Mi Pad 3 là một chiếc tablet với phần cứng tốt, nhưng phần mềm lại là thứ khiến nó chưa thật sự đáng mua ở thời điểm hiện tại
Trước thị trường tablet đang ngày một thoái trào, liệu Mi Pad 3 sẽ có đặc điểm gì nổi bật để thu hút người dùng?
Sau thời kỳ hưng thịnh của tablet trong những năm 2010-2013, dường như chúng đang dần bị lãng quên bởi chính những chiếc smartphone. Khi mà người dùng đang ưa chuộng những chiếc smartphone với màn hình ngày một lớn, trong khi kích thước của chúng vẫn đủ nhỏ gọn để họ có thể dễ dàng mang theo, thì máy tính bảng đang dần mất đi vị thế của mình trên thị trường do người dùn không còn thấy nhiều giá trị ở chúng. Nhu cầu thấp, vì vậy, ngày càng ít hãng tập trung đầu tư vào phát triển những chiếc máy tính bảng mới.
Nhưng, Xiaomi vẫn không chấp nhận bỏ cuộc. Sau hai thế hệ Mi Pad đầu tiên ra mắt vào năm 2014 và 2015, mới đây, hãng đã tiếp tục cho ra mắt phiên bản thứ ba của dòng máy tính bảng này. Vậy trước thời kỳ máy tính bảng đang ngày càng trở nên thoái trào, liệu Xiaomi và Mi Pad 3 có thể làm nên chuyện?
Lối thiết kế cũ nhưng vẫn hấp dẫn
Sở dĩ Xiaomi được mệnh danh là “Apple của châu Á” cũng một phần ở dáng dấp nhũng sản phẩm của công ty này luôn có nguồn cảm hứng từ thiết bị tương tự của “Táo khuyết”. Mi Pad 3 cũng vậy, chiếc tablet không có nhiều khác biệt về hình dáng so với thế hệ trước, nếu không muốn nói rằng bạn không thể phân biệt chiếc Mi Pad 2 và Mi Pad khi đặt chúng cạnh nhau. Trên tay phiên bản màu vàng, mặt trước máy được phủ kính hoàn toàn và có một màu đen sâu, khó mà phân biệt được giữa phần màn hình và cạnh viền. Do đó, trải nghiệm khi nhìn vào máy là màn hình rất lớn, mặc dù vẫn giữ nguyên ở kích thước 7.9-inch với tỉ lệ hiển thị khoảng 71,8%.
Phía trên cùng vẫn là camera trước đặt chính giữa với độ phân giải 5MP, khẩu độ f/2.0. Phần cạnh dưới là ba phím điều hướng đặt bên ngoài với đèn LED sáng quen thuộc trên hầu hết các sản phẩm của Xiaomi. Cạnh viền hai bên của máy chưa thực sự mỏng lắm, nhưng không có hiện tượng “ăn gian” vào phần bên trong màn hình như hãng vẫn thường làm với nhiều dòng smartphone của mình. Tiếc là Xiaomi lại không mang xu hướng màn hình 2,5D lên chiếc tablet này, do đó cảm giác cầm tại mép của máy vẫn còn thấy điểm gờ tại nơi tiếp nối màn hình kính và phần vỏ nhôm. Dẫu vậy, phần mặt lưng sau được bo cong tròn nên khi cầm rất thoải mái. Kích thước nhỏ gọn, cộng thêm điểm “cong” đúng chỗ, bạn có thể cầm chiếc máy tính bảng dễ dàng bằng một tay.
Máy có thể dễ dàng cầm bằng một tay
Nhưng, có một điểm trừ nho nhỏ ở đây, với những người có mồ hôi tay, thường rất dễ để lại vết bẩn hay vân tay trên mặt lưng máy, khá mất thẩm mỹ. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu không có cover, mặt lưng của máy tiếp xúc nhiều với các mặt nền rất dể để lại những vết bẩn khó chịu trên các cạnh viền, tại góc và vị trí bo cong cạnh máy. Đây là một điểm trừ về mặt thẩm mỹ.
Phần góc cạnh rất dễ bị bám bẩn
Mặt sau của máy khá đơn điệu với camera chính được đặt ở góc trái kèm một mic phụ để thu âm tốt hơn và mic chính được đặt ở chính giữa sát mép trên. Camera này có độ phân giải 13MP với khẩu độ f/2.2. Logo Mi được đặt khá sâu ở phía dưới mặt lưng, nơi gần dải loa kép được đặt đối xứng hai bên ở mép dưới máy. Vị trí hai dải loa này có một chút hạn chế khi cầm ngang máy chơi game hay xem phim, ta sẽ vô tình bị che đi một chiếc loa. Tuy vậy, do là loa kép, nên chiếc loa còn lại vẫn đủ để thế hiện chất lượng âm thanh khá ổn.
Camera sau và vị trí hai micro
Logo MI và dải loa kép phía dưới
Cạnh trên chỉ có duy nhất jack cắm tai nghe 3.5mm được đặt lệch sang trái, trong khi cạnh dưới là cổng USB Type-C với hai chiếc ốc cách điệu đối xứng hai bên. Các phím nguồn và tăng giảm âm lượng đều được đặt ở cùng cạnh phải của máy, để lại cạnh trái hoàn toàn trống. Tổng thể máy khá gọn nhẹ, khi cầm không dễ gây mỏi tay, mà trông đẹp như một cuốn sách mỏng vậy.
Cạnh trên chỉ có jack cắm tai nghe 3.5mm
USB Type-C nằm chính giữa cạnh dưới
Các phím cứng nằm tập trung ở cạnh phải
Mi Pad 3 đẹp và hoàn thiện tốt, nhưng tôi vẫn cảm thấy không khỏi chạnh lòng mỗi khi bạn bè hỏi: “Mới mua iPad hả?”. Có lẽ, đã đến lúc Xiaomi cần một cái “chất” riêng để thoát khỏi cái bóng luôn đi sau các sản phẩm từ Apple.
Phần cứng tốt, cấu hình mạnh
Dẫu được đầu tư khá nhiều về phần cứng, nhưng có vẻ như Xiaomi Mi Pad 3 vẫn chưa đạt được sự mong mỏi thực sự từ phía người tiêu dùng. Lắng nghe những phản hồi tiêu cực về Mi Pad 2 khi con chip Intel cho độ tương thích kém, thế hệ tiếp theo này đã sử dụng con chip Mediatek MT8176 khá mạnh mẽ với 6 nhân, bao gồm 2 nhân Cortex-A72 @ 2.1 GHz cho hiệu năng cao, và 4 nhân Cortex-A53 @ 1.7 GHz tiết kiệm điện. Đặc biệt, Mi Pad 3 được đầu tư GPU PowerVR GX6250 hỗ trợ cả VR để tận dụng tối đa hiệu quả của màn hình 2K với độ phân giải 1536 x 2048 pixels.
Xiaomi Mi Pad 3 được trang bị màn hình độ phân giải 2K
Ở chiếc Mi Pad 3, Xiaomi đã nâng dung lượng RAM lên gấp đôi thành 4GB và bộ nhớ trong cũng được xác định ở mức 64GB thay vì có thêm tùy chọn 16GB như trước đây. Điều này có ý nghĩa khá lớn cho trải nghiệm đa nhiệm cũng như chơi game trên một chiếc máy tính bảng với màn hình lớn. Đôi chút về bộ phân giải âm thanh trên sản phẩm. Theo thông số, chiếc Mi Pad 3 không hề có điểm nhấn đặc biệt nào, nhưng khi nghe nhạc hay xem phim vẫn mang lại cảm giác của âm thanh vòm. Có lẽ, Xiaomi đã có tùy chỉnh hay giả lập hiệu ứng này bằng phần mềm. Điều này mang lại trải nghiệm rất thú vị khi giải trí, đặc biệt là cho cảm giác sống động hơn rất nhiều so với âm thanh đơn stereo thông thường.
Qua các bài chấm điểm Benchmark, Mi Pad 3 đều cho kết quả khá ấn tượng. AnTuTu Benchmark cho kết quả tới hơn 80.000 điểm đánh giá chung và mức điểm 3D khá cao với hơn 15.000 điểm. Về hiệu năng, Geekbench 4 cho kết quả Single-core ở mức 1595 điểm, trong khi xử lý đã nhiệm (Multi-core) đạt 2458 điểm. Đây là những con số tuy không quá ấn tượng, nhưng khi so sánh với những chiếc tablet Android khác trong cùng phân cấp thì kết quả này là rất tốt.
Máy đạt 4622 điểm PCMark
Một điểm đáng tiếc về mặt phần cứng của Mi Pad 3 là máy hiện chưa có phiên bản 3G. Đây là một hạn chế rất lớn đối với những người ưa di chuyển khi mà không phải nơi nào cũng có Wi-Fi, khiến chiếc máy bị cô lập khỏi Internet và không đem lại nhiều giá trị cho người dùng
Phần mềm chưa được đầu tư chăm chút
Nếu như Mi Pad 2 sở hữu hai phiên bản khác nhau chạy Android và Windows 10, thì trên Mi Pad 3, chúng ta không còn sự lựa chọn đó. Máy chỉ còn một phiên bản chạy Android duy nhất, cụ thể là MIUI 8.2 trên nền Android 7.0 Nougat. Tuy nhiên, phần mềm của máy vẫn còn rất nhiều lỗi và khiến trải nghiệm của người dùng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Mi Pad 3 chạy MIUI 8.2
Ngay khi cầm máy trên tay và mở màn hình, tôi đã nhận ra sự thất vọng của mình so với vẻ bề ngoài đầy cuốn hút. Khi mới kết nối Wi-Fi, máy có hiện tượng giật liên tục và nháy thanh thông báo cùng bảng điều khiển phía trên. Tuy nhiên, đây chỉ là một lỗi nhỏ. Qua tìm hiểu, tôi được biết do lỗi từ phần đồng bộ trên tài khoản Google. Máy đã trở lại bình thường sau khi tát tất cả đồng bộ tại tài khoản Google trong phần cài đặt. Lỗi này có vẻ như do bản ROM của máy, có thể sẽ được khắc phục qua một vài cập nhật hệ thống.
Lại thêm một lỗi mà tôi cho là “nghiêm trọng” khác, đó là về Google Play. Sau khi tham khảo một vài phương pháp cài đặt kho ứng dụng Google lên máy, sử dụng thủ thuật Restore bản Backup đã cài đặt sẵn Google Play, tôi đã có thể tải về các ứng dụng khác một cách bình thường thông qua cửa hàng này. Tuy nhiên, chỉ rất ít phút ngay sau đó, ứng dụng Google Play đã có hiện tượng “treo” khi chỉ hiện biểu tượng loading. Khi vào được phía trong thì những gì nhận được sau khi bấm tải về một ứng dụng đó là dòng chữ: “Waiting for Wi-Fi”.
Bản ROM Trung Quốc hiện tại của Mi Pad 3 cũng không hỗ trợ Tiếng Việt. Font chữ của máy cũng chưa thực sự được tối ưu dành cho các ứng dụng bên thứ ba, thậm chí ngay cả một ứng dụng mạng xã hội phổ biến như Facebook.
Riêng ở phần thao tác trong các ứng dụng, việc update hay tải ứng dụng mới là khá khó khăn. Khi tất cả các thao tác tải về chủ yếu phải chuyển qua trình duyệt mặc định. Dường như phần mềm Xiaomi thiếu đi sự liên kết giữa các ứng dụng khác nhau, không tự động nhận diện link và chuyển tới ứng dụng chuyên biệt phù hợp hơn.
Những lỗi trên thực chất có thể khắc phục khi người dùng chạy lại một bản ROM khác, nhưng để làm được điều này, họ sẽ phải unlock bootloader của máy. Quá trình này khá rắc rối với người dùng thông thường và có thể gây hỏng máy nếu không làm đúng.
Ở khía cạnh trải nghiệm của một chiếc tablet, Xiaomi Mi Pad 3 chưa thực sự mang đến cảm giác hoàn hảo. Về cơ bản, giao diện MIUI vẫn chủ yếu tối ưu cho hiển thị trên smartphone, phần ở tablet vẫn còn nhiều chi tiết chưa được tận dụng và làm nổi bật lên lợi thế màn hình lớn, cũng như ở tỉ lệ 4:3 này.
Với các tựa game, ngay cả ở những game nhẹ, máy vẫn bị “khựng” lại đôi chút khi bắt đầu vào game, nhưng mọi thao tác sau đó lại trở nên mượt mà dần. Với tựa game Mortal Kombat X, thử nghiệm cho thấy hình ảnh chuyển động không thực sự mượt mà, đồng thời cũng thường xuyên bị một vùng trắng phủ lên thay vì vị trí đó có thể là một phần hình ảnh trong game. Điểm đồ họa khá cao, nhưng có vẻ chỉ dừng lại ở các bài test phần cứng. Hiệu quả thực tế chưa phát huy được thế mạnh này.
Game Mortal Kombat X bị lỗi đồ họa
Giao diện camera đơn giản, chất lượng trung bình
Camera vốn không được coi trọng trên những chiếc máy tính bảng giống như ở các sản phẩm điện thoại. Cũng bởi vậy mà phần giao diện camera trên Mi Pad 3 khá đơn giản chỉ với các nút Chụp ảnh, Quay video và một vài bộ lọc thông thường. Điểm ấn tượng ở sản phẩm này là cả camera trước và sau đều có tính năng xóa phông, nhưng chỉ là giả lập phần mềm và cho chất lượng khá tệ. Những bức ảnh “xóa phông” cho kết quả chủ thể bị làm mờ một cách “nhem nhuốc” tại những điểm giao thoa. Tính năng này có lẽ chỉ để làm cho "vui" chứ chưa được đầu tư kĩ lưỡng về thuật toán xử lý hình ảnh hậu kỳ. Cặp đôi camera này vẫn chỉ mang tính chất phụ trợ cho một số tính năng tương tác thực tế ảo, hay trong các tựa game AR, đơn giản hơn là chỉ hỗ trợ gọi video call thông thường qua các kênh mạng xã hội.
Pin rất “trâu”
Dù chỉ có mức dung lượng pin 6600mAh, có thể chỉ ngang ngửa với 1 số chiếc điện thoại có dung lượng pin ”khủng”, nhưng Xiaomi Mi Pad lại phải “gánh” một màn hình tới 7.9-inch cùng màn hình với độ phân giải 2K. Phần khác, với cấu hình cao, hẳn là như cầu chơi game hay đa nhiệm trên máy cũng sẽ rất lớn, đồng nghĩa với việc pin sẽ hụt rất nhanh trong quá trình sử dụng, thâm chí gây nóng máy. Nhưng, đó lại chỉ là những lo ngại từ trước khi sử dụng.
Thực tế cho thấy thời lượng pin rất tuyệt vời. Mi Pad 3 có thể cho thời gian chờ tới cả tuần ngay cả ở điều kiện bật wifi liên tục. Ngay cả khi chỉ còn 14% pin, thời gian ước tính còn lại vẫn còn khoảng 15 giờ ở chế độ nghỉ. Sau một tuần trải nghiệm với tần suất sử dụng khác nhau, tôi chỉ phải sạc đầy pin 3 lần, trong đó có một lần sử dụng máy để chơi game suốt một ngày dài. Đây là một điểm quá ấn tượng trên chiếc tablet này.
Thời lượng pin của Mi Pad 3
Hơn thế nữa, chiếc máy tính bảng mới được làm hoàn toàn bằng vỏ nhôm nguyên khối, nhưng khi sử dụng quá lâu mà vẫn không hề gây hiện tượng nóng máy hay có bất kì dấu hiệu khó chịu nào. Phần tản nhiệt đã được làm rất tốt.
Tổng kết
Mi Pad 3 được đầu tư khá tốt về mặt phần cứng, tuy nhiên phần mềm của máy còn khá nhiều lỗi, khiến cho đây trở thành một chiếc tablet chưa thật sự đáng mua ở thời điểm hiện tại. Trong tương lai, khi phần mềm được Xiaomi hoàn thiện hơn và Mi Pad 3 nhận được các bản cập nhật, hy vọng máy sẽ hoạt động ổn định hơn. Ngoài ra, rất mong Xiaomi có thể bổ sung phiên bản Mi Pad 3 hỗ trợ mạng 3G/4G, do đây là nhu cầu rất lớn của người dùng.
Một khi có bộ phần mềm hoàn chỉnh, chúng tôi tin rằng Mi Pad 3 là một chiếc tablet Android rất hấp dẫn trong phân khúc. Chỉ với 6 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một sản phẩm với thiết kế kim loại cứng cáp, màn hình đẹp, cấu hình mạnh và thời lượng pin tốt. Đặc biệt, đây cũng là một trong những chiếc tablet Android hiếm hoi có mặt trên thị trường, khi đa số các nhà sản xuất Android khác đều đã rút khỏi thị trường này.
Đối thủ lớn nhất của Mi Pad 3 thực chất là những chiếc iPad của Apple. Xét về mặt trải nghiệm, iPad vẫn tỏ ra vượt trội so với Mi Pad, đặc biệt là ở khía cạnh phần mềm. Tuy nhiên ở tầm giá này, người dùng chỉ có thể mua những chiếc iPad đời cũ, qua sử dụng và có chất lượng không đảm bảo. Vậy nên, đối với những ai đang có nhu cầu cho một chiếc tablet giá rẻ, Mi Pad 3 là một cái tên rất đáng để cân nhắc.
Xin được cảm ơn cửa hàng Mobile City đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4