Storm xuất hiện để cản bước thành công của iPhone và Steve Jobs, thế nhưng ham muốn đuổi kịp Apple đã nhấn chìm nó trong thất bại thảm hại, để lại một vết nhơ không thể xóa mờ trong lịch sử BlackBerry.

"Đã có lúc một nhà mạng, bằng cách thay đổi những luật lệ, buộc các nhà mạng khác phải thay đổi luật lệ theo mình. Điều này cho phép Apple thay đổi hoàn toàn kỳ vọng của người dùng. Tính năng thoại trở nên vô nghĩa. Thời lượng pin trở nên vô nghĩa. Giá cả trở nên vô nghĩa. Đó là cái thiên tài của Apple. Chúng tôi buộc phải phản ứng theo một cách khác biệt hoàn toàn với những gì mọi người trông đợi", nhà đồng sáng lập Mike Lazaridis của RIM kể lại về thời điểm BlackBerry chính thức gục ngã trước iPhone.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 1.

Mike Lazaridis vô tình bắt gặp chương trình tường thuật sự kiện ra mắt chiếc iPhone đầu tiên khi đang tập chạy tại nhà vào một buổi sáng đầu tháng 1/2007. Buổi tập của nhà đồng sáng lập kiêm CEO RIM nhanh chóng kết thúc trong sự kinh ngạc.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 2.

"Họ làm thế quái nào vậy? Cái thứ này sẽ làm sập mạng di động mất!", Lazaridis ngỡ ngàng khi đại diện của nhà mạng AT&T lên sân khấu tuyên bố sẽ độc quyền phân phối chiếc iPhone có khả năng tải nhạc, xem video và duyệt web của Apple.

Khi đến trụ sở RIM vào ngày hôm sau, Lazaridis vội vã chia sẻ suy nghĩ của mình với Jim Balsillie, người đã cùng ông đảm nhiệm vị trí CEO trong suốt 15 năm. "Jim, họ vừa mang trình duyệt web đầy đủ lên điện thoại rồi. Các nhà mạng khác đâu có để chúng ta làm vậy".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 3.

Khi ra mắt iPhone, Steve Jobs nhắc lại 2 lần: "iPod, điện thoại và thiết bị liên lạc Internet".

"Rồi sẽ ổn thôi". Với Balsillie, BlackBerry đơn giản là chỉ vừa mất đi một đối tác phân phối.

Cả hai nhà lãnh đạo của RIM chẳng mảy may suy nghĩ đến iPhone trong vòng nhiều tháng sau đó. "iPhone không phải là mối đe dọa đến mảng kinh doanh cốt lõi của RIM", Larry Conlee, cựu COO của RIM nhớ lại.

Ấy vậy mà khi lên kệ vào mùa hè 2007, chiếc iPhone có bàn phím ảo "tệ hại" lại bán được 1 triệu máy chỉ trong vòng 3 tháng. "Xét từ mọi khía cạnh, iPhone phải thất bại. Nhưng sự thật không như vậy", David Yach, cựu CTO của RIM khẳng định. Thành công bước đầu của iPhone là một điều vô lý, không chỉ với RIM mà còn cả với Nokia và Motorola. Đây là một chiếc điện thoại có pin vỏn vẹn 8 giờ đồng hồ, không có kết nối 3G nhưng vẫn đủ sức kéo tụt chất lượng mạng của AT&T. Bằng cách nào đó, Apple đã thay đổi lý do tồn tại của những chiếc smartphone.

RIM giờ đã có thêm một địch thủ rất, rất khó hiểu.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 4.

Mike Lazaridis và Jim Balsillie.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 5.

Từ bé, Mike Lazaridis đã luôn có thú vui "phá tan" các thiết bị điện tử để xem linh kiện bên trong. Văn phòng của nhà sáng lập BlackBerry tại tòa nhà RIM4 thường ngổn ngang những mẩu "xác" điện thoại đối thủ. Thông thường, những ca "phẫu thuật" này sẽ chỉ có một kết quả duy nhất: smartphone nhanh nhất thế giới thuộc về BlackBerry.

Mọi chuyện thay đổi vào mùa hè 2007. "Họ đã nhét máy Mac vào trong cái điện thoại này", Lazaridis suy nghĩ khi vừa "mổ" iPhone. Với chip Samsung 412MHz và 128 MB RAM, iPhone mạnh hơn những chiếc BlackBerry cùng thời tới hàng chục lần.

Và quan trọng nhất, iPhone được cài đặt sẵn một phiên bản đầy đủ của Safari. Nhà sáng lập BlackBerry nhận ra rằng với sự hậu thuẫn của AT&T, Apple sẽ sớm thay đổi cục diện chiến trường di động.

Các nhà mạng, vốn là đối tác phân phối lớn nhất của các nhà sản xuất điện thoại, đã luôn ép buộc RIM mang không trình duyệt lên smartphone BlackBerry vì lo ngại sức ép quá lớn lên hạ tầng di động. Bỗng dưng, iPhone xuất hiện và thay đổi tất cả.

"Nếu cái thứ này thành công thì chúng ta sẽ phải cạnh tranh với Mac chứ không phải là Nokia", Lazaridis nói với các kỹ sư cao cấp tại RIM. Vị CEO của RIM không tin rằng iPhone có thể đe dọa đến thị trường doanh nghiệp của BlackBerry, nhưng sự thật là trong khi BlackBerry có thể tự hào về trải nghiệm email, Apple đang đặt cả Internet vào lòng bàn tay của người dùng.

Một mặt, các vị CEO của RIM lớn tiếng chê bai đối thủ. "Tôi còn chưa thèm động vào cái nào", Balsillie khẳng định với tờ Toronto Star sau khi iPhone lên kệ được vài tuần. Cho đến tận khi Apple đã chiếm được 20% thị phần tại Mỹ, Lazaridis vẫn còn phàn nàn với New York Times: "Gõ phím trên một miếng kính thật là khó đỡ".

Mặt khác, họ tuyên bố với các kỹ sư của mình: "Để BlackBerry có thể tồn tại, chúng ta phải tìm ra lời giải cho tất cả các điểm yếu của iPhone".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 6.

Trên khía cạnh công nghệ, những chiếc BlackBerry phổ thông của RIM hoàn toàn thua kém iPhone.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 7.

Không chỉ riêng các nhà sản xuất điện thoại như RIM, Nokia và Motorola mới là "nạn nhân" của iPhone. Năm 2005, Verizon đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị hợp tác của Steve Jobs. Cũng giống như Lazaridis, lãnh đạo của Verizon đã dự đoán rất chính xác rằng iPhone sẽ tạo ra sức ép khổng lồ lên hệ thống mạng của AT&T. Chẳng sao hết. Một cuộc cách mạng mới đã bắt đầu, và AT&T đang độc quyền chiếc smartphone được thèm muốn nhất.

Verizon cần một vũ khí để chống lại iPhone. Mùa hè 2007, nhà mạng này tìm đến nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới: RIM.

Cuối tháng 8, Mike Lazaridis cắp cặp đến giới thiệu với Verizon và Vodafone (liên doanh của Verizon) về vũ khí sắp ra mắt: BlackBerry Bold. Với công nghệ trackpad thay thế cho trackball trứ danh, Bold là chiếc điện thoại tuyệt vời nhất mà RIM từng tạo ra. Nhưng khi phải đối mặt với chiếc iPhone độc quyền của AT&T, Verizon có lý do gì để quan tâm đến một chiếc điện thoại vẫn đang sử dụng bàn phím vật lý?

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 8.

John Stratton, người sau này sẽ trở thành CEO của Verizon, cũng chính là người quyết định chọn BlackBerry Storm chống lại iPhone.

Nhận thấy rõ rằng Verizon không mảy may quan tâm đến Bold, Lazaridis vội vã chuyển sang kế hoạch B. Một chiếc điện thoại mặt kính lưng màu đen ngà xuất hiện trên phông nền có hình tia chớp. Từ trong túi quần, Lazaridis lôi ra một bản mẫu có tên gọi Storm. "Các nhà sản xuất điện thoại và máy tính đã liên tục nghiên cứu màn hình cảm ứng trong vòng nhiều năm. Không một ai có thể tạo ra được trải nghiệm touch ma thuật như Storm".

Chiếc điện thoại mà Lazaridis vừa giới thiệu là thành quả tuyệt vời của các kỹ sư RIM trong công cuộc "cải tiến" iPhone. Lazaridis lướt tay trên màn hình cảm ứng của Storm như lướt tay trên bàn phím thật. Mỗi khi vị CEO này nhấn tay để gõ phím, toàn bộ màn hình của Storm sẽ click xuống để mô phỏng phản hồi lực như bàn phím vật lý thông thường. RIM đã tìm ra cách kết hợp giữa cảm giác nhấn tuyệt diệu của phím bấm BlackBerry với sức hấp dẫn khó cưỡng của màn hình cảm ứng.

Đây là cách RIM sẽ đánh bại Apple. Khán giả trong phòng nhiệt liệt đồng ý. Lazaridis nhớ lại: "Verizon và Vodafone khẳng định Storm sẽ là cuộc cách mạng mới".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 9.

Không phải vô cớ mà RIM lại chấp nhận phát triển điện thoại cảm ứng, thứ công nghệ luôn bị Lazaridis lớn tiếng chê bai. Với phạm vi phủ sóng sâu rộng, Verizon và Vodafone có thể giúp RIM bán ra hàng triệu chiếc BlackBerry. Đây là cách RIM sẽ đè bẹp cả Apple lẫn Nokia. Quan trọng hơn cả, Verizon đã cam kết sẽ chi 100 triệu USD chi phí phân phối và marketing cho Storm. 

Nhưng để nhận được vinh quang ấy, RIM cũng sẽ phải vượt qua một thử thách bất khả thi: Verizon muốn có Storm trong vòng 9 tháng.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 10.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 11.

Larry Conlee, COO phụ trách phát triển sản phẩm và sản xuất của RIM.

Ngay đến cả Balsillie cũng phải lưỡng lự, nhưng Lazaridis và Conlee thì không. Trở về trụ sở Waterloo, Storm nhanh chóng tạo ra "cơn bão" đầu tiên trong chính nội bộ của RIM.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của một kỹ sư phần cứng BlackBerry vào thời điểm đó và bạn sẽ hiểu vì sao: năm 2008 đang được lên kế hoạch là năm dành cho những chiếc Bold, và thường quá trình phát triển mỗi model BlackBerry sẽ mất khoảng 18 tháng. Bây giờ, các nhà lãnh đạo lại muốn phát triển một chiếc điện thoại cảm ứng trong vòng 9 tháng! Từ trước đến nay, điện thoại BlackBerry luôn nổi tiếng là ổn định vì được phát triển cẩn thận. Không ai nghĩ RIM nên gấp rút hoàn thiện công nghệ cảm ứng xa lạ trong vòng 9 tháng cả.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 12.

David Yach, giám đốc công nghệ của BlackBerry

Đến cả Yach, lúc đó vừa mới nghỉ lễ trở về, cũng phải nói rằng: "Vai trò quan trọng sống còn của Storm không có nghĩa rằng chúng ta có thể phát triển nó nhanh hơn những chiếc BlackBerry trước đây". Nhưng sự phản đối của bất kỳ ai cũng đều là vô nghĩa trước bản hợp đồng 100 triệu USD. Phó tướng Conlee lạnh lùng ra lệnh:

"Các anh là lãnh đạo các bộ phận kỹ thuật của chúng ta. Các anh được trả lương rất xứng đáng. Tôi hy vọng các anh sẽ hoàn thành công việc".

Sau này, Lazaridis hồi tưởng: "Liệu chúng tôi đã gây sức ép quá lớn lên đội ngũ của mình. Có lẽ vậy. Nhưng bạn có thấy công ty nào không làm vậy hay không? Sức ép mà Steve Jobs tạo ra cho nhân viên của ông ta còn lớn hơn bất cứ thứ gì tôi đặt lên vai nhân viên của mình".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 13.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 14.

Ngay từ ban đầu, Storm đã bộc lộ rõ bản chất là một bài toán bất khả thi: màn hình "cảm ứng click" rất khó hoạt động ổn định nếu không được lắp ráp một cách cẩn thận nhất có thể. Trong lúc Conlee liên tục thúc ép các nhà cung ứng linh kiện và các đối tác lắp ráp phải hoàn thành hạn định do RIM đặt ra, Lazaridis cũng liên tục phải từ chối các yêu cầu đẩy lùi ngày ra mắt Storm đến từ chính nội bộ công ty.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 15.

Trụ sở của RIM tại Canada rất gần với Đại học Waterloo.

Trong trụ sở của RIM ngay bên cạnh trường Đại học Waterloo có một căn phòng lớn, nền bê tông, trần chi chít ống nước, dây điện và đèn. Những chiếc BlackBerry được gửi đến đây để "chết" trên sàn nhà bê tông, trong những cánh tay robot hoặc tan chảy trong nhiệt độ nóng bỏng. Chính nhờ những màn tra tấn này, RIM có thể kiểm soát được tỷ lệ đổi trả siêu thấp: 3%.

Nhưng vào mùa hè năm 2008, một chiếc điện thoại BlackBerry lại biến chính đội ngũ đảm bảo chất lượng của RIM thành nạn nhân của những màn công kích. Những mảnh kính của Storm rơi vãi đầy trên sàn nhà trong căn phòng tra tấn, nhưng các kỹ sư phần cứng của RIM lại không chấp nhận sự thật rằng họ đã tạo ra những sản phẩm quá mỏng manh. Theo họ, Storm không thể được kiểm thử như những chiếc BlackBerry truyền thống làm từ nhựa hay kim loại.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 16.

Kết quả, Conlee và Lazaridis chấp thuận cho RIM thuê sinh viên Đại học Waterloo về "tra tấn" Storm. Những cô cậu sinh viên kém may mắn này sẽ dành hàng giờ đồng hồ chỉ để... bấm liên tục vào màn hình điện thoại. Dĩ nhiên, Storm sẽ sống sót qua những đợt kiểm tra như thế.

Những vấn đề khác sẽ sớm xuất hiện. Với thiết kế quá đặc biệt, màn hình click không chỉ tạo ra trải nghiệm khó chịu mà còn rất thiếu ổn định. Ban đầu, Lazaridis tạo ra mô hình phản hồi lực để giải quyết hiện tượng gõ sai ký tự quá phổ biến trên iPhone. Thế nhưng, khi ngón tay của người dùng càng cách xa vị trí trung tâm bàn phím thì Storm càng dễ nhận diện sai ký tự. Apple có thể tự động nhận diện "pens" thành "penis" qua Autocorrect, còn những chiếc Storm đầu tiên không biết sẽ nhận diện "pens" thành cái gì nữa.

Nhân viên của RIM không phải là những người duy nhất nhìn thấy những thiếu sót của Storm. Ngay từ đầu năm 2008, RIM đã "hoàn thiện" những chiếc Storm đầu tiên để gửi tới các khách hàng thân thiết. Một trong số này là Alexander Trewby, CIO và cũng là người đã triển khai hàng nghìn chiếc BlackBerry tại ngân hàng Morgan Stanley. Chiếc Storm đầu tiên gửi tới Trewby sống được vỏn vẹn... 1 giờ, tự động tắt và không bao giờ bật trở lại. Đến khi Trewby nhận được phiên bản Storm không-đột-tử đầu tiên, ông chân thành nhận xét với RIM:

"Với Storm, mọi thứ tạo cảm giác quá cơ học và không tự nhiên. Đây không phải là trải nghiệm cách mạng mới mẻ như iPhone".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 17.

"Sốc" hơn cả lại là thái độ của Lazaridis với Trewby sau khi nhận được những phản hồi này. Tại một sự kiện dành cho khách hàng doanh nghiệp do RIM tổ chức vào tháng 5/2008, nhà sáng lập của RIM liếc nhìn Trewby rồi quay ra nói với cấp dưới "Tôi tưởng chúng ta không cho phép báo chí đến đây tham dự?".

Quá gấp rút chạy theo iPhone, Lazaridis đã chối bỏ sự thật rằng RIM rất có thể đang tạo ra một thảm họa. Nhưng có một sự thật trớ trêu rằng những năm đầu tiên của iPhone cũng lại là những ngày tháng huy hoàng nhất của Nokia và RIM. Kết thúc quý 1/2008, doanh thu tăng 100% so với cùng kỳ 2007. Mỗi ngày có tới 60.000 chiếc BlackBerry được bán ra.

Tháng 3/2008, Barron's lớn tiếng ca ngợi 2 vị CEO của RIM là "những tia sáng phương Bắc chưa được ca ngợi đúng mức" trong danh sách các CEO hàng đầu thế giới. Dĩ nhiên, Steve Jobs cũng có mặt trong danh sách này. Trong chưa đầy một năm, Apple – vốn chưa từng có kinh nghiệm sản xuất điện thoại – đã thu được thị phần 17% tại Mỹ. BlackBerry suy giảm từ 45% đến 40%. Nhưng không ai nghĩ BlackBerry sẽ có ngày lụi tàn: lúc này, trị giá thị trường của RIM đạt 70 tỷ USD.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 18.

Lý do lớn nhất giúp cho RIM trở thành kỳ tích của Canada có lẽ là đức tin của Lazaridis. Là người theo Giáo Phái Khoa học Cơ Đốc, Lazaridis tin rằng với lý trí đủ mạnh, con người sẽ tự làm chủ số phận của họ. RIM sẽ chẳng bao giờ trở thành cái gì nếu như Lazaridis, Balsillie và tất cả các nhân viên khác không đủ nghị lực để đi qua vô số những thử thách chết người của thị trường điện tử người tiêu dùng lúc nào cũng biến động không ngừng.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 19.

Niềm tin ấy khiến Lazaridis thực sự tin tưởng rằng RIM có thể hoàn thành Storm trong vòng 9 tháng. Đáng tiếc rằng không phải lúc nào niềm tin cũng trở thành hiện thực. Các bản mẫu Storm được Verizon thông qua ban đầu đã được các chuyên gia của RIM cân chỉnh hết sức cẩn thận và hoạt động một cách hoàn hảo. Đến giai đoạn sản xuất hàng loạt tại Mexico và Châu Âu, những mẫu Storm đầu tiên rời nhà máy lại được phát hiện có tỷ lệ lỗi đột tử quá cao.

Thời điểm 9 tháng trôi qua, các vấn đề nghiêm trọng tiếp tục diễn ra khi những hạn định mới được đặt ra rồi phá bỏ. Nếu như BlackBerry không thể hoàn thành chu trình trước mùa mua sắm cuối năm, Verizon rất có thể sẽ hủy bỏ hợp đồng. Suy nghĩ đắn đo, Lazaridis, Balsillie, Conlee và các vị lãnh đạo khác đồng tình rằng RIM nên phát hành những chiếc Storm gặp lỗi hơn là không có gì để xuất xưởng.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 20.

Hàng dài những người đứng đợi mua BlackBerry Storm.

Cuối cùng thì Storm cũng kịp phát hành ngay trước thềm ngày lễ mua sắm Black Friday 28/11/2008. Verizon và Vodafone đều đã kiểm thử sản phẩm, nhưng RIM hiểu rằng những chiếc Storm bán ra gần như chắc chắn đều gặp lỗi. Sau hàng năm trời gõ phím vật lý trên BlackBerry, Balsillie cảm thấy "sốc" về tốc độ phản hồi quá chậm của màn-hình-click trên Storm.

Nội bộ của RIM lúc này rối loạn hơn bao giờ hết. Khủng hoảng trước sức ép, nhiều nhân viên đặt biệt danh cho chiếc smartphone mới: "Sh*t Storm" (Bão Phân).

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 21.

Diễn viên hài nổi tiếng người Anh, Stephen Fry, một fan "cứng" của BlackBerry.

Phản hồi của báo giới không nằm ngoài dự đoán của bất cứ ai. 2 ngày sau khi Storm lên kệ, New York Times đưa ra một kết luận có lẽ sẽ được nhiều nhân viên RIM đồng tình: "Tại sao cái thứ này lại có thể lên kệ được? Ở RIM không có ai dám ngừng dự án này à?".

Còn với Stephen Fry, diễn viên nổi tiếng người Anh và cũng là một fan của Bold, trải nghiệm gõ email trên Storm chẳng khác gì "con hươu cố mở hộp thuốc lá". Ông ví: "Giống như mẫu xe Edsel, BlackBerry Storm là một sản phẩm bốc mùi từ đầu tới chân".

Vào thời điểm năm 2007, người ta vẫn chưa có những phương tiện hữu hiệu để "ném đá" nhau như Twitter và Facebook. Những phản hồi như của New York Times hay Stephen Fry là cực kỳ hiếm gặp và cũng rất khó tin. Khi câu nói của Fry được lưu truyền rộng rãi, đài BBC còn đặt ra câu hỏi "Liệu Fry có đang nỗ lực hủy hoại danh tiếng của BlackBerry hay không?".

Fry trả lời: "Thật sự là hãy thử dùng Storm trong vòng 2 ngày như tôi và bạn sẽ khâm phục tôi vì đã kiên nhẫn không ném nó ra cửa sổ".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 22.

Bất chấp những bài viết cay độc của báo giới, RIM lúc này vẫn đang sở hữu lòng tin bất diệt của các fan trung thành. Học theo cách AT&T bán iPhone, Verizon tung ra khoản chiết khấu "khủng" cho phép mua Storm với giá chỉ 200 USD kèm hợp đồng mạng 2 năm. Kết hợp giữa mức giá hấp dẫn và danh tiếng của BlackBerry, chỉ trong vòng hơn 1 tháng cuối năm 2008 RIM đã bán ra được 1 triệu mẫu Storm.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 23.

Ít ai nhớ rằng người ta đã từng "cuồng" BlackBerry như iPhone.

"Chúng tôi không thể đáp ứng kịp nhu cầu của người mua", Lazaridis khẳng định. Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Balsillie cho biết mỗi tuần RIM phải đạt được mục tiêu xuất xưởng 250.000 chiếc.

Một chút hy vọng trở lại với RIM.

Đến khi họp doanh số với Verizon vào đầu năm 2009, Balsillie hiểu rõ ràng rằng niềm hy vọng đó đã bị dập tắt. Người mua đã mang đổi hoặc trả gần như toàn bộ 1 triệu mẫu Storm bán ra. Đến cả sản phẩm được đổi cũng bị mang trả, và John Stratton muốn RIM chịu trách nhiệm cho toàn bộ khoản thiệt hại 500 triệu USD do Storm gây ra.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 24.

Mối quan hệ của BlackBerry và Verizon đã bị hư hại vĩnh viễn.

"Tôi không thể viết một cái séc 500 triệu USD được", Balsillie từ chối. Phương án của RIM là bồi thường cho Verizon bằng một chương trình sửa chữa và một kho hàng BlackBerry miễn phí. Trong cuộc đấu với đối tác, RIM sẽ luôn ở thế thắng: hợp đồng Verizon đã ký với BlackBerry buộc nhà mạng này phải mua toàn bộ số lượng đã thỏa thuận. Không còn cách nào khác, Stratton buộc phải chấp nhận đề nghị của Balsillie.

"Thắng Verizon" nhưng RIM cũng chẳng vui vẻ gì. "Tôi đã từng nghĩ chúng tôi có đủ khả năng ra mắt Storm. Tôi đã sai. Tất cả mọi người đều xấu hổ", Conlee kể lại. Một vị COO khác của RIM là Don Morrison cho biết Storm đã "phá nát giá trị cốt lõi của BlackBerry".

Đây là lần đầu tiên kể BlackBerry ra mắt một sản phẩm thất bại đến vậy. Ngay trong cơ hội tận dụng thành công của Apple, RIM đã khiến cho ngay cả các fan trung thành nhất phải thất vọng. Nhắc đến Black Berry là nhắc đến những chiếc điện thoại mới lạ, ổn định đáng khen ngợi. Giờ đây, RIM không những phải copy iPhone mà còn chẳng thể đảm bảo chất lượng cho người dùng.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 25.

Chỉ riêng Lazaridis coi Storm là thành công của RIM. Với nhà sáng lập này, chiếc smartphone cảm ứng đầu tiên của RIM, là mẫu smartphone Verizon đầu tiên có 3G nhưng đã vượt mặt iPhone về chất lượng camera hay thời lượng pin. Trên tất cả, Storm có màn hình cảm ứng có thể nhấn được. Mãi đến sau này, Lazaridis vẫn không hiểu được vì sao người hâm mộ lại không thích cảm giác gõ tuyệt hảo trên Storm.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 26.

Trong cái nhìn của nhà sáng lập RIM, lỗi lớn nhất thuộc về CTO David Yach, thuộc về 2 vị COO Conlee và Morrison. Lazaridis sẽ tiếp tục tạo ra chiếc Storm 2 và kiên quyết duy trì thiết kế "màn hình click" cho đến tận năm 2010, khi không còn một nhà mạng nào muốn hợp tác với BlackBerry nữa.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 27.

Bi kịch của Lazaridis là bi kịch của niềm tin. Mãi cho tới tận khi Android được hoàn thiện trên những chiếc Samsung Galaxy, Lazaridis vẫn tin rằng 4 thế mạnh cốt lõi của BlackBerry – pin tốt, băng thông tiết kiệm, bảo mật và bàn phím tuyệt hảo – vẫn sẽ tiếp tục thống trị trong thế giới "smartphone". Ông không hiểu vì sao người dùng iPhone lại sẵn lòng mang sạc điện thoại theo người. Đúng như dự đoán của ông, điện thoại Apple đã đánh sập mạng di động của AT&T.

Nhưng tất cả những điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Dưới sự hậu thuẫn của AT&T, Apple đã thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chơi di động. RIM buộc phải theo sau.

Balsillie cũng không hiểu được điều đó. Hàng năm trời, vị CEO này đã nỗ lực thuyết phục các nhà mạng cho RIM đưa trình duyệt lên điện thoại và bán ứng dụng đến người dùng. Thế rồi iPhone xuất hiện và làm nghẽn mạng, App Store ra mắt mà AT&T không được nửa đồng lợi nhuận.

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 28.

Sau Storm, BlackBerry tiếp tục trượt dài với những thất bại khác.

Khủng hoảng của RIM lúc này là khủng hoảng niềm tin. Thế mạnh truyền thống của BlackBerry đã bị đẩy vào dĩ vãng, con đường đến tương lai vẫn còn mù mờ. RIM nên tiếp tục tập trung vào bàn phím hay nên chuyển hẳn sang cảm ứng đa điểm? RIM nên tập trung vào phân khúc cao cấp như Apple hay là nên đẩy mạnh các sản phẩm cấp thấp như Curve và Gemini tại các thị trường iPhone chưa đặt chân tới? RIM nên tiếp tục giữ BBOS làm của riêng hay là mở hệ điều hành của mình cho các hãng khác?

Mỗi câu hỏi đều làm Balsillie đau đầu suy nghĩ, nhưng ông không thể tìm ra lời giải cho đến tận khi cùng Lazaridis từ nhiệm vào năm 2012. "Thất bại của Storm đã làm rõ sự thật hiển hiện rằng chúng tôi không còn là thế lực thống trị smartphone. Chúng tôi không biết mình là ai vì chúng tôi không thể tiếp tục là RIM trước đây... Chúng tôi không biết phải làm cái gì nữa".

[Magazine] Số phận bi thảm của BlackBerry Storm - kẻ muốn thách thức iPhone - Ảnh 29.

Lê Hoàng
Quỳnh., Hoàng Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ07/10/2016