Lần đầu tiên tại Mỹ có một chiếc drone được sử dụng để vận chuyển nội tạng cấy ghép cho bệnh nhân

    Tấn Minh,  

    Các nhà nghiên cứu dẫn đầu dự án này gọi đây là một kỳ tích, và miêu tả chú drone này như "Uber dành cho...các cơ quan nội tạng".

    Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland đang ăn mừng sự kiện sử dụng một con drone để vận chuyển thành công một quả thận đến cho bệnh nhân cần cấy ghép - đây cũng là lần đầu tiên drone được ứng dụng vào việc này.

    Theo đó, Đại học Maryland đã công bố một đoạn video miêu tả quá trình vận chuyển thử nghiệm, nhưng không nêu rõ quãng đường di chuyển là bao xa và ưu điểm của loại hình vận chuyển này so với phương thức truyền thống.

    Đại học Maryland sử dụng một drone không người lái để vận chuyển quả thận đến cho bệnh nhân cấy ghép

    Di chuyển các cơ quan nội tạng là một công việc cực kỳ nhạy cảm về mặt thời gian, bởi chúng chỉ có thể được vận chuyển trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Sử dụng drone về lý thuyết cho phép các bác sỹ có thể vượt qua những trở ngại về giao thông và các tình huống tiềm tàng khác.

    Bản thân con drone không chỉ là một phương tiện vận chuyển. Nó còn có thể giám sát và duy trì các thông số tối quan trọng như nhiệt độ của quả thận trong thời gian thực. Nó được trang bị những cánh quạt dự phòng, một bộ pin kép, và một chiếc dù để bảo vệ món hàng quý giá đang vận chuyển.

    Tiến sỹ Joseph Scalea, một trợ lý giáo sư làm việc trong khoa giải phẫu của Đại học Maryland cho biết công nghệ này sẽ cho phép các bệnh nhân được cấy ghép với các cơ quan "cận biên" hơn - tức các cơ quan thông thường không thể được sử dụng nếu gặp bất kỳ vấn đề trì hoãn thời gian nào - và có thể giúp bổ sung đến 2.500 quả thận mỗi năm vào nguồn quyên góp nội tạng.

    "Nó giống như Uber cho các cơ quan nội tạng vậy" - Scalea nói, đồng thời cho biết con drone đã thực hiện 44 cuộc bay thử nghiệm trong hơn 700 giờ chuẩn bị.

    Người được nhận quả thận là Trina Glispy, một điều dưỡng viên 44 tuổi đến từ Baltimore, trước đây đã trải qua 8 năm trời lọc máu trước khi được cấy ghép.

    "Tôi cảm thấy rất may mắn, đặc biệt sau khi chứng kiến rất nhiều người qua đời khi đang lọc máu" - Glipsy nói. Theo thông cáo báo chí của trường đại học, cô này đã được xuất viện hôm thứ ba vừa qua.

    Tham khảo: BusinessInsider

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ