Smartphone giá rẻ không còn hot ở Trung Quốc và đó là điều Xiaomi và những người bạn nên lo lắng

    Ngocmiz,  

    Bước vào thời kỳ smartphone đã bão hòa, các nhà sản xuất non trẻ nên đi theo hướng nào?

    Theo quan điểm của C.Custer, Tech In Asia.

    Những ngày đầu của thời kỳ bùng nổ smartphone, chỉ cần mang danh là một startup trong lĩnh vực này thôi cũng đã đủ khiến bạn nổi như cồn và bán được máy. Thế nhưng nửa thập kỷ sau, khi thị trường Trung Quốc gần như bão hòa với quá nhiều các hãng điện thoại khác nhau, Xiaomi lại có vẻ như đang phải vật lộn. Và cho dù chuyện này xảy đến một phần cũng vì những quyết định sai lầm của hãng – chẳng hạn như smartphone màn hình lớn vừa ra mắt – thì tôi cũng không hề muốn ở vào vị trí của Xiaomi hay các hãng smartphone khác của Trung Quốc lúc này. Khi xác định chiến lược tiến vào thị trường smartphone, bạn chỉ có 4 hướng đi không mấy hấp dẫn dưới đây:

    1. Sản xuất smartphone giá rẻ chất lượng cao

    Đây chính là chiến lược mà Xiaomi lựa chọn – và có vẻ như nó cũng sẽ là hướng tiếp cận hiển nhiên cho hầu hết các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. Các hãng nhỏ hơn như Meizu, LeEco, Vivo,… cũng đang đi theo hướng này với các smartphone cấu hình ổn trong tầm giá 230 – 380 USD. Dòng máy Max mới ra lò của Xiaomi cũng nằm trong tầm giá 230 – 307 USD tùy theo nhu cầu dung lượng của người mua.

    Thế nhưng chiến lược này đang gặp phải 2 vấn đề lớn. Một là thị trường đã quá tải. Trong phân khúc 230 – 380 USD, trang thương mại điện tử Tmall của Alibaba cho ra kết quả tới 1200 lựa chọn khác nhau. Ngay cả trên trang bán hàng lớn thứ hai Trung Quốc jd.com bạn cũng có thể tìm thấy hơn 1000 máy được chào bán trong tầm giá 150 – 444 USD.

    Kể cả có giả dụ 1000 máy này không hoàn toàn là những dòng khác nhau mà chỉ là những máy cùng dòng có dung những trang bán hàng này cũng chưa có hết tất cả các dòng máy đang được chào bán trên thị trường (chẳng hạn như những dòng chỉ bán độc quyền trên trang của hãng sản xuất). Chính vì vậy mà nếu nhìn tổng quan thị trường, bạn sẽ thấy áp lực cạnh tranh thật sự rất khủng khiếp.

    Vấn đề thứ hai là hứng thú của người tiêu dùng với phân khúc tầm thấp đang cạn dần. Theo Canalys, mức giá mua smartphone trung bình ở Trung Quốc tăng từ 260 lên 319 USD năm vừa qua. Điều này cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển dần lên phân khúc cao hơn, cũng có nghĩa là đánh cược vào canh bạc smartphone giá rẻ hiệu năng cao sẽ không khác gì đi vào bụi rậm.

    2. Đi lên phân khúc cao hơn

    Để tránh kịch bản vừa nêu trên, các nhà sản xuất hẳn là sẽ muốn đi theo hướng thứ hai này. Thế nhưng đi lên phân khúc cao hơn cũng không phải con đường dễ dàng. Thị trường phân khúc cao cũng luôn sẵn những tay chơi nguy hiểm như Apple hay Samsung, chưa kể đến những gã khổng lồ đại lục như Huawei.

    Ngay cả khi các nhà sản xuất mới nổi của Trung Quốc có công khai thách đấu với Apple thì hầu như không mấy ai trong số họ thực sự nỗ lực làm điều đó. Trên thực tế, hầu hết những lời thách đấu Apple này đều được dùng vào mục đích PR thu hút sự chú ý thì đúng hơn. Trong khi đó, tăng giá sản phẩm để cạnh tranh với Apple cũng đồng nghĩa với việc bạn phải cạnh tranh với Apple cả về mặt thương hiệu.

    Cạnh tranh với thương hiệu Apple có lẽ còn khó hơn lên trời bởi ở Trung Quốc, Apple đã từ lâu luôn được gắn mác là một thương hiệu cao cấp. iPhone chính là một biểu tượng smartphone xa xỉ. Và những khách hàng chỉ muốn sở hữu một chiếc smartphone cao cấp rút cục đều chọn Apple, Samsung hay cùng lắm là Huawei – những công ty khổng lồ mà các startup như Xiaomi chắc chắn sẽ phải vật lộn chống chọi.

    Tôi không nói cạnh tranh với những tên tuổi kia là chuyện không thể. Những chiến lược marketing khôn khéo có thể đưa các nhà sản xuất smartphone nhỏ lên tầm cao và chiếm lấy chút thị phần, nhưng nhìn chung con đường này chắc chắn sẽ đầy khó khăn và tốn kém.

    3. Làm gì đó khác biệt

    Chuyện hạ giá thành và tung sản phẩm cấu hình cao không còn giúp bạn nổi lên được nữa. Một hướng đi khác chính là tạo ra sản phẩm “độc” về một số mặt khác.

    Đây là chiến lược hấp dẫn nhất, và có lẽ Xiaomi cũng đang cố bước theo hướng này với smartphone Max mới ra lò. Xiaomi tin rằng kích thước màn hình khổng lồ có thể khiến Max nổi bật giữa đám đông, thế nhưng liệu nhận định này có đúng hay không cũng vẫn phải chờ thời gian mới có câu trả lời được.

    Nếu đi theo hướng này thì các nhà sản xuất mới phải tạo ra thứ gì đó người dùng thực sự muốn. Thế nhưng với một thị trường đang bội thực các tay chơi như hiện nay thì khả năng có thể tạo được ra một chiếc smartphone độc đáo chưa ai nghĩ tới mà nhiều người dùng lại thèm khát là cực kỳ thấp.

    4. Tiến ra thị trường nước ngoài

    Hướng đi cuối cùng là tiến ra khỏi thị trường Trung Quốc, hoặc ít nhất là bớt tập trung quá nhiều vào nó để đánh chiếm các thị trường mới nổi như Ấn Độ với nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Rất nhiều startup sản xuất điện thoại của Trung Quốc, bao gồm cả Xiaomi, Vivo, LeEco hay Meizu đều đã thử chiến lược này, nhưng tất nhiên hướng đi nào rồi cũng đều có thách thức cả.

    Giữa một biển đối thủ cạnh tranh, các startup Trung Quốc cũng đều phải đối mặt với những khó khăn như tìm kiếm nhân tài tại các thị trường mới, đương đầu với những quy định pháp luật khác nhau hay điều phối chuỗi cung ứng bao gồm cả khâu sản xuất, vận chuyển,… Hầu hết các cuộc bành trướng sang nước ngoài đều kéo theo một tá vấn đề mới cũng như việc phải đốt tiền rất lâu trước khi đạt được doanh số mong muốn.

    Nói tóm lại, các startup sản xuất smartphone Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong “núi đá” với những chiến lược tăng trưởng khó nhằn. Tôn chỉ smartphone giá rẻ chất lượng cao nay không còn hiệu nghiệm trong một thị trường bão hòa nơi người dùng đang chuyển dần lên phân khúc cao hơn nữa. Các startup này sẽ còn phải vật lộn rất nhiều trong công cuộc tìm hướng đi riêng.

    Tham khảo Tech In Asia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ