổng Vàng, cửa ngõ vào của vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Khi được hoàn thành vào năm 1937, The Golden Gate Bridge là cây cầu treo dài nhất trên thế giới và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của San Francisco, California, Hoa Kỳ. Kể từ khi hoàn thành đến nay đã có tám chiếc cầu khác có chiều dài vượt qua Cầu Cổng Vàng.

    Mặc dù ý tưởng về một cây cầu bắc qua Cổng Vàng đã có từ trước nhưng mãi đến năm 1916 thì ý tưởng đó mới được đưa ra trong một bản tin của San Francisco. Theo ước tính của Hội Kỹ Sư thành phố, đế xây dựng được một cây cầu phải tốn 100 triệu USD, một con số quá lớn trong thời kỳ đó.

    Joseph Strauss, một kỹ sư cho biết ông có thể xây một chiếc cầu như vậy với chi phí thấp hơn rất nhiều. Trong những bản vẽ đầu tiên của mình Strauss thiết kế một mút chìa đỡ bao lơn cực lớn ở hai phía của eo biển, hai mút chìa này được nối với nhau bởi một đoạn treo ở trung tâm mà theo Strauss phân đoạn này có thể được xây dựng với 17 triệu USD.

    Việc xây dựng bắt đầu vào ngày 05 tháng 1 năm 1933, với tổng chi phí cho dự án hơn 35 triệu USD. Strauss là người đứng đầu xuyên suốt của dự án, giám sát việc xây dựng hàng ngày và tham gia vào việc động thổ.

    Nhiều kỹ sư, chuyên viên đã góp công từ kỹ thuật cho đến mỹ thuật tô điểm cho cây cầu vừa hùng vĩ, hoành tráng vừa rực rỡ màu sắc dưới ánh nắng ban ngày cho đến huy hoàng lộng lẫy dưới ánh đèn ban đêm.

    Nhịp cầu chính giữa là nhịp cầu dài nhất trong các cây cầu treo cho đến năm 1964, khi chiếc cầu Verrazano-Narrows được dựng lên giữa hai quận Staten Island và Brooklyn ở New York. Những chiếc tháp của cầu Cổng Vàng cũng là những cái tháp cầu treo cao nhất thế giới thời bấy giờ.

    Trọng lượng của phần lưu thông được chuyển sang hai dây cáp xuyên qua hai tháp chính và cố định ở phần bê tông ở hai đầu. Mỗi dây cáp được làm bằng 27.572 sợi kim loại. Tổng chiều dài các sợi cáp cấu thành hai dây cáp chính là 129.000 km; tổng chiều dài này bằng 5,79 lần đường kính Trái Đất.

    Do là cây cầu treo có chiều dài lên tới 2.737 m, với nhịp cầu chính giữa có chiều dài 1.280 m nên cầu Cổng Vàng chịu tác động rất lớn từ các điều kiện thời tiết, đặc biệt là gió bão. Kể từ khi hoàn thành, Cầu Cổng Vàng bị đóng cửa 3 lần do các điều kiện thời tiết: vào ngày 01 tháng 12 năm 1951 do gió mạnh lên đến 111 km/giờ; vào 23 tháng 12 năm 1982, do gió mạnh 113 km/giờ; và ngày 03 tháng 12 năm 1983 với sức gió 121 km/giờ.

    Những hiểu biết hiện đại về ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng đã làm người ta quan tâm đến việc tăng cường kháng chấn cho cầu Cổng Vàng. Do cầu này nằm gần đứt gãy San Andreas, một đứt gãy có khả năng gây ra các trận động đất lớn. Khi nghĩ đến khả năng có thể đứng vững trước những trận động đất được dự báo, cây cầu hoàn hoàn có thể bị phá hủy về cấu trúc (như sụp đổ) bởi sự phá hủy của dàn chịu lực trên vòm cao 98 m trên Fort Point.  Một chương trình trị giá 392 triệu USD được tiến hành để nâng cấp khả năng chịu lực của cấu trúc với những thiệt hại nhỏ nhất.

    >>Ngày 3/1: Tập đoàn công nghệ Apple Inc được hợp nhất

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ