Nhà cung cấp dịch vụ internet không được cản trở ứng dụng OTT

    Tuấn Anh,  

    Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nhấn mạnh dịch vụ OTT có từ 1 triệu người dùng trở lên phải đặt ít nhất 1 máy chủ tại Việt Nam. Đồng thời nhà mạng không được cản trở ứng dụng OTT.

    Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (gọi tắt là OTT) đã được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đưa ra lấy ý kiến từ ngày 28/10/2014. Nội dung Dự thảo này gồm có hai ý chính nổi bật:

    - Dịch vụ OTT có trên 1 triệu người dùng phải đặt ít nhất 01 máy chủ tại Việt Nam.

    - Nhà cung cấp dịch vụ internet (nhà mạng di động, đơn vị IPS) không được cản trở các dịch vụ và người sử dụng OTT tại Việt Nam.


    Theo đó, Bộ TT&TT chia các dịch vụ OTT thành hai nhóm chính: Có thu phí và không thu phí. Hiện tại với hai nhóm dịch vụ trên thì chỉ có Viber với tính năng Viber Out nằm trong danh sách OTT có thu phí, còn lại các OTT được sử dụng phổ biến ở Việt Nam đều cung cấp thoại và nhắn tin miễn phí tới người dùng.

    Nhằm đảo bảo quyền lợi người dùng và chất lượng đường truyền, Bộ TT&TT yêu cầu các dịch vụ OTT có từ 1 triệu người dùng trở lên bắt buộc phải đặt ít nhất 01 máy chủ tại Việt Nam, được quy định tại khoản b, Điều 15, Mục 2 của Dự thảo. Quy định này có tác động tới toàn bộ OTT đang hoạt động tại thị trường trong nước như Skype, Zalo, Viber, Line,...

    Đồng thời tại Khoản 5, Điều 6, Mục 2 của Dự thảo quy định các OTT có trên 1 triệu người dùng phải thông báo với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) trong thời gian 10 ngày làm việc trước khi cung cấp dịch vụ. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn thông tin, thuận tiện cho quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động.

    Cũng trong Dự thảo này, Bộ TT&TT định nghĩa:

    Dịch vụ thoại trên nền Internet là dịch vụ cho phép người sử dụng Internet trên mạng viễn thông cố định hay trên mạng viễn thông di động thực hiện được các cuộc gọi thoại.

    Dịch vụ nhắn tin trên nền Internet là dịch vụ cho phép người sử dụng Internet trên mạng viễn thông cố định hay trên mạng viễn thông di động thực hiện được việc gửi và nhận các bản tin để có thể trao đổi thông tin riêng với nhau.

    Dựa vào hai khái niệm trên thì một số dịch vụ thoại và nhắn tin tích hợp sẵn trong thiết bị như iMessenger, FaceTime của Apple đều nằm trong diện bị quản lý khi hoạt động tại Việt Nam tương tự các OTT khác.

    Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ internet, Bộ TT&TT yêu cầu "Không cản trở nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet tuân thủ các quy định tại Thông tư này". Tuy nhiên nhà mạng có quyền ưu tiên tốc độ và chất lượng hơn đối với OTT nào có ký hợp tác thương mại với doanh nghiệp.

    Dự thảo cũng đề cập tới việc các nhà mạng có thể cung cấp gói dịch vụ internet dành riêng cho người dùng OTT để đảm bảo chất lượng sử dụng. Đây là cách làm hợp lý và đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới, giúp nhà mạng và OTT tìm được tiếng nói chung, tránh tình trạng bị ảnh hưởng lớn doanh thu do sự bùng nổ của OTT.

    Toàn bộ nội dung Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

    >> Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người dùng OTT vào cuối năm 2014

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ