Người Việt cầm đầu đường dây trộm cắp thẻ tín dụng lớn nhất Mỹ

    PV,  

    Cảnh sát Việt Nam và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ phối hợp điều tra về đường dây trộm cắp thẻ tín dụng lớn nhất từ trước đến nay.

    Ngày 22/8, Văn phòng Cảnh sát điều tra (C44) Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an cho biết, đã kết luận điều tra vụ án Vương Huy Long cùng đồng bọn chuyên trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ tín dụng (CC) trộm cắp được để mua hàng, nhằm chiếm đoạt hàng trăm nghìn USD của người nước ngoài.

    Đây là đường dây phạm tội xuyên quốc gia, được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá của Bộ An ninh Hoa Kỳ, đây là 1 trong 6 chuyên án lớn nhất của đất nước này.

    Vụ việc được bắt đầu từ năm 2010, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đã thông báo cho Cảnh sát Việt Nam về một tổ chức tội phạm chuyên trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của các khách hàng, sau đó mua hàng trực tuyến rồi thuê người nhận, chuyển về Việt Nam nhằm trục lợi.

    Cầm đầu đường dây này được xác định là một công dân Việt Nam, có nickname Mr.hamcc và một đối tượng khác người Nigeria. Cùng thời điểm này, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50)- Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cũng đang xác lập chuyên án điều tra về đối tượng có nickname trên và các đồng phạm tại Việt Nam.

    Người Việt cầm đầu đường dây trộm cắp thẻ tín dụng lớn nhất Mỹ
     

    Theo đánh giá của cơ quan Cảnh sát Việt Nam, đây là một loại tội phạm mới, xâm hại đến hoạt động thương mại điện tử bình thường cả trong và ngoài nước, được thực hiện trong thời gian dài, có tổ chức và liên kết giữa nhiều bị can và giữa các bị can ở trong nước với các đối tượng ở nước ngoài. Hậu quả của vụ việc rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu và ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam trong hoạt động thương mại, tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường về an ninh mạng.

    Vì các đối tượng chỉ giao dịch với nhau bằng các nickname, việc thanh toán tiền toàn dưới hình thức giao dịch tiền điện tử LR giữ bí mật thông tin cho các khách hàng nên việc xác định chúng là ai, ở đâu, là điều cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cùng với sự tận tâm, mưu trí, các CBCS tham gia chuyên án của C50 đã phát hiện ra đối tượng cầm đầu là Vương Huy Long, 27 tuổi, trú tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

    Long có một cửa hàng Internet tại Củ Chi, nhưng thường xuyên ở tại nhà một người cô ở quận 10, TP Hồ Chí Minh. Kế hoạch bắt giữ Vương Huy Long được Cục C50 và C44 tính toán rất kỹ lưỡng. Cơ quan CSĐT đã tính toán bắt quả tang khi đối tượng Long đang nhận 4 lô hàng do chúng trộm cắp CC, rồi ship hàng từ Mỹ về.

    Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Vương Huy Long, 27 tuổi, vốn là học sinh giỏi, từng đoạt giải quốc gia về Anh Văn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Long có tham gia

    Đến năm 2008, sau khi mò mẫm vào mạng Internet, Long bắt đầu biết đến các trang website chuyên chia sẻ các thông tin tín dụng trộm cắp và “tập”cách hack (trộm cắp) các thông tin này. Thấy cách làm này dễ và kiếm được bộn tiền, Long thôi nghề thầy giáo và quay sang chuyên nghề… trộm cắp, mua bán CC, sau đó mua hàng thuê vận chuyển về Việt Nam để chiếm đoạt tiền của các khách hàng. Các bị hại mà đối tượng hướng tới thường là công dân của Mỹ và một số nước khác.

    Thủ đoạn của đối tượng cực kỳ tinh vi, sau khi hack và có được các CC, Long (hoặc thuê một số người Việt Nam làm) truy cập để mua hoặc ship hàng tại các trang website bán hàng trực tuyến nổi tiếng của Mỹ như Dell.com; Newegg.com; Amazon.com; Verizon.com…

    Để các công ty này không phát hiện ra việc người ship hàng là các hacker, trong quá trình truy cập để mua hàng trên mạng Internet, Long và đồng bọn đã sử dụng thủ thuật sock (che giấu địa chỉ IP thực khi mua hàng). Bọn chúng đã tạo dựng ra những người mua hàng là công dân của các bang trên nước Mỹ hoặc một số nước khác.

    Cực kỳ tinh vi, Long còn phối hợp với một đối tượng người Nigeria thành lập một công ty “ma” tại Mỹ, chuyên kinh doanh trên mạng. Trang web của công ty có tên gọi bp.Jobinc.com, đến năm 2011 đổi thành savinglogistics.com. Công ty của Long đã tuyển dụng được 20 nhân viên là những người thất nghiệp, đang cần việc làm trên đất Mỹ (những người này gọi là Dropper). Nhiệm vụ của họ rất đơn giản, đưa địa chỉ cư trú cho bọn Long để chúng ship hàng mua được bằng các CC trộm cắp về.

    Sau khi nhận các loại hàng hóa này, các Dropper có nhiệm vụ vận chuyển về Việt Nam cho bọn Long qua các công ty vận chuyển hàng hóa lớn như DHL, Fedex, UPS… Thu nhập của các Dropper này chính là 10% từ các loại hàng hóa do bọn chúng ship đến. Phương thức Long thanh toán tiền công cho các Dropper là thông qua các giao dịch tiền điện tử LR (đây là trang web giao dịch tiền điện tử mới bị các cơ quan chức năng của Mỹ đánh sập trong tháng 7 vừa qua do liên quan đến các hoạt động rửa tiền).

    Cho đến khi cơ quan CSĐT Bộ Công an sang Mỹ phối hợp lấy lời khai của các Dropper này, họ vẫn không hề biết rằng mình đã tiếp tay cho hành vi phạm tội của bọn Vương Huy Long. Họ vẫn nghĩ mình đang làm việc cho một công ty hợp pháp, chứ không phải là công ty ma, chuyên trộm cắp CC của các khách hàng.

    Tại Việt Nam, Long cũng không trực tiếp đứng ra nhận hàng mà thuê Công ty TNHH Giải pháp xuất nhập khẩu trực tuyến, có trụ sở tại đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) do Nguyễn Nam Hải làm Giám đốc đứng ra nhận. Sau đó, Hải sẽ tiêu thụ giúp Long một phần, còn lại chuyển vào TP Hồ Chí Minh cho Long.

    Ngay cả với đối tác quan trọng này, Long cũng không hề lộ thân phận thật của mình. Trong các hợp đồng vận chuyển ký với Công ty của Hải, Long đều lấy tên là Phạm Thanh Xuân và có cả CMND mang tên người này nhưng dán ảnh của anh ta. Theo lời khai của Long, anh ta đã mua CMND rởm trên tại một cửa hiệu cầm đồ, sau đó thuê dán ảnh của mình vào.

    Trong vụ án, ngoài Vương Huy Long là “nhân vật” cầm đầu, còn có 11 đối tượng phạm tội liên quan khác đã bị cơ quan CSĐT trong quá trình mở rộng điều tra, phát hiện, bắt giữ. Đây là các nhánh phạm tội khác nhau, nhánh chuyên trộm cắp CC rồi bán cho Long, nhánh chuyên ship hàng thuê cho Long để hưởng lợi nhuận từ 30 - 50% giá trị hàng hóa chuyển về được đến Việt Nam.

    Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ 2009 đến nay, Vương Huy Long đã trộm cắp được khoảng 2.000 CC. Ngoài ra, Long còn mua nhiều CC khác từ Nguyễn Xuân Trường ở Bình Giang (Hải Dương). Trường lại mua của Lê Hồng Hải, trú tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Tuy mới học hết lớp 6 nhưng Hải đã mày mò trên mạng, trộm cắp được hàng triệu CC để bán cho bọn Trường lấy tiền tiêu xài.

    Cơ quan điều tra kết luận số tiền mà riêng Vương Huy Long chiếm đoạt được qua các hoạt động phạm tội này là khoảng 210 ngàn USD (Long khai nhận chỉ chiếm đoạt được 120 ngàn USD). Kiếm được nhiều tiền, Long ăn chơi rất vung vít. Anh ta liên tục cùng bạn bè đi du lịch trong và ngoài nước, ở những khách sạn nhiều sao với giá vài chục triệu đồng/đêm.

    Tại nơi ở của Long ở quận 10, TP Hồ Chí Minh, tất cả các trang thiết bị cực kỳ hiện đại, có phòng chiếu phim, phòng chơi games riêng… Còn một số đối tượng khác như Phạm Xuân Trường, Trần Văn Trí, sắm được cả nhà đất từ việc kiếm tiền bất hợp pháp này. Cũng có thể do lóa mắt trước đồng tiền dễ dàng kiếm được từ trò phạm tội trên mạng như thế nên những người trẻ tuổi, có tri thức như Vương Huy Long và đồng bọn đã sa vào con đường phạm tội và phải trả giá đắt như hôm nay

    Theo CAND

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ