Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3

    PH - WeBuy, Ảnh: M. Đức,  

    Tưởng chừng Galaxy Buds Pro sẽ vượt trội hoàn toàn so với đối thủ từ nhà Sony, ai ngờ chiếc tai nghe vẫn còn 3 điểm trừ cực lớn làm tôi chẳng còn ham muốn “nhảy thuyền”.

    Từ khi dùng thử Galaxy Buds , tôi đã ngầm định trong đầu rằng, khi nào Samsung mà ra mắt tai nghe đời mới có thêm chống ồn với thiết kế in-ear này thì sẽ “nhảy thuyền” ngay và luôn, dù thực lòng rất “yêu” Sony WF1000XM3.

    Mẫu tai nghe của nhà Sony khiến tôi cực kì hài lòng về chất lượng âm thanh, các tính năng đi kèm và thời lượng pin. Thế nhưng, nó vẫn còn vài hạn chế đáng tiếc như hộp sạc quá cồng kềnh, củ tai kích thước lớn, dư ra ngoài quá nhiều. Đặc biệt là khả năng chống ồn cũng như độ ổn định tín hiệu không hiểu sao lại cứ giảm dần theo từng bản cập nhật phần mềm.

    Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3 - Ảnh 1.

    Galaxy Buds Pro "ngon" thật đấy, nhưng vẫn chưa đủ đô để tôi bỏ Sony WF1000XM3.

    Theo tìm hiểu trên mạng thì vấn đề này có xảy ra với một số người dùng nhất định, và dù có cập nhật thêm bao nhiêu lần nữa, cặp tai nghe của tôi vẫn cứ chập chờn vài tiếng một lần, và không thể xử lý cắt bớt tiếng ồn nền tốt như hồi mới ra mắt nữa. Vậy là, với “khí thế hừng hực”, tôi chỉ chờ ngày Buds Pro lên kệ để xuống tay làm ngay một “em”.

    Galaxy Buds Pro “ngon” hơn chỗ nào?

    Sau khoảng 30 phút trải nghiệm Galaxy Buds Pro, tôi phải công nhận rằng Samsung đã làm rất tốt trong khoản chống ồn. Dù ngồi ngay vỉa hè vào giờ tan tầm, xe cộ đông đúc nhưng tiếng rầm rầm của động cơ, của bánh xe lăn trên mặt phố đã gần như biến mất hoàn toàn. Trong khi đó, chiếc Sony WF1000XM3 thì lại để lọt vào kha khá tiếng ồn siêu trầm, còn dải trung và cao thì cắt hiệu quả hơn Buds Pro một chút xíu do tôi dùng nút tai dạng bọt biển được tặng kèm hộp.

    Điểm cộng thứ hai là thiết kế nhỏ gọn của cả tai nghe lẫn hộp sạc. Tôi có thể đeo thoải mái Buds Pro trên tai, kể cả nằm nghiêng, đầu kê lên gối cũng không thấy đau như WF1000XM3. Tất nhiên, vận động khi đeo Buds Pro cũng dễ chịu hơn nhiều, không dễ rơi rớt.

    Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3 - Ảnh 2.

    Thực ra Galaxy Buds Pro chưa phải là nhỏ gọn nhất, chỉ là Sony WF1000XM3 quá to!

    Lợi thế cuối cùng là khả năng tương thích với điện thoại Samsung. Hiện tôi đang dùng chiếc Galaxy S10e nên việc đổi sang Buds Pro sẽ mang lại nhiều lợi ích như kết nối nhanh hơn, tích hợp các tính năng phụ trợ hiệu quả, độc quyền từ Samsung… Khi dùng WF1000XM3, ngoài ứng dụng Sony Headphones để điều khiển ra thì không có gì khác tai nghe Bluetooth bình thường.

    Vậy vì sao mà vẫn “bám thuyền” Sony?

    Cuối cùng, đủ những sự tiện lợi, dễ chịu ở trên vẫn chưa làm tôi xoay chuyển được. Nói gì thì nói, chất âm từ Sony WF1000XM3 vẫn quá “đỉnh”, phù hợp gần như 100% so với nhu cầu nghe nhạc của tôi.

    Nói vậy không có nghĩa là Buds Pro nghe nhạc dở. Chất âm của nó vẫn rất ổn với hầu hết người dùng. Dải bass thể hiện vừa đủ “phê” nhưng hơi nông, tập trung vào lượng chứ chất thì chưa ổn, dải treb nghe rõ ràng mạch lạc rất mượt, nhưng dải mid lại là một mớ “hỗn độn”, ít nhất là đối với tôi.

    Thể hiện dải mid chưa ổn

    Sự hỗn độn đó hiện ra rõ rệt nhất khi thể hiện các giọng nữ. Ví dụ, bạn nào thích nghe các nhóm nữ K-Pop như tôi sẽ thấy hiện tượng nhấn đuôi “sss” rất nhiều (các audiophiles gọi là sibilance, nhưng tôi chỉ là người bình thường nên không nói thế), nghe cực kì chói tai, khó chịu. Tôi đã thử chỉnh lại Equaliser trong cài đặt của điện thoại nhưng vẫn không “xi nhê” là bao.

    Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3 - Ảnh 3.

    Nói gì thì nói, vẫn hiếm cho dòng tai nghe in-ear chống ồn không dây nào qua mặt được flagship của Sony về khoản chất lượng âm thanh.

    Chuyển sang nghe giọng nữ trung hay trầm, ví dụ như của Olivia Rodrigo trong Driver’s License thì lại bị đẩy lên quá đà, nghe ồm ồm như đang phát qua đoạn ống nước, đặc biệt là khi bật thêm chế độ “Dolby Atmos” tích hợp sẵn trong điện thoại Galaxy.

    Lý do không rõ là gì, nhưng tôi đoán là vì Samsung dùng 2 driver woofer và tweeter tách lẻ nên việc kết nối dải âm giữa 2 thành phần chưa được mượt cho lắm(?). Hy vọng hãng sẽ sớm tìm cách xử lý.

    Bất cập khi muốn tắt chống ồn

    Tiếp theo là về độ tiện dụng khi dùng chế độ chống ồn. Trong khi các sản phẩm Sony luôn cho chuyển qua lại giữa ba chế độ là ‘Chống ồn - Xuyên âm - Tắt’ bằng cách chạm vài lần lên tai nghe, thì Samsung không hiểu vì sao lại chỉ cho chuyển giữa Chống ồn và Xuyên âm.

    Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3 - Ảnh 4.

    Mỗi lần muốn tắt chống ồn và xuyên âm với Buds Pro là cả một "quá trình".

    Tức là, khi bạn muốn tắt cả hai đi, bắt buộc phải nhấc điện thoại lên > mở ứng dụng Galaxy Wearable > tìm đến cài đặt Chống ồn > bấm tắt. Quả thực nghĩ thôi đã thấy quá “nhiêu khê”, trong khi với Sony thì chỉ là 2 lần chạm lên tai.

    Đến đây chắc nhiều bạn hỏi sao lại phải tắt cả 2 chế độ, lúc nào cũng bật chống ồn vẫn dùng ok mà?

    Lý do là nếu bật chống ồn hay xuyên âm thì micro sẽ thu cả tiếng gió phù phù thổi vào, không thích hợp khi đi ngoài đường/chạy bộ/chạy xe/ ngồi trước quạt…Việc tắt chúng đi còn để phù hợp khi dùng ở những nơi đủ yên tĩnh hoặc muốn tiết kiệm pin.

    Chưa kể, bật chống ồn có thể ảnh hưởng tới chất lượng nhạc và lúc nào cũng có một chút tiếng “xì xì” phát ra. Vấn đề này gần như 100% tai nghe chống ồn đều gặp phải, chỉ là nặng hay nhẹ mà thôi.

    Thiếu chế độ chống ồn gió

    Ngoài ra, điểm cộng “cực to” nữa cho đội Sony là có thêm chế độ chống ồn riêng cho gió. Trên WF1000XM3 có 2 micro riêng biệt để thu âm khi chống ồn, một ở ngoài và một nằm trong hốc tai. Khi bật chế độ chống ồn gió thì chỉ có micro bên trong hoạt động, đủ để cắt bớt một lượng không nhỏ tiếng ồn trầm mà lại không tạo ra tiếng “phù phù” khi gió thổi vào. Đối với tôi, đây chính là tính năng “ăn tiền” và cần thiết thứ 2 của Sony sau chất lượng âm thanh.

    Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3 - Ảnh 5.

    Sony WF1000XM3 ít tính năng hơn một chút, nhưng ăn điểm ở khả năng chống ồn gió "hiếm có khó tìm".

    Tất nhiên, các dòng tai nghe của Samsung (và cả của hãng khác) thì chưa được cập nhật tính năng này dù nhiều sản phẩm đã tích hợp sẵn đủ 2 micro trong và ngoài chỉ để phục vụ chống ồn . Buồn!

    Vẫn đang chờ đợi “điều kì diệu” từ Samsung

    Lỡ “mê” Galaxy Buds Pro ngay từ khi ra mắt nhưng đây là 3 lý do tôi quyết định ở lại với Sony WF1000XM3 - Ảnh 6.

    Ước gì Samsung đọc được bài viết này và cập nhật phần mềm để thêm các tính năng tương ứng cho Buds Pro.

    Nhìn lại những phàn nàn phía trên, tôi tự nhận ra rằng chúng hầu hết đều chỉ là vấn đề phần mềm, có thể xử lý nhanh gọn bằng 1 (vài) bản cập nhật. Vậy nên là, Samsung ơi, hãy đọc bài viết này rồi giải quyết đi, biết đâu lại hút thêm bao nhiêu người dùng mới đấy.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ