Cách cài thêm HĐH mà không cần chia thêm vùng

    SPIDEY,  

    (GenK.vn) - Với cách làm này, bạn phải cài đặt thông qua máy ảo trung gian, sau đó bạn thiết lập cho máy thêm lựa chọn HĐH khi khởi động

    Trước đây, khi bạn cài đặt thêm một HĐH mới bên cạnh HĐH đã có, bạn phải có một thêm phân vùng trống để chứa HĐH này. Phân vùng này bạn có thể chia ra, hay là format từ phân vùng sẵn có. Tuy nhiên, có một thủ thuật là bạn có thể cài đặt HĐH mới này mà không cần phải chia thêm vùng, thậm chí là không cần phải format phân vùng đó, do đó bạn không phải quan tâm tới chuyện mất dữ liệu.

    Cách làm giống như là tạo Dual Boot, cài hai HĐH song song, hay cài thêm một HĐH bên cạnh HĐH đã có,… tuy nhiên có một số thay đổi là bạn phải cài lên máy ảo.

    - Với Windows XP/Vista/7

    Đầu tiên bạn tải về chương trình tạo máy ảo VirtualBox tại đây (nếu bạn có ý định cài Windows 8/ 8.1 thì nên sử dụng phiên bản mới nhất), sau đó cài vào máy.

    Tại giao diện chính của chương trình, bạn bấm New để tiến hành tạo một máy ảo mới.

    Bạn đặt tên máy ảo tại mục Name và chọn HĐH mà bạn muốn cài đặt thêm.

    Tiếp theo, bạn cấp dung lượng RAM cho máy ảo, và bạn chỉ cần cấp cho máy ảo 1GB RAM thôi là đủ rồi (kể cả 64bit). Còn lí do vì sao lại cấp chỉ 1GB mà không cấp nhiều hơn thì người viết sẽ giải đáp sau.

    Đến bước tạo đĩa cứng ảo, đây là bước cực kì quan trọng. Bạn bấm nút Create để tiến hành tạo ổ cứng ảo. Bạn hãy chọn định dạng VHD (không chọn định dạng khác).

    Về hình thức lưu trữ, ở đây có hai lựa chọn:

    - Fixed size: file VHD được tạo ra sẽ có dung lượng đúng bằng dung lượng mà bạn đã xác định. Khi bạn chọn hình thức này, file VHD sẽ có dung lượng rất lớn (mặc dù bạn chưa chứa gì hết).

    - Dynamically allocated: file VHD được tạo ra, bạn dùng bao nhiêu (hay xoá bao nhiêu) thì file VHD sẽ "phình to" hay "ốm bớt" bấy nhiêu, cho đến khi đạt được dung lượng tối đa mà bạn đã xác định trước.

    Ví dụ như thế này, bạn xác định dung lượng cần sử dụng là 40GB trên ổ D 70GB, đã sử dụng 20GB. Dĩ nhiên con số này phải nhỏ hơn phần dung lượng còn trống trên phân vùng thực tế. Ổ D còn trống 50GB thì bạn phải xác định dung lượng này phải nhỏ hơn 47, 48GB.

    - Fixed size: file VHD được tạo ra sẽ có dung lượng đến 40GB (bạn sẽ phải tốn thời gian chờ đợi để chương trình tạo file VHD), lúc này ổ D của bạn chỉ còn trống 10GB thôi. Cách làm này chiếm rất nhiều dung lượng ổ đĩa, bù lại tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn (vì sau khi tạo xong, file này sẽ không tác động gì đến dung lượng trống của ổ D).

    - Dynamically allocated: file VHD sẽ có dung lượng chỉ vài KB (và không phải tốn thời gian chờ đợi để tạo), lúc này ổ D vẫn còn trống 50GB. Tuy nhiên, sau khi bạn cài đặt HĐH, cài chương trình,... Dung lượng file này sẽ lớn lên cho tới khi nào đủ 40GB thì thôi (và ngược lại, bạn có thể xoá bớt để giảm dung lượng). Cách làm này không chiếm nhiều dung lượng ổ đĩa (trừ khi bạn sử dụng quá nhiều) nhưng tốc độ xử lý sẽ chậm hơn (vì nó thường xuyên tác động tới dung lượng trống của ổ D).

    Như vậy, nếu ổ cứng có dung lượng lớn, bạn hãy chọn Fixed Size, ngược lại, bạn hãy chọn Dynamically Allocated. Nếu bạn không thích ổ D, bạn có thể đặt file VHD này ở ổ E hoặc thậm chí ổ C cũng được, tuỳ bạn. Bạn không cần phải chia vùng nữa, cũng không cần format luôn.

    Sau khi tạo xong, bạn khoan vội cài mà cần phải cấu hình một chút nữa. Tuỳ vào cấu hình mỗi máy, cách thông số thiết lập sẽ khác nhau. Bạn bấm Settings để cấu hình máy ảo.

    Tại mục System, thẻ Processor, bạn cấp CPU cho máy ảo 2 nhân (nhiều hơn cũng được, thời gian cài sẽ nhanh hơn).

    Nếu máy bạn có công nghệ UEFI (hay ổ cứng định dạng GPT, có phân vùng EFI) thì bạn check vào ô Enable EFI tại thẻ Motherboard (thông thường các laptop được cài sẵn Windows 8 trở lên thì đều sử dụng UEFI).

    Tại mục Display, bạn cấp bộ nhớ card đồ hoạ, ở đây bạn chỉ cần cấp 128MB là được rồi, không cần chọn ô Enable 2D/ 3D cũng được, không quan trọng.

    Tại mục Storage, bạn chọn file ISO để cài đặt HĐH (nếu có). Ở đây người viết cài qua đĩa nên không cần chọn mà để mặc định.

    Sau khi cấu hình xong, bạn bấm OK để lưu lại hết mọi thiết lập. Sau đó bắt đầu cài đặt HĐH (vd như bạn muốn dùng Windows 7, bạn hãy cài lên máy ảo này).

    Cài đặt bình thường, cho đến khi vào được màn hình Desktop là được rồi, bạn hãy Shut down máy ảo đi, không cần cài thêm gì hết.

    Cài đặt xong, bây giờ đến bước quan trọng làm sao cho máy khởi động được máy ảo này. Rất may có công cụ quen thuộc và miễn phí giúp bạn cấu hình khởi động cho Windows, đó là EasyBCD. 

    Bạn tải chương trình tại đây, sau khi cài đặt xong, bạn mở lên, chọn Add New Entry, tại nhóm Portable/ External Media, bạn chọn thẻ Disk Image. Bạn chọn Type là Microsoft VHD, đặt tên HĐH tại khung Name, và tại khung Path, bạn chỉ đường dẫn đến file VHD mà bạn đã tạo (và cài Windows 7 lúc nãy). Sau đó bấm Add New Entry để thêm tuỳ chọn HĐH lúc máy khởi động.

    Như vậy là xong, bạn hoàn thành công việc cài thêm một HĐH mà không cần chia thêm vùng.

    Khi khởi động lại máy, bạn sẽ thấy tuỳ chọn HĐH để khởi động vốn rất quen thuộc. Và bạn tiếp tục khởi động HĐH này, cài driver, chương trình vào. Bạn có thể giảm thời gian chờ xuống còn 1 giây bằng cách nhập số 1 vào tại ô “Count Down From”, máy sẽ tự khởi động vào HĐH đã mặc định (bạn có thể thay đổi HĐH mặc định bằng cách chọn ô Yes/No ở phía trên, cột Default bên phải). Sau đó bấm Save Settings.

    Một số lưu ý

    - Về cấu hình

    Với cách làm này, ban đầu khi cài HĐH lên máy ảo, cấu hình máy ảo phụ thuộc vào cấu hình của máy. Tuy nhiên, sau khi cài xong, bạn thiết lập và khởi động lại. Lúc này HĐH sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào phần cứng máy tính, chứ không còn phụ thuộc vào cấu hình máy ảo mà bạn đã cấp cho nó lúc cài đặt. Do đó, việc thiết lập cấu hình trước khi cài chỉ là bước trung gian thôi, người viết chỉ cung cấp 1GB, 2 nhân CPU, 128MB Display là đủ để cài rồi. Sau khi khởi động lại, bạn hãy tiến hành cài đặt driver, chương trình, game và sử dụng như một HĐH thực sự.

    - Vấn đề chia sẻ dữ liệu

    Bạn hãy an tâm một điều là bạn hoàn toàn được truy cập vào các ổ đĩa khác (ổ D, E chẳng hạn). Chứ không cần phải thiết lập chia sẻ trên máy ảo nữa.

    - Những mặt hạn chế

    Với cách làm này, bạn không cần bận tâm đến chuyện chia vùng hay tạo một phân vùng mới, hay format phân vùng trước đó, vấn đề dữ liệu được an toàn. Nhưng có một số hạn chế, chủ yếu là liên quan đến việc sử dụng file VHD.

    Thứ nhất: bạn không thể nào thay đổi được dung lượng đĩa cứng ảo. Vd như bạn ban đầu bạn đã xác định là 40GB, thì bạn phải chắc chắn con số này. VHD là một file, nên không thể nào thay đổi dung lượng được.

    Thứ hai: tốc độ xử lý sẽ chậm hơn một chút vì bạn không có cài HĐH trực tiếp lên ổ cứng. Nhưng bạn cũng đừng bận tâm vấn đề này vì sự chênh lệnh này không nhiều.

    Rất tiếc Easy BCD chỉ cho phép khởi động với file VHD, mọi định dạng khác không làm được.

    - Với Windows 8 trở đi

    Trong windows 8, 8.1, Microsoft đã tích hợp sẵn công cụ máy ảo Hyper-V. Do đó, bạn có thể cài đặt HĐH bằng công cụ này cũng được, cũng sử dụng file VHD mà không cần phải dùng đến Virtual Box.

    Sau khi cài đặt, bạn dùng chương trình EasyBCD và làm theo hướng dẫn như trên để thêm tuỳ chọn khởi động. Còn cách cấu hình Hyper-V bạn đọc có thể xem hướng dẫn chi tiết trên các diễn đàn.

    Như vậy, chỉ thay đổi một chút, bạn có thể cài đặt và sử dụng như một HĐH thực sự mà không cần phải tạo thêm phân vùng trống như trước đây.

    Chúc bạn thành công.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày