Bàn chuyện cháy nhà máy Hynix: Giá RAM bao giờ chịu giảm?

    Nội Tâm,  

    Thị trường Việt Nam phản ứng khá chậm với sự kiện này nhưng trên thế giới giá RAM đang tăng chóng mặt và cơn bão sẽ tràn tới chúng ta trong không bao lâu nữa.

    Vụ cháy nhà máy ngày 4/9 vừa qua đã gây hư hại đáng kể buộc SK Hynix phải dừng các kế hoạch và hợp đồng. Dù Hynix dự tính tình trạng sản xuất sẽ trở lại bình thường vào tháng 11, sự việc vẫn thổi giá RAM thế giới tăng mạnh. Tuy rằng Hynix là kẻ phải chịu nhiều thiệt hại nhất, nhưng hệ lụy đến thị trường không hề nhỏ bởi hãng sản xuất chip nhớ này đóng góp 11% lượng chip nhớ NAND và tới 25,7% chip DRAM cho thị trường!

    Đây giống như là một quả tên lửa đẩy giá RAM vốn đã ở mức cao nay lại càng cao hơn nữa! Biểu đồ dưới đây chỉ ra sự tăng liên tục của giá RAM trong vòng 4 tháng đầu năm nay:

    Bàn chuyện cháy nhà máy Hynix: Giá RAM bao giờ chịu giảm?
     

    Mặc dù sau đó cơn bão giá đã ngưng trong suốt mùa hè, hiện chúng ta vẫn phải mua RAM với giá cao gấp đôi so với cuối năm 2012. Xét về mặt tương đối, các kit nhớ cao cấp tăng nhẹ hơn các sản phẩm tầm trung. Trong khi kit 8 GB Enhanced Redline Mushkin “chỉ” tăng từ 60 lên 80 USD (33%) thì bộ 8 GB Corsair Vengeance 1600 tăng từ 36 lên tới 73 USD – hơn 100%. Thật là khủng khiếp!

     Giá kit nhớ Corsair Vengeance 2 x 4 GB 1600 MHz trong 12 tháng qua (trước thời điểm cháy nhà máy).

    Giá kit nhớ Corsair Vengeance 2 x 4 GB 1600 MHz trong 12 tháng qua (trước thời điểm cháy nhà máy).

    Tôi đã thử check 1 số mẫu sản phẩm của Corsair, Kingson, Mushkin và Crucial. Giá cả chung bị tác động trung bình khoảng 10 – 20% so với trước thời điểm cháy nhà máy, đối với một số kit cụ thể con số này còn cao hơn nhiều. Vốn đã khá đắt, 10 – 20% quả là con số khó chịu đối với người dùng.

    Vậy có hi vọng nào cho việc giá RAM sẽ trở lại ổn định trong tương lai gần? Hay mọi việc sẽ trở nên tồi tệ như tình hình giá HDD thời điểm lũ lụt Thái Lan, hoặc có thể là tồi tệ hơn?

    Lại chuyện “đục nước béo cò”

    Nếu theo dõi ngành công nghiệp DRAM đủ lâu, bạn sẽ thấy “đầy biến động” vẫn còn là cụm từ quá nhẹ để mô tả nó. “Ác liệt” có lẽ sát nghĩa hơn trong trường hợp này. Năm 2007, mặt bằng RAM DDR2 khoảng 10 USD/GB và tụt thê thảm xuống 1 USD/GB chỉ 1 năm sau đó dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.

    Quá trình tăng giảm giá chip DRAM phụ thuộc vào nhiều yếu tố và diễn biến rất phức tạp: nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mới, quy trình sản xuất, nhu cầu mở rộng dung lượng… Bởi vì RAM đã là sản phẩm thương mại hóa với sức tiêu thụ cực lớn, để chiếm thị phần các hãng sản xuất buộc phải cạnh tranh về giá dẫn tới lợi nhuận trên mỗi sản phẩm rất nhỏ. Điều này có nghĩa một suy giảm nhỏ về nhu cầu tiêu dùng khiến giá giảm cũng đánh rất sâu vào lợi nhuận của họ. Đó là lý do vì sao nhiều công ty sản xuất DRAM chuyển hướng mở rộng mảng chip nhớ NAND bởi nhu cầu bộ nhớ flash được xem là ít biến động so với DDR.

     Giá kit nhớ Corsair Vengeance 2 x 8 GB leo thang ngay sau vụ hỏa hoạn.

    Giá kit nhớ Corsair Vengeance 2 x 8 GB leo thang ngay sau vụ hỏa hoạn.

    Còn nhớ sau sự kiện bão giá ổ cứng do lũ lụt tại Thái Lan cuối năm 2011, Seagate đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ “thừa gió bẻ măng” tăng giá dù không chịu bất kỳ thiệt hại nào. Vì thế không nên hi vọng các hãng chip nhớ chịu ngồi ngồi yên trước “cuộc vui” lần này. Tuy nhiên khác với vụ HDD, giá RAM trong tương lai còn phức tạp và khó dự đoán hơn nhiều.

    Trên lý thuyết, tình trạng thiếu sản lượng do vụ cháy nhà máy Hynix có thể tăng lợi nhuận ròng (nhờ giá tăng do hàng khan) của công ty. Nhưng trong trường hợp này khó có thể nói là “trúng quả đậm” vì hiện tại đã bước vào thời điểm cuối cùng của PC. Tuy hãng sản xuất có thể thu thêm chút lãi nhưng đồng thời cũng vẫn bỏ tiền nhiều hơn nghiên cứu công nghệ mới (DDR4); cộng với chi phí xây dựng nhà máy đắt, rồi sản lượng thấp làm chi phí mỗi đầu sản phẩm tăng (sản xuất quy mô càng lớn thì càng tiết kiệm chi phí trên mỗi đầu sản phẩm).

    Giá bán ra tăng mà chi phí sản xuất cũng tăng nên các công ty sẽ đứng trước 2 lựa chọn: tiếp tục chịu lợi nhuận thấp hoặc “bổ” giá vào đầu người dùng. Điều này còn phụ thuộc vào phản ứng và mức độ “chịu chơi” của thị trường nhưng về cơ bản tình hình đang rất thuận lợi cho lựa chọn thứ hai. Ngoài ra sự chuyển dịch nhu cầu từ PC sang tablet và mobile cũng góp phần vào sự phức tạp của câu chuyện.

    Như vậy, lịch sử, các nhân tố “khách quan” nêu trên và tình hình “thuận lợi” hiện nay chỉ ra rằng: Đừng mong chờ sự hạ nhiệt giá RAM trong ít nhất là 3 tháng tới, dù Hynix có khôi phục được sản lượng vào tháng 11 này chăng nữa.

    DDR4 và sự trỗi dậy của mobile: Hi vọng hạ nhiệt?

    Trước nguy cơ lợi dụng tăng giá trục lợi là không thể tránh khỏi, nhiều người mong đợi DDR4 trình làng sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng DDR3, qua đó làm giảm giá sản phẩm này (hoặc chí ít là kìm hãm đà tăng, thúc đẩy khôi phục).

    Có lẽ nên bắt đầu câu chuyện này từ thời điểm năm 2004. Giai đoạn 2004 – 2006 chứng kiến sự phát triển tiêu thụ mạnh mẽ của máy tính nói chung và RAM nói riêng, kéo dài đến tận 2008. Tăng trường này được thúc đẩy một phần bởi sự ra mắt của Windows Vista nhanh hơn, tốt hơn nhưng đòi hỏi phần cứng mạnh hơn. Sau đó cùng với suy thoái kinh tế, nhu cầu PC tụt dốc cho đến tận bây giờ. Cùng với sự trỗi dậy của các thiết bị di động, chúng ta đang bước vào thời kỳ mà nhiều người vẫn gọi là “hậu PC”.

    Biểu đồ dưới đây chỉ ra sự tăng trưởng của linh kiện RAM trong 10 năm trở lại đây:

    Bàn chuyện cháy nhà máy Hynix: Giá RAM bao giờ chịu giảm?
     

    Giai đoạn 2006 – 2007 tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với 2011 – 2013. Lý giải rất đơn giản: Vào thời điểm 2006, 2 – 4 GB là dung lượng mơ ước của tất cả mọi người và họ muốn nâng cấp. 7 năm sau đó, đa số vẫn chưa cần tăng lên 8 GB. Thực tế là chỉ có game thủ và kĩ sư mới chạy đua phần cứng, còn những người dùng khác đều thỏa mãn với cấu hình hiện tại của họ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ PC đã chững lại.

    Theo kế hoạch, DDR4 sẽ ra mắt vào năm sau. Trước mắt mới chỉ có dòng Haswell-E của Intel (rất đắt) hỗ trợ chuẩn nhớ mới, còn AMD chưa có rục rịch gì trong lộ trình của họ cả. Cộng với việc Intel ra chính sách thay đổi chu kì ra chip mới cho desktop lên 2 năm một lần, nhu cầu tiêu thụ DDR4 trên PC là rất đáng nghi ngờ.

    Còn mảng di động thì sao? Nếu chăm cập nhật thông tin về các mẫu smartphone và tablet mới, bạn có thể thấy rằng trái ngược với PC, nhồi nhét RAM vào thiết bị di động đang là xu hướng rất thịnh. Đây là mảnh đất khá màu mỡ để chen chân nhưng tiếc là chưa có chỗ cho DDR4. Thứ mà smartphone và máy tính bảng cần là bộ nhớ tiêu thụ điện thấp vì thành phần RAM hút pin khá khiếp. Cho nên bạn không cần phải quá ngạc nhiên khi các hãng smartphone sẵn sàng nhồi nhét màn hình HD vào sản phẩm kích thước nhỏ nhưng lại chùn tay không dám nâng RAM lên 2 GB. Trong khi đó chi phí sản xuất chip nhớ loại này tốn kém hơn máy tính để bàn. Trước khi đi vào sản xuất ồ ạt, DDR4 khó mà có giá tốt để thuyết phục các hãng di động.

    Tiếp đến là điện năng tiêu thụ - điểm mà DDR4 được quảng cáo ưu việt hơn DDR3. Dưới đây là đồ thị về mối liên hệ giữa xung nhịp và điện năng tiêu thụ của 2 thế hệ:

    Bàn chuyện cháy nhà máy Hynix: Giá RAM bao giờ chịu giảm?
     

    Chúng ta có thể thấy sự ưu việt hơn của DDR4 về khoản điện năng tiêu thụ. Trên tiến trình 30 nm, cùng xung nhịp 1600 MHz DDR4 chỉ tiêu thụ điện bằng 2/3 DDR3L; còn nếu cùng điện năng tiêu thụ 6W, DDR4 có thể đẩy xung nhịp lên 2667 MHz trong khi DDR3L chỉ được 1600 MHz. Trên thực tế có 1 chi tiết quan trọng mà biểu đồ này không thể hiện. Đó là DDR3U hiện đã được Samsung triển khai sản xuất trên tiến trình 20 nm và có thể đạt tới xung nhịp 1600 và 1866 MHz (trên đồ thị chỉ thể hiện đến 1333), điện năng tiêu thụ không cao hơn DDR4 là bao. Nhiều hãng sản xuất khác cũng đang theo đuổi xu hướng này. Hơn thế, hiệu năng chip xử lý của di động vẫn chưa đủ khai thác băng thông RAM lớn, khiến lợi thế của DDR4 chưa thực sự rõ rệt trước DDR3U.

    Xem ra hi vọng về tác động tích cực của DDR4 tới thị trường RAM trong tình thế nhạy cảm này hoàn toàn là mơ mộng hão huyền khi mà cả nền tảng PC lẫn di động đều chưa mặn mà lắm với chuẩn mới này, ít nhất là trong vòng 1 năm tới.

    Kết luận

    Như vậy, với sự lợi dụng tình hình của các công ty sản xuất và tác động không đáng kể của DDR4, gần như chắc chắn trong vài tháng tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến giá RAM tiếp tục tăng hoặc chí ít là cố định như thời điểm hiện tại (đắt hơn 20% so với đầu tháng 9). Thời gian duy trì của tình trạng này còn phụ thuộc mức độ chấp nhận của thị trường nhưng về cơ bản, các nhà sản xuất DRAM đang nắm đằng chuôi vì họ có thể giảm sản lượng bất cứ lúc nào để giữ giá và lợi nhuận cao.

    Nếu cần thêm bộ nhớ RAM, lời khuyên cho bạn là mua luôn ngay bây giờ, hoặc chờ đợi hẳn vài tháng tới.

    Theo Extremetech

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ