Nở rộ liệu pháp chữa hậu COVID, có người bán nhà, tiêu cả tỷ đồng, tiền mất mà tật vẫn mang
Hàng triệu người trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với các triệu chứng hậu COVID, một số "bác sĩ lang băm" nhận thấy đây là cơ hội để họ kiếm lời từ đó.
- Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, triệu chứng và phòng tránh ra sao?
- Đột phá: Tạo ra kháng thể COVID-19 từ trứng gà
- Đánh giá BA.5: Bản nâng cấp thế hệ thứ 3 của Omicron, cho hiệu năng lây lan và tái nhiễm mạnh nhất kể từ đầu dịch COVID-19
- Cuộc truy diệt thỏ lớn nhất lịch sử nhân loại: Khi virus không còn tiến hóa theo lối mòn
- Phát hiện kỳ lạ về COVID-19: Khi virus "hack" vào hệ thống chuyển hóa của cơ thể, chúng sẽ vỗ béo loài người
COVID-19 thực sự chưa kết thúc khi chúng ta cầm trên tay tờ xét nghiệm âm tính. Đối với 20% số người từng mắc bệnh, họ sẽ còn phải đối mặt với các triệu chứng COVID kéo dài, hay còn gọi là di chứng hậu COVID.
Đó là những chuỗi ngày mệt mỏi, mất tập trung, yếu cơ bắp và rối loạn sức khỏe tâm thần. Nhiều triệu chứng thậm chí có thể nặng hơn như mất khứu giác, rối loạn nhịp tim, hô hấp, đau cơ xương và thiếu máu.
Nhìn chung, COVID kéo dài là một tình trạng hết sức khó chịu. Nó làm giảm năng suất lao động và cả chất lượng cuộc sống. Do đó, nhiều người sẵn sàng tìm kiếm mọi biện pháp để có thể giải quyết vấn đề này.
Và thế là những kẻ cơ hội, những "bác sĩ lang băm" vô đạo đức cũng tìm thấy cho mình một cơ hội chín muồi để kiếm tiền. Họ bắt đầu bán ra thị trường những sản phẩm và phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng – nhiều khi với giá cắt cổ - với lời quảng cáo hão huyền rằng chúng có thể chữa trị tận gốc triệu chứng hậu COVID.
Một báo cáo ở Hoa Kỳ cho thấy một loạt các sản phẩm dạng này, từ thực phẩm chức năng, vitamin, dịch truyền, phương pháp nhịn ăn cho đến liệu pháp ozon và đơn thuốc không có nhãn dán.
Mới đây, một nghiên cứu trên tạp chí BMJ của Hiệp hội Y khoa Anh Quốc còn cảnh báo về một trào lưu mới được gọi là "rửa máu" (blood washing) chữa hậu COVID. Trong đó, nhiều bệnh nhân đã phải chi hàng tỷ đồng để thực hiện liệu pháp này, mặc dù nó chưa được chứng minh là có hiệu quả.
Đối với một số bệnh nhân, đó là toàn bộ số tiền mà họ tiết kiệm được trong quỹ hưu trí. Có người còn bán cả nhà của mình trong cơn tuyệt vọng chỉ vì muốn thoát khỏi di chứng hậu COVID.
Câu chuyện được chính các bác sĩ kể lại như một lời cảnh tỉnh đến những người khác, không nên tin vào quảng cáo và những lời hứa hẹn từ những liệu pháp chưa được khoa học kiểm chứng.
"Rửa máu" để chữa hậu COVID
Câu chuyện trên BMJ bắt đầu với một người phụ nữ tên là Gitte Boumeester sống ở thành phố Almelo, phía đông Hà Lan. Gitte bị nhiễm COVID-19 vào tháng 11 năm 2020 và khỏi bệnh không lâu sau đó.
Tuy nhiên, nhiều tuần sau khi đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính, cô vẫn cảm thấy người mình uể oải và ốm yếu. "Tôi mệt đến độ nằm bẹp trên giường tới 2 tiếng đồng hồ mỗi sáng trước khi đi được vào bếp để chuẩn bị bữa sáng", Gitte nói.
Đó là một tình trạng được gọi là "sương mù não", trong đó, bệnh nhân hậu COVID thường bị mất tập trung, hay quên, dễ xao nhãng khỏi công việc và bị cuốn hút vào một cảm giác mơ hồ, không muốn làm gì cả.
Cùng với đó, Gitte cho biết mình cũng bị tim đập nhanh, khó thở, cô thường xuyên cảm thấy buồn nôn và mất ngủ vào ban đêm với các cơn đau ở ngực. Tuy nhiên, một loạt các xét nghiệm không tìm thấy bất thường ở tim hoặc phổi của cô ấy.
Tình trạng hậu COVID này đã bào mòn sức khỏe và khả năng lao động của Gitte, cuối cùng khiến cô phải nghỉ việc vào tháng 11 năm 2021. Để tìm kiếm sự giúp đỡ, Gitte đã lên Facebook và tham gia vào một nhóm dành cho những bệnh nhân mắc hậu COVID.
Tại đây, cô được những người lạ giới thiệu cho một phương pháp mà họ gọi là "rửa máu" (blood washing). Ý tưởng của phương pháp này là sau khi nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh, những mảnh virus và chất gây viêm mà virus sản sinh ra vẫn trôi nổi trong hệ tuần hoàn của bạn. Vì vậy, chúng là nguồn gốc của vấn đề và bạn phải thanh lọc, "detox" chúng ra khỏi cơ thể.
Để làm được điều này, một số người đã đề xuất sử dụng Apheresis, liệu pháp lọc máu trước đây chỉ dành cho những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Apheresis từng được Hiệp hội Thận học tại Đức khuyến nghị như một biện pháp cuối cùng dành cho những người mắc rối loạn lipid không đáp ứng với tất cả các liệu pháp điều trị tiêu chuẩn khác.
Nó liên quan đến việc cắm một cây kim lớn vào tĩnh mạch bệnh nhân, rút máu của họ ra ngoài, lọc bỏ lipid, cholesterol xấu LDL và các protein gây viêm. Liệu pháp này cũng được sử dụng để lọc máu cho những bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm hoặc bệnh nhân ung thư tế bào bạch cầu ác tính.
Tiếp tục tìm hiểu về Apheresis dẫn Gitte đến với Apheresis Association, một nhóm Facebook gồm 4.700 thành viên được điều hành bởi một hiệp hội cùng tên. Apheresis Association quảng cáo biện pháp lọc máu của họ như một liệu pháp chữa trị COVID-19 kéo dài.
"Hơn 80% bệnh nhân của chúng tôi phản hồi lại rằng họ thấy phương pháp này cho hiệu quả dứt điểm", một bài đăng trong nhóm tuyên bố. "Những bệnh nhân tới phòng khám bằng xe lăn đã có thể rời khỏi đó trên chính đôi chân mình. Những người không thể đi bộ thậm chí đã có thể chạy. Ở phía ngược lại, chưa có bất kỳ rủi ro nào được ghi nhận".
Để điều tra hoạt động của Apheresis Association, BMJ đã liên kết với hãng tin ITV News của Anh. Họ nhận thấy hiệp hội này đang điều hành một loạt các phòng khám cung cấp dịch vụ lọc máu ở Châu Âu.
Đặc biệt, một phòng khám mà họ đặt tại đảo Síp thậm chí còn lấy tên là "Trung tâm hậu COVID" để quảng bá dịch vụ du lịch chữa bệnh dành riêng cho các bệnh nhân mắc di chứng COVID-19 kéo dài.
Bị thuyết phục bởi những quảng cáo đầy hứa hẹn, Gitte đã quyết tâm bay từ Hà Lan tới Síp để được chữa trị. "Tôi đã nghĩ, cùng lắm thì mình sẽ mất cái gì nhỉ? Tiền ư, chắc cùng lắm là mất tiền. Vậy cũng OK, tại sao tôi không thử cơ chứ", cô nhớ lại.
Bị cuốn vào vòng xoáy, chi phí lên tới hàng tỷ đồng
Tháng 2 năm 2022, Gitte quyết định tới Síp. Cô thuê một căn hộ ở thành phố cảng Larnaca trong 2 tháng để phục vụ công việc điều trị. Cứ mỗi tuần từ một đến hai lần, Gitte sẽ tới Trung tâm hậu COVID của Apheresis Association để "rửa máu".
Mỗi buổi thực hành như vậy, Gitte được yêu cầu trả 1.685 Euro. Nhưng chi phí chưa dừng lại ở đó. Cô được kê thêm liệu pháp oxy hyperbaric, liên quan đến việc thở oxy nguyên chất, có giá 150 Euro cho mỗi lần điều trị vào những ngày không lọc máu.
Rồi những đơn thuốc truyền vitamin tĩnh mạch và tiêm Vitamin D đường ven cũng có giá 50 Euro. Gitte còn được giới thiệu thử liệu pháp tiêm amino axit và axit amin, tất cả đều có giá hết sức đắt đỏ.
"Tôi cũng có chút bối rối khi họ đưa ra quá nhiều liệu pháp điều trị bổ sung. Nhưng vì đã tự hứa với bản thân rằng nếu đến đó, tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể thử để chữa bệnh, tôi đã cố gắng hết sức", Gitte nói.
Trước khi rời Síp về Hà Lan, các bác sĩ ở Apheresis Association còn giới thiệu cô mua một loạt các loại thuốc để mang về nhà uống thêm, từ aspirin, clopidogrel cho đến thuốc chống đông máu, thuốc kháng virus và cả hydroxychloroquine, phòng trường hợp tái nhiễm COVID.
Tổng cộng, chuyến du lịch chữa bệnh của cô đã tiêu tốn 60.000 đô la, tương đương 1,4 tỷ VNĐ. Đó gần như là toàn bộ số tiền mà Gitte tiết kiệm được trong quỹ hưu trí.
Cùng cảnh ngộ với Gitte là Chris Witham, một người đàn ông 45 tuổi đến từ Anh. Chris cũng đã chi 7.000 Bảng cho chuyến du lịch chữa bệnh tới một trung tâm lọc máu trong hệ thống của Apheresis Association ở Đức.
"Tôi đã phải bán căn nhà của mình", Chris nói. Tất cả chỉ để đổi lại hi vọng các triệu chứng sẽ được cải thiện và cuộc sống của tôi sẽ tốt lên. "Tôi thậm chí chẳng đắn đo suy nghĩ gì khi bán căn nhà".
Để có chi phí chữa bệnh, một số bệnh nhân hậu COVID còn lên các trang quyên góp như GoFundMe để gây quỹ.
Tuy nhiên, bất chấp số tiền lớn mà họ đã tiêu, cả Chris và Gitte đều kết thúc chuyến du lịch chữa bệnh của họ với kết quả không như mong muốn. Họ trở về nhà với các triệu chứng hậu COVID không được cải thiện, dù đã tiêu hết tiền vào các liệu pháp được quảng cáo, bao gồm cả việc "rửa máu".
Liệu pháp "lang băm", không dựa trên bằng chứng khoa học
Theo điều tra của, BMJ và ITV News, Apheresis Association được sáng lập và điều hành bởi một doanh nhân người Áo tên là Markus Klotz. Klotz đã thành lập Trung tâm Hậu COVID ở đảo Síp sau khi bản thân mắc bệnh và đã từng thử qua liệu pháp Apheresis ở Đức.
Klotz đã tới Mülheim, miền tây nước Đức, để điều trị sau khi nghe Beate Jaeger, người điều hành Trung tâm Lipid North Rhine, nói về phương pháp lọc máu Apheresis trên đài phát thanh.
Jaeger bản thân là một bác sĩ nội khoa và bà đã sử dụng liệu pháp Apheresis để chữa trị cho những bệnh nhân bị tắc mạch máu trong hàng thập kỷ. Với kinh nghiệm của mình, Jaeger đưa ra một giả thuyết.
Bà nghĩ các triệu chứng hậu COVID xuất hiện là bởi máu của họ quá nhớt sau khi mắc bệnh và trong đó có chứa những cục máu đông nhỏ được gọi là "microclots". Bằng cách làm loãng máu bằng thuốc chống đông và lọc máu bằng Apheresis, Jaeger tin rằng liệu pháp có thể giúp cải thiện tuần hoàn và xóa bỏ các triệu chứng mà người bệnh hậu COVID mắc phải.
Tuy nhiên, khi bà cố gắng trình bày giả thuyết này cho một tạp chí y khoa của Đức, nó đã bị ban biên tập và các chuyên gia bác bỏ.
"Chúng [các microclots] có thể là dấu hiệu sinh học cho bệnh tật, nhưng làm sao chúng ta biết chúng có quan hệ nhân quả hay không", Robert Ariens, một giáo sư sinh học mạch máu tại Đại học Y khoa Leeds cho biết.
"Nếu chúng ta không biết cơ chế hình thành các vi cục máu đông và liệu chúng có phải là nguyên nhân gây bệnh hay không, thì việc thiết kế một phương pháp điều trị để loại bỏ các vi cục máu đông này có vẻ còn quá sớm, vì cả phương pháp khử đông và kháng đông máu đều tiềm ẩn những rủi ro, nhất là sau khi một người bị chảy máu".
Như đã nói, Gitte và các bệnh nhân khác sử dụng liệu pháp Apheresis đã được kê tới 3 loại thuốc chống đông máu để làm loãng các vi cục máu đông. Và theo các bác sĩ, điều này là cực kỳ nguy hiểm.
Benjamin Abramoff, Giám đốc Phòng khám Đánh giá và Phục hồi hậu Covid của Penn Medicine cho biết thuốc chống đông máu có thể gây ra "hậu quả tàn khốc" nếu ai đó bị ngã hoặc bị thương. Họ có thể không cầm máu kịp và mất máu tới tử vong.
Trong khi đó, Jaeger cho biết các bệnh nhân của họ đều được huấn luyện để phát hiện các vết chảy máu bất thường. Và trung tâm của bà còn viết một lá thư cho họ để đem về cho bác sĩ ở địa phương. Tuy nhiên, các bệnh nhân cho biết các bác sĩ ở quê nhà đều phản đối đơn thuốc mà Jaeger và trung tâm của bà kê cho họ.
Tựu chung lại, liệu pháp Apheresis với các đơn thuốc chống đông máu mạnh không những chưa được chứng minh là có hiệu quả, mà còn tiềm ẩn những rủi ro cho người thử nghiệm.
"Tôi lo ngại chúng sẽ tạo ra một nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương", Amitava Banerjee, một bác sĩ tim mạch ở London cho biết. "Chúng ta không có bằng chứng cho liệu pháp chống đông máu đơn lẻ, chưa nói đến việc tăng gấp ba lần nó".
Về phần các bệnh nhân, Gitte cho biết sau hai tháng sống ở đảo Síp, phải chịu nhiều biện pháp điều trị và tiêu hết tài khoản ngân hàng, cô không thấy các triệu chứng suy nhược hậu COVID của mình được cải thiện.
Gitte đã trở về Hà Lan, vẫn bị tim đập nhanh, đau ngực, khó thở và sương mù não.
"Tôi nghĩ rằng họ nên nhấn mạnh bản chất thử nghiệm của các phương pháp điều trị, thay vì quảng cáo nó. Đặc biệt là chúng còn quá đắt như thế", cô nói. "Trước khi điều trị, tôi cũng lường trước được kết quả không chắc chắn. Nhưng những bác sĩ tại đó đều tự tin thái quá đến mức bạn cũng tin vào điều đó và bắt đầu nuôi một hy vọng được chữa khỏi".
Tham khảo BMJ, Arstechnica, Theguardian, Nypost, ITV
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"