Không uống rượu bia, người đàn ông vẫn bị cảnh sát tóm vì "thở ra cồn": Cứ thói quen này thì rất dễ mắc

    Trang Ly,  

    Không ăn hay uống các loại thực phẩm/đồ uống sinh ra cồn, vậy tại sao trong hơi thở người này vẫn có nồng độ cồn cao?

    The Guardian (Anh) đưa tin cách đây vài ngày rằng, một người đàn ông Bỉ đã bị cảnh sát Bruges (thành phố lớn nhất của Bỉ) bắt giữ vì tội lái xe sau khi dùng rượu bia. Đối với cảnh sát, bằng chứng dùng rượu bia của người này hiển thị qua máy đo nồng độ cồn và nó ở mức vượt quy định.

    Tại cơ quan cảnh sát, người đàn ông một mực khăng khăng bản thân không uống một giọt rượu hay bia nào. Tưởng người này chống chế, cảnh sát liền đưa ông ta vào bệnh viện để kiểm tra.

    Không lâu sau đó, người đàn ông được tha bổng. Rất may, ông ta đã được giải oan.

    Đơn giản là vì - đúng như lời người này nói là bản thân không dùng rượu, bia hay các đồ ăn/uống sinh ra cồn - ở người đàn ông Bỉ này mắc một hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên thế giới: Hội chứng tự lên men (Auto-Brewery Syndrome - ABS).

    Theo luật sư, 3 bác sĩ đã khám độc lập cho người đàn ông và đều xác nhận ông ta mắc hội chứng ABS.

    Vậy hội chứng ABS hiếm gặp này là gì?

    Trước hết, cần hiểu khái niệm cồn nội sinh.

    Theo các nhà khoa học, bên trong cơ thể chúng ta tồn tại cái gọi là "cồn nội sinh". Loại cồn này do cơ thể tự sinh ra mà không có bất kỳ tác động nào từ bên ngoài. 

    Không uống rượu bia, người đàn ông vẫn bị cảnh sát tóm vì

    Ảnh minh họa: Newsbytes

    Đặc điểm của cồn nội sinh là loại cồn này với cồn do rượu/bia sinh ra đều giống nhau (alcohol). Tuy nhiên, nồng độ cồn nội sinh trong máu, hơi thở rất nhỏ - đến mức các phương tiện đo nồng độ cồn thông thường không thể phát hiện.

    Nhưng trong trường hợp, máy đo vẫn phát hiện nồng độ cồn cao - dù cho người đó không ăn/uống bất cứ thực phẩm/đồ uống nào sinh ra cồn; nghĩa là cồn nội sinh được đo ở mức cao - thì điều đó có nghĩa là họ mắc hội chứng ABS.

    Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NLM), hội chứng ABS là tình trạng ethanol được sản xuất thông qua quá trình lên men nội sinh bởi nấm hoặc vi khuẩn trong hệ tiêu hóa, khoang miệng hoặc hệ tiết niệu.

    Việc sản xuất cồn nội sinh xảy ra với số lượng rất nhỏ như một phần của quá trình tiêu hóa bình thường, nhưng khi nấm men hoặc vi khuẩn lên men trở thành mầm bệnh (mắc ABS), nồng độ cồn trong máu có thể tăng cao. 

    Hội chứng ABS phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc các bệnh đồng thời như tiểu đường, béo phì và bệnh Crohn (viêm ruột xuyên thành mạn tính); nhưng có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh. Bệnh đã được xác định ở cả người lớn nam, nữ và trẻ em ở nhiều quốc gia.

    Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NLM) cho biết, sự rối loạn của hệ vi sinh vật đường ruột, đường miệng hoặc đường tiết niệu là tình trạng cơ bản cho phép vi khuẩn lên men xâm chiếm quá mức. Những rối loạn như vậy là do chế độ ăn nhiều carbohydrate và thực phẩm tinh chế cũng như việc lạm dụng thuốc kháng sinh và không phải kháng sinh trong thực phẩm và thuốc. 

    Không uống rượu bia, người đàn ông vẫn bị cảnh sát tóm vì

    Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate cũng khiến bản thân dễ mắc hội chứng ABS. Ảnh minh họa

    Điều này khiến cho ruột chứa nhiều vi sinh vật nấm men thuộc họ Candida và Saccharomyces - là những vi khuẩn hội sinh trở thành mầm bệnh gây ra hội chứng ABS.

    Giới y khoa Mỹ đánh giá, hội chứng ABS rất hiếm gặp. Không phải ai sinh ra cũng đã mắc vì nó sẽ xuất hiện và phát triển ở người thường hay mắc các vấn đề về đường ruột.

    Bệnh nhân mắc ABS có thể biểu hiện các triệu chứng giống như ngộ độc rượu như nói ngọng, vấp ngã, mất chức năng vận động, chóng mặt và ợ hơi.

    Các bác sĩ khuyên rằng, những bệnh nhân mắc hội chứng ABS nên ăn ít đường và carbohydrate và ăn chế độ ăn giàu protein hơn. Về lâu dài, bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn ít carbohydrate, tránh dùng kháng sinh trong chế độ ăn và kiêng uống rượu.

    Tham khảo: The Guardian, NLM


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày