Thị trường băng đĩa: Hàng lậu nhởn nhơ, nhiều vô kể

    PV, Quang Vinh 

    Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ giải trí, khi thiết bị nghe nhìn ngày càng hiện đại và nhu cầu thưởng thức của con người được nâng cao, nhờ vậy mảnh đất sống của đĩa lậu liên tục mở rộng.

    Trong bài trước, chúng tôi đã phản ánh về tình trạng kinh doanh phần mềm lậu tràn lan tại phố Lê Thanh Nghị và một vài con phố khác, còn trong bài này chúng tôi tiếp tục đề cập đến việc in ấn và mua bán công khai băng đĩa, phim ảnh hiện nay.
     
    Tại Hà Nội có tới hàng trăm cửa hàng cho thuê băng đĩa nhạc, phim ảnh và không thể thống kê hết được trong số đó có bao nhiêu nơi kinh doanh đĩa vi phạm bản quyền, hay còn gọi là đĩa lậu. Kể từ khi Việt Nam tham gia công ước Berne năm 2004, tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đã có dấu hiệu giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật.
     
    Rất nhiều cửa hàng kinh doanh băng đĩa ở Hà Nội có bán sản phẩm vi phạm bản quyền.
     
    Theo ghi nhận của Gamek, hầu hết các cửa hàng bán băng đĩa được khảo sát đều có bán phim, nhạc lậu. Hơn nữa, tình trạng này còn phổ biến, và rất công khai.
     
    Tại một cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng, có hàng nghìn đĩa DVD, VCD, CD phim, ca nhạc xếp trên các kệ, và cả trong rổ nhựa bày ra sàn. Một trong những bộ phim mới nhất hiện nay là Hary Potter 7 cũng đã xuất hiện ở đây dưới dạng đĩa DVD.
     
    Trong một cửa hàng khác, ấn phẩm ca nhạc mới nhất của Thúy Nga được ghi trên tờ giấy quảng cáo dán ngoài cửa, bên cạnh đó là một list các phim “hot” nhất. Ngoài ra, đĩa lậu còn được bày bán ở các sạp đĩa ven đường, hoặc theo hình thức “di động” của những người bán rong. 
     
    Harry Potter 7 đã có mặt trên kệ đĩa, dù phim mới ra rạp.
     
    Mức giá chung mà hầu hết các cửa hàng đưa ra là khoảng 15 nghìn đồng/1 DVD, 7-9 nghìn đồng/ 1 VCD, CD. Trong khi đó giá đĩa "xịn" đắt hơn rất nhiều, dao động từ 3 USD cho tới 30 USD/ 1 DVD, đã chứng tỏ rằng đây là các sản phẩm sao chép lậu.
     
    Làm thế nào để nhận diện được đâu là đĩa lậu? Về hình thức, do công nghệ in ấn bao bì đã khá tiến bộ nên bìa đĩa lậu cũng khá bắt mắt, hình ảnh sắc nét. Tuy nhiên nhãn bên trong vẫn in lem nhem, và thường chỉ có 1 màu. Bằng mắt thường khách hàng cũng dễ dàng phân biệt được đâu là hàng “xịn”, đâu là hàng lậu. Ngay cả chất liệụ chế tạo đĩa cũng khá kém, đôi khi vẫn còn những mẩu nhựa thừa.
     
    Một nguy cơ nữa đối với người mua đĩa lậu đó là chất lượng hình ảnh và âm thanh không chuẩn. Đôi khi đầu DVD không thể đọc được, bởi đĩa bị lỗi trong quá trình sản xuất hoặc in ấn.
     
    Đĩa lậu (bên trái) có nhãn xấu và nhòe,
     trong khi đĩa bản quyền (bên phải) có nhãn rất đẹp và bắt mắt.
     
    Anh Nguyễn Hoàng Tùng ở Trương Định, Hoàng Mai cho biết: “Chủ nhật tuần trước tôi có ghé qua một cửa hàng bằng đĩa trên đường Minh Khai mua 2 đĩa DVD phim với giá 30 nghìn đồng. Sau khi về cho vào đầu DVD thì chỉ xem được gần hết 1 đĩa, đĩa còn lại đầu không nhận. Cũng đành chịu mất tiền, vì xét cho cùng mình cũng đã tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng lậu”.
     
    Về độ bền, theo lý thuyết, đĩa DVD xịn có thể dùng trong khoàng 100 năm thì đĩa “rởm” có tuổi thọ không lâu, đôi khi bị hỏng ngay sau vài lần sử dụng. Nếu tính tỷ lệ về số tiền bỏ ra chia cho thời gian sử dụng thì rõ ràng đĩa bản quyền “ăn đứt” đĩa lậu, tuy nhiên hầu hết khách hàng đều chỉ có nhu cầu xem một vài lần mỗi bộ phim nên đã chấp nhận mua đĩa ngoài luồng.
     
    Anh Trần Vũ, một kỹ sư CNTT tâm sự: “Tôi rất thích xem phim nên hay cập nhật các DVD mới ra. Đĩa phim bản quyền, đĩa lậu, đĩa mua ở vỉa hè tôi đều có. Theo kinh nghiệm bản thân, nếu bạn dư dả tiền bạc thì nên đầu tư cho đĩa bản quyền, bởi chất lượng của chúng sẽ được đảm bảo. Nếu là đĩa nhạc thì càng “xịn” càng tốt bởi bạn còn nghe đi nghe lại nhiều lần, âm thanh không chuẩn sẽ rất khó chịu. Đĩa lậu mua ở các cửa hàng luôn có rủi ro bởi chất lượng in sao không đảm bảo, đôi khi theo cách rất thủ công. Xác suất không xem được phim, hoặc chất lượng phim không như ý muốn là khá cao, vì vậy khách hàng nên thử trước khi mua. Chất lượng thấp nhất là các đĩa bán ngoài vỉa hè hoặc hàng rong, bởi phần lớn là đồ rẻ tiền, đôi khi nhãn ghi một nội dung, bên trong lại có nội dung khác”.
     
    Đĩa phim bán theo ... rổ!
     
    Không thể phủ nhận rằng đĩa lậu đã giúp một bộ phận lớn người dân tiếp cận được với các chương trình nghệ thuật, các bộ phim đặc sắc khi mà giá của sản phẩm bản quyền vẫn còn cao. Về khía cạnh nào đó, nó cũng góp một phần rất lớn trong công tác truyền thông và văn hóa, như lời một bạn sinh viên: “Ối dào, cứ về quê sẽ rõ, đến 99% người dân dùng đĩa lậu đấy. Ca nhạc, đám cưới, đám ma vẫn bật ầm ĩ đấy thôi. Người dân quê không đủ tiền để mua đĩa “xịn”, và họ cũng không yêu cầu chất lượng giải trí quá cao, hơn nữa cũng không có để mà mua. Nếu "vắng bóng" đĩa lậu, chắc họ vẫn phải suốt ngày ôm khư khư cái đài nếu muốn nghe dân ca quan họ, hoặc ngồi chờ xem chương trình trên ti vi thôi, đâu có đời sống văn hóa cao như bây giờ”.
     
    Tuy nhiên, việc để đĩa lậu tràn lan công khai cũng gây nên nhiều hệ lụy: tác quyền bị vi phạm, chất lượng sản phẩm thấp nên khách hàng sẽ chịu thiệt thòi, có những sản phẩm bạo lực, đồi trụy không được kiểm duyệt… Vì vậy nên dần dần hạn chế, dẫn tới chấm dứt tình trạng như hiện nay. Để đối phó với nạn hàng lậu như hiện nay, đã có một số cách làm như: phát hành loại đĩa chống sao chép, dám tem đĩa, tăng cường thanh kiểm tra, giảm giá bán đĩa. Có thể nói là nhiều nỗ lực đã được đưa ra, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao và đĩa lậu vẫn còn là một bài toán nan giải.
     
    Trong tương lai, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân, nâng cao chất lượng thưởng thức nghệ thuật cũng như có hỗ trợ để giúp các sản phẩm bản quyền dễ tiếp cận với khách hàng sẽ cần phải chú trọng hơn nữa. Khi đó văn hóa phẩm lậu mới thực sự hết đất sống. Tuy nhiên, đường vẫn còn dài.

    Sau đây là một vài hình ảnh về các cửa hàng băng đĩa lậu công khai ở Hà Nội:
     
    Không khó để tìm thấy một cửa hàng kinh doanh băng đĩa tại Hà Nội.
     
    Dấu hiệu nhận ra chúng là những tấm biển quảng cáo các ấn phẩm mới nhất.
     
    Hoặc chỉ là một tờ giấy khổ lớn in danh sách các đĩa.
     
    Đôi khi có tới vài ba cửa hàng băng đĩa cạnh nhau, và tất nhiên là có bán đĩa lậu.
     
    Đĩa lậu còn có thể mua tại các sạp vỉa hè, hoặc từ những người bán đĩa dạo.
     
    Mỗi cửa hàng có hàng nghìn đĩa phim khác nhau.
     
    Bạn có thể tìm mua những bộ phim hot nhất chỉ sau vài ngày từ khi ra rạp.
     
    Không có chiếc đĩa bản quyền nào trong hàng nghìn tựa phim này.
     
    Khách hàng băn khoăn lựa chọn.
     
    Với 15k, bạn đã có thể sở hữu một DVD bộ phim Hary Potter 7 vừa mới công chiếu.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ