Tại sao thông minh không đồng nghĩa với thành công và giàu có?

    Neo,  

    Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy tính cách có ảnh hưởng lớn tới mức độ thành công của một con người nhiều hơn IQ.

    Thành công của một đứa trẻ trong tương lai được quyết định bao nhiêu phần trăm bởi trí tuệ bẩm sinh? Câu hỏi này được nhà kinh tế học James Heckman đặt ra với nhiều người không làm trong lĩnh vực khoa học, trong số đó có nhiều chính trị gia và những nhà hoạch định chính sách. Hầu hết mọi người đều đoán rằng khoảng 25 tới 50%. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, con số này nhỏ hơn nhiều, chỉ khoảng 1 tới 2%.

    Vậy nếu IQ chỉ là một yếu tố nhỏ ảnh hưởng tới khả năng thành công thì đâu sẽ là khác biệt chính giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp? Hoặc nói cách khác: Tại sao có một số người không giàu dù rất thông minh?

    Các nhà khoa học chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này và may mắn đôi khi cũng có tác động. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mà Heckman là đồng tác giả đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science, tính cách mới là chìa khóa dẫn tới thành công. Ông phát hiện ra rằng những người có thu nhập cao thường rất tận tâm, tính cách đặc trưng bởi sự chăm chỉ, kiên nhẫn và tính kỷ luật.

    Để có được kết luận này, nhóm của Heckman đã thu thập và nghiên cứu 4 bộ dữ liệu khác nhau gồm điểm IQ, kết quả các bài kiểm tra, điểm số ở trường và các đánh giá về tính cách. Những cuộc khảo sát được tiến hành trên hàng nghìn người ở Anh, Mỹ và Hà Lan. Một số bộ dữ liệu còn theo dõi người tham gia khảo sát trong nhiều thập kỷ và ghi lại tất cả các thông số như thu nhập, hồ sơ phạm tội, chỉ số BMI và mức độ hài lòng với cuộc sống.

    Nghiên cứu của Heckman chỉ ra rằng điểm số ở trường và các kết quả khảo sát còn dự báo chính xác hơn về mức độ thành công trong tương lai của một người so với điểm IQ. Heckman cho rằng điểm số không phản ánh trí tuệ bẩm sinh mà còn thể hiện các kỹ năng phi nhận thức như mức độ kiên nhẫn, thói quen học tập tích cực và khả năng cộng tác hay nói cách khác là sự tận tâm. Điều này cũng đúng với kết quả của các khảo sát, tính cách của con người ảnh hưởng nhiều hơn tới thành công.

    Heckman, người đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2000 và là người sáng lập ra Trung tâm Kinh tế học về Phát triển Con người của Đại học Chicago, tin rằng thành công không chỉ nhờ khả năng bẩm sinh mà còn nhờ các kỹ năng có thể được dạy sau này. Nghiên cứu của riêng ông cho thấy việc dạy dỗ trẻ em ngay từ nhỏ rất hữu ích và sự tận tâm dễ đào tạo hơn nhiều so với IQ. Sự cởi mở, một đặc điểm khá rộng bao gồm cả tính tò mò, cũng có liên quan tới điểm số trên lớp và kết quả các bài khảo sát.

    Tất nhiên, IQ vẫn có chút liên quan tới khả năng thành công của một người. Ví dụ, một người có chỉ số IQ 70 sẽ không thể làm được những điều mà người có IQ 190 coi là dễ dàng. Nhưng theo Heckman, một số người không thể làm được việc bởi họ thiếu các kỹ năng không thể đo đếm được bằng các bài kiểm tra trí tuệ. Họ không biết cách cư xử lịch thiệp trong các buổi phỏng vấn, họ có thể đến muộn hoặc ăn mặc không phù hợp... Hoặc trong công việc họ không bao giờ làm nhiều hơn yêu cầu tối thiểu.

    John Eric Humphries, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ rằng công việc của họ có thể giúp làm sáng tỏ khái niệm phức tạp và thường xuyên bị hiểu lầm về khả năng của con người. Ngay cả các bài kiểm tra IQ, được thiết kế để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề bẩm sinh, cũng không chỉ tính toán mức độ thông minh. Trong một nghiên cứu năm 2011, Angela Duckworth – nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cũng tìm ra điểm IQ còn phản ánh nỗ lực của con người. Do vậy, những người chăm chỉ, có động lực lớn sẽ cần mẫn giải các câu hỏi khó hơn là những người trí tuệ tương đương nhưng lười.

    Dù vậy, uốn nắn nhân cách hoặc các tính cách tại trường học không phải là điều dễ dàng. Chẳng ai dám khẳng định rằng càng nhiều tính cách tốt thì cuộc sống của chúng ta càng dễ dàng và thành công hơn. Chỉ số IQ thì rõ ràng là càng cao càng tốt, tậm tâm cũng vậy. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu những tính cách khác chỉ nên ở mức vừa phải. Bạn sẽ không muốn mình hướng nội tới nỗi chẳng nói chuyện với ai hoặc hướng ngoại tới mức không thể yên lặng và lắng nghe người khác.

    Nghiên cứu này có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế? "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là cải thiện mức sống của con người", Heckman nói và yếu tố quan trọng tác động đến mức sống của một cá nhân chính là kỹ năng. Khi có các kỹ năng cần thiết, các cá nhân sẽ có mức sống tốt hơn, từ đó cả xã hội cũng sẽ phát triển theo xu hướng tốt hơn.

    Theo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ