NASA 'ghé thăm' chị Hằng sau 50 năm

    Hông Vân, Tuổi Trẻ 

    Ngày 29-8, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng trong khuôn khổ chuyến bay thử nghiệm thuộc chương trình Artemis từ Mặt trăng đến sao Hỏa bằng tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion.

    NASA 'ghé thăm' chị Hằng sau 50 năm - Ảnh 1.

    Toàn cảnh khu vực bệ phóng tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion trên đỉnh bệ phóng di động tại Launch Pad 39B ngày 28-8 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida - Ảnh: NASA

    Sứ mệnh Artemis I

    Trong chuyến bay đầu tiên, gọi là sứ mệnh Artemis I, tàu Orion sẽ được phóng lúc 19h33 (giờ Việt Nam) từ Florida bằng tên lửa SLS (Space Launch System - Hệ thống phóng không gian).

    Chuyến bay của tàu Orion kéo dài 42 ngày, đến Mặt trăng, bay quanh Mặt trăng rồi trở về Trái đất. Sau khi hoàn thành hành trình dài tất cả 2,1 triệu km, tàu sẽ đáp xuống Thái Bình Dương ngoài khơi San Diego ngày 10-10.

    SLS là tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo, có lực đẩy mạnh hơn 15% so với tên lửa Saturn V dùng trong sứ mệnh Apollo cách đây nửa thế kỷ.

    Các chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida đã dành cả ngày 28-8 cho các công tác chuẩn bị cuối cùng trước ngày dự kiến triển khai chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion.

    Theo NASA, hệ thống đã sẵn sàng và với các điều kiện thời tiết hiện tại, khả năng có thể phóng tàu theo kế hoạch trong ngày 29-8 là 80%. Trong trường hợp bị hoãn, những ngày có thể phóng tàu tiếp theo là ngày 2-9 và 5-9.

    Trở lại Mặt trăng

    NASA 'ghé thăm' chị Hằng sau 50 năm - Ảnh 2.

    Tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA và tàu vũ trụ Orion trên đỉnh bệ phóng di động tại Launch Pad 39B ngày 28-8 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida - Ảnh: NASA

    NASA có kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2025. Mục đích của chương trình là thiết lập cơ sở hạ tầng lâu dài trên Mặt trăng, từ đó tạo bàn đạp cho các chuyến du hành tham vọng hơn trong tương lai là đưa con người lên sao Hỏa.

    Ông Mike Sarafin, người phụ trách sứ mệnh Artemis, cho biết: "Chúng tôi có cảm giác mong đợi và phấn khích cao độ. Đây là chuyến bay thử nghiệm của một tên lửa mới và tàu vũ trụ mới để đưa con người lên Mặt trăng trong chuyến bay tiếp theo - điều chưa từng được thực hiện trong hơn 50 năm. Chúng tôi sẽ học được rất nhiều điều từ chuyến bay thử nghiệm Artemis I và sẽ thay đổi và sửa đổi những gì cần thiết để chuẩn bị cho chuyến bay có phi hành đoàn tiếp theo".

    Theo Đài CNN, nếu hai chuyến bay đầu tiên thuộc sứ mệnh Artemis thành công, NASA sẽ nhắm đến mục tiêu đưa phi hành gia hạ cánh xuống Mặt trăng, trong đó sẽ có người phụ nữ và người da màu đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

    Thời hạn dự kiến sớm nhất cho mục tiêu này là vào năm 2025, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng khung thời gian trên có thể sẽ bị chậm một vài năm.

    Những người đi bộ trên Mặt trăng "gần đây nhất" là nhóm hai phi hành gia trên tàu Apollo 17 năm 1972, theo bước chân của 10 phi hành gia khác trong năm sứ mệnh trước đó bắt đầu với Apollo 11 vào năm 1969.

    Sau hơn một thập kỷ phát triển, tàu vũ trụ SLS-Orion đã tiêu tốn của NASA ít nhất 37 tỉ USD.

    Artemis I qua những con số:

    11: Là số lượng dù để giảm tốc độ của tàu Orion từ vận tốc 520km/h xuống vận tốc 27km/h khi hạ cánh ở Thái Bình Dương. Các dù này thuộc một hệ thống và phải được bung ra đúng thứ tự.

    39.400km/giây là tốc độ của tàu Orion khi nó lao vào bầu khí quyển của Trái đất trong hành trình quay về.

    2.760 độ C là nhiệt độ mà lá chắn nhiệt của tàu Orion sẽ chịu đựng khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Mức nhiệt này nóng bằng một nửa bề mặt của mặt trời.

    6 tuần: là thời gian của toàn bộ sứ mệnh Artemis I.

    2,1 triệu km: là tổng độ dài đoạn đường Artemis I dự kiến sẽ đi qua.

    0: là số phi hành gia sẽ tham gia sứ mệnh này, vì đây là chuyến bay thử nghiệm hệ thống nên sẽ không có người trên tàu vũ trụ.

    3 phút 40 giây: là thời gian quả tên lửa phóng lên quỹ đạo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ