Xuất hiện chiêu trò mạo danh đi mua game của Nhà phát hành game Việt

    PV,  

    Việc mạo danh nếu không bị vạch trần và ngăn chặn sớm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho cả ngành game Việt Nam. Rất tiếc, đến cả NPH lớn cũng không từ thủ đoạn này.

    Cạnh tranh luôn là động lực tốt để thị trường phát triển, thế nhưng không phải lúc nào các chiêu bài cạnh tranh cũng lành mạnh. Đối với làng game Việt Nam cũng vậy, để tranh giành miếng bánh doanh thu thì trước nay đã xuất hiện không ít kiểu làm game chộp giật, xấu chơi với đối thủ để đạt mục đích của mình.

    Có thể điển hình như cách đây không lâu một số hãng game gốc Trung Quốc cố tình mua quảng cáo trên Google dưới tên sản phẩm đối thủ để cạnh tranh SEO, hay thậm chí là giả mạo cả hình ảnh trò chơi để gây hiệu ứng trong cộng đồng để rồi cuối cùng lộ mặt ra game của họ chỉ là webgame 2D cũ kỹ.

     Làng game Việt ngày càng nhiều chiêu trò xấu chơi.

    Làng game Việt ngày càng nhiều chiêu trò xấu chơi.

    Mạo danh thương hiệu để cạnh tranh

    Và gần đây, thị trường game Việt Nam bắt đầu xuất hiện thủ đoạn "mạo danh thương hiệu" các NPH có tiềm lực để đi mua game dễ dàng hơn. Nói một cách dễ hiểu thì doanh nghiệp mạo danh sẽ tự nhận mình sở hữu thương hiệu tốt, họ đi rêu rao ra khắp các đối tác nước ngoài mà không cần biết đến hậu quả cho nạn nhân.

    Một trong những đơn vị bị mạo danh thời gian gần đây là Soha Game, nhất là sau khi hãng này giành được nhiều thành công bước đầu với các MMO mới như Tình Kiếm, iGà, Độc Cô Cửu Kiếm... Theo trao đổi với đại diện Soha Game thì họ cũng chỉ biết mình bị mạo danh khi có đối tác Trung Quốc thông báo.

     Soha Game bị một NPH lớn tại Việt Nam mạo danh.

    Soha Game bị một NPH lớn tại Việt Nam mạo danh.

    "Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi một NPH cũng có thể gọi là lớn tại Việt Nam lại tự xưng với các đối tác Trung Quốc rằng họ phát hành Tình Kiếm và khoe rằng Soha Game thuộc sở hữu của công ty này", đại diện NPH Soha Game tâm sự. Điểm đáng chú ý là đến một NPH lớn còn dùng thủ đoạn mạo danh thì thực sự đáng lên án.

    Theo thông tin Soha Game nhận được từ chính NPT game Tình Kiếm, rất nhiều studio và công ty game tại Trung Quốc thông báo đại diện của NPH Việt Nam nọ sang hẳn công ty họ để giới thiệu sản phẩm Tình Kiếm đang đc phát hành rất thành công bởi công ty này tại Việt Nam và việc họ sở hữu SohaGame (?!). Và chỉ khi các studio này kiểm tra lại thông tin với Soha Game thì câu chuyện mới vỡ lẽ.

    Không chỉ Soha Game mà ngay cả các studio và NPH nói trên đều rất bất bình trước thái độ hành xử của một "ông to" như vậy. Ngay sau sự vụ trên, một công văn cảnh báo thông tin đã được Soha Game và NPH Tình Kiếm gửi tới Hiệp hội các nhà làm game và toàn bộ các báo lớn tại Trung Quốc về việc này.

     Kẻ mạo danh còn tự xưng mình là NPH Tình Kiếm, sở hữu cả Soha Game.

    Kẻ mạo danh còn tự xưng mình là NPH Tình Kiếm, sở hữu cả Soha Game.

    Trước nay, khi NPH Việt Nam có ý định mua một tựa game chất lượng cao tại nước ngoài thì khâu nan giải đầu tiên là phải chứng tỏ được với đối tác khả năng của mình. Chính vì thế, cơ hội để một hãng nhỏ có thể cạnh tranh hợp đồng phát hành với hãng lớn là vô cùng khó, nếu không muốn nói là vô vọng vì họ vừa ít tiền hơn, vừa ít danh tiếng hơn.

    Đứng trước những khó khăn như vậy, các NPH nhỏ lẻ hoặc ở thế yếu luôn luôn phải cố gắng, nỗ lực để gây dựng tên tuổi của mình. Ngoài ra xây dựng bộ phận R&D (nghiên cứu thị trường) bài bản cũng là cách làm bắt buộc, nhờ vậy mới tìm được các tựa game đang phát triển có tương lai thành công. Vì thế ăn cắp thương hiệu là thủ đoạn chà đạp lên những cố gắng ấy, nó cực kỳ đáng lên án và cần bị tẩy chay sớm.

    Hệ lụy không nhỏ

    Với chiêu trò trên, hậu quả dễ thấy đầu tiên là "nạn nhân" dễ dàng bị mất thương hiệu dày công xây dựng vào tay đối thủ. Trong khi đó kẻ mạo danh thì ung dung chẳng phải tốn chút công sức nào vẫn cạnh tranh thành công. Đó là chưa kể đến việc nếu không cẩn thận, thương hiệu bị đánh cắp cũng dễ mất đi uy tín với các đối tác nước ngoài.

    Cứ với đà này, dần dần phong trào chơi xấu sẽ tràn lan toàn ngành game Việt, kéo theo cả thị trường đi xuống vì các NPH không còn động lực để phát triển. Rõ ràng, khi mà xã hội vẫn còn cái nhìn xấu về game online mà chính người trong cuộc còn cố sức đá nhau thì chẳng hy vọng gì để chúng ta vươn lên nổi.

     Việt Nam thường xuyên mua "hớ" game Trung Quốc với giá cao.

    Việt Nam thường xuyên mua "hớ" game Trung Quốc với giá cao.

    Đó là hậu quả gần, còn hậu quả xa hơn là khi mà các hãng game Việt không đoàn kết, họ sẽ dễ dàng bị các đối tác nước ngoài (mà cụ thể là Trung Quốc) trục lợi. Theo tiết lộ của đại diện một NPH nội địa thì do các công ty game ở Việt Nam thi nhau mua game một cách ráo riết nên đang bị rất nhiều NSX bên Trung Quốc làm giá, bán với mức giá cao kỷ lục.

    "Ở Thái, thái độ thù địch giữa các NPH trong nước gần như không có, nhất là có sự điều phối và chính sách giá chung của Hiệp hội game Thái Lan, thì với tầm 300.000 USD là họ rước về 1 game online client đỉnh của Trung Quốc rồi, còn webgame không bao giờ quá 100.000 trong khi Việt Nam sẵn sàng trả những mức gấp 3 lần như thế chỉ cốt mua nẫng tay trên được của đối thủ khác trong nước" vị này cho hay. Rõ ràng chúng ta đang đánh lẫn nhau mà không biết rằng mình bị lợi dụng ra sao.

    Nói chung, làng game Việt vẫn còn quá nhiều câu chuyện tiêu cực thời gian qua. Hy vọng rằng những chiêu bài xấu ấy được phanh phui rộng rãi để hướng tới một thị trường lành mạnh trong tương lai.

    Theo GameK
    Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ