Có một dòng card màn hình rất khỏe nhưng mua lại thì giá siêu rẻ

    Dee Tee,  

    Những sản phẩm mà người ta vẫn gọi là "trâu cày".

    Hiệu năng chơi game của những sản phẩm này tương đương, thậm chí mạnh các mã card đồ họa đắt gấp nó nhiều lần.

    Nhân vật chính của chúng ta chính là dòng sản phẩm R9 270X và R9 280X của AMD, chính xác hơn là card đồ họa cũ sử dụng các GPU trên.

    Cụ thể, R9 280X vẫn đang có giá bán mới gần 8 triệu đồng, nhưng hàng cũ lại rẻ hơn rất nhiều, chỉ 2,5 - 3 triệu đồng tùy theo phiên bản và thời gian bảo hành còn lại. Trong khi đó R9 270x và HD7950 có giá thấp hơn, khoảng 1,7 - 2,2 triệu đồng.

    Thực sự, hiệu năng của các VGA này được xếp vào phân khúc tầm trung, có thể xếp ngang hàng với các sản phẩm như GTX 760, GTX 770 và GTX 960 của NVIDIA, hàng qua sử dụng của các mã này vẫn trong khoảng 3,5 - 5 triệu đồng.

    Các sản phẩm này đảm bảo khả năng chơi mượt nhiều tựa game khủng với mức setting cao, ở các độ phân giải phổ thông là HD và FullHD. Như vậy, không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền, với khoảng 3 triệu đồng, VGA cũ loại này thật sự là một món hời so với sức mạnh mà nó mang lại.

    Sao rẻ thế nhỉ?

    Thật sự việc một loạt các mã card đồ họa tốt của AMD có giá siêu mềm khiến nhiều người bất ngờ và cũng phần nào hoài nghi về chất lượng của nó. Nếu là một người thường xuyên "lân la" trên các diễn đàn mua bán linh kiện máy tính, có lẽ khái niệm "trâu cày" đã không còn quá xa lạ. Nhưng với những người chưa biết, tôi xin phép giải thích ngắn gọn về hai chữ "trâu cày" vốn ẩn chứa nhiều ý nghĩa.

    Cụm từ gắn liền với phong trào đào bitcoin của các "thợ mỏ", các linh kiện được dân buôn gán cho mác trâu cày thường có xuất xứ từ các trung tâm đào bitcoin lớn. Đó có thể là nguồn hoặc card đồ họa, các thành phần quan trọng nhất của một "hầm mỏ bitcoin". Các linh kiện bị xếp vào diện "trâu cày" đều đã bị vắt kiệt sức trong một thời gian dài. Bởi thế mà độ bền của chúng bị ảnh hưởng rất nhiều.

    Sau một thời gian đào mỏ, các sản phẩm này được thanh lý số lượng lớn, với mục đích nâng cấp phần cứng cho một dàn "trâu cày" mới hoặc do đã hết hứng thú với đồng tiền ảo Bitcoin. Lúc này, việc thanh lý một số lượng lớn nguồn và VGA khiến giá thành của nó trở nên vô cùng rẻ mạt, mặc dù sức mạnh xử lý các sản phẩm này vẫn luôn được đánh giá cao.

    Lưu ý: Các linh kiện "trâu cày" chỉ chiếm một phần trên thị trường máy tính cũ.

    Tại sao chỉ có dòng VGA của AMD mang danh "trâu cày"?

    So với các sản phẩm của NVIDIA, chip GPU do AMD phát triển mạnh mẽ hơn nhiều, ít nhất là tính tới thời điểm năm 2013, thời kì mà đồng tiền ảo Bitcoin đang cực kì sốt. Lúc này, chip đồ họa của NVIDIA vẫn đang sử dụng kiến trúc Kepler, ngay cả trên các sản phẩm cao cấp như GTX 760 hay GTX 770.

    Dù vẫn được đánh giá rất cao về khả năng tối ưu hóa gaming, nhưng các sản phẩm của NVIDIA lúc này thực sự lép vế trước AMD. Bỏ quả một số khái niệm phức tạp về sức mạnh của OpenCL hay số lượng nhân xử lý, tôi xin đưa ra các con số thể hiện hiệu quả đào Bitcoin (đơn vị kH/s) giữa các mã GPU được nêu ở trên.

     Hiệu năng tương đương, nhưng giá sản phẩm cũ lại rẻ hơn nhiều.

    Hiệu năng tương đương, nhưng giá sản phẩm cũ lại rẻ hơn nhiều.

    Không tính tới dòng sản phẩm VGA cao cấp như GTX 780 và R9 290X vốn có giá quá cao, dưới đây là số liệu so sánh các mã sản phẩm trung cấp ngang tầm là NVIDIA GTX 760, GTX 770 và AMD R9 280X cùng với R9 270X.

    R9 270X (phiên bản xung nhịp cao nhất) có thể mang lại hiệu quả đào Bitcoin lên tới 476 kH/s, trong khi đó sản phẩm ngang tầm là GTX 760 chỉ đạt được 167 kH/s. Cao cấp hơn, GTX 770 có khả năng đào 240 kH/s, nhưng trong khi đó R9 280X có tốc độ lên tới 770 kH/s.

    Như vậy, không xét tới hiệu năng khi chơi game, cách đây 3 năm, AMD thắng thế hoàn toàn trước NVIDIA trong lĩnh vực "đào mỏ". Người ta thường gọi GPU của AMD là các sản phẩm "brute-force", như một đội quân các đô vật.

     Một hệ thống đào bitcoin với chỉ toàn card đồ họa khủng.

    Một hệ thống đào bitcoin với chỉ toàn card đồ họa khủng.

    Lan man thêm một chút, NVIDIA vốn khó chấp nhận việc bị người đời xếp vào diện yếu mềm. Cho tới năm 2014, thương hiệu này chính thức tung ra một loạt sản phẩm mới dùng kiến trúc Maxwell mạnh mẽ hơn nhiều, mà sản phẩm đầu tiên là GTX 750 và GTX 750Ti vẫn luôn được đánh giá rất cao cho tới tận bây giờ. Nhưng các "thợ mỏ" có vẻ như vẫn ưa chuộng dòng sản phẩm của AMD hơn.

    Có nên mua các sản phẩm như vậy?

    Như đã nói ở trên, dù không phải toàn bộ, nhưng rất nhiều sản phẩm card đồ họa AMD cũ trên thị trường có nguồn gốc từ hệ thống đào bitcoin. Số lượng của các sản phẩm loại này không hề ít, bởi nếu lấy mốc năm 2013 là thời điểm bitcoin phát triển mạnh mẽ, đồng thời AMD ra mắt dòng sản phẩm R7 và R9 cùng lúc này, tới nay chắc chắn đã có nhiều hệ thống đào bitcoin tuồn linh kiện cũ ra thị trường.

    Card đồ họa "trâu cày" bị vắt kiệt sức trong suốt 2 năm có còn đáng mua hay không? Đây là một câu hỏi khá khó trả lời, tôi không thể khuyên các bạn mua nó, bởi ai cũng thấy được các nguy cơ ẩn chứa đằng sau, nhưng xét cho cùng đó vẫn là một món hời.

     Một dàn card đồ họa cũ số lượng lớn được rao bán trên các diễn đàn.

    Một dàn card đồ họa cũ số lượng lớn được rao bán trên các diễn đàn.

    Việc card đồ họa chạy tối đa công suất trong một thời gian dài không nghỉ khiến hệ thống tản nhiệt của nó gặp khá nhiều vấn đề, đây là điều rất đáng lo ngại. Nhiệt độ là một trong những tác nhân chính dẫn tới hỏng hóc card đồ họa. Dù thế nhưng tới nay, theo quan sát của cá nhân tối, một số "lò trâu" vẫn còn bảo hành tương đối dài, thậm chí là fullbox và đầy đủ phụ kiện theo kèm. Tương ứng với thời gian được bán ra, một số dòng sản phẩm AMD như HD7950 và R9 280X vẫn còn thời gian bảo hành tương đối, tới đầu năm 2017.

    Vậy nên, nếu bạn chấp nhận đánh cược số tiền của mình để mua một con trâu khỏe mạnh, có phần già nua, bạn vẫn được đảm bảo thời gian bảo hành, và không ít khả năng được đổi một chiếc VGA mới trong trường hợp xảy ra trục trặc.

    Cần lưu ý điều gì nếu chọn mua card "trâu cày"?

    Không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra khi bạn mua VGA từng được dùng để đào bitcoin, nhưng "cẩn tắc vô áy náy", có một số mẹo để kiểm tra và chọn mua các sản phẩm VGA cũ cho các bạn đây.

    - Mua từ một cửa hàng nơi bán ra hàng trăm chiếc VGA cùng loại giống như bạn vào một "lò trâu" vậy. Nhưng mua từ người dùng với giấy tờ mua bán là một sự đảm bảo lớn nếu bạn muốn tránh mua phải hàng "trâu cày".

    - Ngoài việc chọn các sản phẩm cũ có bảo hành dài, hãy sử dụng cảm quan của mình để kiểm tra khả năng hoạt động của quạt tản nhiệt, cũng như xem kĩ linh kiện bạn mua có bị hoen rỉ hay không? Tiếp sau đó bạn cần xem nhiệt độ khi chạy hết công suất của VGA là bao nhiêu. Cụ thể với các sản phẩm của AMD như HD 7950 và R9 280X, nhiệt độ giữ trong khoảng 70-75 độ là rất tốt, 75-85 là chấp nhận được, còn nếu nóng hơn thì nhiều khả năng hệ thống tản nhiệt của card đã gặp vấn đề.

    - Bạn có thể sử dụng ứng dụng FurMark để đẩy công suất hoạt động của VGA lên mức cao nhất cho bài test nhiệt độ.

    - Sau cùng, hãy đảm bảo bạn có một bộ nguồn tốt cho các VGA này, bởi sau một thời gian hoạt động với tác dụng đào bitcoin, phần nào nó sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn so với số liệu của nhà sản xuất. Bộ nguồn đảm bảo để chạy AMD R9 280X là 600Watt với công suất trên 80%.

    Cuối cùng, các linh kiện máy tính cũ là một lựa chọn không hề tệ đối với những người có hầu bao eo hẹp. Tuy nhiên, chúng có thể gặp các vấn đề bất cứ lúc nào, bởi vậy hãy kiểm tra thật kỹ nguồn gốc cũng như khả năng hoạt động của chúng, cho dù thời gian bảo hành còn dài đi nữa. Luôn đặt sự an toàn cho ví tiền cũng như toàn bộ hệ thống của bạn lên đầu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ