Uy lực thách thức thời gian của huyền thoại pháo phản lực Grad

    PV,  

    (GenK.vn) - Mặc dù được thiết kế từ thời chiến tranh Lạnh nhưng cho đến ngày hôm nay, pháo phản lực BM-21 Grad vẫn được đánh giá là một hệ thống vũ khí cực kỳ hiệu quả.

    Pháo phản lực BM-21 Grad là loại vũ khí đặc biệt được sử dụng tại hơn 65 quốc gia trên thế giới dưới dạng bản gốc hoặc biến thể sao chép. Mặc dù được thiết kế từ thời chiến tranh Lạnh nhưng cho đến ngày hôm nay, Grad vẫn được đánh giá là một hệ thống vũ khí cực kỳ hiệu quả. Trong khi khung xe cơ sở và công nghệ đạn rocket đã được phát triển và thay đổi qua nhiều năm thì nguyên tắc cơ bản của việc tập trung hỏa lực cường độ cao, hủy diệt một khu vực "theo diện tích" vẫn là trái tim và linh hồn của pháo phản lực BM-21.

    Tên gọi BM-21 viết tắt của “Boyevaya Mashina” nghĩa là xe chiến đấu, còn “M-21” là mã số hệ thống rocket . Grad - biệt danh của loại pháo phản lực này trong tiếng Nga có nghĩa là “dồn dập, tới tấp” đây là từ rất thích hợp để miêu tả hỏa lực kinh khủng của nó.

    Quân đội Liên Xô đã thu được rất nhiều kinh nghiệm từ quá trình sử dụng pháo phản lực BM-13 “Katyusha” nổi tiếng trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Những chiếc xe tải dùng làm khung cơ sở có thể sản xuất với số lượng lớn trong thời gian ngắn và đôi khi bất kì xe bánh lốp nào cũng có thể dùng làm bệ đỡ. Bệ pháo phản lực khi đã cố định trên khung xe cơ sở sẽ nhắm vào khu vực có lính bộ binh địch hoặc xe quân sự không bọc giáp để trút xuống một cơn mưa đạn. Đạn rocket mặc dù không có độ chính xác cao nhưng nó sẽ được bù đắp bằng số lượng lớn cùng lúc giáng xuống mục tiêu.

    “Cơn mưa” rocket từ BM-21
    “Cơn mưa” rocket từ BM-21

    Sau khi chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, quân đội Liên Xô tiếp tục phát triển dòng pháo phản lực cơ động này để tác chiến trong đội hình tăng thiết giáp thọc sâu, phù hợp với học thuyết quân sự của họ. Nguyên bản của BM-21 được phát triển từ đầu những năm 1960 và đi vào biên chế năm 1964. Khi tình báo phương Tây phát hiện mẫu pháo phản lực mới này họ đã định danh cho nó là M-1964.

    Về cơ bản, pháo phản lực Grad bao gồm một xe tải làm khung cơ sở và hệ thống ống phóng rocket. Lúc đầu hệ thống dùng xe tải Ural-375D nhưng về sau, từ năm 1976 xe tải Ural-4320 mới hơn đã được chọn để thay thế. Xe tải Ural nổi tiếng có tính việt dã cao, 6 bánh dẫn động toàn phần đảm bảo cho BM-21 khả năng cơ động tốt nhất có thể. Xe tải Ural-375D sử dụng động cơ xăng V-8 công suất 180 mã lực. Kíp chiến đấu của Grad gồm 4 người nhưng thường có thêm các pháo thủ phụ để quá trình chuẩn bị bắn được tiến hành nhanh hơn.

    BM-21 Grad của quân Nga
    BM-21 Grad của quân Nga

    Trái tim của BM-21 Grad là hệ thống phóng M-21 với 40 ống phóng rocket cỡ 122 mm được đặt thẳng hàng và chia làm 4 tầng ống (4x10 ống). Hệ thống này có thể bắn hết 40 quả đạn trong vòng 20 giây với chế độ bắn theo loạt vài viên hoặc bắn hết cơ số đạn. Pháo thủ có thể điều khiển bắn từ trong cabin xe tải hoặc ở một vị trí bên ngoài xe nếu muốn vì tiếng rít khi rocket bay đi là khá lớn và cũng để đề phòng các rủi ro bất chợt xảy ra.

    Đạn rocket của pháo phản lực BM-21 dài 2,7m có các cánh cân bằng để bay đến khu vực mục tiêu chính xác hơn. Đầu đạn của rocket rất đa dạng với đủ chủng loại từ đạn nổ phá, đạn nổ mảnh sát thương, đạn gây nhiễu sóng, đạn cháy, đạn hóa học, đạn chiếu sáng đến đạn mẹ-con khi nổ sẽ tung ra các đạn nhỏ để chống xe bọc thép hoặc bộ binh. Tầm bắn của BM-21 tùy thuộc loại đạn rocket sử dụng nhưng tầm xa nhất đạt khoảng 32 km. Ngoài ra, đạn của hệ thống Grad còn có thể tích hợp dễ dàng đầu đạn riêng được sản xuất bởi từng quốc gia sử dụng, không giới hạn chỉ mỗi Liên Xô.

    Nạp đạn cho BM-21
    Nạp đạn cho BM-21

    BM-21 Grad có xe tiếp đạn 9T254 chuyên chở theo 60 quả rocket. Tuy vậy, để nạp rocket cho Grad thì pháo thủ phải nạp thủ công từng quả một, ước chừng mất ít nhất 10 phút để nạp đủ 40 quả rocket cho hệ thống.

    Có thể nói BM-21 Grad là loại vũ khí cực kì hiệu quả khi khai hỏa vào mục tiêu “theo diện tích”, chúng đã được Liên Xô sử dụng và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho quân đội Trung Quốc trong giai đoạn tranh chấp lãnh thổ những năm 1960-1970. Một trong những hình ảnh nổi tiếng về pháo phản lực BM-21 Grad gần đây chính là khi Gruzia sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để bắn vào thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia đúng ngày 8/8/2008 khiến cộng đồng thế giới phải đồng loạt lên án.

    BM-21 Grad của khối Warsaw thời chiến tranh Lạnh
    BM-21 Grad của khối Warsaw thời chiến tranh Lạnh

    Pháo phản lực BM-21 Grad được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong đó có các quốc gia như Belarus, Trung Quốc, Séc, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Triều Tiên, Pakistan, Poland, Romania, Ukraine, Nga, Việt Nam, Campuchia, Lào... Binh chủng pháo binh Việt Nam có riêng một lữ đoàn pháo phản lực sử dụng loại BM-21 Grad này bên cạnh việc sử dụng hỗn hợp trong đội hình các đơn vị pháo khác.

    Theo Soha

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ