Liệu hệ điều hành Windows có chuyển thành mã nguồn mở?

    Comet,  

    Có vẻ như xu hướng phát triển phần mềm đang thay đổi từng ngày.

    Nhắc đến hệ điều hành dành cho máy tính, chắc hẳn chúng ta sẽ nhớ đến cái tên Microsoft Windows đầu tiên. Lí do ư? Hãy nhớ về lần đầu tiên được tiếp xúc với máy tính, có lẽ rất ít người sử dụng một hệ điều hành nào khác ngoài Windows. Theo một thống kê mới đây của Net Applications, hệ điều hành trứ danh của Microsoft hiện đang chiếm tới hơn 90% lượng hệ điều hành đang sử dụng trên máy tính toàn cầu, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của "cựu vương" một thời Windows XP. Vậy nhưng Microsoft phải làm điều gì tiếp theo với một hệ điều hành đã 30 năm tuổi này?

    Mark Russinovich
    Mark Russinovich

    "Microsoft Windows có khả năng sẽ trở thành hệ điều hành mã nguồn mở, và đó sẽ là một Windows mới" - đó là điều mà Mark Russinovich - kỹ sư hàng đầu của Microsoft công bố trong một cuộc hội thảo gần đây. Người đàn ông được ưu ái biết đến với chức danh Microsoft Technical Fellow này đã dành thời gian để trao đổi với những người lập trình viên trong khuôn khổ hội thảo ChefConf. Đây là nơi mà các chuyên viên công nghệ tập trung lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, cũng như cách thức vận dụng Chef - một công cụ cho phép chuyên viên công nghệ có thể thiết lập các phần mềm trên các thiết bị khác nhau như smartphone, các phần mềm doanh nghiệp, ...

    Điều đáng nhớ của màn nói chuyện của Russinovich, là khi ông hỏi có bao nhiêu người trong số các khán giả ngồi dưới sử dụng Windows cho công việc của họ, chỉ có duy nhất một chàng trai trẻ đưa cao cánh tay của mình lên trên một hội trường có vài trăm người khác. Tuy nhiên điều này chẳng làm Russinovich bất ngờ, bởi đúng như ông nói: "Đó là thực tế của thế giới chúng ta đang sống ngày nay". Các kỹ sư thích sử dụng các hệ điều hành mã nguồn mở hơn - thứ cho phép họ can thiệp và tuỳ biến sâu hơn trong công việc của mình. Và Microsoft biết điều đó.

    Thế giới công nghệ đang thay đổi từng ngày, và những ông lớn làm chủ cuộc chơi luôn biết cách thay đổi cho phù hợp với xu thế mới. Bản thân Microsoft đã bắt đầu chấp nhận cuộc chơi này khi cho phép hệ điều hành Linux có thể sử dụng dịch vụ điện toán đám mây Azure - dịch vụ "cho thuê máy tính" qua Internet của họ. Thậm chí số máy tính Linux sử dụng dịch vụ này chiếm tới 20%.

    Điều này khá là mới lạ so với chính sách nhất quán lâu nay của Microsoft, khi hệ điều hành Windows xưa nay không bao giờ chia sẻ "nguồn sống" của nó cho bất kỳ ai khác. Và lẽ dĩ nhiên, bạn cũng sẽ chẳng thể mong chờ Microsoft thay đổi điều đó trong vài ngày, vài tuần hay vài tháng tới chỉ sau bài phát biểu của Russinovich. Microsoft Windows vẫn là "cây hái tiền", và họ không dễ gì thả nó đi một cách đơn giản như vậy trước khi tính toán xem sẽ thu lợi như thế nào trong trường hợp biến hệ điều hành này thành mã nguồn mở. Tuy vậy, các động thái giảm chi phí mua hệ điều hành, hay tặng 1 năm dùng miễn phí (có thể chỉ là hành động kích thích người dùng) gần đây cho thấy MS đã "thoáng" hơn nhiều trong việc đưa hệ điều hành này đến với người dùng.

    Vậy phải mất bao lâu nữa điều này mới có thể xảy ra? Thực tế thì không phải đến khi Russinovich có bài phát biểu tại ChefConf, Microsoft mới quan tâm tới vấn đề này. Hồi đầu năm nay, Microsoft đã mở nguồn của một trong những công cụ phát triển ứng dụng phổ biến nhất hiện nay: .NET. Bằng động thái này, họ kỳ vọng giới lập trình viên sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc phát triển các phần mềm, ứng dụng dù cho hệ điều hành họ đang dùng là Linux hay Mac OS X đi chăng nữa.

    Song song với hành động đó, Microsoft cũng đang tính dần việc làm sao để tạo lợi nhuận nếu không bán Windows nữa. Giải pháp khả dĩ nhất cho câu hỏi này có lẽ là các dịch vụ nâng cấp, bảo vệ, phân phối và cập nhật hệ điều hành, bởi kể cả khi đã sở hữu một hệ điều hành miễn phí, các doanh nghiệp lớn vẫn cần một sự đảm bảo an toàn cho công việc của họ. Mà nói chung, việc mở mã nguồn của một hệ điều hành nó chẳng phải dễ dàng như việc chuyển đổi một game thu phí sang Free-to-play, nó là cả một câu chuyện đầy phức tạp giữa nhà cung cấp, đơn vị phân phối/chỉnh sửa và người dùng.

    Rõ ràng, Microsoft đang chấp nhận chuyển mình để gia nhập những cuộc chơi mới. Thời đại huy hoàng mà họ nắm quyền chi phối thế giới công nghệ đã qua, và giờ là lúc để người ta chờ đợi từng bước thay đổi của ông lớn này nhằm vực dậy và duy trì thế mạnh của mình. Những triết lí cũ kí rồi cũng sẽ phải thay đổi, những cải cách rồi cũng phải đưa ra, và liệu sẽ có bao nhiêu cánh tay trong hội trường ChefConf sẽ được giơ lên trong lần tới - khi mà Windows sẽ trở thành một hệ điều hành mã nguồn mở (hy vọng). Thế đấy, Apple còn dám cho ra mắt iPhone màn hình lớn và camera lồi thời hậu Steve Jobs cơ mà, cớ gì mà Microsoft lại không thể biến Windows thành hệ điều hành mã nguồn mở?

    Tham khảo:Wired

    >>Macbook và Chromebook là hình mẫu tương lai của laptop?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày