“Đắm đuối” game mobile, tác hại ra sao?

    Vi Dũng,  

    "Cái gì quá nhiều cũng không tốt."

    Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển cực kỳ mãnh liệt của những thiết bị di động thông minh như smartphone hay máy tính bảng, số lượng những ứng dụng giải trí tương tác thường được gọi là game mobile cũng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Dần dà, chất lượng gameplay và đồ họa của những tựa game trên nền HĐH mobile như iOS hay Android càng lúc càng gần với chuẩn mực đồ họa của những game PC hay console đương đại.
     
    dam-duoi-game-mobile-tac-hai-ra-sao
     
    Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng điện thoại di động càng lúc càng đông đảo, tỉ lệ thuận với số lượng những mẫu feature phone cũng như smartphone càng lúc càng bán chạy. Có thể cam đoan rằng 9 trong số 10 người sở hữu smartphone không chỉ để nghe, gọi và nhắn tin, mà còn sử dụng thiết bị của mình để chạy nhiều ứng dụng khác, trong đó có cả game. Vì thế có lẽ cũng sẽ không ngoa khi nói rằng bên cạnh những người đắm đuối những tựa game online hay game PC/console mà GameK đã có dịp giới thiệu tới độc giả, thì số lượng những “con nghiện” game mobile cũng càng lúc càng nhiều lên.
     
    Điều đáng báo động ở đây là, lứa tuổi của những người nghiện các tựa game mobile đang dần trẻ hóa, mà thủ phạm ở đây không ai khác chính là các bậc phụ huynh. Trong bài viết ngày hôm nay, GameK sẽ gửi tới các bạn độc giả những tác hại không đáng có nếu những game mobile với đồ họa bắt mắt “cuốn” lấy mình.
     
    Cận thị
     
    Nếu như việc phòng chống tật cận thị cho những người chơi game trên máy tính hay trước màn hình TV là hết sức dễ dàng, thì công việc này đối với những mobile gamer lại khá nan giải. Chỉ cần điều chỉnh khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính hoặc TV là người chơi hoàn toàn có thể tránh được tật khúc xạ phiền phức này.
     
    dam-duoi-game-mobile-tac-hai-ra-sao
     
    Tuy nhiên, với những người chơi game mobile, đặc biệt là các em nhỏ, chỉ cần một hai phút quá tập trung vào diễn biến game là các em có thể “dán chặt” đôi mắt của mình vào màn hình chiếc điện thoại hay chiếc iPad của ba mẹ mình ngay. Có thể một hai lời nhắc nhở về việc điều chỉnh khoảng cách mắt sẽ được các em nghe theo, nhưng chỉ vài phút sau e rằng các em sẽ quên ngay.
     
    Gần đây, số lượng trẻ dưới độ tuổi đến trường bị cận thị càng lúc càng gia tăng. Bên cạnh những nguyên nhân như bẩm sinh, do việc đọc truyện tranh hay xem TV ở cự ly không hợp lý, thì không thể không bỏ qua game. Việc quản lý của cha mẹ đối với việc chơi game của con cái càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
     
    Chểnh mảng công việc
     
    Game mobile thường là những tựa game đơn giản, dễ chơi, phù hợp với việc “xả stress” sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Tuy nhiên một khi đã “chết” một tựa game nào, thì cũng giống như game PC hay online, game mobile cũng sẽ khiến người chơi mê mẩn và dành hết thời gian cho nó.
     
    Ví dụ đơn giản nhất có thể kể đến cô bạn tôi, một người chẳng bao giờ chơi game trên máy tính, à không, ngoại trừ FarmVilleRestaurant City trên Facebook. Mỗi khi đến lớp, cô lại kè kè chiếc iPod touch bên mình và bắt đầu “chém hoa quả”. Chỉ với mục tiêu duy nhất là giành lấy ‘highscore’, cô lại ngồi mải miết với tựa game tưởng chừng chẳng có gì đáng “nghiện” này.
     
    dam-duoi-game-mobile-tac-hai-ra-sao
     
    Bài học rút ra là, không chỉ những game trên máy tính hay console mới khiến người chơi đắm đuối và ngồi lỳ hàng giờ trước màn hình, mà kể cả những game mobile có lối chơi lôi cuốn cũng có khả năng làm được điều đó. Chơi game để giải trí hoàn toàn vô hại, tuy nhiên mê game tới mức quên hết công việc thì đó lại là “thảm họa”, giống như một câu nói được rất nhiều netizen sử dụng trong thời gian gần đây.
     
    Kỹ năng giao tiếp xã hội kém
     
    Giống như những người chơi game PC, console, hay cả những người nghiện các mạng xã hội như Facebook hay Twitter, việc quá sa đà vào những game mobile cũng có thể dẫn tới những tác hại về mặt ứng xử với người xung quanh.
     
    Có không ít những cô bé cậu bé mới chỉ tầm 2, 3 tuổi nhưng đã được bố mẹ cho sử dụng những chiếc máy tính bảng để chơi game, với mục đích “dỗ bé ăn cháo”. Dần dà, đây cũng giống như việc dùng kẹo để dụ trẻ ăn vậy. Những cô bé cậu bé sẽ trở nên phụ thuộc và “nghiện” chiếc điện thoại hay iPad của cha mẹ theo đúng nghĩa đen. Và khi đó, nếu không có chiếc máy, chúng sẽ quấy khóc đòi bố mẹ chiều theo ý mình.
     
    dam-duoi-game-mobile-tac-hai-ra-sao
     
    Nguy hiểm hơn, trong số những ông bố bà mẹ cần đến sự trợ giúp của các bác sỹ, không thiếu những đứa trẻ có biểu hiện ít chịu giao tiếp với cha mẹ, bảo mẫu hay những đứa trẻ khác, có những hàng vi cáu kỉnh hay dễ bị kích động.
     
    Tình trạng này trên những người lớn cũng không khá hơn là bao. Bên cạnh việc lạm dụng tin nhắn, mạng xã hội trên điện thoại, thì mobile game cũng khiến người sử dụng “quên đi” những kỹ năng giao tiếp căn bản hàng ngày. Và đó cũng là lúc họ rất cần một sự trợ giúp về mặt tâm lý.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ