"Bóng ma" B-2: Hậu duệ cuối cùng của oanh tạc cơ có người lái?

    PV,  

    B-2 có lẽ sẽ là dòng máy bay ném bom hạng nặng có người lái cuối cùng của Mỹ.

    Máy bay ném bom tàng hình B-2 bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ từ những năm 1980 và trở thành trụ cột sức mạnh của không lực nước này kể từ đó. Tuy nhiên, công nghệ mới ngày nay (sự phát triển của các loại tên lửa có khả năng mang nhiều loại đầu đạn và UAV) đang đe dọa chấm dứt sự nghiệp của các loại máy bay ném bom hạng nặng.

    Hiện có ít hơn 200 máy bay ném bom hạng nặng trong biên chế Không quân Mỹ và chỉ 20 chiếc trong số này là B-2. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 600 phi công Mỹ đang phục vụ từng lái B-2. Điều đáng chú ý là chỉ 35 phi công đạt hơn 1.000 giờ bay với B-2 và chỉ 17 người trong số này được giao phụ trách các nhiệm vụ liên quan đến B-2 cho tới tận bây giờ.

    Máy bay ném bom tàng hình B-2

    Máy bay ném bom tàng hình B-2

    Phải mất tới 10 năm hoặc nhiều hơn để có thể đạt trên 1.000 giờ bay với B-2 bởi thay vì lái máy bay, phần lớn thời gian của các phi công quân sự lại dành cho công việc khác. Cho tới nay, chưa có phi công nào đạt 2.000 giờ bay với B-2. Với một cộng đồng phi công (lực lượng ủng hộ cốt lõi cho bất cứ loại máy bay nào) nhỏ bé như vậy, không có nhiều sự ủng hộ dành cho một loại máy bay ném bom hạng nặng mới.

    Không quân Mỹ từ lâu đã có một số kế hoạch thiết kế một loại máy bay ném bom hạng nặng mới như LRSB (Máy bay cường kích-ném bom tầm xa), tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là phải có đủ tiền để đầu tư cho dự án. Phía Không quân cho biết họ có thể xây dựng, thiết kế, phát triển và đưa LRSB vào hoạt động trong vòng 15 năm, với chi phí dự kiến là 550 triệu USD/chiếc. Các loại chi phí phát triển có thể được duy trì ở mức thấp, nhờ tận dụng nhiều công nghệ hiện có.

    Mẫu thiết kế LRSB

    Một mẫu thiết kế LRSB của Northrop Grumman

    LRSB sẽ là một phiên bản cỡ lớn hơn của F-35, có khả năng mang 6-10 tấn bom thông minh, di chuyển liên tục quãng đường trên 9.000 km mà không cần tiếp liệu.

    Rất ít thành viên trong Quốc hội Mỹ tin rằng Không quân có thể hoàn thành được dự án này và dù họ có đồng ý thông qua đi nữa thì LRSB vẫn sẽ bị chậm trễ và chi phí có thể lên tới trên 1 tỷ USD/chiếc. Trong khi đó, ngân sách cho Không quân Mỹ đang bị thu hẹp, lại vừa mất một khoản chi phí khổng lồ cho hơn 1.000 máy bay F-35, nhằm thay thế các phi đội F-15 và F-16. Bên cạnh đó là áp lực phát triển chương trình UAV tấn công tàng hình, một dự án mà các phi công chiến đấu không lấy gì làm hồ hởi.

    Tương lai của dự án LRSB nói riêng và máy bay ném bom có người lái nói chung không mấy khả quan. Dù các nhà lãnh đạo không quân Mỹ muốn gì đi nữa, họ vẫn sẽ phải đối phó với những vấn đề trước mắt là hoàn thành dự án UAV và trang trải cho tất cả các máy bay F-35 mới. Đặc biệt, với công nghệ UAV đang phát triển, có vẻ như thiết kế máy bay ném bom hạng nặng mới khó mà cạnh tranh nổi.

    Trong lúc này, Không quân Mỹ tiếp tục duy trì nâng cấp phi đội B-2 nhỏ bé của mình. Trong vài năm gần đây, quy trình nâng cấp bao gồm lắp đặt các giá đỡ bom mới, cho phép mỗi máy bay B-2 mang được tới 80 trái bom thông minh. Ngoài ra, B-2 còn được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) với hàng nghìn radar tí hon, có thể định vị độc lập và theo nhiều hướng khác nhau. Hệ thống AESA trên các máy bay ném bom B-2 cho phép chúng có thể tự xác định mục tiêu và sau đó dùng một trong 80 quả bom thông minh JDAM mang theo để “làm cỏ” nó. B-2 còn được tăng cường một hệ thống liên kết dữ liệu bằng vệ tinh, cho phép nó nhanh chóng chia sẻ dữ liệu trên AESA hoặc camera với các máy bay khác (bao gồm cả UAV). Với khả năng mang 80 bom thông minh JDAM, Không quân Mỹ coi B-2 như một phi đội máy bay ném bom có khả năng nhắm tới 80 mục tiêu khác nhau.

    Máy bay ném bom B-1 Lancer

    Máy bay ném bom B-1 Lancer

    B-2 lần đầu tiên được thực chiến trong chiến dịch ném bom Kosovo năm 1999. Khá khó khăn để duy trì chúng luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động bởi radar trên máy bay đòi hỏi nhiều thời gian bảo trì. Thời gian bảo dưỡng yêu cầu cho mỗi chiếc máy bay B-2 là 53 giờ đồng hồ.

    Không quân Mỹ muốn 60% số máy bay luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến, nhưng chỉ 33% số máy bay B-2 là sẵn sàng. Điều này gần đây đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, B-2 vẫn đòi hỏi thời gian bảo dưỡng nhiều hơn các loại máy bay ném bom hạng nặng khác như B-52 hay B-1. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cho B-52 và B-1 cũng ít tốn kém hơn so với B-2.

    Ngoài Mỹ, Không quân Nga cũng đang có ý định phát triển một loại máy bay ném bom hạng nặng mới nhưng tương lai của loại máy bay này cũng khá mù mờ và các nhà lãnh đạo Nga cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự như Mỹ.

    Theo Soha

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ