Những nhà phát minh chết vì... chính phát minh của mình!

    RealAction,  

    Những phát minh luôn làm cho tên tuổi của những người nghĩ ra chúng trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải phát minh nào cũng vậy, có những phát minh còn lấy đi mạng sống của chính người đã nghĩ ra nó.

    1. Sieur Freminet: Mặt nạ dưỡng khí tuần hoàn (1772)

     

    Năm 1772, nhà khoa học người Pháp Sieur Freminet đã phát minh ra mặt nạ lặn kiểu tuần hoàn, tức là nó có khả năng “tái chế” chính khí CO2 ở bên trong sau khi chúng ta thở ra. Nhưng cuối cùng do lỗi của loại mặt nạ này dẫn đến việc nhà phát minh đã tử vong do thiếu ô-xy sau khi đeo chiếc mặt nạ chỉ vẻn vẹn có 20 phút.

    2. Max Valier: Xe sử dụng tên lửa đẩy dùng nhiên liệu hóa lỏng (1930)

     

    Ngày 17-5-1930, Max Valier, người Áo, người tiên phong trong việc thử các phương tiện sử dụng tên lửa đẩy đã tử vong trong một sự cố khi đang thử một loại xe dùng tên lửa đẩy chạy bằng cồn do ông phát minh tại Berlin. Trong hai năm 1928 và 1929, Valier đã sản xuất một lượng lớn xe hơi và máy bay sử dụng tên lửa đẩy. Ngày 25-2-1930, lần đầu tiên ông thử nghiệm tên lửa dùng nhiên liệu hóa lỏng ở nhà máy Helandt và đã thu được thành công. Ngày 19-4, lần đầu tiên chiếc xe sử dụng tên lửa đẩy dùng nhiên liệu hóa lỏng được thử nghiệm. Và một tháng sau đó, chiếc xe của Max Valier bị phát nổ khi ông đang thử nghiệm nó.

    3. Henry Fleuss: Mặt nạ khí nén (1876)

     

    Năm 1876, Henry Fleuss-nhà phát minh người Anh đã sáng chế một loại mặt nạ ô-xy kiểu kín sử dụng ô-xy nén chứ không phải là không khí nén. Phát minh của ông ban đầu được dùng trong việc sửa chữa cánh cửa sắt của một con tàu đã bị chìm. Sau đó, ông quyết định lặn cùng với phát minh của mình ở độ sâu 9m. Nhưng điều không may là Fleuss cuối cùng lại chết do hít phải ô-xy nguyên chất. Khi có áp suất, ô-xy lại trở thành một loại khí độc đối với cơ thể con người.

    4. Franz Reichelt: Áo dù (1912)

     

     Ngày 4-2-1912, người thợ may, nhà phát minh và vận động viên nhảy dù người Pháp sinh ra tại Áo - Franz Reichelt đã nhảy từ tháp Eiffel để thử nghiệm chiếc dù kiểu mặc trên người giống như một chiếc áo. Cho dù bạn bè và mọi người đã ngăn cản, nhưng Reichelt vẫn không thay đổi quyết định của mình và đã nhảy xuống từ tháp Eiffel. Thật không may là chiếc dù không mở ra, Reichelt đã phải trả giá cho sự mạo hiểm này bằng chính tính mạng của mình.

     

    5. Karel Soucek: Thùng chống sốc (1985)

     

    Karel Soucek là một diễn viên đóng thế người Canada, ông đã phát minh ra Thùng chống sốc, dùng để đóng thế cho việc nhảy từ trên thác nước xuống. Ngày 19-1-1985, Soucek đã đóng thế trong một cảnh quay nhảy thác tại Nhà thi đấu Houston Astrodome ở bang Texas. Nhà thi đấu Houston Astrodome đã xây dựng một thác nước cao khoảng 55m. Không may, Soucek đã không rơi xuống hồ nước ở bên dưới mà rơi thẳng xuống nền nhà.

    6. William Bullock: Máy in (1867)

     

    Ngày 3-4-1867, nhà phát minh người Mỹ - William Bullock, đã cải tiến một loại máy in kiểu mới từ phát minh của ông – loại máy in quay với tốc độ cao và hiệu quả tuyệt vời đã khiến cho nó là một sự thay đổi mang tính cách mạng của ngành in từ năm 1863. Khi đang lắp puli trên băng tải, chân của ông bị kẹt trong máy in và bị thương, vài ngày sau, vết thương bị hoại tử nặng, ngày 12-4, ông đã chết trong khi phẫu thuật cắt chân.

    7. Aurel Vlaicu: Máy bay (1913)

     

    Ngày 13-9-1913, Aurel Vlaicu – kỹ sư, nhà phát minh và nhà chế tạo máy bay của Rumani đã chết vì rơi máy bay trong khi lái chiếc máy bay “Vlaicu II” do ông chế tạo trên dãy núi Carpathian. Trong chuyến bay lần này,  ông đã trở thành người đầu tiên trên thế giới bay qua dãy núi Carpathian.

    8. Thomas Midgley: Hệ thống nâng người trên giường (1944)

     

     Thomas Midgley là nhà hóa học và kỹ sư cơ khí nổi tiếng của Mỹ, vào năm 51 tuổi, ông bị bại liệt và trở nên tàn phế. Sau khi đã tàn phế, ông đã phát minh ra dây cáp và hệ thống ròng rọc để giúp ông có thể ngồi dậy từ trên giường. Ngày 2-11-1944, Midgley đã bị dây cáp cuốn vào cổ năm ông 55 tuổi, ông đã chết thảm bằng chính thiết bị do mình sáng chế.

    9. Horace Lawson Hunley: Tàu ngầm (1863)

     

    Ngày 15-10-1863, Horace Lawson Hunley 40 tuổi, kỹ sư tourbin của các nước đồng minh đã chết bởi chiếc tàu ngầm chạy bằng tay do ông phát minh, thi thể ông chìm cùng con tàu ở  cảng Charleston miền Nam Carolina, Mỹ.

    10. Otto Lilienthal: Tàu lượn (1896)

     

    Ngày 10-8-1896, Otto Lilienthal, người phi công đầu tiên của Hàng không Đức đã thử nghiệm chiếc tàu lượn do ông phát minh ở Rhinow Hills. Vài lần bay thử đầu tiên đều thành công, chiều cao bay đạt tới 250m. Tàu lượn của Lilienthal đã gặp sự cố ở lần bay thứ tư. Ông dự định điều chỉnh độ cao của tàu lượn nhưng thất bại, ông bị thương nặng khi rơi từ độ cao 15m và tử vong sau đó 36 giờ.

    11. Jean-Francois Pilatre de Rozier: Khinh khí cầu (1785)

     

    Ngày 15-6-1785, Jean-Francois Pilatre de Rozier, nhà hóa học, giáo sư vật lý học người Pháp, một trong những người tiên phong trong ngành hàng không đã chết khi đang ở trên một chiếc khinh khí cầu do khí cầu bị phát nổ do quá căng. Lúc đó, túi khí của khinh khí cầu chưa bị cháy, nhưng bị rơi xuống gần Wimereux ở eo biển Calais. Rozier định bay qua eo biển của Anh trong lần bay này. Ông và người cộng sự Pierre Romain đã trở thành những người gặp nạn đầu tiên trong ngành hàng không.

    12. Michael Dacre: Taxi bay (2009)

     

    Ngày 16-8-2009, phi công của hàng không Anh kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Avcen Ltd của Anh - Michael Dacre đã bay thử trên chiếc “taxi bay” do ông phát minh. Chuyến bay thử được thực hiện tại một địa điểm cách Kuala Lumpur của Malaysia 150 dặm (Khoảng 240km) về phía Bắc. Sau khi cất cánh chưa được bao lâu, chiếc “taxi bay” bị đâm xuống đất và phát nổ, Dacre đã tử vong.

    13. Vạn Hộ: Ghế tên lửa (thế kỷ 16)

     

    Tương truyền rằng Vạn Hộ là một viên quan nhỏ của triều Minh – Trung Quốc. Khi đó, kỹ thuật tên lửa và pháo hoa của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới, điều này đã khiến ông nảy ra suy nghĩ đi thám hiểm ngoài vũ trụ. Vạn Hộ đã chế tạo ra chiếc ghế tên lửa, trên ghế buộc 47 quả tên lửa. Một hôm, Vạn Hộ ngồi lên ghế rồi sai gia nhân dốt các dây dẫn. Thật bất hạnh, tên lửa phát nổ, sau khi đám khói tan đi, phần còn lại chỉ là thi thể của ông.

    14. Isma'il ibn Hammad al-Jawhari: Đôi cánh gỗ (khoảng năm 1002 - 1008)

     

    Khoảng từ năm 1002 – 1008, Jawahari – vị học giả theo đạo Hồi người Thổ Nhĩ Kỳ và là tác giả của cuốn tự điển Ả Rập nổi tiếng đã buộc một đôi cánh bằng gỗ lên cánh tay, ông bay xuống từ mái của một nhà thờ Hồi giáo ở Nishapur và đã chết khi rơi xuống.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày