Quốc gia nơi người trẻ coi "giấc ngủ" là thứ xa xỉ bậc nhất, làm việc đến kiệt sức chỉ để trả số nợ khổng lồ

    Thanh Tâm, Thể Thao Văn Hóa 

    Cùng với sự phát triển của xã hội, giới trẻ Hàn Quốc cũng phải đối mặt với vô số áp lực công việc và chi phí sinh hoạt.

    Xuất hiện trong những bộ phim tình cảm dẫn đầu làn sóng hallyu, văn hóa Hàn Quốc cùng cuộc sống của những người trẻ tại đất nước này luôn là một chủ đề được nhiều quan tâm. Tuy nhiên, việc quốc gia này phát triển nhanh chóng cũng khiến cho nhiều người trẻ gặp vô vàn những áp lực trong cuộc sống, từ xuất thân, sự chênh lệch giàu nghèo đến áp lực thành công,...

    Thậm chí, những áp lực này còn khiến cho nhiều người trẻ tại đây không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Họ coi giấc ngủ là một điều xa xỉ và hơn hết, dù có cố gắng làm việc điên cuồng, nhiều người trong số họ vẫn chỉ dùng lương của mình để thanh toán những khoản nợ khổng lồ.

    Quốc gia nơi người trẻ coi "giấc ngủ" là thứ xa xỉ bậc nhất, làm việc đến kiệt sức chỉ để trả số nợ khổng lồ - Ảnh 1.

    Người trẻ đối mặt với nhiều áp lực từ tiêu chuẩn xã hội và nền kinh tế

    "Giấc ngủ" là thứ xa xỉ bậc nhất

    Đối với Kim Yu-ri, một y tá ngoài 30 tuổi có hai con, giấc ngủ từ lâu đã trở thành một thứ xa xỉ. Vừa nuôi con lại vừa đi làm khiến cô khó có thể sắp xếp thời gian cho "một giấc ngủ".

    "Tôi nghĩ ngủ 7 tiếng mỗi đêm là điều tôi thực sự cần, nhưng dường như điều đó không bao giờ là khả thi đối với tôi" - Kim nói.

    Tuy nhiên, việc có con không phải nguyên nhân khiến người phụ nữ này mất ngủ. Theo đó, ngay cả trước khi có con, cô cũng chưa bao giờ ngủ đủ giấc vì công việc của cô đòi hỏi cô làm việc ba ca/ngày. Phần thời gian còn lại, cô phải tham gia các công việc khác.

    Quốc gia nơi người trẻ coi "giấc ngủ" là thứ xa xỉ bậc nhất, làm việc đến kiệt sức chỉ để trả số nợ khổng lồ - Ảnh 2.

    Thiếu ngủ được coi là một dấu hiệu tích cực tại Hàn Quốc

    Không chỉ Yu-ri, nhiều người trẻ Hàn Quốc khác cũng đang sống trong tình trạng không ngủ đủ thời gian cần thiết. Một phần điều này cũng xuất phát từ văn hóa và xã hội nước này.

    Theo đó, tại Hàn Quốc, thiếu ngủ thường không được coi là một điều tiêu cực. Ngược lại, nhiều người thậm chí còn coi việc tăng ca đến đêm hay thiếu ngủ là biểu hiện của sự chăm chỉ, siêng năng trong học tập, làm việc và ý chí cố gắng để đạt được thành công trong tương lai.

    Bên cạnh yếu tố kể trên, Hàn Quốc cũng tạo điều kiện cho người dân của họ có thể đảm bảo mọi sinh hoạt 24/7 với hàng loạt các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống, mua sắm mở cửa muộn. Các quán cà phê ở khắp mọi ngóc ngách cũng là yếu tố quan trọng giúp người trẻ nước này bắt kịp lối sống bận rộn bằng một lượng caffein ổn định mỗi ngày.

    Quốc gia nơi người trẻ coi "giấc ngủ" là thứ xa xỉ bậc nhất, làm việc đến kiệt sức chỉ để trả số nợ khổng lồ - Ảnh 3.

    Việc uống cà phê từ lâu đã trở thành đặc trưng tại quốc gia Đông Á

    Làm việc đến kiệt sức chỉ để trả nợ

    Ngủ ít, uống cà phê mỗi ngày và làm việc điên cuồng, tuy nhiên, nhiều người trẻ lại không có được cuộc sống giàu có như mong ước. Ngược lại, một bộ phận giới trẻ nước này thậm chí còn phải đối mặt với những khoản nợ gấp ba lần thu nhập của mình.

    Các biện pháp đo lường nợ nần khác cũng cho thấy rằng hơn 25% chủ hộ trẻ tuổi đang sử dụng hơn 30% thu nhập của họ để trả nợ. Con số này cho thấy một hiện trạng đáng lo ngại ở người trẻ nước này khi chỉ trong 9 năm trở lại dây, tỷ lệ nói trên đã lên từ 10% lên 25%. 

    Quốc gia nơi người trẻ coi "giấc ngủ" là thứ xa xỉ bậc nhất, làm việc đến kiệt sức chỉ để trả số nợ khổng lồ - Ảnh 4.

    Bộ phim đình đám "Squid Game" phản ánh hiện thực nợ nần tại Hàn Quốc

    Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoản nợ tồn đọng trung bình hàng năm của nhóm này này đã tăng hơn gấp đôi, từ từ 34 triệu won (25.800 USD) vào năm 2012 lên con số 84,5 triệu won vào năm 2021.

    Theo báo cáo, tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc người trẻ tuổi vay tiền để mua nhà hoặc đầu tư vào những tài sản như cổ phiếu hoặc tiền điện tử sau đó suy thoái kinh tế khiến cho những khoản đầu tư bị ảnh hưởng.

    "Suy thoái kinh tế kéo dài sẽ gây ra sự sụt giảm giá trị nắm giữ tài sản hoặc tăng nợ. Điều này có thể khiến thế hệ trẻ đối mặt với mối đe dọa bị gạt ra ngoài lề xã hội, đe dọa phủ bóng đen lên triển vọng của phục hồi kinh tế," - Kwak Yoon-kyung, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nhận định

    Nguồn: Korea Herald

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ