Top 5 thành phố hiện đại bị bỏ hoang

    Chuby,  

    Khi đến những thành phố này, sự âm u, hoang vắng của chúng không khỏi làm bạn ớn lạnh, tuy nhiên, những thành phố lại là nguồn cảm hứng của những nhà làm nghệ thuật.

    Tháng 5 năm 2008, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tàn phá thành phố Bắc Xuyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Trận động đất này đã phá hủy hầu hết các công trình trong thành phố, khiến cho 50.000 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Gần 5 triệu người sau trận động đất này mất hết nhà cửa, những tòa nhà còn sót lại sau trận động đất không còn an toàn cho người dân sử dụng. Những người sống sót phải rời bỏ thành phố của họ và chuyển đến khu vực khác.
     
    Thành phố Bắc Xuyên nằm trên vùng đứt gãy của địa chấn, xung quanh có nhiều núi dốc và hiểm trở, trong mười năm qua mỗi khi có mưa lớn và động đất nhỏ đều xảy ra lở núi và chuồi đất. Chính quyền Trung Quốc đã quyết định di dời toàn bộ những người từ Bắc Xuyên đến xây dựng thành phố mới.
     
    Từ đây, Bắc Xuyên chính thức được liệt vào danh sách một trong những thành phố hiện đại bị bỏ hoang. Có rất nhiều lý do khiến cho người dân bỏ lại nơi mình sống và đến khu vực khác sinh sống. Thật kỳ lạ khi những thành phố này bị bỏ hoang trong khi đó tại thành phố liền kề, mọi người đang chen chúc nhau từng mét đất. Khi đến những thành phố này, sự âm u, hoang vắng của chúng không khỏi làm bạn ớn lạnh, tuy nhiên, những thành phố lại là nguồn cảm hứng của những nhà làm nghệ thuật
     
    Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Top 5 thành phố hiện đại bị bỏ hoang.
     
    Thành phố Bắc Xuyên sau trận động đất kinh hoàng.
     
    1. Thành phố Prypiat, Ukraine
     
    Ngày 26/4/1986, một vụ nổ xảy ra tại nhà lò phản ứng số 4 thuộc nhà máy Chernobyl. Đây là vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Bức xạ từ vụ nổ còn ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh nhiều năm sau đó. Chính quyền Soviet khi ấy đã phải di dời người dân ở nhiều thành phố quanh khu vực nhà máy Chernobyl và thiết lập một khu vực giới nghiêm rộng 18 dặm quanh đó.
     
    Thành phố Prypiat khi ấy là nơi cư trú của hầu hết những công nhân làm việc cho nhà máy, nó có sức chứa 44.000 người. Prypiat nằm ngay trong bán kính 3 dặm và trong vòng 60 giờ sau vụ tai nạn, toàn bộ người dân ở khu vực này đã được sơ tán. Khu vực này vẫn được coi là không an toàn cho người dân nên có lẽ phải một thời gian dài nữa nó mới được gạch tên khỏi những thành phố bị bỏ hoang.
     
    Một vài người đã bỏ qua những lời cảnh báo, họ đã đến khu vực Prypiat và khám phá khu vực này. Thành phố này ngày nay đã bị cây cối lấn át, sân vận động của Prypiat biến thành một khu rừng nhỏ, cây cối mọc chen lên cả đường phố. Cây cối đã chiếm lại nơi từng bị con người xâm lấn.
     

     
    Khung cảnh hoang tàn, dễ ám ảnh người xem của thành phố đã trở thành đề tài cho nhiều nhiếp ảnh gia. Và các nhà làm phim đã dựng lại khung cảnh thành phố Prypiat trong một bộ phim mới đây có nhan đề “Chernobyl Diaries”.
     
    Quảng cáo của bộ phim Chernobyl Diaries.
    Trong phim có tái hiện khung cảnh thành phố Prypiat.
     
    2. Thành phố Humberstone và Santa Laura, Chile
     
    Thành phố Humberstone được thành lập năm 1862, ban đầu thành phố này là trung tâm của một khu mỏ nitrate. Santa Laura là thành phố sát sườn với Humberstone và cũng là một trong những trung tâm nổi tiếng về khai thác quặng nitrate. Cũng chính nhờ ngành khai thác quặng này mà cả 2 thành phố đã trở nên cực kỳ phát triển vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi người ta sản xuất ra được thành phần nhân tạo để thay thể natrate, hai thành phố này đã dần dần đi vào quá khứ.
     
    Cho đến năm 1961, tất cả những nhà máy sản xuất ở cả 2 thành phố chính thức phải đóng cửa, người dân không còn việc làm nữa đành rời bỏ Humberstone và Santa Laura.
     
    Cả 2 thành phố bị bỏ lại sau lưng cho những đụn cát sa mạc xâm lấn dần. Những khu sản xuất, nhà ở cho công nhân vẫn còn đứng nguyên ở đây như ngày còn có người ở. Tuy lý do bị bỏ hoang ở nơi đây không tàn khốc như tại Prypiat, nhưng khung cảnh hoang tàn của chúng vẫn khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái khi đến đây.
     
    Ngày nay, 2 thành phố này đã quay trở lại với cuộc sống hiện đại, chúng đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của Chile. Đây là những thành phố được xây dựng trên sa mạc, chúng tuy bị bỏ hoang nhưng mang tinh thần, nỗ lực của người dân trong quá khứ. Năm 1970, chính quyền Chile đưa 2 thành phố này vào danh sách những di tích quốc gia. Đến năm 2005, 2 thành phố này được UNESCO trao tặng danh hiệu di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn.

     
    3. ( Một phần của) Thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, Mỹ
     
    Bên trong thành phố Detroit của Mỹ có một khu vực khoảng 12.000 nóc nhà đang bị bỏ hoang. Thành phố này từng là một trong những khu vực phát triển mạnh nhất của ngành công nghiệp chế tạo ô tô vào những năm đầu của thế kỷ 20. Tính đến năm 1950, thành phố Detroit khi ấy có khoảng 2 triệu dân, và là thành phố lớn thứ 3 của Mỹ lúc bấy giờ.
     
    Đi kèm với sự phát triển của ngành công nghiệp này, đời sống của Detroit cũng đổi thay từng ngày. Những ngôi nhà sang trọng, rạp hát, nhà xưởng…mọc lên ở khắp mọi nơi. Thành phố lúc bấy giờ thể hiện rõ sự giàu có, phát triển của cư dân.
     
    Tuy nhiên, cho đến những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ đi vào suy thoái. Thành phố cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng này. Năm 1979, Detroit sản xuất 90% số lượng xe trên toàn đất Mỹ, nhưng đến năm 2005, con số này giảm xuống còn 40%, một phần nguyên nhân là do sự đổ bộ ồ ạt của những công ty sản xuất ô tô nước ngoài. Một phần khác khiến cho Detroit đi xuống là việc ngoại ô hóa. Người dân không còn muốn sống trong thành phố chật chội, họ di cư ra các vùng ngoại ô và mang theo những khoản tài sản lớn của họ. Trong khi đó, những nhà thầu xây dựng, chủ đất vẫn tiếp tục việc xây dựng trong thành phố. Cho đến khi họ nhận ra nhà xưởng, các công trình giải trí mà họ xây dựng không thể thu lời được, họ đành vứt bỏ chúng sang một bên. Do đó, một phần thành phố Detroit cũ bị bỏ hoang ở ngay bên cạnh khu vực vẫn còn khá phát triển.
     
    Chính quyền sau đó vẫn nỗ lực đưa người dân quay trở lại khu vực này bằng cách xây các công trình mới trên nền cũ. Tuy nhiên, những việc làm của họ đã không đạt được hiệu quả. Khu vực bỏ hoang của thành phố Detroit sau đó trở thành nơi để những kẻ phá hoại thực hiện hành vi bệnh hoạn của chúng. Bắt đầu từ năm 1970, vào đêm Haloween, những kẻ phá hoại đốt những tòa nhà bỏ hoang ( Đôi khi trong những toàn nhà ấy còn có cả những người vô gia cư sinh sống), việc này kéo dài mãi cho đến những năm 1990. Đỉnh điểm của việc phá hoại này là vào năm 1984, từ đêm 30 tháng 10 đến 1 tháng 11 đã có hơn 800 vụ cháy xảy ra trong khu vực này.
     

     
    4. Đảo Hashimi, Nhật Bản
     
    Đảo Hashimi là một đảo nhỏ, rộng khoảng 6 hecta, được bao quanh bởi những dãy núi đá, nằm gần bờ biển Nagasaki. Tuy nhỏ bé nhưng hòn đảo này trước đây từng đóng vai trò quan trọng đối với quốc gia mặt trời mọc này. Như ta đã biết, Nhật Bản không phải là quốc gia giàu tài nguyên, khoáng sản, do đó, những mỏ, quặng được phát hiện ở đây vô cùng quí báu. Ngay bên dưới đảo Hashimi là một mỏ than kéo dài đến tận thềm đại dương bên dưới. Năm 1890, tập đoàn Mitsubishi đã mua lại đảo Hashimi và xây dựng khu mỏ, nhà ở cho công nhân ở đó.
     
    Do diện tích của đảo vô cùng nhỏ, nhà ở cho công nhân được xây dựng là những khu nhà tập thể với buồng tắm, nhà vệ sinh chung. Sau đó bệnh viện, rạp hát cũng được xây dựng trên đảo để phục vụ công nhân. Hashimi lúc ấy thực sự đã trở thành một cộng đồng phát triển với hơn 5000 nhân khẩu. Công nhân trên đảo bao gồm cả người Nhật bản lẫn người Hàn Quốc, Trung Quốc bị bắt trong chiến tranh.
     
    Cho đến năm 1974, khi dầu mỏ trở thành nguồn nguyên liệu mới thay thế than đá, người dân trên đảo được đưa về đất liền, nhà xưởng ở Hashimi đóng cửa. Từ đó, thành phố nhỏ Hashimi trở thành hoang phế.
     
    Cho đến ngày nay, tình các công trình trên đảo vẫn còn khá tốt mặc dù đã qua hơn 3 thập kỷ không được sử dụng. Những bức tường đá đã cũ nhưng cấu trúc bê tong, cốt thép bên trong vẫn còn chắc chắn. Thành phố này ngủ trong yên lặng, cư dân ngày nay của Hashimi chỉ là những con mèo hoang hoặc những kẻ cư trú bất hợp pháp. Cũng như Humberstone và Santa Laura của Chile, chính quyền Nhật Bản đang cố biến Hashimi trở thành một di sản văn hóa thế giới.
     

     
    5. Thành phố Centralia, Pennsylvania, Mỹ
     
    Thành phố này từng có thời là nơi cư ngụ của 3000 người dân với đủ các công trình như cửa hàng, nhà thờ, khách sạn… Centralia ra đời năm 1866 và là một thành phố mới phát triển nhờ khai thác than đá. Tuy nhiên, than đá cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của thành phố này.
     
    Vào năm 1962, trong khi đốt rác thải ở một hố than các công nhân đã vô tình đốt phải một mạch than anthracite ở dưới lòng đất. Sau khi bị đốt cháy, lửa đã lan tới các mạch than đá ở gần đó và tạo ra một đám cháy ngầm ở trong lòng đất. Người dân thành phố đã cố gắng để dập tắt ngọn lửa nhưng không đạt được kết quả. Chính quyền địa phương đã định cho đào một mạng lưới các đường rãnh rộng khắp thành phố nhằm cô lập đám cháy. Tuy nhiên, kế hoạch đã không được thực hiện do giá cả thực hiện nó quá cao.
     
    Năm 1981, với ngọn lửa cháy ngầm liên tục gần 20 năm đã khiến mặt đất nứt ra. Một cậu bé 12 tuổi đã chứng kiến mọi việc xảy ra, cậu bé này may mắn bám được vào rễ cây xung quanh và được anh họ cậu ta cứu thoát khỏi cái hố đó.
     
    Năm 1982, Chính quyền Mỹ đã chi ra 42 tỷ USD cho việc di dời người dân Centralia. Hầu hết cư dân của Centralia đều chấp nhận rời đi, để lại thành phố hầu như không còn một bóng người. Chỉ một số ít, khoảng 20 người ở lại, họ sống trong những căn nhà hợp pháp của mình. Chính phủ cho phong tỏa cửa ngõ chính vào thành phố, đồng thời cho xây dựng các tuyến đường vành đai và nhanh chóng chia cắt thành phố đang cháy này với phần còn lại của thế giới.
     
    Các con đường ở Centralia nếu không bị chặn bởi cây cối thì cũng bị nứt gãy bởi khí gas độc hại bốc lên từ lòng đất. Hầu hết các căn nhà đều đã hoặc là bị cháy hoặc là bị kéo sập để tránh khỏi ngọn lửa. Ngày nay, chỉ còn lại nghĩa trang thành phố và một số ít ngôi nhà vẫn còn người sinh sống.
     
     

     Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ