Giây phút cảnh giác: Giúp người hại mình, dùng iPhone dởm lừa lấy tiền thật

    Yến Thanh,  

    Đây sẽ là một bài học đáng giá về cách đặt niềm tin vào người lạ của nhân vật chính trong câu chuyện.

    Có xuất phát điểm từ tính thương người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhân vật chính là một phụ nữ đang đi rút tiền ở một trạm ATM đã bị đối tượng xấu dùng iPhone dởm lừa lấy tiền thật.

    Câu chuyện bắt đầu từ một buổi trưa nọ, chị Ba đi rút tiền ở một cây ATM, khoảng 11 giờ. Khi rút xong, chị bắt gặp một người phụ nữ bán vé số cầm một chiếc iPhone 5 đưa cho chị và nhờ tắt nguồn. Hỏi ra mới biết, người bán vé số này nhặt được chiếc iPhone 5 gần đó, và không rõ chủ nhân.

    Đánh vào lòng tốt của chị Ba, người bán vé số đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của nhân vật chính. Và mọi rắc rối xảy ra từ đây...

    Giây phút cảnh giác: Giúp người hại mình, dùng iPhone dởm lừa lấy tiền thật

    Người bán vé số khiến nhân vật chính tin rằng, đây đích thị là một chiếc iPhone bị làm rơi, và chủ nhân của chiếc iPhone đang nóng lòng lấy lại tài sản của mình, chấp nhận chuộc lại với bất cứ giá nào.

    Nạn nhân chia sẻ: "Tôi nghe loáng thoáng rằng, người bị mất điện thoại xin chuộc lại chiếc iPhone. Còn người bán vé số thì đòi tiền chuộc đâu đó khoảng 2 triệu đồng. Hai người nói qua nói lại gì đó thì tôi không biết. Sau đó, người bán vé số đưa lại cho tôi, có nói là chị nói chuyện với người này, người ta đang cần giúp đỡ".

    Sau khi bị thuyết phục bởi người phụ nữ ở đầu dây bên kia - tưởng là nạn nhân, chị Ba vốn là người giúp đỡ lại trở thành con mồi trong màn kịch đã được dựng trước này. Chính vì lòng thương người, chị Ba đã ứng trước số tiền cho người bán vé số để giữ lại chiếc iPhone 5 cho người đã mất. Số tiền lên tới 1,5 triệu đồng.

    Tất nhiên, khi đã nhận được tiền mặt, thỏa mãn mục đích của bản thân, người bán vé số nhanh chóng biến mất khỏi hiện trường. Điều gì đến sẽ đến, cả người bán vé số và nạn nhân đánh rơi chiếc iPhone đều "mất hút" sau khi tiền đã trao và cháo đã múc.

     Hình minh họa - Tư liệu: HTV Online.

    Hình minh họa - Tư liệu: HTV Online.

    Do chờ đợi quá lâu, chị Ba đã sinh nghi, đồng thời sục sạo trong điện thoại của nạn nhân, nhưng kết quả chẳng như mong đợi. Gọi lại cho nạn nhân thì không nghe máy, truy cập vào danh bạ chỉ có vài số điện thoại ảo không rõ là ai. Làm ơn mắc oán, mất thời gian cho sự việc không đâu, chị Ba quyết định về nhà và chờ phản hồi từ người mất iPhone.

    Và mọi chuyện chỉ bắt đầu vỡ lở khi chị Ba đưa chiếc iPhone 5 với giá 1,5 triệu đồng cho con trai vốn là người cũng am hiểu điện thoại. Cả nhà liền tá hỏa khi phát hiện ra, đây thực chất chỉ là một chiếc iPhone dởm, nghĩa là ruột Android, nhưng vỏ thì iPhone. Thậm chí, đây còn có thể là chiếc iPhone đi kèm cả thẻ nhớ.

    Nạn nhân trải lòng: "Khi tôi về nhà có đưa điện thoại cho đứa con trai cũng rất rành về điện thoại. Cho nên là bé có nói là mẹ bị lừa rồi. Nó là điện thoại dởm, giá chỉ mấy trăm ngàn thôi. Nó chỉ có bên ngoài thôi, còn bên trong là hàng dởm hết. Lúc đó tôi mới tá hỏa ra. Lúc đó tôi mới suy nghĩ lại là mình chắc chắn bị đưa vào bẫy. Tại vì khi người đàn bà bán vé số đưa cho tôi chiếc điện thoại, người kia là đồng bọn sẽ đứng ở đâu đó".

    Câu chuyện tiền mất tật mang, giúp người hóa ra là hại mình chắc chắn sẽ còn xảy ra rất nhiều ngoài đời thực. Không chỉ riêng các bà nội trợ, mà ngay cả những người trẻ tuổi, đôi khi nhẹ dạ cả tin cũng có thể sớm trở thành con mồi béo bở của những màn kịch cũ mà mới này.

    Theo HTV Online

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ