Một video ở Trung Quốc cũng khiến dư luận sửng sốt về điều thế giới đã coi là bình thường, đằng sau tiết lộ số nhân lực phi thường cho chiến lược Zero Covid

    Thiên Di, Theo Nhịp sống Kinh tế 

    (Tổ Quốc) - Hàng triệu người vẫn đang ngày đêm chiến đấu với các ca mắc mới Covid ở Trung Quốc.

    Lần ngã quỵ thứ ba cuối cùng đã khiến Gao Ying phải nhập viện. Là một nhân viên y tế công cộng, cô đã giúp thành phố Hàng Châu quê hương mình chống lại sự gia tăng của các ca mắc Covid-19.

    Hai tuần liền, Gao Ying không có thời gian đặt lưng xuống giường nghỉ ngơi. Cô đã kiệt sức. Thế nhưng cô vẫn tổ chức một cuộc họp bàn về các biện pháp kiếm soát dịch bệnh tại địa phương vào ngày 18/3. Đó là khi cô ngã quỵ lần thứ 3 trong thang máy và đập đầu vào tường. Đoạn video được camera thang máy ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

    Gao Ying đã nỗ lực không mệt mỏi để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh mà hiện hầu hết các quốc gia khác đều coi đó là bình thường. Thành phố Hàng Châu với 12 triệu dân ghi nhận chỉ 54 ca mắc Covid-19 có triệu chứng trong hai tuần cho đến ngày 18/3.

    Một video ở Trung Quốc cũng khiến dư luận sửng sốt về điều thế giới đã coi là bình thường, đằng sau tiết lộ số nhân lực phi thường cho chiến lược Zero Covid - Ảnh 1.


    Tổng cộng Trung Quốc có khoảng 27.000 trường hợp mới có triệu chứng trong tháng 3, ít hơn con số ghi nhận tại Mỹ trong cùng khoảng thời gian này. Tuy nhiên, đây lại là đợt bùng phát lớn nhất của Trung Quốc kể từ những ngày đầu chống dịch.

    Tình trạng này khiến chính sách Zero Covid của Trung Quốc càng thêm căng thẳng. Chiến lược này nhắm với việc tiêu diệt virus thông qua xét nghiệm hàng loạt, truy vết trên diện rộng và phong toả nghiêm ngặt. Những nỗ lực có cần đến hàng triệu nhân viên y tế giống như Gao Ying.

    Công nghệ như phần mềm theo dõi giúp ích được phần nào trong công tác chống dịch. Nhưng phần lớn công việc vẫn liên quan đến hồ sơ, điện thoại và những dải băng rào chắn. Khoảng 110.000 uỷ ban khu phố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự. Mỗi uỷ ban có từ 5-9 thành viên và nhiều tình nguyện viên. Hiện tại, công việc của họ là theo dõi cư dân, thực hiện phong toả và xét nghiệm.

    Ví dụ, thành viên của uỷ ban khu phố có thể yêu cầu người từ thành phố khác đến thực hiện xét nghiệm hoặc cách ly trong nhà vài ngày. Trong những ngày phong toả, họ sẽ kiểm soát người đi và đến. Ngoài ra, 7,7 triệu nhân viên bảo vệ và người giao đồ ăn cũng rất quan trọng trong thời điểm này.

    Các thành phố nhỏ hơn với khoảng 5 triệu dân trở xuống có thể thể xét nghiệm toàn thành phố chỉ trong 2 ngày. Điều đó rất cần đến việc từng thành viên của uỷ ban đến từng nhà hoặc các tình nguyện viên hỗ trợ mọi người xếp hàng lấy mẫu.

    Việc truy vết là công việc đặc biệt tốn nhiều công sức. Chi riêng Thượng Hải đã có 3.000 nhân viên tham gia công tác này. Hầu hết họ là nhân viên y tế công cộng. Trong thời gian đại dịch bùng phát, họ có thể trực 24/24.

    Một số người tỏ ra kiệt sức: "Trong một tuần chiến đầu liên tục với virus, mọi người thức trắng nhiều đêm khiến sức chịu đựng của cơ thể bị đẩy đến giới hạn. Vì vậy, xin mọi người có thể kiên nhẫn và hợp tác khi nhận được cuộc gọi".

    Nếu một người cảm thấy phát chán với việc truy vết của quốc gia, thì có lẽ là do có quá nhiều đối tượng cần truy vết và họ không phải lúc nào cũng hợp tác. Một người có thể nhận được cuộc gọi từ nhiều đơn vị khác nhau: nơi làm việc, nơi ở, địa điểm đã đến gần đây. Cảnh sát, ủy ban khu phố và doanh nghiệp cũng làm việc trên điện thoại để kiểm tra nơi ở của mọi người. Những kẻ lừa đảo đang tận dụng tình hình này để thực hiện hành vi xấu.

    Trước đại dịch, uỷ ban của khu phố không có nhiều quyền lực. Tuy nhiên, giờ đây họ có thể yêu cầu mọi người ở trong hàng tuần liền. Quyền riêng tư bị xâm phạm giờ cũng là điều phổ biến. Camera được lắp đặt bên ngoài các ngôi nhà để đảm bảo mọi người tuân thủ cách ly.

    Tuy nhiên, một số hành vi lạm dụng đã khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ. Các nhân viên y tế ở Tây An đã đánh một nam thanh niên khi anh này vi phạm phong toả để mua một suất bún. Các quan chức địa phương ở một số tỉnh thành phố đã giết chó mèo của người mắc Covid vì lo ngại chúng có thể phát tán virus.

    Nhưng phần lớn người dân Trung Quốc ủng hộ chính sách Zero Covid. Đối với nhiều người, số ca mắc và trường hợp tử vong thấp là minh chứng cho chiến lược này. Họ cảm thông cho những người làm công tác chống dịch.

    Đoạn video quỵ ngã của Gao thu hút nhiều sự chú ý. Một người bình luận: "Đây đã là năm thứ ba xảy ra dịch bệnh. Chúng ta không thể tìm cách để giảm từ từ gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch hay sao?"

    Biến thể Omicron có khả năng lây lan cao khiến công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn. Các tỉnh có xu hướng chia sẻ nhân sự cho nhau, tuỳ vào nơi có ổ dịch. Nhưng Omiron đang lây lan trên khắp đất nước mà nhân sự thì có hạn. Các bác sĩ tiết lộ rằng chính sách Zero Covid sẽ có những thay đổi và các biện pháp nghiêm ngặt nhất sẽ được dỡ bỏ.

    Tuy nhiên ở hiện tại, các chính trị gia Trung Quốc chỉ đang điều chỉnh chiến lược. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng "từ đầu đến cuối", tính mạng của người dân phải được đặt lên trên hết.

    Tham khảo The Economist

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ