Các triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, đổ mồ hôi, tức ngực, lo lắng và đau cơ.
Trong số hàng nghìn người sống sót sau cơn bùng phát Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu năm ngoái, gần một nửa cho biết họ vẫn có ít nhất một triệu chứng bệnh kéo dài dai dẳng cả năm sau khi được xuất viện.
Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Network Open, tạp chí y tế được xuất bản bởi Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Nghiên cứu dựa trên các theo dõi với 2.433 bệnh nhân là người lớn đã nhập viện tại một trong hai bệnh viện ở Vũ Hán ngay từ đầu khi xảy ra đại dịch. Hầu hết các trường hợp không nặng, nhưng một số nhỏ đã có dấu hiệu chuyển biến nghiêm trọng và cần được chăm sóc đặc biệt. Tất cả các bệnh nhân được xuất viện từ ngày 12/2 đến ngày 10/4 năm 2020. Các bệnh nhân được phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 1/3 đến ngày 20/3/2021.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Kim Ngân Đàm, vào ngày 17/1/2020 ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Nhìn chung, 45% bệnh nhân báo cáo có ít nhất một triệu chứng trong một năm theo dõi đó. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, đổ mồ hôi, tức ngực, lo lắng và đau cơ. Việc từng có chuyển biến bệnh nghiêm trọng làm tăng khả năng xuất hiện các triệu chứng kéo dài, với 54% trong số 680 trường hợp nghiêm trọng báo cáo ít nhất một triệu chứng sau một năm. Nhưng các triệu chứng tồn tại dai dẳng này cũng phổ biến trong số các ca bệnh không nặng, với 41,5% trong số 1.752 trường hợp không nghiêm trọng báo cáo ít nhất một triệu chứng một năm sau đó.
Dữ liệu tương đồng với dữ liệu của các nghiên cứu khác, cho thấy rằng không hiếm những người mắc các trường hợp nhẹ của Covid-19 gặp phải các triệu chứng dai dẳng sau khi khỏi bệnh. Một nghiên cứu nhỏ của Na Uy được công bố bởi Nature Medicine vào tháng 6 năm nay cho thấy 55% trong số 247 bệnh nhân không nhập viện, mắc bệnh nhẹ tới trung bình, có các triệu chứng dai dẳng trong 6 tháng tính từ thời điểm có kết quả xét nghiệm dương tính. Một nghiên cứu ở Anh liên quan đến 273.618 bệnh nhân Covid-19 ghi nhận rằng hơn một nửa số bệnh nhân không nhập viện đã báo cáo các triệu chứng kéo dài trong thời gian theo dõi sáu tháng sau đó.
Khả năng tấn công đa hệ thống của Covid-19
Trong nghiên cứu mới cũng như các nghiên cứu khác trước đó, bệnh trở nặng là một yếu tố nguy cơ đáng kể để có bất kỳ triệu chứng dai dẳng nào, thậm chí có thể hơn ba triệu chứng. Tuổi càng cao và là nữ cũng làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng dai dẳng sau khi khỏi bệnh.
Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế vẫn chưa hiểu đầy đủ tại sao Covid-19 lại gây ra các triệu chứng lâu dài đến như vậy, và tại sao các triệu chứng lại tấn công một số bệnh nhân chứ không phải những người khác.
Một trợ lý y tế tiêm vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech cho sinh viên Trường điều dưỡng UNLV ở Mỹ.
Theo các tác giả của nghiên cứu mới nhất, nguyên nhân của thế là bản chất đa hệ của căn bệnh truyền nhiễm này. "Covid-19 có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, dẫn đến tổn thương cơ quan cấp tính và di chứng lâu dài", họ viết trong báo cáo.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mệt mỏi là triệu chứng dai dẳng phổ biến nhất được xác định. Tình trạng mệt mỏi thường gặp sau chấn thương phổi cấp tính, nhưng cũng có thể là hậu quả của chấn thương đa cơ quan. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng khoảng 4% bệnh nhân vẫn báo cáo hiện tượng tim đập nhanh một năm sau đó, cho thấy căn bệnh có thể gây ra tổn thương lâu dài đối với hệ thống tim mạch. Các biến chứng tim mạch là một nguy cơ đã biết của Covid-19, bao gồm viêm cơ tim.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng có những hạn chế. Nó không có nhóm kiểm soát và các nhà nghiên cứu không thể liên lạc với tất cả những người đã xuất viện trong khoảng thời gian được nghiên cứu. Điều này có thể tạo ra sự sai lệch trong dữ liệu, dựa trên những người có thể hoặc sẵn sàng tham gia vào quá trình theo dõi. Nghiên cứu cũng chỉ xem xét giai đoạn đầu của đại dịch trước khi xuất hiện bất kỳ biến thể nào, và mọi thứ có thể có những tác động lâu dài khác nhau.
Tuy nhiên, những phát hiện phần lớn phù hợp với các nghiên cứu khác. Các tác giả kết luận rằng "kết hợp với nhau, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng hậu quả sức khỏe của Covid-19 vượt xa nhiễm trùng cấp tính."
Tham khảo arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4