Tất tật về DirectX và giải ngố về DirectX 12, tập lệnh đang làm thay đổi bộ mặt cả ngành game

Mers,  9 năm trước

DirectX 11 và 12 khác gì nhau và tại sao ngành công nghiệp game quan tâm đến đề tài này nhiều như vậy?

Với những bài kiểm tra hiệu năng mới nhất với những tựa game ngày càng tích hợp nhiều tính năng của DirectX 12 thay vì DirectX 11, đây là thời điểm thích hợp để hiểu và đánh giá ý nghĩa của phiên bản cải tiến này.

DirectX là gì?

DirectX (hay DX) nói chung là bộ chức năng API tạo ra bởi Microsoft nhằm giúp các hãng phát triển game xây dựng game của mình hiệu quả hơn. DirectX lần đầu tiên ra đời để giải quyết vấn đề cung cấp quyền hệ thống của các thiết bị như chuột máy tính, bàn phím, card màn hình và các thiết bị âm thanh cho những phần mềm chạy trên hệ điều hành Windows 95. Và đến bây giờ DirectX đã trở thành một phần không thể thiếu trong quy trình phát triển hầu hết những tựa game lớn hiện nay.

Trong khi phát triển, dòng console Xbox được gọi với cái tên DirectXbox.
Trong khi phát triển, dòng console Xbox được gọi với cái tên DirectXbox.

DirectX cho đến thời điểm hiện tại

Trong quá trình phát triển của mình, các thế hệ và phiên bản của DirectX đã song hành cùng sự phát triển công nghệ máy tính để giúp các nhà phát triển phần mềm tạo ra những tựa game ngày càng ấn tượng hơn. DirectX 9, cùng thời Windows XP, ra đời vào tháng 3 năm 2002 và đã trải qua một thời gian dài hỗ trợ ngành game tạo ra những thành tựu giải trí có thể nói là đi vào huyền thoai, một số game trong đó là: Farcry, Grand Theft Auto IV, serie Call of Duty v.v.. Thậm chí khi những phiên bản xuất hiện những phiên bản mới hơn, DX 9 vẫn được sử dụng một cách rộng rãi vì sự phụ thuộc hoàn toàn của hệ console Xbox 360 vào nó.

DirectX 10 phát hành cùng hệ điều hành Windows Vista đem lại khả năng tối ưu phần cứng mạnh mẽ hơn tuy nhiên từ DX 10 trở đi Windows XP không còn được hỗ trợ làm nhiều người dùng bối rối.

Và với sự ra mắt của Windows 7, DirectX 11 cũng ra đời, ngoài những cải tiến về hiệu năng thông thường và khả năng tương thích ngược với DX 10, DX 11 được trang bị thêm chức năng Tessellation (vân bề mặt nổi) và hỗ trợ công nghệ hiển thị ba chiều qua hai luồng ảnh (hỗ trợ kính thực tế ảo).

 Tessellation trên hình (bên phải) so với không Tessellation.

Tessellation trên hình (bên phải) so với không Tessellation.

DirectX 12, bộ API đồ họa của tương lai

Với mỗi phiên bản DirectX, các nhà phát triển game ngày càng tự do sản sinh những tựa game “long lanh” hơn mà lại chạy được một cách hoàn toàn “mượt mà”. Tuy nhiên với sự ra mắt của DirectX 12, Microsoft hứa hẹn sẽ đem lại một sự vượt trội về hiệu năng chưa từng thấy trước đây.

“Như là bạn được nâng cấp phần cứng miễn phí vậy”, trưởng dự án tại hãng phát triển trao đổi với PCWorld: “Nếu bạn là một game thủ, bạn nâng cấp lên Windows 10 và đang sử dụng chip đồ họa Iris Pro, DX 12 sẽ cải thiện hiệu năng chơi game lên nhiều lần. Ví dụ những tựa game trước đây máy bạn chạy một cách khó khăn đột nhiên trở nên suôn sẻ, những tựa game trước đây chơi tạm được, trở nên cực kỳ tuyệt vời, và những trò chơi đã khá mượt rồi sẽ trở thành một trải nghiệm không thể tin được”.

Raja Kojuri tại hãng phát triển vi xử lý AMD khi nói về DirectX 12: “ như là một nâng cấp vượt 4 thế hệ một lúc”.

Lý do về bước ngoặt này là vì khả năng tiếp cận đến phần “da thịt” của phần cứng máy tinh, DX 12 cung cấp cho các nhà phát triển quyền tinh chỉnh hiệu năng ở mức cao nhất có thể. Tuy nhiên vì lý do này việc tích hợp DX 12 vào tựa game của mình sẽ khó khăn lên rất nhiều. Gần đây, Stardock, nhà phát triển tựa game “Ashes of the Singularity” đã nhận được nhiều lời khen từ dư luận cũng như chuyên gia vì đã phần nào thành công trong việc tích hợp nhiều chức năng mới từ DX 12 tạo điều kiện cho cộng đồng công nghệ chạy các chương trình benchmark và có một cái nhìn thực dụng hơn về tiềm năng DX 12 mang lại.

 Tựa game Ashes of the Singularity của Stardock đã phần nào cho ngành game cảm nhận được sức mạnh của DirectX 12.

Tựa game "Ashes of the Singularity" của Stardock đã phần nào cho ngành game cảm nhận được sức mạnh của DirectX 12.

Ngoài lời hứa hẹn về một sự cải tiến mạnh mẽ về hiệu năng, DX 12 còn mang đến cho người dùng nhiều chức năng khác, kể đến như mức độ tiêu thụ điện giảm đáng kể, khả năng chạy song song nhiều card đồ họa thuộc các dòng khác nhau và với hiệu năng tăng vọt, sử dụng đồng thời nhiều luồng CPU hơn v.v..

DirectX 12 có ý nghĩa gì với bạn?

Một điều hết sức quan trọng cần phải kể đến là sự tương thích của phần mềm mới này với linh kiện đồ họa hiện nay. Microsoft đã nhiều lần xác nhận DX 12 tương thích với những thế hệ card hỗ trợ DX 11 và thậm chí có ý muốn hỗ trợ những card cũ hơn. Vì vậy trước mắt người dùng sử dụng những card thế hệ GT 4xx đến GTX 9XX của NVIDIA và HD 5XXX đến R9 390X của AMD không cần phải lo lắng bị thiệt thòi. Ngoài ra Microsoft còn nhấn mạnh đến việc tập trung phục vụ đối tượng người dùng Laptop với công nghệ mới này khi mà DX 12 có mức hao điện giảm tối đa khi chơi game và khả năng tăng hiệu quả xử lý đồ họa của laptop lên đáng kể.

DirectX 12 còn đóng vai trò lớn trong mặt bằng chung của ngành game khi mà Microsoft hứa hẹn cải thiện sức mạnh của hệ console Xbox One của mình lên một cách ngoạn mục bằng công nghệ mới này bằng việc tận dụng eSRAM và tận dụng những lõi chip CPU chưa chạm đến của mình. Tuy vậy DX 12 sẽ không ảnh hưởng đến những thiết bị chơi game khác như PS4, hệ console của Sony sử dụng một phiên bản cải tiến của OpenGL thay vì DirectX để phát triển game của mình.

 Hy vọng với những đột phá về khả năng xử lý đồ họa của hệ console, những kiệt tác game mãn nhãn hơn nữa sẽ dần xuất hiện.

Hy vọng với những đột phá về khả năng xử lý đồ họa của hệ console, những kiệt tác game "mãn nhãn" hơn nữa sẽ dần xuất hiện.

Việc nâng cấp khả năng xử lý của Xbox One có thể đủ để đưa cuộc đua giữa PS4 vs Xbox One về một thế cân bằng hơn và vì vậy cũng giúp ngành game tạo những tác phẩm mới với một sự tự do thoải mái, ít bị gò bó bởi giới hạn phần cứng hơn.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày
  • 14
  • Tháng 12
  • 2024