Nắm trong tay công nghệ sản xuất màn hình OLED cong, một công ty Trung Quốc khiến Samsung và LG toát mồ hôi hột

    Tấn Minh,  

    Hầu hết các màn hình OLED cong mà chúng ta thấy trên các smartphone hiện nay đều do Samsung sản xuất. Công nghệ này khó đến mức LG cũng khó lòng bì kịp Samsung. Thế nhưng, một công ty Trung Quốc đã khiến cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố "chuyện nhỏ"

    Trung Quốc đã bắt đầu cuộc rượt đuổi với Hàn Quốc nhằm thống trị thị trường màn hình OLED. Công ty đến từ Trung Quốc là Tianma vừa qua đã bắt đầu sản xuất màn hình OLED uốn dẻo thế hệ 6 vốn được dùng trên các smartphone. Đây là công ty thứ hai trên thế giới và là công ty đầu tiên tại Trung Quốc sản xuất được loại màn hình này sau Samsung Display.

    Theo đó, Tianma Micro-electronics Co. đã bắt đầu sản xuất tấm nền OLED uốn dẻo thế hệ 6 dành cho smartphone tại nhà máy ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ giữa năm 2017 đến nay. Thông qua quy trình backplane sử dụng silicon đa tinh thể nhiệt độ thấp (LTPS), Tianma có thể sản xuất được hơn 30.000 tấm nền OLED chỉ trong vòng một tháng.

    Nắm trong tay công nghệ sản xuất màn hình OLED cong, một công ty Trung Quốc khiến Samsung và LG toát mồ hôi hột - Ảnh 1.

    Một màn hình OLED uốn dẻo của Tianma

    Việc Tianma nắm trong tay công nghệ màn hình OLED uốn dẻo thế hệ 6 và nhanh chóng sản xuất đại trà tấm nền này đã khiến không chỉ Samsung Display - nhà cung ứng màn hình OLED lớn nhất thế giới - mà cả LG Display "thần hồn nát thần tính". Nguyên nhân là bởi ngày càng nhiều hãng sản xuất smartphone có nhu cầu sử dụng màn hình OLED trên các thiết bị của mình, và công ty Trung Quốc này lại bắt đầu sản xuất đại trà màn hình OLED sớm hơn nhiều so với dự kiến. LG Display đã lên kế hoạch sản xuất đại trà màn hình OLED uốn dẻo thế hệ 6 tại nhà máy E5 ở Gumi từ Quý 3/2017, với số lượng khoảng 15.000 màn hình mỗi tháng. Thế nhưng nay, Tianma lại nhanh chân trước một bước cả về thời gian sản xuất lẫn số lượng sản phẩm!

    Tianma dự kiến sản xuất các tấm nền phẳng và uốn dẻo tại nhà máy cùng một lúc, và sau đó cung cấp chúng cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo - những công ty vốn là khách hàng của LG Display. Về phía Apple - hãng đang theo đuổi chiến lược "nhiều nhà cung ứng" - cũng đang tìm kiếm một nhà cung ứng OLED nhỏ hơn, thì Tianma có khả năng sẽ trở thành đối thủ tiềm tàng của LG Display - công ty được cho là sẽ trở thành nhà cung ứng OLED chính cho iPhone thế hệ tiếp theo trong năm 2018.

    Áp lực mà Tianma tạo ra cũng đè nặng lên Samsung Display - hãng đang thống trị thị trường OLED nhỏ và vừa. Samsung Display hiện sản xuất khoảng 55.000 tấm nền OLED thế hệ 4,5 mỗi tháng tại nhà máy A1 ở Cheonan, 180.000 tấm nền OLED thế hệ 5,5 mỗi tháng tại nhà máy A2 ở Asan và 27.000 tấm nền OLED thế hệ 6 mỗi tháng tại nhà máy A3 ở Asan. Xét về chất lượng, Samsung Display vượt trội hơn so với Tianma, nhưng rõ ràng họ cũng chẳng vui vẻ mấy khi có một đối thủ mới xuất hiện trên thị trường. Một nhà sản xuất Trung Quốc khác cũng đã bắt đầu sản xuất đại trà màn hình OLED thế hệ 6 từ cuối năm 2017 là BOE với 50.000 sản phẩm mỗi tháng, trong khi China Star Optoelectronics Technology (CSOT) dự kiến sẽ sản xuất được 45.000 sản phẩm mỗi tháng vào nửa đầu năm 2020.

    Nắm trong tay công nghệ sản xuất màn hình OLED cong, một công ty Trung Quốc khiến Samsung và LG toát mồ hôi hột - Ảnh 2.

    Câu hỏi được đặt ra ở đây là các công ty Trung Quốc sẽ sản xuất được tối đa bao nhiêu tấm nền OLED cỡ nhỏ và cỡ trung? Một quan chức trong ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc cho biết: "Tianma đã phát triển các tấm nền OLED cỡ nhỏ và cỡ trung từ vài năm nay nhưng chất lượng chưa được tốt lắm. Ngay cả LG Display - một đối thủ mạnh trên thị trường OLED cỡ lớn - cũng chật vật tìm cách cải thiện chất lượng các tấm nền cỡ nhỏ và cỡ trung khi sản xuất đại trà. Khi mà mọi công ty đều tìm cách tham gia thị trường OLED cỡ nhỏ và cỡ trung, chỉ có các sản phẩm thực sự chất lượng mới có thể tồn tại được".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ