Nếu bị đau lưng dưới, đây là những gì khoa học khuyên bạn nên làm

    zknight,  

    Uống thuốc và phẫu thuật chỉ nên là những biện pháp cuối cùng.

    Đau lưng dưới là nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động trên toàn thế giới, và nó ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hầu hết những người bị đau lưng dưới có thể tự hồi phục trong vòng 6 tuần, nhưng các cơn đau sẽ vẫn còn quấy rầy họ sau 3 tháng.

    Thậm chí, đau lưng dưới có thể kéo dài đến tháng thứ 12, với các cơn đau ít dữ dội nhưng lại dai dẳng hơn.

    Đau lưng dưới rất dễ tái phát. Ở một số người, nó có thể trở thành tình trạng mạn tính, những cơn đau dai dẳng còn có thể dẫn đến mất khả năng vận động và liệt. Đau lưng mạn tính ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và các hoạt động thường ngày.

    Một loạt các nghiên cứu về đau lưng dưới, đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet, tiết lộ hầu hết bệnh nhân không nhận được điều trị hiệu quả.

    Các bài báo khoa học nói rằng nhiều phương pháp điều trị được khuyến cáo ban đầu - chẳng hạn như đơn thuần là khuyên bệnh nhân vận động thường xuyên và tập thể dục - dễ bị bỏ qua.

    Thay vào đó, nhiều chuyên gia y tế ủng hộ các phương pháp điều trị kém hiệu quả hơn như nghỉ ngơi, dùng thuốc, tiêm cột sống và phẫu thuật.

    Vì vậy, đây là những bằng chứng cho thấy bạn cần phải làm gì để cải thiện chứng đau lưng dưới nếu không may mắc phải:

    Nếu bị đau lưng dưới, đây là những gì khoa học khuyên bạn nên làm - Ảnh 1.

    Nếu bị đau lưng dưới, đây là những gì khoa học khuyên bạn nên làm

    Yếu tố nguy cơ

    Nguyên nhân gây ra chứng đau lưng dưới phổ biến trong dân số (đau lưng không do chấn thương và bệnh lý) vẫn chưa được tìm ra. Nhưng chúng ta biết một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng cơ hội phát triển tình trạng này, bao gồm: một công việc liên quan đến tư thế vận động như phải nâng đồ vật và uốn mình thường xuyên; các yếu tố lối sống như hút thuốc lá, béo phì và mức độ hoạt động thể chất thấp.

    Những người bị đau lưng dưới nên gặp chuyên gia y tế, để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn như gãy xương, ung thư hoặc nhiễm trùng.

    Một khi các nguyên nhân này đã bị loại trừ, tất cả các hướng dẫn điều trị cho tình trạng đau lưng dưới ở Đan Mạch, Anh và Mỹ đều tư vấn mọi người tự quản lý bệnh tình của mình hoặc lựa chọn điều trị tâm lý. Những lời khuyên thường bao gồm tích cực vận động, tập luyện thể dục thích hợp và tham gia một chương trình trị liệu tâm lý để kiểm soát cơn đau.

    Các bài tập được khuyến cáo cho người đau lưng dưới bao gồm:Thái Cực Quyền, yoga, bài tập cơ vận động (để khôi phục sức mạnh, sự phối hợp và kiểm soát các cơ bắp hỗ trợ cột sống) và các bài tập aerobic (như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp và luyện tập cơ bắp nói chung).

    Nếu bất kỳ liệu pháp nào trong số này không thành công hoặc mất tác dụng, các hướng dẫn điều trị nói rằng bác sĩ nên chỉ định vật lý trị liệu như thao tác cột sống (ở Đan Mạch, Anh, Mỹ), massage (ở Anh và Mỹ), yoga và châm cứu (ở Mỹ). Vật lý trị liệu có thể kéo dài hơn 12 tuần.

    Nếu bị đau lưng dưới, đây là những gì khoa học khuyên bạn nên làm - Ảnh 2.

    Nguyên nhân gây ra chứng đau lưng dưới phổ biến trong dân số vẫn chưa được tìm ra

    Tập thể dục và điều trị tâm lý

    Các hướng dẫn phác đồ điều trị đau lưng dưới dựa trên nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc tập thể dục và trị liệu tâm lý. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2006 so sánh mức độ đau lưng dưới giữa một nhóm tập thể dục và một nhóm không.

    Theo đó, những người tập thể dục trong vòng 4 tuần như một liệu pháp điều trị báo cáo giảm đau và khuyết tật đáng kể so với những người không tập. Lợi ích của giai đoạn tập luyện này được duy trì trong khoảng thời gian 12 tháng.

    Một thử nghiệm khác năm 2011 đã khám phá những lợi ích của việc tập Thái Cực Quyền với những người bị đau lưng dưới mạn tính.

    Sau khi tham gia khóa học Thái Cực Quyền kéo dài 10 tuần, các học viên báo cáo ít triệu chứng khó chịu hơn, cường độ các cơn đau giảm và họ có thể lấy lại khả năng vận động, so với nhóm kiểm soát chỉ tập thể dục thông thường.

    Chúng ta biết rằng những cơn đau mạn tính liên quan đến sự thay đổi về cấu trúc và phản ứng hóa học ở tất cả các cấp của hệ thần kinh. Chúng bao gồm những biến đổi trong hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh, làm thay đổi khả năng kìm chế đau và sự nhạy cảm của các dây thần kinh liên quan đến việc truyền tín hiệu đau.

    Do vậy tín hiệu của những cơn đau trong tương lai có thể được điều chỉnh bằng cách đối phó với những cơn đau dai dẳng. Đây là lý thuyết cho thấy điều trị tâm lý có thể có ích với chứng đau lưng dưới.

    Phương pháp điều trị tâm lý - chẳng hạn như giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm - tập trung vào việc giúp người bệnh nâng cao nhận thức và chấp nhận cảm giác khó chịu về mặt thể chất, cũng như những cảm xúc liên quan đến đau mạn tính.

    Trong một thử nghiệm trên 342 người tham gia, khoảng 45% những người đã hoàn thành 8 đợt điều trị tâm lý, về hành vi nhận thức hoặc giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm, đã có những cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng sau 26 tuần theo dõi.

    Con số này đã được so sánh với chỉ 26,6% những người khác chỉ nhận được chăm sóc bình thường mà không có trị liệu tâm lý.

    Nếu bị đau lưng dưới, đây là những gì khoa học khuyên bạn nên làm - Ảnh 3.

    Tập Thái Cực Quyền có thể cải thiện chứng đau lưng dưới

    Vật lý trị liệu

    Tại Australia, vật lý trị liệu chỉnh hình và nắn xương có thể được dùng để điều trị đau lưng dưới. Các phương pháp điều trị thường bao gồm một số hình thức thao tác vào cột sống và massage. Điều này phù hợp với các khuyến nghị của The Lancet, cũng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu.

    Một thử nghiệm năm 2013 của những người bị đau lưng dưới cấp tính so sánh tác dụng của thao tác cột sống với thuốc diclofenac chống viêm không steroid (Voltaren) và giả dược để xử lý cơn đau của họ.

    Thao tác cột sống đã chứng tỏ có tác dụng tốt hơn đáng kể so với diclofenac và vượt trội so với giả dược trong việc giảm thiểu khuyết tật, đau đớn và nhu cầu dùng thuốc giảm đau khẩn cấp. Nó cũng chứng tỏ khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị đau lưng dưới.

    Kết quả tương tự đến từ một nghiên cứu khác trên 192 người bị đau lưng dưới kéo dài khoảng 2 đến 6 tuần.

    Những người tham gia được phân bổ ngẫu nhiên vào một trong ba nhóm: thao tác chỉnh hình và dùng thuốc giả dược; dùng thuốc giãn cơ nhưng chỉnh hình bằng thao tác giả và chỉ được cho dùng giả dược với cả thao tác chỉnh hình giả.

    Mặc dù tất cả các nhóm đều cho thấy sự cải thiện theo thời gian, nhóm được thao tác chỉnh hình cho phản ứng tốt nhất, với mức độ giảm đau vượt xa nhóm đối chứng cuối cùng.

    Nếu bị đau lưng dưới, đây là những gì khoa học khuyên bạn nên làm - Ảnh 4.

    Thao tác cột sống tỏ ra hiệu quả để điều trị đau lưng dưới

    Ở Australia, luật pháp quy định các nhà vật lý trị liệu, trị liệu chỉnh hình và nắn xương phải đăng ký với Cơ quan quản lý hành nghề y tế (AHPRA). Họ cũng phải có bằng đại học theo diện cử nhân, học 4 năm, với kiến thức dược lý và quản lý các vấn đề xương khớp mạn tính không cần phẫu thuật, một trong số đó là đau lưng dưới.

    Theo Kế hoạch Quản lý Bệnh mãn tính của chính phủ Australia, bệnh nhân đau lưng dưới dai dẳng có thể được giới thiệu đến các nhà vật lý trị liệu, trị liệu chỉnh hình hoặc xương khớp để điều trị bằng thao tác cột sống hoặc massage.

    Nếu bệnh nhân không quen với các liệu pháp này, họ có thể thảo luận với bác sĩ của họ.

    Các loại hình điều trị vật lý trị liệu cũng có thể được tư vấn mà không cần giới thiệu từ bác sĩ. Các dịch vụ thường được bảo hiểm y tế tư nhân đài thọ.

    Một điều cuối cùng cần chú ý khi bạn muốn tìm kiếm một phương pháp điều trị thích hợp cho chứng đau lưng dưới của mình: để xem một liệu pháp nào đó có hoạt động hay không, bạn nên thử nó trong một giai đoạn từ hai đến sáu tuần.

    Từ các tài liệu khoa học cho tới thời điểm này, thông điệp cho các chuyên gia y tế và chúng ta là khá rõ ràng. Những người bị đau lưng dưới cần phải học cách quản lý cơn đau của họ một cách độc lập trong khi vẫn cần tích cực vận động, duy trì đời sống càng bình thường càng tốt.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ