Sinh viên Nhật: Vào trường với hai bàn tay trắng, ra trường cùng một núi nợ nần

    PV,  

    Bên cạnh học bổng và việc làm bán thời gian, một sinh viên Đại học Waseda danh tiếng tại Tokyo thường phải vay tới 1.000 USD để trang trải tiền học mỗi tháng, khiến họ ra trường với khoản nợ kếch xù.

    Món nợ khổng lồ trên vai sinh viên và hệ lụy

    Kengo Kyogoku là sinh viên năm hai khoa Truyền thông và kỹ thuật máy tính của trường Đại học Waseda danh tiếng. Tuy nhiên, do cha mẹ không có điều kiện trả học phí nên Kyogoku phải tự kiếm tiền để theo học. Ngoài học bổng và công việc bán thời gian, Kyogoku vẫn thiếu khoảng 122.000 yên, tương đương 1.035 USD/tháng.

    “Đó là số tiền rất lớn. Tôi cảm thấy chán nản và bế tắc khi phải nghĩ về nó. Tôi tự hỏi đến khi nào mình mới có thể trả hết số nợ. Tuy nhiên, tôi vẫn phải vay bởi mình không còn lựa chọn nào khác”, Kyogoku chia sẻ với Bloomberg.

    Gánh nặng nợ nần đè nặng lên vai nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp.
    Gánh nặng nợ nần đè nặng lên vai nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp.

    Những trường hợp như Kyogoku đang ngày càng phổ biến ở Nhật Bản , nơi một nửa số sinh viên đại học phải cầu cứu tới các gói hỗ trợ tài chính. Trong quá khứ, tình trạng sinh viên vay tiền khá hiếm bởi họ xuất thân từ các gia đình trung lưu giàu có và cha mẹ có thể trả khoản tiền học của con. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ hiện nay là nạn nhân của nền kinh tế ì ạch của Nhật Bản nên họ không thể lo lắng cho thế hệ sau.

    Dù các khoản vay theo học ở Nhật Bản chưa là gì so với nước Mỹ nhưng nó vẫn đủ gây hệ lụy cho nền kinh tế quốc gia này. Thứ nhất, nó khiến giới trẻ chịu áp lực lớn từ vấn đề tài chính, những người vốn phải gánh phần lớn hơn về thuế và phúc lợi. Thứ hai, nó là rào cản với sinh viên nghèo, những người lo ngại tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường khiến họ không thể trả nợ. Cuối cùng, nó gây áp lực lên chính phủ trong việc phải tăng học bổng để giúp cho ngành giáo dục có giá cả phải chăng.

    Matthew Goodman, cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nhận định: “Ở Nhật, tôi cảm thấy nhiều sự đau đớn và tuyệt vọng ở giữa những người trẻ tuổi. Khi bạn ngày càng có ít người trẻ, bạn càng phải làm cho từng người trong số họ trở nên tự tin, lạc quan và hiệu quả hơn”.

    Chính phủ Nhật Bản dường như cũng nhận thức rõ vấn đề này. Hôm 22/12, Thủ tướng Shinzo Abe công bố dành 7 tỷ Yên để làm học bổng cho sinh viên, bắt đầu từ tháng 4/2017 nhằm giảm bớt gánh nợ chi phí.

    “Điều kiện kinh tế của gia đình không nên là điều ràng buộc tương lai của các bạn trẻ. Nếu mọi người cùng hỗ trợ cho một đứa trẻ thông qua học bổng, họ sẽ trở thành người làm việc chăm chỉ, đóng thuế tích cực trong tương lai. Đó là khoản đầu tư thực sự cho mai sau”, ông Abe phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hồi tháng 10 nhằm thông qua gói học bổng mới.

    Xã hội đổi thay, bằng đại học mất dần giá trị

    Dân số già đang là vấn đề ngày càng lớn với xã hội Nhật Bản. Theo ước tính, tới năm 2035, nhóm người lớn tuổi phải làm việc sẽ chiếm 20% dân số trong khi trẻ em dưới 15 tuổi chỉ còn 10%. Sau Thế chiến II, hệ thống giáo dục là một trụ cột của nền kinh tế, cung cấp nhân công lành nghề cho các công ty, tập đoàn lớn như Sony và Toyota Motor. Giữa năm 1960 đến 1980, tỷ lệ học sinh 18 tuổi học đại học tăng từ 10% lên 37%.

    Tấm bằng đại học không còn đồng nghĩa với một công việc tốt trọn đời. Sinh viên tốt nghiệp phải canh cánh nỗi lo thất nghiệp.
    Tấm bằng đại học không còn đồng nghĩa với một công việc tốt trọn đời. Sinh viên tốt nghiệp phải canh cánh nỗi lo thất nghiệp.

    Tuy nhiên, hiện nay, có 80% số thanh niên Nhật Bản theo học đại học. Tấm bằng đại học không còn đồng nghĩa với một công việc tốt trọn đời ở một trong những tập đoàn đóng vai trò xương sống cho nền kinh tế Nhật Bản. Thay vào đó, cử nhân ra trường phải mòn mỏi tìm việc và canh cánh nỗi lo thất nghiệp.

    Trong khi đó, phần lớn các sinh viên phải chấp nhận vay tiền để theo học, với lãi suất từ 0 tới 3% tùy thuộc bằng cấp và lãi ngân hàng hiện hành. Trong thập kỷ qua, số sinh viên vay tiền tăng 51%. Nhiều sinh viên không thể trả nợ, buộc phải nộp đơn xin phá sản. Thậm chí, nhiều gia đình tan vỡ, số khác không dám kết hôn và sinh con vì áp lực nợ nần.

    Chính phủ Nhật Bản biết rõ thực trạng này nhưng không thể ngăn chặn bởi chính nó cũng chìm sâu trong nợ nần. Áp lực chuyển xuống vai các trường trong nhiệm vụ giúp đỡ sinh viên hoặc đánh mất những tài năng tốt nhất. Chi tiêu nhiều hơn cho thế hệ trẻ đang là nhu cầu cấp bách nhất với chính phủ Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh những người ở độ tuổi 70 và 80 đang có xu thế tiết kiệm tiền để lo cho tương lai về sau.

    Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày