[Cảnh báo] iPhone dính iCloud đóng lại cặp xuất hiện nhan nhản tại Việt Nam: chất lượng kém, tuổi thọ giảm

    Yến Thanh,  

    Điểm yếu của những chiếc iPhone như vậy chính là tuổi thọ không được như hàng nguyên bản, chất lượng cũng kém hơn.

    Năm hết Tết đến là thời điểm mà rất nhiều người dùng săn tìm, hoặc có nhu cầu nâng cấp các smartphone mới hơn. Trong đó, iPhone là món hàng mà nhiều người dùng Việt Nam hướng tới. iPhone mới, iPhone cũ và cả iPhone khóa mạng đều là những sản phẩm được săn đón trong dịp cuối năm.

    Và như thường lệ, đây cũng là thời điểm mà iPhone không chính ngạch, không đảm bảo chất lượng cũng tràn ngập thị trường Việt Nam. Nổi lên trong số đó là tình trạng iPhone bị dính iCloud đóng lại cặp giá rẻ được bán dưới dạng iPhone đã qua sử dụng tại nước ta.

    Đáng chú ý, đây là thông tin được rất nhiều chủ cửa hàng chuyên kinh doanh smartphone tại Hà Nội khẳng định. Trong đó, đặc trưng của các sản phẩm này là sử dụng giá rẻ để đánh vào tâm lý mua hàng của người dùng. Mức giá trung bình của iPhone dính iCloud được đóng lại cặp rẻ hơn từ 800 ngàn tới 1 triệu đồng.

      Ảnh minh họa.

     Ảnh minh họa.

    Theo những tìm hiểu của chúng tôi, iPhone dính iCloud được đóng lại cặp thường là các máy được đóng lại từ A-Z, thậm chí là thay lại vỏ máy trông như mới. Mức giá rẻ, và ngoại hình mới lại càng thu hút người dùng, bất chấp những cảnh báo về chất lượng.

    Và ngay cả giới thợ sửa iPhone tại Việt Nam cũng khó lòng phân biệt nếu không rã máy. Bởi thực chất, tay nghề thợ Trung Quốc hiện rất cao, nên thợ Việt Nam mở main ra cũng khó mà phân biệt (trừ khi mở lồng ra kiểm tra thì có khả năng biết nhưng cũng phải là thợ bậc cao).

    Anh Đinh Quang Lộc, đại diện cửa hàng Lộc Mobile cho biết:

    "Với người dùng không có kinh nghiệm, việc phân biệt được iPhone dính iCloud được đóng lại cặp không hề đơn giản. Vậy nên tốt nhất người dùng đi mua iPhone thì nên mua ở chỗ tin tưởng 100%, hoặc mua lại của người thân mà biết rõ tình trạng máy".

    Còn anh Ngọc Long, đại diện cửa hàng Ngọc Long Mobile chuyên sửa chữa iPhone cho rằng:

    "Thực chất, iPhone dính iCloud được đóng lại cặp chính là cách phá mật khẩu iCloud trên các thiết bị của Apple. Điểm yếu của những sản phẩm như vậy chính là tuổi thọ không được như hàng nguyên bản. Một khi iPhone đã được đóng lại cặp, chất lượng sẽ bị giảm sút".

      Ảnh minh họa. 

     Ảnh minh họa. 

    Và để người dùng hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin trích lại những hướng dẫn và cảnh báo từ đơn vị Handheld Care Centre, Hà Nội.

    THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ PHÁ MẬT KHẨU ICLOUD TRÊN CÁC THIẾT BỊ CỦA APPLE

    1. ICLOUD LÀ GÌ?

    Là tài khoản Apple ID của bạn đăng nhập vào thiết bị, dùng để lưu trữ, bảo mật thông tin, định vị vị trí...trên thiết bị đó. Trên các iOS 6 trở xuống, iCloud đơn thuần chỉ là một phần lưu trữ dữ liệu cá nhântrên server của Apple. Nhưng từ iOS 7 trở lên, iCloud phát huy thêm một tính năng mới: Khi reset hoặc restore lại máy, người dùng bắt buộc phải đăng nhập mật khẩu iCloud thì mới cho kích hoạt.

    Tầng bảo mật này cao nhất của Apple và "quái" nhất của làng công nghệ thế giới cho đến thời điểm này. Vấn đề nảy sinh khi bạn mua máy cũ, bạn mượn tài khoản Apple ID của người khác...mà không biết được mật khẩu, khi bạn reset hoặc restore lại máy, khi đó máy bạn sẽ không kích hoạt được, máy thành cục gạch luôn.

    2. GIẢI PHÁP KHI QUÊN/KHÔNG CÓ TÀI KHOẢN VÀ MẬT KHẨU

    - Nếu tài khoản là của bạn, bạn quên mật khẩu thì vẫn có thể lấy lại được bằng cách khai báo lại trên địa chỉ mail bạn dùng để đăng ký Apple ID, rất đơn giản.

    - Nếu tài khoản của người khác, thì hiện nay chưa có giải pháp về phần mềm nào có thể phá được tầng bảo mật này.

    - Phá bằng phần cách can thiệp phần cứng: Giới "thợ thuyền" phần cứng ngửi thấy cách kiếm tiền mới nên nghĩ ngay ra cách đổi cặp IMEI/Serial của máy. Tức là họ vứt cặp bị khóa iCloud đi, thay cặp khác vào.

    3. CƠ CHẾ THAY CẶP

    Một cặp linh kiện chứa IMEI và Serial đang tồn tại trên server của Apple bao gồm:

    - CPU Baseband

    - Ổ cứng

    - EEPROM

    Ba thành phần này trên tuỳ đời máy mà phân bổ ở các vị trí khác nhau trên mainboard. Như vậy, ta thấy mức độ can thiệp phần cứng là rất sâu, thậm chí là sâu nhất trên thiết bị.

    3.1. Trên iPhone 4

    Thay CPU Samsung, không thay ổ cứng vì đã có thiết bị đổi Serial và IMEI.

    Can thiệp ít nhất trên main (thay duy nhất 1 chip); áp dụng chung cho các trường hợp mở mạng, chuyển quốc tế cho máy iPhone 4 không unlock bằng cách mua code và dùng SIM ghép được.

    3.2. Trên iPhone 4s, iPhone 5 và iPhone 5s

    Vì không thay được CPU Baseband, không có thiết bị đổi Serial nên phải đóng nguyên bộ các loại IC liệt kê ở trên. Chính vì can thiệp sâu nên mức độ rủi ro cho người dùng là vô cùng lớn. Trên một thiết bị smartphone mỏng manh như Apple, sự can thiệp phần cứng là bất khả dĩ, tức là hạn chế tối đa sự đụng chạm có thể.

    4. DI CHỨNG

    4.1. Đối với iPhone 4, di chứng để lại ít nhất :

    - Mất IMEI

    - Mất sóng

    Nguyên nhân: hở chân IC do khách hàng làm rơi sau khi thay chip.

    Khắc phục: Hàn lại chân IC là xong.

    4.2. Đối với iPhone 4s, iPhone 5 và iPhone 5s:

    - Ngoài các lỗi trên iPhone 4, còn hàng tỷ lỗi mà thợ phần cứng ai cũng phải sợ: Treo máy, tự treo cáp, tự về DFU, không restore được, restore lỗi 4014, lỗi 14, lỗi 9, lỗi 1, lỗi 1669, lỗi 3...

    - Nguyên nhân: Can thiệp nhiều từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trong ra ngoài như thế thì main không nát mới là lạ!

    5. LỜI KHUYÊN VỚI KHÁCH HÀNG

    - Mua máy cũ phải mua của người quen, mua có bảo hành và có thể liên lạc được khi có vấn đề về iCloud, tránh mua của người lạ, mua hôm trước hôm sau gọi điện tò te tý là nguy.

    - Không nên cho mượn tài khoản Apple ID.

    - Nếu muốn bẻ khóa iCloud bằng phần cứng chỉ nên làm cho iPhone 4, các iPhone đời sau không nên làm.

    - Không nên phá mật khẩu iCloud bằng phần cứng rồi đi bán lại. Đây là hành động thất đức, mang tính chất lừa đảo và thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ