Sự thật con người đang ngày càng ngu đi?

    Trần Nam Sơn,  

    (GenK.vn) - Truyện tranh và báo lá cải làm thui chột trí não con người, tivi là mảnh đất rộng lớn cằn cỗi, internet làm phân tán lung lạc các giác quan của chúng ta.

    Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu, chính trị gia và những người lập dị đã dành nhiều thời gian để nói về nguồn gốc của sự xuống dốc từ từ của xã hội.  Truyện tranh và báo lá cải làm thui chột trí não con người, tivi là mảnh đất rộng lớn cằn cỗi, internet làm phân tán lung lạc các giác quan của chúng ta và giờ đây, khi những vấn đề đó trở nên ngày một trực diện hơn, nhà di truyền học Gerald  Crabtree thuộc đại học Stanford đã lên tiếng về việc chúng ta đang tự giết chết sự nhận thức và làm  phá vỡ sự ổn định cảm xúc của chính mình.

     

     

    Nhưng cũng có thể, chúng ta đang vượt lên lên chính mình. Cuối cùng, những nỗ lực giải mã bộ gen tạo nên trí thông minh của con người đã đi trước cả nghiên cứu lai giống thực vật của Gregor Mendel, tuy rằng chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu. Trong khi đó, các ngành có liên quan vẫn tiếp tục theo đuổi nỗ lực hàng thế kỷ của họ để làm sáng tỏ các định nghĩa, đo lường và ảnh hưởng của trí thông minh. Có thể đó chính là lý do tại sao đối với nhiều nhà khoa học, ý tưởng của Crabtree nghe có vẻ vô lý.

    Những nhà di truyền học Stanford cho rằng trí thông minh của con người rất mong manh, trừ phi, các thành phần của nó – một nhóm theo Crabtree ước tính có khoảng 2000 - 5000 gen – được lựa chọn kỹ càng trong cộng đồng, nếu không sự tích tụ các đột biến có hại từ đời này sang đời khác sẽ diệt vong chúng ta. Theo tính toán của ông, chúng ta đang trong quá trình biến chuyển não bộ kể từ khi khám phá ra nền nông nghiệp và bắt đầu hình thành nên xã hội định canh định cư.

     

    Theo Crabtree, sự ra đời của quá trình săn bắt – hái lượm sẽ dẫn đến những hệ quả tất yếu – hoặc liều mạng làm mồi cho sư tử, hoặc chết đói. Ngày nay, áp lực chọn lọc tự nhiên phần nào được thay thế bởi áp lực chọn lọc của xã hội – một áp lực dễ thở hơn rất nhiều. Những người thông minh hơn, có khả năng ứng biến tốt hơn với thử thách sẽ truyền lại một phần bộ gen của họ cho hậu duệ của họ.

    Theo nhiều nhà khoa học khác, lý thuyết này có quá nhiều lỗ hổng. Không hề có mối liên kết cụ thể nào về sự quy định của bộ máy di truyền với các tác động từ môi trường bên ngoài, thêm vào đó, việc thiếu đi tính bằng chứng cũng như các đặc tính có thể được chứng minh, giả thuyết này thậm chí được cho là một trò đùa không hơn không kém.

     

    Liên quan đến nhận định về ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhà di truyền học thần kinh Kevin J. Mitchell của Viện di truyền Smurfit cho biết, "Không có bằng chứng chứng minh cho ý tưởng này, điều mâu thuẫn này thậm chí gợi ý đến một giả thuyết đối lập: Chính sự phức tạp về các mối quan hệ của con người trong xã hội là nhân tố chính của phát triển trí thông minh"

    Đột biến, thoái hóa và những luận điểm khoa học

    Mặc dù khẳng định rằng, những ý tưởng của mình chủ yếu lấy nền tảng từ nhân chủng học và sinh lý thần kinh, tuy nhiên, cơ sở của Crabtree chủ yếu đặt trọng tâm vào mặt di truyền.

    Chúng ta đều biết rằng Gene là những mảnh vụn AND thực hiện những chức năng mang tính chất sinh mệnh trong việc xây dựng nên một cỗ máy hoàn chỉnh mang tên “con người”. Khái niệm Gene còn bao hàm cả việc lưu truyền chính bản thân nó qua nhiều thế hệ. Mỗi loại gene được tạo thành từ các phần tử nhỏ hơn gọi là Allele. Một gene quy định chiều cao có thể được dịch mã thành biểu hiện cao hoặc thấp. Chúng ta được thừa hưởng bộ gene của mình một nửa từ cha và một nửa từ mẹ, và các Allele trội sẽ biểu hiện ra thành những đặc điểm bên ngoài: lông mày đen, mắt đen, da vàng…

     

    Đôi khi, một gene do chịu một tác động nào đó từ bên ngoài sẽ ngẫu nhiêu bị thay đổi – và trở thành một đột biến. Một đột biến dòng soma sẽ chỉ ảnh hưởng đến một cá thể duy nhất – trong khi một đột biến dòng tế bào sinh dục sẽ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hầu hết các đột biến đều là có hại, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, những đột biến này có thể là tăng khả năng thích nghi của sinh vật để chúng có thể tiếp tục sống và duy trì giống nòi. Do đó, đột biến chính là động lực thúc đẩy quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên.

    Dựa vào những nghiên cứu trên các khiếm khuyết về trí óc có liên kết với gene trên nhiễm sắc thể X, Crabtree ước tính rằng có ít nhất 10% gene thuộc bộ máy di truyền của con người tham gia vào việc tạo thành trí thông minh, và mỗi một thành phần đơn lẻ trong đó đều có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tư duy và cảm xúc. Trí tuệ, theo luận điểm của Crabtree, là chỉ là một lá bài trong bộ bài di truyền, và một đột biến tệ hại trong chỉ một gene có thể làm sụp đổ cả một cơ thể, hoặc có thể là cả một thế hệ.

     

    Các nhà di truyền học còn cho rằng, trí tuệ cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi các đột biến có hại, và không thực sự được chuẩn bị sẵn sàng để truyền tiếp cho thế hệ sau. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn cần một động lực chọn lọc tự nhiên cực kỳ mạnh mẽ nếu muốn lưu truyền bộ óc sắc xảo của mình đến nhiều thế hệ sau. Khoảng 50.000 đến 500.000 năm trước, bản năng sinh tồn được đặt dưới thử thách cực lớn trong một xã hội lấy săn bắn, hái lượm làm công cụ kiếm ăn chính, nhưng càng về sau, các mô hình xã hội ngày càng ổn định hơn đã ra đời. Điều này đồng nghĩa với việc duy trì một hệ thống ổn định và đảm bảo các nhu cầu sinh mạng của con người, và từ đó tạo điều kiện cho các dải trí tuệ khác nhau ngày càng phát triển. Crabtree chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho giả thuyết này.

    Một cách ngắn gọn, chúng ta đang tạo ra một môi trường ngày càng “dễ thở” hơn, chúng ta đang phản kháng lại động lực chọn lọc tự nhiên, và vô hình chung, điều này đã làm cho các đột biến có hại – trong đó có những đột biến liên quan đến việc làm sa sút trí tuệ, ngày một nhân lên trong cộng đồng. Nửa triệu năm trước – bạn, một cá thể chậm chạp, ỉ lại và không có óc quan sát, sẽ nhanh chóng làm mồi cho sư tử chỉ trong một buổi đi săn. Giờ đây, bạn vẫn có thể yên bình tận hưởng sự chăm sóc của xã hội và lưu truyền bộ não tai hại của mình đến các thế hệ sau.

    Những tranh cãi vẫn tiếp diễn

    Phe đối lập đã tập trung chỉ trích cách diễn giải, sự nghèo nàn về mặt bằng chứng và tính đáng tin cậy trong luận điểm của Crabtree. Họ cũng bất đồng với những kết quả trong các nghiên cứu về mặt di truyền, sinh lý thần kinh và nhân chủng học của ông.

     

     

    Ví dụ điển hình là việc Crabtree đã “lờ đi” vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển của não bộ con người, cụ thể hơn, đó là sự nở rộng của vỏ não thùy trán nói riêng, và tổng thể tích não bộ nói chung. Đó là hai thay đổi mang tính chất quyết định đến việc hình thành các tư duy trừu tượng – thay đổi được Crabtree cho rằng hình thành từ khoảng 50.000 – 500.000 năm trước. Nhưng Alex Kalinka và các đồng sự của mình, những nhà khoa học đang làm việc tại Học viên Max Planck cho rằng ngôn ngữ xuất hiện sớm hơn thế rất nhiều, từ khi người hiện đại tách ra khỏi chủng Neanderthals. Đây chính là những lỗ hổng trong luận điểm của Crabtree – không phải chọn lọc tự nhiên, chính tư duy và ngôn ngữ mới đóng vai trò quyết định trong sự tiến hóa của não bộ.

    Cũng có những ý kiến phản đối mạnh mẽ việc bài trừ vai trò của xã hội trong việc thúc đẩy sức mạnh của trí thông minh. Trên quan điểm của Crabtree, sự thuận tiện và thoải mái của xã hội hiện đại đã và đang tiếp tục làm thoái hóa trí tuệ của con người, nhưng nhiều học giả chỉ ra điều ngược lại. Môi trường hiện đại, thực chất chỉ tạo ra những thoải mái về mặt vật chất, nó góp phần loại bỏ những thao tác và suy nghĩ giản đơn, nhưng thay vào đó, lại tạo ra một môi trường chọn lọc gắt gao hơn rất nhiều về mặt tư duy phức tạp.

     

    Để có được hình dung cụ thể hơn, đây là sự so sánh giữa hai áp lực chọn lọc: Cách đây nửa triệu năm, nếu bạn không đủ nhanh nhẹn và tinh quái trong việc đánh hơi thấy thú dữ, hoặc con mồi, bạn sẽ chết đói – hoặc làm mồi cho hổ. Giờ đây, nếu bạn không kịp đánh hơi thấy nhiều sự thay đổi khác: trong tâm trạng của sếp, trong lựa chọn của khách hàng, trong từng nét mặt, từng cái bắt tay, bạn sẽ nhanh chóng bị đá ra đường một cách không thương tiếc.

    Quay trở lại quan điểm cho rằng, bộ não là một thực thể cực kỳ dễ bị tổn thương bởi các đột biến, đây cũng là một luận điểm chịu khá nhiều sự công kích. Crabtree cho rằng, những đột biến này không chỉ ảnh hưởng lên một vài cá thể, mà còn nhân rộng lên trong nhiều thế hệ. Nếu thực sự điều đó xảy ra, môi trường chúng ta đang sinh sống với vô vàn các tác nhân có thể gây ra đột biến sẽ sớm làm chúng ta phân hóa về mặt trí tuệ cực kỳ rõ rệt. Rõ ràng, mô hình trí tuệ mà Crabtree đề ra không những nhiều sơ hở về mặt lý thuyết, mà còn cực kỳ thiếu đi tính bằng chứng để tạo nên sức thuyết phục.

     

    Cuối cùng, các nhà khoa học cho rằng, mô hình cạnh tranh trong sự phát triển gene lại càng chứng minh rõ ràng hơn cho tính ít chịu tác động của trí thông minh. Trí tuệ không đơn giản chỉ là kiểu hình của những gene quy định nên nó, đúng hơn, nó là một mặt biểu hiện tổng hòa của bộ máy di truyền. Mô hình này cũng giúp giải thích tại sao trí tuệ thường đi kèm với các bất thường tại các hệ cơ quan khác nhau, như các bệnh lý tim mạch và thần kinh.

    Rõ ràng, chỉ với một luận điểm này, bạn có thể dễ dàng kéo theo nhiều học giả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau vào một cuộc tranh cãi với vô vàn những giả thiết và vô vàn những nghiên cứu có thể kéo dài đến hàng chục năm. Bộ não con người chưa bao giờ là một thứ giản đơn dễ hiểu, và rất có thể chúng ta sẽ còn phải mất nhiều năm tranh cãi nữa, trước khi có được cái nhìn thực sự minh bạch về nó.

    Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ