Nghe phi hành gia "kể khổ" về cuộc sống trên vũ trụ: Ăn cơm như nhai rơm rạ, đi tiểu bằng ống, chỉ để đổi lại khoảnh khắc mà chưa đầy 600 người trên Trái Đất có được

    Ngọc Hà, Theo Tri thức trẻ 

    Kể từ Kỷ nguyên Không gian, mới chỉ có 570 phi hành gia được bay vào vũ trụ. Họ di chuyển với vận tốc 17.500 dặm/h, xoay quanh Trái đất cứ 90 phút/lần, ngắm nhìn hoàng hôn và bình minh trong một vòng lặp bất tận.

    Có người lên mặt trăng, có người đi vòng quanh quỹ đạo Trái Đất. Có người chỉ lên đó vài tháng, có người ở lại cả năm. Tuy nhiên, tất cả các phi hành gia này đều đồng ý rằng: Nếu ai cũng được bay vào vũ trụ như họ, cuộc sống trên Trái Đất sẽ khác hoàn toàn.

    Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tàu Apollo 11 đưa con người lên Mặt trăng, tờ Washington Post đã có bài phỏng vấn 50 phi hành gia đến từ 7 quốc gia khác nhau. Chưa bao giờ cuộc sống của các phi hành gia trên vũ trụ được tiết lộ chi tiết đến vậy.

    Nghe phi hành gia kể khổ về cuộc sống trên vũ trụ: Ăn cơm như nhai rơm rạ, đi tiểu bằng ống, chỉ để đổi lại khoảnh khắc mà chưa đầy 600 người trên Trái Đất có được - Ảnh 1.

    Đi như khỉ để giữ thăng bằng, cử động quá mạnh cũng gây chấn thương

    Ban đầu, việc cất cánh diễn ra chậm rãi và nhẹ nhàng, trái ngược với lực đẩy khổng lồ từ vụ nổ cách động cơ tên lửa Saturn V khoảng 91 m. Al Worden - phi hành gia trên con tàu Apollo 15 năm 1971 - cho biết, đó là cảm giác phóng về phía trước như thể "bạn bỏ chân ra khỏi phanh xe". Chỉ vài giây trước, bạn vẫn còn đang nghe tiếng đếm ngược từ bộ chỉ huy. Giây tiếp theo, bạn đã đi được nửa vòng Trái Đất.

    "Điều đầu tiên tôi chú ý là, tôi trở thành một thằng đần trong không gian. Tôi không thể di chuyển. Phải mất một lúc tôi mới bình thường trở lại", Steve Swanson - cựu phi hành gia đã 3 lần thực hiện nhiệm vụ cho NASA - nói.

    Theo phi hành gia người Nga Sergey Ryazansky, bí quyết để tồn tại trong môi trường không trọng lực là di chuyển từ từ, khẽ khàng "như một chú mèo". Nếu dùng quá sức, "bạn sẽ ngay lập tức đập đầu vào tường". Hầu như phi hành gia nào cũng bị bầm tím trong vòng 2 tuần đầu tiên. Mark Vande Hei nhớ lại: "Lần đầu tiên thử gõ bàn phím máy tính, tôi đã đập cả người vào trần tàu".

    Nghe phi hành gia kể khổ về cuộc sống trên vũ trụ: Ăn cơm như nhai rơm rạ, đi tiểu bằng ống, chỉ để đổi lại khoảnh khắc mà chưa đầy 600 người trên Trái Đất có được - Ảnh 2.

    Dần dần, cảm giác không trọng lực sẽ trở nên quen thuộc. Họ chuyền chai tương cà chua bằng cách để nó tự trôi trên mặt bàn. Họ có thể lộn nhào liên tiếp và ngủ mà không bị đau khớp. Chân của họ bắt đầu cũng quan trọng không kém gì tay. Giống như khỉ dùng chi phụ để leo cây, các phi hành gia liên tục móc chân vào các "tay vịn" để giữ thăng bằng.

    Tuy nhiên, việc này dẫn đến một vấn đề khác: Các vết chai sần biến mất ở phía dưới, nhưng lại xuất hiện ở phía trên bàn chân.

    "Sau khoảng 1 tháng, da tôi bong tróc như thể rắn lột da", phi hành gia của NASA Chris Cassidy cho biết. "Tôi cởi tất ra và tế bào chết ở chân bay tung tóe xung quanh tôi. Sau đó, tôi nhận ra chân mình mịn màng chẳng khác nào chân em bé".

    Vị đồ ăn như rơm rạ cũng không kinh hoàng bằng việc… đi vệ sinh!

    Frank Culbertson luôn dặn các phi hành đoàn mới vào không gian lần đầu 2 điều. Thứ nhất, hãy tập treo ngược người trên xà đơn trong phòng gym. Thứ hai, hãy ngủ trong tư thế chân cao hơn đầu.

    Bởi lẽ, họ sẽ gặp phải vấn đề tiếp theo trên vũ trụ: sự dịch chuyển chất lỏng.

    Mất đi trọng lực, chất lỏng trong cơ thể sẽ di chuyển loạn xạ, khiến các phi hành gia bị sung huyết. "Bạn sẽ cảm thấy nặng đầu", Culbertson cho biết. Có người lại buồn nôn, tiền đình và mất phương hướng. Hiện tượng này gọi là "Hội chứng Thích nghi Không gian" hay còn gọi là "say không gian".

    Cảm giác buồn nôn có thể biến mất, nhưng sự dịch chuyển chất lỏng thì không. Nó có thể thay đổi khứu giác và tác động đến khẩu vị của bạn. Trong quãng thời gian trên vũ trụ, Scott Kelly bỗng dưng thèm sô-cô-la như thể phụ nữ mang thai, dù trước đó ông chẳng thích đồ ngọt.

    Đối với các phi hành gia, đồ ăn ngon đến đâu cũng chẳng khác gì rơm rạ. Chế độ ăn của họ khá giống quần đội, dù thỉnh thoảng sẽ có hoa quả tươi được cung cấp từ các chuyến tàu tiếp tế. Những nguyên liệu ấy vô cùng quý giá, khiến họ thậm chí còn tổ chức cả một buổi lễ chỉ để mở khoang hàng. "Đó là một mùi hương tuyệt vời - mùi của Trái Đất. Đó là mùi của rau, củ, quả tươi", cựu phi hành gia NASA Jim Voss nhớ lại. Nó khác hẳn với mùi "khử trùng" tràn ngập khắp trạm vũ trụ.

    Nghe phi hành gia kể khổ về cuộc sống trên vũ trụ: Ăn cơm như nhai rơm rạ, đi tiểu bằng ống, chỉ để đổi lại khoảnh khắc mà chưa đầy 600 người trên Trái Đất có được - Ảnh 3.

    Vì không cảm thấy thức ăn có vị gì, Vande Hei thường phải thêm sốt tỏi vào hầu hết các món. Những người khác lại coi sốt cay Sriracha là một vị cứu tinh. Tuy nhiên, Nicole Stott rất thích sự đa dạng ẩm thực trên Trạm Không gian Quốc tế. Theo cô, người Nga có món súp tuyệt vời, còn người Nhật có cơm cà ri thơm lừng. Gia đình cũng hay gửi lên món gừng bọc sô-cô-la mà Stott ưa thích.

    Chuyện ăn uống tuy có khó khăn, nhưng cũng chẳng thấm thía gì so với độ kinh khủng mỗi khi các phi hành gia phải đi vệ sinh.

    Nước tiểu và phân sẽ được hút ra ống bởi một luồng khí mạnh vừa phải để không làm tổn thương cơ thể. Vì thế, bạn phải "nhắm" cho thật chuẩn. "Nó khá là dính, nên nó có thể sẽ dính vào người bạn", Richard Garriott - người đã bỏ ra 30 triệu USD cho 2 tuần trải nghiệm trên trạm vũ trụ" - kể lại. "Bạn sẽ cảm thấy chật vật mỗi khi loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể". Dù đã có kinh nghiệm 3 lần bay vào không gian thực hiện nhiệm vụ, phi hành gia Steve Swanson vẫn ghét cay ghét đắng mỗi lần phải vào nhà vệ sinh. "Đó là thứ mà bạn khiếp sợ mỗi ngày", ông cho biết.

    Nhiệt độ trong trạm vũ trụ luôn được giữ ở mức 22 độ C, với độ ẩm vừa phải. Tuy nhiên, các phi hành gia vẫn liên tục tập thể dục để duy trì mật độ xương và cơ bắp. Họ đổ rất nhiều mồ hôi, đến mức mồ hôi đọng thành từng vũng trên da. Chỉ cần họ chẳng may lắc đầu, nước sẽ bắn ra tung tóe như chó rũ lông.

    "Nó khá là ghê", cựu phi hành gia NASA Franklin Chang-Diaz nhận xét. Vì thế, việc chuẩn bị sẵn khăn lau bên người trong lúc luyện tập được coi là phép lịch sự trong không gian.

    Nghe phi hành gia kể khổ về cuộc sống trên vũ trụ: Ăn cơm như nhai rơm rạ, đi tiểu bằng ống, chỉ để đổi lại khoảnh khắc mà chưa đầy 600 người trên Trái Đất có được - Ảnh 4.

    Hệ thống nhà vệ sinh trên trạm vũ trụ.

    Thư giãn bằng việc chơi nhạc trên không gian

    Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng rất nhiều phi hành gia chơi nhạc rất giỏi. Thậm chí, họ còn thành lập cả ban nhạc không gian "Max Q" - lấy cảm hứng từ thuật ngữ hàng không vũ trụ, nhằm để chỉ áp lực động học của tên lửa đẩy khi bay vào không gian được tối ưu.

    Mùa hè năm 2001, NASA từng gửi một chiếc đàn guitar lên trạm vũ trụ. "Lúc nào cũng có người chơi đàn", phi hành gia người Canada Chris Hadfield cho biết. "Buổi tối sẽ thật tuyệt vời nếu có ai đó chơi nhạc truyền thống từ quê hương họ".

    Năm 2013, Hadfield đã trình bày bài hát "Space Oddity" của David Bowie trên trạm vũ trụ. Video này đã trở thành hiện tượng mạng xã hội, với hơn 43 triệu lượt xem trên YouTube. Anh đã hát bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết, với một chiếc guitar lửng lơ trong không gian, sau lưng là hình ảnh ấn tượng - Trái Đất đi ngang qua khung cửa sổ.

    "Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tổ chức các buổi chơi nhạc trên không gian. Điều đó khá là hay ho", anh cho biết. Họ thậm chí còn dùng một phần của toilet để làm trống. Ngoài ra, các phi hành gia còn mang cả flute, kèn túi và kèn didgeridoo của thổ dân Úc lên vũ trụ.

    Khi sự kiện 11/9 diễn ra, Culbertson - người Mỹ duy nhất không ở trên Trái Đất lúc bấy giờ - đã lao đến bên cửa sổ trạm vũ trụ, nhìn rõ mồn một những cột khói bốc lên từ tòa tháp đôi. Vài ngày sau, anh nhận được tin người bạn học cũ Charles Burlingame chính là phi công trên chiếc máy bay đã đâm vào Nhà Trắng. Một mình trên vũ trụ, Culbertson lấy kèn trumpet ra chơi, nhằm nén lại thứ cảm xúc đau xót đang dâng trào.

    "Tôi đã phải mất một lúc mới chơi được", ông nhớ lại.

    Chiêm ngưỡng Trái Đất từ vũ trụ - phần thưởng quý giá nhất với phi hành gia

    Lần đầu tiên Mike Massimino ngắm Trái Đất từ ngoài vũ trụ, anh không dám nhìn quá lâu, như thể cảnh tượng trước mắt anh là một bí mật cần được ẩn giấu mãi mãi.

    "Nó quá đẹp", anh thốt lên. "Làm sao một thứ đẹp đẽ như thế lại có thể cảm nhận được qua đôi mắt loài người?"

    Nghe phi hành gia kể khổ về cuộc sống trên vũ trụ: Ăn cơm như nhai rơm rạ, đi tiểu bằng ống, chỉ để đổi lại khoảnh khắc mà chưa đầy 600 người trên Trái Đất có được - Ảnh 5.

    Phi hành gia vũ trụ nào cũng nói, Trái Đất rất đẹp. Từ vũ trụ, bạn sẽ nhìn thế giới bằng con mắt khác. Các lục địa trải dài trước mắt. Các quốc gia trôi đi trong chớp mắt. Trên bầu trời, hàng ngàn ngôi sao lấp lánh đến chói lòa. Từ Mặt Trăng, Trái Đất trông thật nhỏ bé, đến mức bạn có thể che nó đi chỉ bằng một ngón cái.

    Ngồi trong trạm không gian, Michael Lopez Alegria sẽ dùng ống kính camera xịn để tìm những địa điểm quen thuộc - "nơi tôi lớn lên, nơi tôi đi học, nơi bố mẹ tôi đang ở". Nhưng khi bước ra ngoài không gian, "mọi thứ thật rộng mở". Được nhìn toàn cảnh thế giới - nơi mà "toàn bộ lịch sử loài người đã diễn ra" - là một cảm giác choáng ngợp không phải ai cũng có được.

    "Tôi đã từng hỏi mọi người trên Twitter: ‘Các bạn muốn tôi chụp gì từ không gian?’. Hàng trăm câu trả lời đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đáp án chỉ có một: ‘quê hương tôi’", Chris Hadfield nhớ lại. "Điều đó có nghĩa là con người tự hào về nơi họ sống".

    Dù phải sống kham khổ, thiếu thốn trong không gian, các phi hành gia vẫn chấp nhận công việc này mỗi ngày. Đối với họ, phần thưởng lớn nhất chính là được ngắm nhìn Trái Đất từ vũ trụ. Đó là một trải nghiệm "thần thánh" mà chỉ có 600 người có được từ xưa đến nay.

    Tham khảo The Washington Post

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ