Thương mại hóa bản quyền truyền hình: "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

    PV,  

    Trước đà phát triển của thị trường truyền hình trả tiền, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc thương mại hóa nội dung truyền hình bằng việc hình thành một thị trường mua bán bản quyền nội dung các kênh truyền hình trong nước. Vấn đề bản quyền các kênh truyền hình trong nước sẽ là vấn đề "nóng" trong thời gian tới.

    Vấn đề bản quyền các kênh truyền hình trong nước sẽ là vấn đề "nóng" trong thời gian tới. Ảnh minh họa: VTC

    Vấn đề bản quyền các kênh truyền hình trong nước sẽ là vấn đề "nóng" trong thời gian tới. Ảnh minh họa: VTC

    Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPAYTV) cho biết, một trong những công tác trọng tâm của Hiệp hội năm 2014 đó là sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo về một số vấn đề "nóng" như: quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền, hợp tác mua bán bản quyền truyền hình các sự kiện quốc tế lớn, về việc kết nối nội dung các kênh trong nước. Theo đó, dự kiến trong quý 2/2014 sẽ tổ chức hội thảo về việc kết nối nội dung kênh truyền hình trong nước.

    Theo một số chuyên gia về truyền hình, sự hội tụ giữa viễn thông và truyền hình đã tạo đà thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền cạnh tranh mạnh mẽ. Trước đà phát triển của thị trường truyền hình trả tiền, đã đến lúc cần thương mại hóa nội dung truyền hình bằng việc hình thành một thị trường mua bán bản quyền nội dung các kênh truyền hình trong nước.

    Ông Cường cho rằng, vấn đề kết nối nội dung chương trình truyền hình thực chất là vấn đề bản quyền. Trong những năm trước vấn đề bản quyền các chương trình nước ngoài, nhất là bản quyền các giải đấu thể thao lớn gây nhiều tranh cãi. Nhưng từ năm 2014 trở đi, vấn đề bản quyền các kênh truyền hình trong nước mới là vấn đề "nóng".

    Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện Ảnh Việt Nam cũng lên tiếng cảnh báo, hiện nay có rất nhiều kênh truyền hình trong nước công khai chiếu rất nhiều bộ phim do các hãng điện ảnh trong nước mà chưa hề có thỏa thuận về bản quyền tác giả, tác phẩm với đơn vị sản xuất phim, hành vi này là vi phạm bản quyền. Ông Hải cũng đề xuất rằng, cần xiết chặt quản lý bản quyền phim truyện trong nước chiếu trên truyền hình. Quản lý việc thực thi các quy định về bản quyền tác phẩm điện ảnh cũng sẽ là vấn đề rất đáng quan tâm trong thời gian tới.

    Ông Nguyễn Kỳ Thành, Giám đốc công ty Điện tử Sao Đỏ - một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực truyền hình cho rằng, đã đến lúc phải hình thành một thị trường nội dung chương trình truyền hình trong nước. Các kênh chương trình trong nước cần phải được thương mại hóa bởi trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, nội dung mới chính là vũ khí để cạnh tranh.

    Theo phân tích của ông Thành, các đài truyền hình lớn đều cung cấp truyền hình trả tiền, nếu các đài này bắt buộc phải chia sẻ nội dung với các nhà mạng viễn thông, sau đó nhà mạng bằng tiềm lực hùng mạnh của mình lại cung cấp dịch vụ giá rẻ, cạnh tranh trực tiếp với chính nhà đài là điều không hợp lý. Do đó, nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các đơn vị truyền hình trả tiền phải chia sẻ nội dung với nhau, mà nhà nước cần điều tiết để hình thành một thị trường bản quyền nội dung truyền hình trong nước.

    Trước đây, khi trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Cường cũng cho rằng, thực tế đã có một số đài truyền hình nắm giữ các nội dung tốt không muốn chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác. Việc độc quyền này sẽ không tốt cho chính các đài truyền hình khi thực hiện mục tiêu phổ cập nội dung tới đông đảo công chúng. Vấn đề bất cập đó đã được các thành viên của VNPAYTV bàn đến từ năm 2012 nhưng chưa đưa ra được một sự thống nhất.

    Là người đứng đầu VNPAYTV nhưng ông Cường cho biết, Hiệp hội không thể can thiệp vào hoạt động của các thành viên được mà chỉ là cầu nối các doanh nghiệp để cùng đi đến sự thống nhất. Nếu trong thời gian tới, các thành viên Hiệp hội đề xuất, VNPAYTV có thể đưa ra kiến nghị để Bộ TT&TT ban hành chính sách về kết nối trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. VNPAYTV hiện là tổ chức có 152 hội viên gồm các công ty và đài truyền hình có cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

    Vấn đề nhà nước cần có chính sách quy định về kết nối nội dung trong lĩnh vực truyền hình lần đầu tiên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề cập đến hồi cuối năm 2013. Và sau đó không lâu ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Giám đốc công ty Phần mềm và Truyền thông VASC (đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình MyTV) cũng kiến nghị Bộ TT&TT cần sớm ban hành một quy định về kết nối nội dung giữa các nhà mạng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và các đài truyền hình để tránh tình trạng một số “nhà đài” lớn muốn độc quyền nội dung, gây khó dễ cho các nhà mạng không muốn chia sẻ nội dung nhiều kênh truyền hình trong nước vào hệ thống truyền hình trả tiền của các nhà mạng.

    Hiện nay, Viettel, VNPT và FPT Telecom là ba doanh nghiệp viễn thông đã có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng lại chưa được phép sản xuất nội dung chương trình truyền hình.

    Theo Ictnews.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ