Nhìn bạn bè tốt nghiệp sư phạm giống mình đứa làm Canon, đứa đi lắp điện thoại ở Samsung mà xót lắm tư lệnh ơi!
Bài viết về 10 mong muốn của giáo viên gửi tới tân "tư lệnh" ngành giáo dục được xuất hiện trên một diễn đàn facebook mang tên Chúng tôi là giáo viên. Ngay sau khi xuất hiện, bài viết đã nhận được rất nhiều sự chú ý, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Mở đầu bài viết, tác giả bày tỏ, chúng tôi vẫn tự nói với nhau rằng: Giáo dục là một con thuyền lớn nhất trong mọi con thuyền, hành khách lên đến hàng triệu người.
Tư lệnh là người quyết định tiến hay lùi, rẽ hay thôi. Còn giáo viên chỉ là người lái đò, bây giờ đi trên con thuyền mới ra biển lớn, có lẽ cần thợ máy hơn là người lái đò.
Nhiệm kỳ mới bắt đầu, mỗi một lần thay đổi tư lệnh ngành ta, mọi giáo viên và học sinh trên mọi miền đất nước đều vừa vui vừa lo lắng.
Niềm vui chắc chắn đến từ sự mong đợi 1 tương lai mới, 1 sự phát triển mới cho ngành giáo dục nước nhà. Còn sự lo lắng - có lẽ nhiều hơn bởi không biết rồi chúng ta sẽ lại đổi mới như thế nào.
Với tất cả sự trân trọng, tôi mong "tư lệnh" hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh khi đổi mới.
Nhiều người sợ nói ra vì nghĩ là nó "nhạy cảm", nhưng tôi tin "tư lệnh" sẽ hiểu hơn ai hết cái khó của giáo viên.
Từ những điều đó, tác giả bài viết đã mong muốn được gửi gắm tới tân "tư lệnh" của ngành giáo dục 10 điều mong mỏi của giáo viên:
1. Sinh viên sư phạm ra trường xin được việc làm
Thưa tư lệnh.
Cách đây nhiều năm, sư phạm là ngành "hot", giáo viên ra trường có việc làm ngay.
Thời thế bây giờ đã khác, thất nghiệp là nỗi lo của bất cứ sinh viên nào sắp ra trường, không chỉ riêng sinh viên sư phạm. Chúng tôi vẫn bảo nhau là: Giờ ra trường được dạy thì ít mà mất dạy thì dễ lắm.
Thưa tư lệnh, tôi vẫn mong chờ một thống kê chính xác xem bao nhiêu phần trăm sinh viên sư phạm ra trường được làm đúng nghề hay phải đi làm công nhân, ra chợ buôn bán.
Nhìn cái cảnh bạn bè học giống mình, đứa đi làm Canon, đứa lại đi lắp điện thoại ở Samsung, khá hơn đi làm công nhân may mà xót lắm tư lệnh ơi.
Có người may mắn xin đi dạy hợp đồng, hơn chục năm rồi vẫn chưa biên chế, lương ba cọc ba đồng, chế độ lại không có, cả gia đình trông vào đồng lương giáo viên. Ở nông thôn còn đỡ, như nhiều anh em ở thành phố rất cực khổ và khó nói.
Mỗi năm, hàng chục nghìn sinh viên sư phạm ra trường phải đứng trước nỗi lo thất nghiệp, tỉnh nào cũng mọc lên trường sư phạm, ít thì 1, nhiều thì 2,3, trung cấp có, cao đẳng có, đại học có. Đào tạo tràn lan, ai thích làm thầy cũng được.
Việc đào tạo sư phạm tràn lan dẫn đến việc nhà nước phải chi trả quá nhiều tiền (sinh viên sư phạm miễn học phí) cho giáo dục, các em ra trường không xin được việc.
2. Tăng lương
Trên đời này, có 3 ngành cần đặc biệt quan tâm, đó là bác sĩ, quân đội và giáo viên.
Bác sĩ cứu người, quân đội bảo vệ người và giáo viên dạy người. Nếu so bậc lương của các ngành này với nhau, có lẽ không ít người cảm thấy choáng bởi sự chênh lệch quá lớn.
Một số giáo viên kiếm được tiền bằng cách dạy thêm (thực tế là dạy chui), còn đại đa số giáo viên như chúng tôi tồn tại bằng lương.
Với hơn 3 triệu đồng, để nuôi bản thân còn khó nữa là gia đình. Nhiều cô trường cách nhà vài chục cây số, lương tháng đủ đổ xăng, hàng tháng vẫn xin tiền bố mẹ.
Khi 1 ai đó trong nhà ốm đau, bệnh tật hoặc gia đình có việc, nhiều thầy cô không dám đi bác sĩ, không dám về quê.
Chẳng ai mong làm giàu bằng nghề giáo, nhưng ai cũng mong gia đình mình không phải khổ, có thể báo hiếu được cha mẹ phần nào.
Tại sao gia đình có bố mẹ công tác trong quân đội (có thời hạn) được miễn giảm học phí, còn gia đình có bố mẹ làm trong ngành giáo dục lại không ? Con cái người khác chúng tôi chăm sóc hết lòng, nhưng con cái mình, chúng tôi chẳng biết nhờ ai.
Mong tư lệnh xem xét.
Tăng lương không có nghĩa là đòi hỏi quá đáng của giáo viên mà chính là sự trân trọng của xã hội đối với giáo dục.
Chỉ khi nào các thầy cô không còn vật lộn với cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình thì lúc ấy, giáo dục mới được trả về đúng giá trị của nó.
3. Bỏ thông tư 30
Nhắc đến Thông tư 30, hầu hết các thầy cô đều thừa nhận tính đúng đắn về mục tiêu.
Song, cách thực hiện thì quả thật rất có vấn đề. Học sinh học ngày càng kém, giáo viên quay cuồng trong đống sổ sách, nhận xét.
Thậm chí, tuyển tập các nhận xét dành cho giáo viên theo thông tư 30 được Page tổng hợp là tài liệu nóng, được hàng chục nghìn thầy cô truyền tay nhau.
Các thầy cô tranh thủ nhận xét ở khắp nơi, giờ ăn trưa, giờ giải lao, về nhà cũng cắm đầu vào soạn giáo án, sổ sách. Giáo viên phải nghĩ ra cách để khen học trò, không quát mắng gì cả.
Cách giáo dục mang tính tự sướng đã làm hại học trò. Nhiều người nghĩ rằng chấm điểm cho học sinh chính là nguyên nhân tạo ra áp lực trong giáo dục. Thực tế, chính sự kỳ vọng quá đáng của gia đình và thực tế xã hội mới tạo ra áp lực cho giáo dục.
Chính sự kỳ vọng quá đáng của gia đình và thực tế xã hội mới tạo ra áp lực cho giáo dục. Ảnh mang tính chất minh họa.
4. Giảm giấy tờ, sổ sách
Nhìn thấy giấy tờ, sổ sách là nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô giáo. Thậm chí, sổ sách còn len lỏi vào trong từng giấc mơ, trở thành nỗi ác mộng của nhiều thầy cô.
Trước khi lên lớp, ngoài giáo án, các thầy cô lại ngồi viết sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ hàng tuần, sổ họp, sổ bàn giao...
Ước mơ lớn nhất của thầy cô là giảm mấy loại sổ sách đi để tập trung vào công việc chính.
5. Trả thầy cô cho học sinh
Cách đây vài tháng, nhiều thầy cô phản ánh rằng giáo viên phải đứng ra làm nhiệm vụ thu tiền bảo hiểm của học sinh. Khi học sinh không đóng bảo hiểm, giáo viên phải vận động bởi cấp trên áp chỉ tiêu xuống.
Nếu lớp nào có học sinh không đóng, giáo viên bị xem xét cắt thi đua. Câu chuyện này là có thật ! Chỉ có điều vì sợ phiền phức nên các thầy cô không dám kêu, mà có kêu cũng chẳng đến được tai lãnh đạo.
Giáo viên phải làm nhiều vai trò: Giảng dạy, giáo dục, nhà tâm lý, quan toà, bảo vệ, thủ quỹ... Giảm gánh nặng khác sẽ tập trung tất cả nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
6. Bỏ thi giáo viên giỏi và phổ cập theo thành tích
Dạy học là 1 nghệ thuật, và người dạy là 1 nghệ sĩ. Hàng năm, khắp các địa phương nô nức tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi.
Để 1 thầy cô đi thi, hàng loạt thầy cô khác và gia đình đều nhảy vào, nào là giáo án, tập huấn rồi lên kịch bản, giáo viên lên diễn. Năm nào cũng vậy.
Giáo viên giỏi không phải là giáo viên diễn giỏi, mong sao Bộ ta bỏ những cuộc thi kiểu này để tránh bệnh thành tích lây lan. Nhiều thầy cô chỉ muốn là giáo viên tốt chứ không muốn làm giáo viên giỏi theo kiểu như thế.
Chưa dừng lại ở đó, phổ cập còn làm cho nhiều học sinh ngồi nhầm lớp. Câu chuyện học sinh lên cấp 2 vẫn chưa viết và đọc được là có thật.
Mong tư lệnh xem xét về việc này, tôn trọng thực tế và không chạy theo thành tích ảo.
7. Bỏ Sáng kiến kinh nghiệm
Mỗi năm, các thầy cô buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Giáo viên làm sao nghĩ ra lắm sáng kiến kinh nghiệm đến nhường ấy.
Vậy là các thầy cô sao chép hết của nhau đem nộp, may sao đợt vừa rồi Bộ ta có quy định bỏ Sáng kiến kinh nghiệm, nhưng ở nhiều nơi vẫn chưa bỏ tư lệnh ạ.
8. Tăng quyền cho giáo viên
Giáo dục học sinh là 1 trong các nhiệm vụ của giáo viên. Nhưng một ngày các em đi học thì ít, mà ở với gia đình là chủ yếu.
Nhiều gia đình đổ hết lỗi con cái hư cho giáo viên, học sinh láo giáo viên không dám mắng, đánh nhau không dám phạt nặng bởi sợ các em nghĩ quẩn, hoặc về kể với phụ huynh, phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng thì mang hoạ.
Ai sẽ là người bảo vệ giáo viên những lúc như thế ?
Phụ huynh thì chỉ muốn đưa phong bì cho hết trách nhiệm, nhiều em ra xã hội tập tành thói hư tật xấu: Hút thuốc, chửi bậy, đánh nhau...
Giờ giáo viên vẫn bảo nhau, học sinh láo thì cứ mặc kệ, dạy xong đi về chứ đụng vào không khéo mất việc.
Nhiều thầy cô vẫn còn lương tâm nghề nghiệp, tìm cách động viên nhẹ nhàng không ăn thua, đành phải mắng chửi, uốn nắn nghiêm khắc, thậm chí sẵn sàng roi vọt để bắt các em phải học, phải thành người tử tế.
Nếu có thể, mong tư lệnh tăng quyền cho giáo viên được chủ động dạy dỗ học trò bằng mọi cách trong phạm vi cho phép.
Còn đánh, còn mắng là còn thương học trò, đỉnh cao của sự vô cảm là sự mặc kệ các cháu.
Nếu có thể, một năm học Bộ ta nên quy định phụ huynh học sinh nên đi học thêm cách dạy dỗ con cái cùng với nhà trường. Nhiều phụ huynh còn thờ ơ và không biết giáo dục con cái đúng cách. Nhà trường không thể đơn độc và cô lập mình thành ốc đảo.
9. Bỏ VNEN
Mô hình này thật sự không phù hợp ở Việt Nam. Nhiều thầy cô nói rằng nên học tập có chọn lọc và chỉ nên thực hiện ở 1 số nơi. Chứ học kiểu này, em nào học giỏi thì có lợi, còn kém thì ngày càng kém.
10. Hãy lắng nghe ý kiến giáo viên
Bộ ta đang tiến hành đổi mới, giáo viên cũng rất ủng hộ việc đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào, cách làm ra sao thì hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên - những người trực tiếp thực hiện đổi mới.
Trước khi thực hiện 1 việc gì đó có tác động sâu sắc đến giáo viên, xin hãy cho chúng tôi được góp ý trực tiếp. Nhiều cơ sở chỉ có lãnh đạo đi góp ý, lại sợ phật ý cấp trên nên cố tình nói theo kiểu cổ vũ, đồng tình chứ không dám đưa ý kiến khác biệt.
Tôi nghĩ sự phản biện của giáo viên và góp ý của chính học sinh, phụ huynh học sinh mới là cơ sở quan trọng để đưa sự đổi mới đi đúng hướng.
Cuối cùng, Xin kính chúc tư lệnh có nhiều sức khoẻ để lãnh đạo ngành ta ngày càng phát triển.
Ông Phùng Xuân Nhạ năm nay 53 tuổi, quê Hưng Yên, có bằng tiến sĩ Kinh tế. Ông là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế Chính trị năm 1985 tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông học sau đại học ngành Kinh tế Phát triển tại Đại học Tổng hợp Manchester (Anh).
Sau đó học tiến sĩ ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế tại Viện Kinh tế thế giới, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia năm 1999.
Ông nghiên cứu sau tiến sĩ (Fulbright) tại trường Đại học Tổng hợp Georgetown, Mỹ (2001-2002). Ông được phong Phó giáo sư năm 2005.
Với gần 80% phiếu tán thành, ông Phùng Xuân Nhạ được Quốc hội phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay cho ông Phạm Vũ Luận.
Theo Soha/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời