Máy dò bom giả mạo - vụ gian lận giỡn mặt tử thần

    PV,  

    (Genk.vn) - Theo giới chức trách, đây là một tội ác tày trời và không thể tưởng tượng nổi trong xã hội hiện đại.

    Phù phép thiết bị dò bóng chơi golf thành... máy dò bom         

    James McCormick (57 tuổi) tới từ Langport, Somerset, vương quốc Anh là người đã chào bán chiếc máy dò bom ADE 651 tới các cơ quan thuộc Chính phủ và nhiều công ty tư nhân khác trên khắp thế giới, trong đó có Iraq. Cụ thể, McCormick đã chào hàng thành công ở các thị trường: Georgia, Romania, Niger, Thái Lan và Ả Rập Xê-út, thậm chí là cơ quan của Liên Hiệp Quốc ở Li-băng và hệ thống nhà tù Hồng Kông.

    Tuy nhiên, những bài kiểm tra độc lập cho thấy, thiết bị này chỉ là một chiếc máy dùng để tìm bóng chơi golf, chứ không phải để tìm một quả bom. Cảnh sát Anh cho biết: ADE - chữ viết tắt của "Advanced Detection Equipment" (thiết bị phát hiện tiên tiến) - chỉ là một thiết bị tìm bóng golf được sản xuất bởi một công ty của Mỹ đã được McCormick thay nhãn mác.

    Theo CNN, McCormick là Giám đốc bán hàng của công ty ATSC với một lực lượng nhân viên rất ít ỏi nhưng đã bán được hơn 7.000 chiếc máy giả cho Chính phủ Iraq và các cơ quan quốc tế khác với giá từ 25.000 tới 30.000 USD mỗi chiếc, trong đó, một hóa đơn cho thấy riêng tổng doanh thu bán hàng giả ở Iraq trong vòng gần 3 năm là

     James McCormick và chiếc máy dò bom giả - thứ đã giúp kẻ lừa đảo trở thành triệu phú.

    James McCormick và chiếc máy dò bom giả - thứ đã giúp kẻ lừa đảo trở thành triệu phú.

     

    38 triệu USD

    Cảnh sát điều tra cho rằng, để làm một chiếc máy dò bom giả, McCormick chỉ tốn chưa đến

    60 USD. Theo thông tin từ BBC, McCormick đã mua thiết bị dò bóng chơi golf này với giá chưa đến 20USD, sau đó hắn cải tiến thành một phiên bản trông có vẻ cao cấp hơn và bán với giá hàng chục ngàn USD mỗi chiếc. McCormick quảng cáo rằng, chiếc máy này có thể phát hiện được "mọi hình thức che giấu" như ma túy, người, bom, thậm chí là chất lỏng.

    Tờ quảng cáo cam kết, thiết bị này có thể nhận dạng và phát hiện ra mục tiêu ở độ sâu hơn 30m dưới mặt nước hoặc 9m dưới mặt đất. McCormick đã giới thiệu "phát minh" của mình bằng những từ ngữ cao siêu và rối rắm khiến khách hàng đánh giá cao sản phẩm của hắn. Hắn nói trước tòa rằng "chưa nhận được bất cứ phàn nàn nào từ khách hàng".

    Thẩm phán Richard Hone của tòa án Old Bailey cho rằng, McCormick phải nhận bản án nặng nhất cho tội coi thường những hậu quả có thể gây chết người. Mặc dù không thể chứng minh được những thương vong cụ thể do thiết bị này gây ra, song thẩm phán Hone vẫn cho rằng đây là "một trò bịp nhẫn tâm".

    Hốt bạc

    "Bồi thẩm đoàn phát hiện ra rằng, bị cáo biết những thiết bị này không hề hoạt động, nhưng các binh sĩ ở Iraq và những nơi khác lại tin tưởng vào chúng, một phần là nhờ sức mạnh của nghệ thuật bán hàng, một phần là do những khẳng định ngông cuồng và gian dối viết trong tài liệu quảng cáo của McCormick. Sau phiên tòa dài 6 tuần, tôi hoàn toàn đồng thuận với kết luận: Hành vi gian lận trong việc bán nhiều thiết bị vô dụng vì lợi nhuận "khủng" đã gây ra những thương vong lớn cho nhiều người vô tội" - thẩm phán Hone cho hay.

    Giải thích về quyết định tuyên án McCormick mức án tối đa, vị thẩm phán tập trung vào quy mô của hành vi gian lận và những hậu quả gây chết người của hành vi này. Thẩm phán Hone cũng cho rằng bản án tối đa trong trường hợp này là hợp lý để ngăn chặn những người khác phạm tội tương tự. Ngoài ra, McCormick cũng phải trả lại khoảng 15 triệu bảng tiền mặt mà hắn đã lừa từ khách hàng trong một buổi điều trần dự tính sẽ diễn ra vào ngày 12/5 năm sau.

    Thẩm phán Hone cho biết: Ở một số nơi, những chiếc máy giả này vẫn đang được sử dụng và tiếp tục gây nguy hiểm cho tính mạng của nhiều người. "Binh lính, lực lượng cảnh sát, nhân viên hải quan, nhân viên an ninh khách sạn và nhiều người đang sử dụng nó, trao mạng sống của họ cho những thiết bị đắt đỏ của bị cáo nhưng bản thân nó không hơn một đống nhựa được gắn ăng-ten" - ông nói.

    Lợi nhuận mà bị cáo thu được là số tiền bẩn thỉu, cung phụng cho một cuộc sống xa hoa, ngông cuồng, cho những ngôi nhà rộng lớn, thậm chí là cả một chiếc du thuyền hạng sang. Vị thẩm phán cũng cho biết, McCormick thậm chí còn không hối hận về những việc mình đã làm.

    Sau gần 10 năm lừa dối khách hàng, McCormick đã thu về số lợi nhuận khổng lồ và hắn dùng nó để mua một loạt bất động sản có giá trị có thể khiến bất cứ ai choáng váng. McCormick sở hữu một ngôi nhà theo phong cách Georgian ở thành phố Bath trị giá 3,5 triệu bảng với bể bơi trong nhà. Hắn cũng mua một ngôi nhà nghỉ dưỡng ở Florida (Mỹ) trị giá 200.000 bảng và một biệt thự ở Cyprus trị giá 320.000 bảng cùng với chiếc du thuyền Sunseeker Portofino trị giá 630.000 bảng mà hắn đặt tên là "Aesthele". Con gái McCormick - người muốn giành một suất thi đấu tại Rio Olympics 2016 - đã được ông bố mua cho 3 con ngựa đua với giá hàng chục ngàn bảng mỗi con.

    Những thương vụ mờ ám và các tài khoản giả

    Trước khi tuyên án, một luật sư bào chữa của McCormick nói với tòa rằng, không có bằng chứng cho thấy những chiếc xe chở bom đi qua các trạm kiểm soát - nơi mà những chiếc máy giả đang được sử dụng. Luật sư của McCormick khẳng định, thân chủ của mình không phải chịu trách nhiệm cho bất cứ cuộc tấn công nào và không một thiết bị nào có thể bảo vệ được người dân Iraq.

    Luật sư lập luận rằng, ngoài thiết bị giả của McCormick, vẫn còn những thiết bị khác cũng được sử dụng ở các trạm kiểm soát và không có bằng chứng cho thấy thân chủ của ông đã cướp đi nhiều mạng sống. "Chúng tôi cần những bằng chứng xác thực cho thấy một quả bom đã phát nổ trong khu vực an toàn - Green Zone (của Baghdad) và quả bom này không được ADE phát hiện" - luật sư bào chữa nói.

    Trong khi đó, công tố viên Hội đồng pháp lý của Nữ hoàng Anh - ông Richard Whittam cho biết: Bộ Ngoại giao và bộ Tư Pháp của Baghdad (Iraq) từng bị tấn công bởi những quả bom được giấu trên xe tải. Trước đó, chiếc xe này đã đi qua trạm kiểm soát - nơi mà những chiếc máy dò giả mạo hoạt động. Bên công tố khẳng định có thể kết luận chắc chắn rằng đã có những người Iraq tử vong vì thiết bị này.

    Ông Nigel Rock - Giám đốc cơ quan Cảnh sát Avon and Somerset chia sẻ với các phóng viên bên ngoài tòa án rằng, bước tiếp theo của các điều tra viên là đảm bảo toàn bộ số tiền thu được từ các hoạt động phạm tội của McCormick đều bị thu giữ. Tuy vậy, cảnh sát cho rằng, có thể McCormick đã bí mật giấu đi hàng triệu bảng. Ông Rock tiết lộ, hiện tại các quan chức Iraq cũng đang phải đền bù thiệt hại vì đã mua thiết bị này thông qua tòa án dân sự ở nước này.

    Ông Rock miêu tả McCormick là một kẻ bịp bợm đáng xấu hổ, móc túi những người vô tội hàng triệu đô-la từ hành động lừa đảo của mình. "Và cuối cùng, có lẽ cũng là điều quan trọng nhất, bị cáo không hề xấu hổ hay hối hận vì việc mình đã làm. Bị cáo thực hiện nó và không mảy may nghĩ tới những hậu quả của trò bịp bợm này".

    Không thể phủ nhận McCormick có một đội ngũ bán hàng xuất sắc, song đó không phải là lý do duy nhất giúp McCormick trở thành triệu phú chỉ trong 10 năm nhờ một thiết bị gian lận. Nguồn tin cho biết, một quan chức Iraq từng bị bỏ tù vì mua ADE 651 thông qua các kênh "trái phép".

    Cảnh sát Anh tin rằng McCormick đã hối lộ các quan chức để bán được ADE 651 với số lượng lớn. Một trong số những quan chức nhận hối lộ là tướng Jihad al-Jabiri - người phụ trách cao nhất về các vấn đề tháo gỡ bom mìn ở Baghdad. Vị tướng này và 2 quan chức khác của Iraq hiện đang chấp hành án tù vì tội tham nhũng. Một nguồn tin chia sẻ với BBC rằng, McCormick còn lập tài khoản giả cho 15 quan chức Iraq.

    Theo NguoiDuaTin, CNN, BBC, Telegragh

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ