Đây là thách thức lớn nhất với Microsoft trong những ngày sắp tới

    Yến Thanh,  

    Vào đêm mai, Microsoft sẽ chính thức tung rất nhiều sản phẩm mới và quan trọng hơn cả là hệ điều hành Windows 10 Mobile được người dùng chờ đợi bấy lâu.

    Như chúng ta đã biết, vào đêm mai (theo giờ Việt Nam), Microsoft sẽ chính thức tung rất nhiều sản phẩm mới, bao gồm: bộ đôi Lumia 950/950 XL, chiếc smartphone giá rẻ Lumia 550 như đồn đoán, tablet Surface Pro 4... Và quan trọng hơn cả là hệ điều hành Windows 10 Mobile được người dùng chờ đợi bấy lâu.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Windows 10 Mobile cũng chính là thách thức lớn nhất với Microsoft trong những ngày sắp tới. Tại sao vậy?

    Windows Phone trong những ngày huy hoàng

    Trước khi hệ điều hành Windows Phone trở nên thấp bé, nhẹ cân so với 2 đối thủ là iOS và Android như hiện nay, Windows Mobile vào năm 2004 của Microsoft đã từng có những ngày huy hoàng khi nền tảng di động này từng chiếm tới 23% thị trường smartphone khi đó.

    Thế nhưng, sau 10 năm chuyển mình, Microsoft từ một ông hoàng của làng di động ngày nào đã trở nên gần như vô hình trong thế giới smartphone, với thị phần các thiết bị chạy Windows Phone chiếm chưa đầy 4% thị trường smartphone toàn cầu.

    Được biết, một trong những lý do khiến Microsoft sa cơ lỡ vận trong lĩnh vực di động như hiện nay chính bởi sự xuất hiện của nền tảng iOS do Apple phát hành vào năm 2007. Cũng từ đây, iPhone và các smartphone chạy Android đã dần chiếm lĩnh thị trường vốn từng thuộc về Microsoft, đồng thời được coi là tiêu chuẩn của làng di động thế giới.

    Minh chứng là ở thời điểm hiện tại, Android đã trở thành nền tảng di động phổ biến nhất, chiếm khoảng 83% thị phần smartphone toàn cầu. Trong khi đó, iOS cũng cán đích với vị trí thứ 2, với thị phần gấp gần 4 lần nền tảng Windows Phone.

    Tất nhiên, trong cuộc soán ngôi của những ông lớn cùng thời với Microsoft, BlackBerry hay Nokia đã cùng chịu chung một số phận. May thay, so với 2 ông hoàng kể trên, tình hình tài chính của gã khổng lồ sứ Redmond vẫn cho thấy những dấu hiệu tốt, nhưng không phải nhờ mảng di động.

    Những bước chuyển mình của Microsoft trong 10 năm qua

    Kể từ khi nền tảng Windows Mobile thất thế, Microsoft đã luôn đi tìm những hình ảnh huy hoàng năm xưa. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, dù sự giàu có của Microsoft chẳng hề thua kém những công ty như Apple hay Google, nhưng điểm yếu cố hữu mà gã khổng lồ sứ Redmond đã mắc phải khi đó là không tận dụng được tối đa những lợi thế mà mình đang có, đồng thời không đánh giá đúng được đối thủ của mình.

    Điển hình nhất là khi cựu CEO của Microsoft là ông Steve Ballmer đã từng gạt đi chiếc iPhone và tuyên bố trước báo giới rằng, đây sẽ giống như một món đồ chơi đắt tiền, mà sẽ chẳng giúp được Apple thu lợi được từ nó. Cuối cùng, Steve Ballmer đã lầm, và kết quả là ông đã phải khăn gói rời Microsoft vào đợt giữa năm nay.

    Công bằng mà nói, trong thời kì hậu Windows Mobile, Microsoft từng rất nỗ lực để trở lại cuộc đua trong làng di động với việc công bố nền tảng Windows Phone 7. Thông qua rất nhiều chiến dịch quảng cáo nhấn mạnh vào trải nghiệm mượt mà, thiết kế hiện đại của hệ điều hành này, Windows Phone ban đầu đã được giới chuyên gia và người dùng đánh giá rất cao.

    Thế nhưng, chỉ ít tháng sau khi được phát hành, Windows Phone 7 gần như đã bị tê liệt bởi không thể cạnh tranh được với Android hay iOS. Lúc này, điểm yếu của Windows Phone đã bộc lộ: thiếu ứng dụng, thiếu sự hợp tác của các lập trình viên.

    Không từ bỏ quyết tâm với mảng di động, 2 năm sau, Microsoft lại tiếp tục tung ra nền tảng Windows Phone 8. Nhưng trái với tưởng tượng của người dùng, 2 hệ điều hành nói trên hoàn toàn không có tính kế thừa, bởi việc sử dụng 2 kernel khác nhau. Và lịch sử một lần nữa lặp lại, gã khổng lồ sứ Redmond tiếp tục rơi vào hoàn cảnh tương tự Windows Phone 7.

    Dù luôn được đánh giá là có khả năng hoạt động ổn định nhất so với Android hay iOS, nhưng trong lịch sử của Microsoft, thị phần của Windows Phone chưa bao giờ vượt quá con số 5% trên tổng số các thiết bị toàn cầu. Điều này đồng nghĩa, sự mượt mà, các ô Live Tile hay thiết kế phẳng trên Windows Phone đều là "công cò, công cốc".

    Chính vì vậy, Windows 10 Mobile đã ra đời

    Khác với các hệ điều hành Windows Phone truyền thống, Windows 10 Mobile theo sự lý giải của Microsoft là một nền tảng nằm trong hệ sinh thái Windows 10, chỉ có điều sử dụng giao diện rút gọn và lược bỏ đi những tính năng không phù hợp trên Windows 10 cho máy tính.

    Microsoft cho biết, Windows 10 sẽ hoạt động như một hệ sinh thái xuyên suốt, chạy trên khắp các thiết bị hiện có, từ PC, laptop cho tới tablet, smartphone... Nhờ đó, các lập trình viên có thể tạo ra một ứng dụng chạy được trên nhiều thiết bị nhau, mà không cần phải xây dựng lại ứng dụng từ đầu cho mỗi một thiết bị chạy Windows 10.

    So sánh với Android hay iOS hiện nay, đây được xem là điểm vượt trội của Windows 10 Mobile. Đặc biệt, với hơn 100 triệu lượt tải Windows 10 cho máy tính trong thời gian vừa qua, Microsoft hy vọng, các lập trình viên sẽ hào hứng hơn với các ứng dụng xuyên suốt - ứng dụng Universal này, đồng thời lôi kéo được người dùng đến với Windows 10 Mobile của hãng.

    Trong đó, Microsoft đã sử dụng 3 giải pháp chính nhằm đem đến sự tươi mới, và hữu dụng cho nền tảng Windows 10 Mobile:

    - Continuum: Về cơ bản, tính năng Continuum trên Windows 10 Mobile cho phép các smartphone có thể chuyển đổi thành những chiếc PC hoàn chỉnh. Hay nói cách khác, Continuum mang tới cho người dùng những trải nghiệm tương tự như đang dùng máy PC, thông qua việc kết nối chiếc điện thoại với một màn hình lớn hơn hoặc kết nối tới các thiết bị ngoại vi cần thiết như chuột, bàn phím qua Bluetooth.

    - Chuyển đổi ứng dụng từ Android và iOS sang Windows 10 Mobile: Với 2 bộ công cụ mà hãng cung cấp cho các lập trình viên Android và iOS, họ có thể dễ dàng chuyển đổi các ứng dụng từ 2 hệ điều hành này sang Windows 10 Mobile một cách đơn giản, thuận tiện nhất. Điều này đồng nghĩa, các nhà phát triển có thể cùng lúc tạo ra các ứng dụng trên 2 nền tảng mà không mất quá nhiều công sức, hoặc học hỏi thêm các ngôn ngữ lập trình mới. Đồng thời, qua đó, Microsoft sẽ khắc phục được phần nào điểm yếu trước đây là thiếu hụt ứng dụng.

    - Phần cứng mới: Như đã đề cập trước đó, tại sự kiện diễn ra vào đêm mai, nhiều khả năng Microsoft sẽ trình làng bộ đôi smartphone cao cấp là Lumia 950/950 XL và thêm cả chiếc smartphone giá rẻ Lumia 550. Về cơ bản, điều này sẽ kích thích người dùng trải nghiệm Windows 10 Mobile, còn xa hơn là việc phổ biến nền tảng này trên toàn thế giới. Tất nhiên, việc Microsoft thành công hay thất bại vẫn phải chờ tới khi loạt smartphone Lumia này được công bố.

    Tóm lại, đã từng có thời điểm, sự trỗi dậy của smartphone được coi là mối họa tiềm tàng cho nền tảng Windows. Tuy nhiên với Windows 10 Mobile, có vẻ như Microsoft đã chuẩn bị cho một tương lai mới, và đó có thể là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi mà điện thoại thông minh sẽ là trung tâm kết nối của con người. Và nếu bạn quan tâm tới Continuum, Windows 10 Mobile hay các thiết bị Lumia mới, hãy theo dõi bài tường thuật trực tiếp sự kiện của chúng tôi vào ngày mai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ