Tencent: cả thế giới cần hàng triệu kỹ sư AI, nhưng hiện chỉ có 300.000 người trên toàn cầu

    Tấn Minh,  

    Các tài năng trên lĩnh vực AI hiện vô cùng khan hiếm, mà theo Tencent thì chỉ có 300.000 nhà nghiên cứu và phát triển AI trên toàn cầu, trong khi nhu cầu thị trường lại lên đến hàng triệu.

    Kết quả khảo sát này của Tencent mặc dù có tính chất suy đoán cao, và bản thân nó cũng chưa nêu rõ về việc làm thế nào mà Tencent thu được những thông tin như vậy, nhưng khi đặt cạnh những bản báo cáo khác, chúng ta vẫn thấy được một bức tranh khá rõ ràng.

    Trên toàn thế giới, những ông lớn công nghệ đã và vẫn đang tiếp tục than phiền về những khó khăn trong việc tìm kiếm các kỹ sư AI và mức lương cao không tưởng của họ đơn giản bởi cung không đủ cầu. Ở thời điểm hiện nay, nếu bạn là một kỹ sư AI, bạn có thể dễ dàng có được mức lương cơ bản vào khoảng 300.000 - 500.000 USD mỗi năm mà chỉ cần một vài năm kinh nghiệm. Nếu bạn là một chuyên gia với những kỹ năng cao cấp, con số này có thể lên đến hàng triệu. Theo một phòng thí nghiệm độc lập về AI, cả thế giới chỉ có khoảng 10.000 người sở hữu những kỹ năng cần thiết để giải quyết những dự án mới phức tạp trên lĩnh vực AI.

    Bản kết quả khảo sát này của Tencent, có tên gọi "2017 Global AI Talent White Paper", nêu ra rằng nguyên nhân chính của sự thiếu hụt này nằm ở khâu giáo dục. Tencent ước tính trong 300.000 kỹ sư AI nêu trên, chỉ có 200.000 người đang làm công tác nghiên cứu trong các công ty tại nhiều ngành công nghiệp khác nhau (kể cả ngành IT), trong khi 100.000 người còn lại vẫn đang trong giai đoạn học tập. Trong những năm qua, số học viên tham gia các khoá học về học máy (machine learning) và AI đã tăng đột biến, bao gồm cả các khoá học trực tuyến; tuy nhiên cho dù họ có hoàn thành việc học thì tình trạng thiếu hụt nhân lực này vẫn sẽ chưa được giải quyết.

    Đáng chú ý, bên cạnh việc nêu lên tình trạng thiếu hụt nhân lực, bản kết quả này cũng dự đoán về cuộc chạy đua nhằm phát triển và triển khai AI trên toàn cầu. Đây là một đề tài phổ biến trong nhiều tháng qua, khi các chuyên gia tại Mỹ đã cảnh báo rằng Mỹ đang tụt lại đằng sau các đối thủ như Trung Quốc trong cuộc chạy đua AI toàn cầu.

    Tencent xác định rằng Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh là những "tay chơi" trọng yếu trong cuộc chạy đua này, cùng với các đối thủ tiềm năng khác là Israel và Canada. Canada có một nền giáo dục cực mạnh (và đã thu hút nhiều công ty lớn lập nên các phòng thí nghiệm tại nước này), Anh thì hiện có ưu thế nhất trong lĩnh vực đạo đức và pháp lý của AI, còn Nhật thì thống lĩnh trong lĩnh vực robot.

    Tuy nhiên, trong số các "tay chơi", Mỹ mới là nước sở hữu nhiều nhân tài nhất, với số lượng trường Đại học đang giảng dạy bộ môn học máy (machine learning) và các môn học khác có liên quan nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Số lượng startup trên lĩnh vực AI của Mỹ cũng rất nhiều, hơn 1.000 trong tổng số 2.600 startup trên toàn thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 600 mà thôi.

    Tencent không đưa ra bất kỳ dự báo nào về việc quốc gia nào sẽ chiếm vị trí thống lĩnh trên lĩnh vực AI trong các thập kỷ đến, nhưng nhấn mạnh rằng Chính phủ Trung Quốc với những chính sách của mình, đang có tham vọng trở thành "vị vua AI thế giới" vào năm 2030 - một mục tiêu mà rất nhiều người cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được.

    Tham khảo: TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ