4 triết lý đã hoàn toàn thay đổi với làng di động thế giới

    Yến Thanh,  

    Năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều bước chuyển mình trong ngành di động nói chung.

    Hai siêu phẩm mới làm nên chuyện

    Thay vì chỉ hướng tới 1 smartphone cao cấp như trước đây, Microsoft đã chấp nhận 1 thực tế, phải có 2 chiếc smartphone mới làm nên chuyện: Lumia 950 và Lumia 950 XL. Theo đó, đây là 2 smartphone đầu tiên sử dụng Windows 10 Mobile của Microsoft và được kỳ vọng sẽ thu hút ngày càng nhiều người dùng đến với hệ điều hành này nói chung và mảng smartphone của Microsoft nói riêng.

    Kể từ khi ra mắt, Microsoft Lumia 950 và 950 XL đã nhận được rất nhiều sự chú ý của người dùng với cấu hình phần cứng mạnh mẽ cùng nhiều tính năng độc đáo được tích hợp trên Windows 10 Mobile. Đặc biệt, Microsoft cũng mang tới sự thay đổi đáng kể bên trong hệ sinh thái của mình, hợp nhất hệ điều hành và thiết bị, cho dù là thiết bị cầm tay hay thiết bị để bàn đều có thể kết nối thông tin đồng nhất.

    Về phần ngoại hình, bộ đôi Lumia 950 và 950 XL có thiết kế gần tương tự nhau, khác biệt thiết kế nhiều nhất chỉ nằm ở cụm camera sau và cụm phím cứng bên cạnh phải máy. Tuy nhiên về phần cấu hình, Lumia 950 XL có phần nhỉnh hơn với vi xử lý 8 nhân Qualcomm Snapdragon 810 64-bit trong khi Lumia 950 sử dụng vi xử lý 6 nhân Qualcomm Snapdragon 808 64-bit.

    Ngoài ra, kích thước màn hình của Microsoft Lumia 950 XL cũng lớn hơn với 5,7 inch so với 5,2 inch trên Lumia 950. Một số thông tin chung bao gồm bộ nhớ trong 32 GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD dung lượng lên đến 200 GB, sử dụng công nghệ sạc nhanh thông qua USB Type-C (sạc được 50% pin trong vòng 30 phút), dung lượng pin cho Lumia 950 XL là 3.340 mAh và Lumia 950 là 3.000 mAh.

    Về phần camera, cả 2 thiết bị đều có camera chính PureView độ phân giải 20 MP, sử dụng ống kính Zeiss cao cấp, chống rung quang học OIS, đèn flash 3 đèn LED và camera trước 5 MP. Bên cạnh đó, bộ đôi này là sản phẩm Lumia đầu tiên hỗ trợ quay video độ phân giải 4K. Cuối cùng, Microsoft cũng không sử dụng cảm biến vân tay, mà tích hợp công nghệ bảo mật quét võng mạc, Windows Hello.

    Khi hệ điều hành cây nhà lá vườn không thể vực dậy mảng di động

    Có thể coi, BlackBerry Priv là chiếc smartphone Android đầu tiên của Dâu đen trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Với việc chạy trên nền tảng Android và sử dụng chợ Google Play, BlackBerry hy vọng, Priv sẽ được bổ sung tối đa những ứng dụng còn thiếu sót trước đây. Đồng thời, đại diện hãng cũng thừa nhận, BlackBerry OS vốn kén chọn người dùng, và khó lòng đưa mảng di động đi lên.

    Có thể thấy, BlackBerry Priv là thiết bị di động đang được rất nhiều tín đồ Dâu đen chờ đón, mang tới nhiều nét đổi mới so với các smartphone chạy hệ điều hành BlackBerry OS trước đây. Đơn cử như việc Priv được trang bị một bàn phím trượt, tích hợp trackpad như BlackBerry Passport, cũng như chạy hệ điều hành Android nhằm đáp ứng được nhu cầu lớn về ứng dụng và game của người dùng.

    Về mặt ngoại hình, máy sẽ sở hữu thiết kế khá đặc trưng của Dâu đen với việc được trang bị bàn phím cứng, nhưng có thêm phần nắp trượt tiện lợi, giúp máy tiết kiệm được diện tích của phần bàn phím. Trải nghiệm cầm nắm trên tay rất cứng cáp, sang trọng, xứng với danh hiệu chiếc smartphone doanh nhân. Đặc biệt, cũng phải kể tới màn hình cong được kế thừa từ các siêu phẩm của Samsung.

    Ngoài ra, tương tự các mẫu smartphone có bàn phím cứng hiện nay của BlackBerry, chiếc Priv cũng hỗ trợ bàn phím QWERTY vật lý đầy đủ, mang tới trải nghiệm soạn thảo văn bản "thật" như gõ bàn phím thông thường. Trang bị này sẽ phần nào giúp người dùng hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa, ở điều kiện bình thường, chúng ta chỉ nhìn thấy phần màn hình của máy.

    Đáng chú ý, loạt ứng dụng / tiện ích truyền thống của BlackBerry như BlackBerry Hub, BBM hay BBM Meetings vẫn tồn tại trên chiếc Priv. Ngoài ra, các chức năng như phím tắt Speed Dial, tìm kiếm nhanh hay đèn LED thông báo vẫn xuất hiện trên chiếc smartphone này. Nói cách khác, dù thay đổi, nhưng BlackBerry vẫn giữ lại những nét đẹp truyền thống trên các sản phẩm ngày nay.

    Cong không được ta lại trở về với thẳng

    LG V10 được xem là sản phẩm smartphone đầu tiên thuộc dòng V của LG, đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng với nhiều tính năng cao cấp nhất, mới nhất và mang tính chất đột phá nhất. Trong đó, LG V10 gây ấn tượng với người dùng nhờ là điện thoại đầu tiên sở hữu hai camera trước cùng màn hình thứ hai đa nhiệm với thiết kế sang trọng và mạnh mẽ.

    Về phần thiết kế, chiếc LG V10 có thiết kế tinh tế nhưng đầy mạnh mẽ, theo đó sử dụng khung viền Dura Guard (Thép không gỉ chuẩn 316L) nhằm đảm bảo độ bền tối đa kể cả va đập mạnh. Đặc biệt, dù đã bỏ đi thiết kế cong thường thấy trên mẫu LG G4 cao cấp nhất, nhưng với kiểu dáng màn hình phẳng, việc cầm nắm máy vẫn thoải mái, đồng thời đem lại trải nghiệm tốt trong quá trình sử dụng.

    Thiết kế góc cạnh mang lại nét nổi bật cho LG V10, bên cạnh đó chiếc điện thoại này được sử dụng vật liệu Dura Skin tạo cảm giác mềm mại nhưng bền chắc, có tính chống trầy xước cao. Theo thông tin từ LG, chiếc smartphone này của họ có thể chịu được va đập khi rơi ở độ cao 1,2 mét. Nghĩa là LG đã hướng tới những tính năng thiết thực với cuộc sống, thay vì các công nghệ trên trời.

    Trong khi đó, về mặt tính năng, với trải nghiệm hướng vào đa phương tiện, LG đã trang bị cho smartphone này 1 màn hình kích thước nhỏ nằm ngay phía trên màn hình chính. Khi màn hình chính tắt, màn hình phụ này có chức năng hiển thị thời gian, thời tiết, ngày tháng hoặc dung lượng pin còn lại. Còn khi màn hình chính được bật, phần màn hình phụ có thể hiển thị phím tắt, chữ ký hoặc ứng dụng yêu thích...

    Về cấu hình, LG V10 sử dụng màn hình 5,7 inch độ phân giải 2K, đạt mật độ điểm ảnh 513 ppi cùng vi xử lý Snapdragon 808 và 4 GB RAM. Máy tích hợp bộ nhớ trong 64 GB, có thể mở rộng bộ nhớ, camera sau độ phân giải 16 MP, khẩu độ f/1.8, chống rung quang học OIS 2, trong khi nguồn pin đạt 3.000 mAh và đem tới công nghệ âm thanh vượt trội cho người yêu thích âm nhạc.

    Giá rẻ nhưng không hề thua kém cao cấp

    Điểm nhấn đầu tiên của mẫu Redmi Note 3 đó là Xiaomi đã thay đổi phong cách vỏ hộp máy. Từ việc sử dụng vỏ hộp chất liệu giấy tái chế, chuyển sang chất liệu giấy bóng, in hình smartphone Redmi Note 3. Ngoài ra, vỏ hộp cũng ghi rõ tên sản phẩm Redmi Note 3, thông số chi tiết, cùng một vài dòng chữ Trung Quốc. Nhìn chung, cách đóng hộp mới cho thấy sự thay đổi từ Xiaomi, từ sự đơn giản chuyển sang yếu tố bắt mắt.

    Đặc biệt, Redmi Note 3 cũng được coi là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Bởi đây là lần đầu tiên, Xiaomi trang bị cho một chiếc điện thoại giá rẻ, trong tầm giá 4 triệu đồng một bộ khung kim loại. Ngay cả chiếc Mi 4c cao cấp hơn cũng không được sở hữu yếu tố này, cho thấy, Xiaomi đang ngày càng nâng cao chất lượng của dòng máy giá rẻ.

    Ngoài ra, máy còn sở hữu cảm biến vân tay cho tốc độ mở khóa cực nhanh, chỉ trong 0,3 giây, tỏ ra không hề thua kém các smartphone cao cấp cùng thời. Rõ ràng, việc mở khóa nhanh sẽ giúp người dùng sử dụng Redmi Note 3 tiện lợi hơn. Việc đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng cũng có những điểm lợi nhất định: thao tác mở khóa máy đơn giản, tự nhiên, chỉ cần đặt ngón tay vào mặt sau Redmi Note 3 là đã có thể mở khóa máy.

    Về mặt cấu hình, Xiaomi Redmi Note 3 được trang bị bộ vi xử lý MediaTek lõi 8 Helio X10 64 bit, 2 tùy chọn bộ nhớ RAM 2 GB / 3 GB, 2 tùy chọn bộ nhớ trong 16 GB / 32 GB. Camera chính 13 MP, lấy nét theo pha, hỗ trợ đèn flash Dual Tone khi chụp thiếu sáng, camera trước cũng đạt độ phân giải 5 MP. Bên cạnh đó là viên pin dung lượng cao 4.000 mAh, cùng công nghệ sạc nhanh cho phép sạc đầy 50% trong vòng 1 giờ.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ