Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp

    Thanh Long,  

    Có khoảng 30% các vụ đuối nước khiến nạn nhân bị "chết đuối khô", khi cơn hoảng loạn tạo ra phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại để ngăn nước vào phổi. Nếu nạn nhân không bình tĩnh trở lại để khí quản mở ra, họ sẽ không thể hít thở dẫn đến tử vong.

    Tưởng tượng bạn đang đi trên một cây cầu thì bất ngờ nó sập xuống. Bạn sẽ bị rơi xuống vùng nước sâu trong một tình huống không hề được chuẩn bị trước. Đối với đa số mọi người, ngay cả những người đã biết bơi, điều này cũng có thể khiến họ bị hoảng loạn.

    Trên thực tế, hoảng loạn mới là yếu tố đóng góp chính vào việc bạn có thể bị đuối nước. Vì trong lúc hoảng loạn, theo bản năng, bạn sẽ cố gắng vùng vẫy hết sức có thể. Điều này vô hình trung khiến bạn tiêu tốn rất nhiều sức lực, thứ mà bạn lẽ ra bạn phải tiết kiệm nếu muốn bơi được vào bờ.

    Ngoài ra, hoảng loạn cũng khiến bạn hít thở vô tội vạ, gây ra nguy cơ sặc nước. Nước đi vào mũi, bịt kín đường thở và vào phổi thậm chí còn khiến bạn hoảng loạn hơn.

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 1.

    Cuối cùng, chính cơn hoảng loạn mới là thứ nhấn chìm bạn chứ không phải dòng nước, trong một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là "chết đuối khô". Vì cơ bản, nếu bạn bình tĩnh thì cơ thể chúng ta – với 70% là nước và đầy không khỉ trong phổi - đều có thể tự nổi như một chiếc phao, ngay cả khi bạn không biết bơi.

    Đó cũng là lý do trong tất cả các lớp học, các tài liệu và hướng dẫn phòng tránh đuối nước, lời khuyên dành cho bạn luôn là phải bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh. Nhưng bình tĩnh bằng cách nào khi bị rơi xuống nước thì không ai nói cả.

    Mà thực ra, ai có thể bình tĩnh cho được, ngay cả thầy dạy bơi của bạn khi bất ngờ bị rơi từ trên cầu xuống nước cũng sẽ hoảng loạn mà thôi. Vậy làm thế nào để không bị cuống trong những tình huống như vậy?

    Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bournemouth, Anh Quốc đang có một cách tiếp cận mới. Họ đang đẩy các tình nguyện viên ra khỏi vách núi bên bờ biển, làm sập một cây cầu hoặc đơn giản là ném mọi người xuống hồ bơi để luyện tập cho họ việc bất ngờ rơi xuống nước.

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 2.

    Tất nhiên, các hành động này chỉ được thực hiện trong môi trường thực tế ảo mà thôi, khi tình nguyện viên đang ở trên cạn và đeo một chiếc kính mô phỏng.

    Dẫu vậy, bởi sự chân thực mà công nghệ thực tế ảo hiện đã có thể đem lại, các tình nguyện viên vẫn được tập luyện với cảm giác bị rơi xuống nước. Trong khi, các nhà nghiên cứu ghi lại toàn bộ nhịp tim, sóng não và cảm xúc của họ, để tìm ra được cách huấn luyện não bộ thích nghi hiệu quả nhất với từng tình huống cụ thể.

    Hoảng loạn, "chết đuối khô" và đuối nước

    Có một nghịch lý ở đây, đó là con người luôn thích nước. Chúng ta thích ngắm nhìn mặt nước, sống gần mặt nước và chơi đùa với nước.

    Nghiên cứu khoa học chỉ ra việc tiếp xúc với không gian nước mở như biển, sông và hồ có thể giúp con người cảm thấy thư giãn. Chỉ cần nhìn thấy mặt nước là hệ thần kinh đối giao cảm của bạn sẽ được làm dịu xuống một nấc, cả nhịp tim và huyết áp của bạn đều giảm xuống. Bạn sẽ cảm nhận được một sự yên bình, một niềm vui nhẹ nhàng và thư thái.

    Đó là nguyên nhân sâu xa khiến cho các bất động sản ở mặt sông, mặt hồ và ven biển luôn cực kỳ đắt đỏ. Các khu du lịch trên đảo, các tour du thuyền trên sông hoặc thậm chí đi thuyền thúng trong kênh rạch thôi cũng thu hút du khách, ngay cả khi họ nhận thức được rằng mình không biết bơi và ở gần mặt nước khiến họ gặp rủi ro đáng kể.

    Bởi ngắm nhìn mặt nước là một chuyện, bị rơi xuống nước lại là chuyện khác. Lúc này, cảm giác thư thái của bạn sẽ ngay lập tức biến thành hoảng loạn và hoảng loạn sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong vì đuối nước.

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 3.

    Các cảnh báo về đuối nước từ trước đến nay chỉ tập trung vào tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Đó cũng là định nghĩa của đuối nước.

    Tuy nhiên trái với việc mọi người nghĩ, không phải toàn bộ nạn nhân chết đuối đều do nước tràn vào phổi.

    Có khoảng 30% các vụ đuối nước khiến nạn nhân bị "chết đuối khô". Đó là do người bất ngờ bị chìm trong nước cảm thấy hoảng sợ. Cơ thể họ tạo ra phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại ngăn nước vào phổi. Nhưng đồng thời, khí quản đóng cũng ngăn oxy được hít vào và cơ thể trữ CO2 khiến não chết và gây tử vong.

    Chết đuối khô đặc biệt hay xảy ra trong các tình huống mà ai đó bị bất ngờ rơi xuống nước, ngay cả với người đã biết bơi cũng có thể gặp.

    "Việc rơi xuống nước một cách bất ngờ, chẳng hạn như bị thủy triều cuốn trôi khi đang đi dọc bờ biển, hoặc chụp ảnh tự sướng ở rìa vách đá rất nguy hiểm vì yếu tố bất ngờ và thiếu sự chuẩn bị khi rơi xuống nước", tiến sĩ Jill Nash, một giảng viên cao cấp tại Đại học Bournemouth cho biết.

    "Sự thiếu chuẩn bị này làm tăng đáng kể nguy cơ chết đuối cũng như thực tế là một số người bất ngờ rơi xuống nước thường mặc đầy đủ áo phao và cũng vẫn có thể sợ nước và tử vong".

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 4.

    Tập luyện với thực tế ảo có thể giúp phòng ngừa

    Để giúp tất cả mọi người phòng tránh tâm lý sợ nước, hoảng loạn khi rơi xuống nước và hiện tượng chết đuối khô, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nash bao gồm các nhà khoa học thần kinh đến từ Đại học Bournemouth đã hợp tác với Viện cứu hộ Hoàng gia Quốc gia Anh trong một dự án đặc biệt.

    Họ đã tuyển dụng hàng loạt tình nguyện viên tham gia vào các buổi đào tạo tâm lý phòng chống đuối nước bằng công nghệ thực tế ảo. Trong đó, tình nguyện viên được đeo kính thực tế ảo để trải nghiệm các tình huống rơi xuống nước:

    - Khi họ có sự chuẩn bị trước, ví dụ như biết mình sẽ được tham gia một buổi chèo thuyền sup và trong lúc chèo thuyền có thể bị ngã xuống nước

    - Khi họ hoàn toàn bất ngờ, ví dụ như khi ngã khỏi một vách đá bị sụt lún

    - Khi được chuẩn bị trước nhưng vẫn có sự bất ngờ, ví dụ như khi đã ở dưới nước nhưng độ sâu mực nước đột ngột tăng cao, hoặc khi giẫm phải mảnh sành, vật nhọn, khi bất ngờ nhìn thấy một người khác đuối nước và quyết định nhảy xuống cứu…

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 5.

    Một tình nguyện viên tham gia vào khóa đạo tạo chống "đuối nước khô".

    "Bằng cách sử dụng các cảm biến cảm xúc trong kính thông minh, chúng tôi khám phá cách những cảm xúc như sợ hãi được trải nghiệm trong các tình huống thực tế ảo này", tiến sĩ Nash cho biết.

    Trong suốt quá trình thí nghiệm, các tình nguyện viên được theo dõi qua camera, và họ cũng đeo cảm biến đo nhịp tim và thiết bị đo sóng não nhằm ghi lại các phản ứng, cảm xúc và hoạt động thần kinh của họ.

    Tất cả các thông tin này sau đó sẽ được phân tích, cho phép nhóm của tiến sĩ Nash tinh chỉnh các buổi đào tạo trong tương lai, để giúp tình nguyện viên bình tĩnh phản ứng với tình tình huống có thể xảy ra.

    Trong một báo cáo sơ bộ vào tháng 8, khi đang trình diễn công nghệ này tại một triển lãm ở Đại học Bournemouth, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã có những phát hiện bước đầu về tâm lý sợ hãi của mọi người khi bất ngờ rơi xuống nước.

    Chẳng hạn như nam giới tham gia vào các kịch bản thực tế ảo này có xu hướng bốc đồng và thích trải nghiệm cảm giác mạnh, do đó, họ dễ bị rơi xuống nước hơn ngay cả trong các tình huống có sự chuẩn bị.

    Chẳng hạn như khi các nhà khoa học tạo ra tình huống trên một vách đá, những người đàn ông có xu hướng đi ra sát mép của nó hơn so với phụ nữ, và sau đó họ bị rơi xuống nước nhiều hơn.

    Thế nhưng, trong tình huống bất ngờ thấy một người đuối nước cần được cứu, những người đàn ông hóa ra cũng sẵn sàng nhảy xuống nước để cứu họ hơn. Phụ nữ nhìn chung có xu hướng phòng ngừa và tránh rủi ro. Nên họ thường chuẩn bị tốt hơn cho việc tránh bị rơi xuống nước.

    Nhưng một khi đã bị bất ngờ, cả hai giới đều có những phản ứng hoảng loạn như nhau.

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 6.

    "Khi đột nhiên bị rơi xuống nước, cơ thể chúng ta phản ứng tự động để tăng cường sự cảnh giác và mức adrenaline của chúng ta cũng sẽ tăng cao do sốc nước. Điều đó khiến chúng ta thở nấy thở để, hoặc nín thở hoàn toàn và cố gắng bơi thật mạnh cho đến khi kiệt sức ", tiến sĩ Nash cho biết.

    Thế nhưng tất cả các phản ứng đó đều sẽ giết chết bạn.

    Vậy bạn phải phản ứng thế nào để sống sót khi bất ngờ rơi xuống nước sâu?

    Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã tập huấn cho các tình nguyện viên thực hiện một chuỗi 5 bước trong quy trình sống sót, đi ngược lại bản năng sợ hãi của chúng ta. "Việc chế ngự bản năng sợ hãi có thể cứu mạng bạn trong nhiều tình huống ", tiến sĩ Nash nói.

    " Nghiên cứu cho thấy việc thực hiện theo năm bước đơn giản này sẽ có hiệu quả cao. Chúng dễ nhớ và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện, bất kể trình độ bơi lội hay việc bạn bị ngã xuống vùng nước ngọt hay nước mặn".

    Quy trình 5 bước của tiến sĩ Nash bao gồm:

    Bước 1: Thả lỏng người để đạt được độ nổi tự nhiên

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 7.

    Thay vì vùng vẫy khi rơi xuống nước, bạn cần ngay lập tức nhận diện được tình huống của mình và trấn tính bản thân để thả lỏng người. Việc bình tĩnh này có thể được thực hiện qua quá trình đào tạo với kính thực tế ảo.

    Khi bạn thả lỏng được người, cơ thể bạn sẽ đạt được tới độ nổi tự nhiên, cho phép bạn nổi lên gần xâm xấp với mặt nước, cho dù bạn không biết bơi.

    Bước 2: Ngửa đầu ra sau để khai thông đường thở

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 8.

    Khi thực hiện bước đầu tiên, bạn cần phải nín thở để tránh nước xâm nhập vào đường thở. Mặc dù điều này sẽ khiến bạn tích tụ CO2 và khiến nhịp tim của bạn tăng lên, nhưng hãy cố gắng trấn tĩnh cho đến khi bạn đạt được độ nổi tối đa.

    Một lần nữa thực tế ảo có thể giúp bạn luyện tập sự trấn tĩnh này. Sau đó, khi đã nổi lên gần mặt nước, bạn cần xoay người lại trong tư thế ngửa, sau đó ngửa đầu ra sau để khai thông đường thở.

    Độ ngửa có thể đạt được khi bạn tiếp tục thả lỏng cơ bắp và tự cho phép một nửa cơ thể mình bao gồm 2 tai chìm dưới mặt nước. Đừng lo lắng việc nước sẽ vào tai bạn, vì chúng ta đang hi sinh hai lỗ tai để có cơ hội cho hai lỗ quan trọng hơn.

    Đó chính là mũi và miệng.

    Bước 3: Không hoảng sợ, cố gắng thư giãn và hít thở bình thường.

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 9.

    Khi mũi và miệng của bạn đã ở trên mặt nước, hãy cố gắng xì hết nước trong miệng và mũi của bạn ra, trước khi thư giãn và hít thở bình thường.

    Có nhiều kỹ thuật thở khi ở dưới nước, nhưng thông thường, bạn có lẽ nên hít bằng miệng và thở ra bằng mũi để tránh nước vào mũi gây sặc. Đừng lo nếu thỉnh thoảng bạn sẽ chìm người xuống một chút, hoặc bị sóng đánh khiến nước một lần nữa che lấp đường thở.

    Lúc này, hãy lặp lại bước này, thư giãn cơ bắp để nổi lên trở lại, xì hết nước ra khỏi mũi và miệng rồi hít vào, thở ra trở lại.

    Bước 4: Nhẹ nhàng di chuyển tay và chân trong nước để hỗ trợ tư thế giữ nổi

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 10.

    Bất kể bạn có biết bơi hay không, hãy nhớ tay và chân bạn là chìa khóa giúp bạn duy trì tư thế nổi. Hãy quạt tay nhẹ nhàng, hết sức nhẹ nhàng và chậm rãi, bởi sự nhẹ nhàng sẽ cho phép bạn cảm nhận được lực đẩy nước của cú quạt đó, bạn sẽ sớm học được cách quạt tay nào sẽ giữ cho cơ thể bạn nổi.

    Tuyệt đối không được quạt tay nhanh và vùng vẫy vì nó sẽ chỉ khiến bạn mất sức và đuối nước nhanh hơn. Đối với chân cũng vậy, nếu bạn đã biết bơi, bạn có thể đạp chân sải để giữ cho cơ thể nổi. Nhưng nếu bạn chưa biết bơi, lời khuyên là hãy thả lỏng chân và đừng quẫy đạp gì cả. Bạn có thể để chân chìm, miễn là đầu và mũi miệng vẫn nổi trên mặt nước.

    Bước 5: Tìm kiếm cơ hội cứu trợ

    Làm thế nào để sống sót khi bất ngờ bị rơi xuống nước sâu, ngay cả khi bạn không biết bơi: Kính thực tế ảo có thể giúp- Ảnh 11.

    Điều cuối cùng cần làm là bạn cần sống sót cho tới khi được cứu, hãy tìm kiếm cơ hội cứu trợ bằng cách định hướng bờ, hoặc một vật nổi mà bạn có thể bám vào. Nếu vị trí bạn rơi xuống nước có khả năng có người, hãy kêu cứu khi miệng ở trên mặt nước, nhưng hãy chú ý tiết kiệm sức.

    Ngoài ra, bạn cần để ý dòng chảy. Nếu bạn bị rơi vào dòng chảy siết, không nên cố gắng bơi ngang dòng để chống lại nó. Thay vào đó, hãy bơi chéo ở một góc gần như song song với dòng chảy để thoát ra một cách từ từ.

    " Cho dù bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi nghỉ mát, đi dạo thư giãn dọc bờ biển hay chạy dọc theo kênh đào, điều quan trọng là phải biết cách giữ an toàn. Kiến thức này có thể tạo nên sự khác biệt giữa một chuyến đi chơi an toàn và một tai nạn thương tâm ", tiến sĩ Nash cho biết.

    "Cuối cùng, nếu bạn phát hiện ai đó đang gặp nạn mà không có khả năng cứu họ, đừng nhảy xuống nước: Thay vào đó, hãy hét lớn để hướng dẫn họ thực hiện theo 5 bước kể trên, rồi gọi ngay đến đường dây nóng khẩn cấp tại địa phương để yêu cầu người cứu trợ chuyên nghiệp".


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ