Quanh năm mưa lũ, người Nhật đã xây dựng hệ thống cống ngầm “khổng lồ” đến khó tin ngay dưới lòng thành phố
Dưới lòng đất một vùng ngoại ô Tokyo (Nhật Bản) có một hệ thống thoát nước “khổng lồ” đến mức khó tin.
Nhật Bản được biết đến là một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó thường xuyên bị động đất và mưa bão. Mỗi khi mưa lớn, các dòng sông tại đây rất dễ bị tràn gây ra tình trạng ngập lụt. Bên cạnh đó, do diện tích nhỏ hẹp nên Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống thoát nước ngầm. Hệ thống này cũng là công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới.
Nằm sâu dưới thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo là một hệ thống cống thoát nước khổng lồ. Công trình kiến trúc này được xây dựng để bảo vệ 13 triệu cư dân của thành phố khỏi mưa lớn và cơn bão nhiệt đới ngày càng khắc nghiệt thường tấn công Nhật Bản.
Tên đầy đủ của công trình này là “Kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị” (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel) nhưng vẫn thường được gọi là G-Cans.
Bản thân công trình kiến trúc này là một tác phẩm kỳ công của kỹ thuật hiện đại. Ý tưởng đằng sau dự án này thực sự khá đơn giản, đó là chuyển hướng tất cả lượng nước mưa từ bão biển, bão nhiệt đới và lũ lụt từ các thành phố, thị trấn xung quanh, đặc biệt là Tokyo ra sông Edogawa. Điều này nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại mà lũ lụt có thể đem lại như phá hủy nhà cửa và các công trình xây dựng quan trọng.
Hệ thống được xây dựng sâu 50m và điều đáng kinh ngạc là Nhật Bản đã phải dành 13 năm để hoàn thành hệ thống trên. Cụ thể, dự án bắt đầu từ năm 1993, sau đó đưa vào hoạt động từ năm 2006 và chính thức hoàn tất mọi thứ vào năm 2009. Tổng kinh phí của dự án lên tới 2 tỷ USD.
Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê-tông với chiều cao 65m và đường kính 32m, đủ rộng để chứa một tàu con thoi. Tất cả các trục này được nối thông với nhau bằng một đường hầm có thiết kế cong, đường kính 10m, dài 6,3km.
Một nhân viên làm việc dưới ngầm hầm G-Cans.
Ở cuối hệ thống, nước sẽ được trữ trong một bể kiểm soát áp lực khổng lồ. Bể này có chức năng giảm áp lực của nước chảy, cũng như kiểm soát dòng nước trong trường hợp chẳng may có một máy bơm bị vỡ. Bể chứa rộng hơn một sân bóng đá với chiều dài 177m, rộng 78m và cao khoảng 22m dưới lòng đất.
Theo thông số thiết kế, hệ thống có khả năng xả 200m3 nước/giây ra sông Edo, tương đương lượng nước đầy trong một bể bơi chuẩn 25m.
Sau khi hệ thống đi vào hoạt động, vào tháng 8/2008, một cơn mưa xối xả đã đổ xuống khu vực này. Lúc đó, nó đã giúp thoát 12 triệu m3 nước ra sông Edo, tương đương lượng nước đầy trong 25.000 bể bơi chuẩn 25m.
Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng “The Temple” (Ngôi Đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.
Nước lũ từ các đường ống dẫn nước của thành phố sẽ chảy qua đường hầm và vào bên trong hầm chứa nước. Khi hầm đầy, nước sẽ di chuyển qua các đường hầm dài để cuối cùng chảy vào “ngôi đền dưới lòng đất” đồ sộ này. Từ đây, 4 tuabin chạy bằng động cơ phản lực sẽ thực hiện nhiệm vụ và bơm nước với công suất 53.000 lít nước mỗi giây ra bên ngoài sông Edogawa.
Ngoài những lợi ích kể trên, hệ thống cống ngầm này cũng được xem là công trình kiến trúc khổng lồ dưới mặt đất với vẻ đẹp kỳ lạ và độc đáo. Chính vì thế, nó đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4