Microsoft đang lặng lẽ đặt nền móng cho một phiên bản Android?

    Lerm,  

    Để hồi sinh lại miếng bánh thị phần đang rơi vào tay các nền tảng khác, Microsoft phải thay đổi cách suy nghĩ của mình và nên có những hướng đi táo bạo hơn.

    Dù đã có khoảng thời gian khá dài để phát triển Windows Phone và Windows 10 Mobile, nhưng lượng người dùng hiện có của Microsoft chỉ đang dao động khoảng từ 75 đến 77 triệu người dùng. Điều này phần nào cho thấy rằng, mảng kinh doanh di động của Microsoft đang gặp phải không ít rào cản và khó khắn.

    Do đó, để giữ vững thị phần hay chí ít là tồn tại trong thị trường di động đang chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt từ hai ông lớn trong làng công nghệ là Apple và Google, Microsoft cần có những bước đi táo bạo hơn. Các nhà phân tích cho rằng, vẫn chưa quá muộn để “gã khổng lồ” phần mềm thực hiện việc này.

    Một trong số những giải pháp đã được nêu ra đó là Microsoft nên phát triển một hệ điều hành dựa trên dự án mã nguồn mở Android (AOSP) cho riêng mình, và tích hợp mặc định các ứng dụng và dịch vụ của Microsoft trên nó, thay vì là các ứng dụng và dịch vụ của Google.

     Dự án mã nguồn mở Android (AOSP)

    Dự án mã nguồn mở Android (AOSP)

    Ai cũng biết rằng mã nguồn của Android luôn được phát hành dưới dạng mở (open source), nghĩa là mọi người đều được phép xem và chỉnh sửa. Điều này đồng nghĩa với việc, Microsoft hoàn toàn dư sức có thể tùy biến mã nguồn này, tích hợp lên đó hay loại bỏ những thứ họ muốn.

    Khi được đặt vấn đề liệu kế hoạch này có đang tồn tại bên trong chiến lược của Microsoft hay không, bà Larson Green – đại diện của hãng – đã không hoàn toàn phủ nhận. Trái lại, bà chỉ úp mở rằng: "Chúng tôi đang và sẽ làm theo những thứ mà người dùng mong muốn”.

    Dù không tiết lộ cụ thể, nhưng dường như Microsoft đã đặt nền móng cho kế hoạch này từ trước. Nói cách khác, nếu di động là một con tàu đang chìm, Microsoft vẫn có vài chiếc xuồng cứu hộ. Bằng chứng là kể từ khi đương nhiệm vị trí CEO tại Microsoft vào tháng 02/2014, ông Satya Nadella đã có một loạt động thái hướng tới Android như:

    - Đầu tháng 04/2015, Microsoft tuyên bố hợp tác chiến lược với CyanogenMod - công ty nổi tiếng với bản ROM CyanogenMod trên Android. Điều này có nghĩa là các phiên bản sau này của CyanogenMod sẽ được cài đặt sẵn những phần mềm và dịch vụ của Microsoft như Skype, OneDrive, OneNote, Outlook, Bing và Office Mobile. Đây được xem là động thái thông minh nhằm tăng sự hiện diện trên các thiết bị Android của Microsoft.

    - Microsoft mua lại Acompli và nhanh chóng dựa vào Acompli để cho ra mắt ứng dụng email đa nền tảng Outlook, kế đến là mua lại Sunrise (lịch di động), Wunderlist (nhắc việc hằng ngày). Và chỉ trong vòng hai tuần sau thương vụ mua lại Double Labs – công ty nổi tiếng với ứng dụng khóa màn hình Echo Notification Lockscreen trên Android, Microsoft tung ra ứng dụng khóa màn hình mới cho hệ điều hành này.

    - Microsoft đệ đơn xin cấp bằng sáng chế 9.003.173 có tên "Multi-OS boot via mobile device" (Khởi động nhiều hệ điều hành qua thiết bị di động) cho phép thiết bị chọn hệ điều hành cần thiết để thực hiện nhiệm vụ nhất định, tức là thay thì khởi động vào phiên bản hệ điều hành đầy đủ, điện thoại có thể khởi động vào một bản rút gọn. Đây thực sự là một bằng sáng chế lớn của Microsoft, tương lai họ có thể mang ứng dụng từ Android lên thiết bị chạy Windows mà không cần cài hệ điều hành Android.

    Hệ điều hành này sẽ trông như thế nào?

    Như chúng ta đã biết, CyanogenMod là hệ điều hành được phát triển từ mã nguồn mở Android gốc được nhiều người dùng nhất cho đến thời điểm hiện tại. Mặc dù có gốc gác là Android,  nhưng so về chức năng và hiệu suất thì CynogenMod cao hơn hẳn.

    Theo điều khoản của Google, để các ứng dụng do Google phát triển (GMS) được cấp phép xuất hiện trên thiết bị, các OEM phải vượt qua bài kiểm tra khả năng tương thích với hệ điều hành (Android Compatibility Test Suite & Android Compatibility Definition).

    Nói một cách khác, nhờ có điều khoản này, Microsoft có thể đưa các ứng dụng có chức năng tương đương do chính họ phát triển vào để thay thế cho các ứng dụng của Google, mà không phải vượt qua bài kiểm tra, và Android chính là cầu dẫn người dùng tới những dịch vụ của Microsoft.

    Bên cạnh đó, hệ điều hành này chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn các lập trình viên phát triển ứng dụng, bởi vì trên nguyên tắc nó có gốc là Android. Hiện tại, Microsoft đã từng thử nghiệm một phương thức chuyển thể ứng dụng Android sang Windows thông qua bộ SDK cho hãng phát hành. Từ đó, họ hoàn toàn có thể phát triển một kỹ thuật tương tự để đưa các ứng dụng Windows chạy được trên Android.

    Việc này liệu đã từng có tiền lệ?

    Trong quá khứ, Microsoft đã từng phát triển một chiếc smartphone chạy Android nhưng lại mang trên mình giao diện gần giống với Windows Phone: Nokia X, ra mắt vào năm 2014, dựa trên mã nguồn mở Android và được tích hợp các dịch vụ của Microsoft.

    Tất nhiên, phần cứng do Nokia đảm trách vẫn được đánh giá cao, trong khi đó, phần mềm do Microsoft thiết kế lại không được như mong đợi. Thật vậy, các biểu tượng icon sử dụng màu sắc không đồng bộ, gây rối rắm, đồng thời việc bỏ đi kho ứng dụng Google Play và thay thế nó bằng Nokia Store đã gây nhiều khó khăn cho người dùng trong việc tiếp cận các ứng dụng.

    Kết

    Khó khăn lớn mà Microsoft đã và đang gặp phải trên mảng di động là việc thu hút các lập trình viên phát triển ứng dụng cho mình. Tất nhiên Microsoft sẽ không thể bán được điện thoại, nếu ứng dụng trên hệ điều hành của hãng quá thiếu thốn và không đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

    Trong khi đó, Android là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới, phổ biến tới nỗi cứ 5 người 1 dùng smartphone thì có 1 người dùng Android. Vậy thì việc phát triển một hệ điều hành dựa trên Android và đưa các ứng dụng do Microsoft phát triển tích hợp lên đó chắc chắn sẽ mang lại cho hãng một cơ hội lớn, một lượng người dùng đáng kể.

    AOSP mang đến cơ hội cho Microsoft để định hướng lại mảng di động nhằm khai thác những lợi thế mà các đối thủ đang có. Hệ điều hành của Google có nhiều ưu điểm như miễn phí, phổ biến rộng rãi và dễ dàng phát triển”, trang công nghệ The Guardian từng viết.

    Hướng đi trên xem ra là một suy nghĩ tích cực khi Microsoft vẫn chưa tạo được bất kỳ đột phá trên thị trường thiết bị cầm tay. Tuy nhiên, cần phải lưu tâm rằng, nước cờ này có thể đặt Nadella và toàn bộ tập đoàn phụ thuộc vào Google – một đối thủ của Microsoft. Hãng sẽ phải tính toán rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Liệu kế hoạch trên có thực sự tồn tại hay không, hãy chờ đợi câu trả lời từ Microsoft.

    Thảm khảo: Business Insider.

     

    >> Thế chân vạc: Android - iOS - Windows 10 đã thay đổi hoàn toàn từ đây!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ